Thầy giáo viết chữ bằng miệng với nguyện ước được hiến tạng
Thấy sức khỏe ngày càng yếu dần, thầy giáo Phùng Văn Trường mong muốn được hiến thân xác cho y học để những bộ phận còn khỏe mạnh của mình một lần nữa hồi sinh trên cơ thể của người khác.
Hành trình “viết cuộc đời” bằng miệng
Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn lên, tay chân anh Phùng Văn Trường (sn 1979, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) càng co quắp, yếu dần và không thể tự đi lại được. Căn bệnh thoái hóa cơ tiến triển đã khiến anh phải trải qua một tuổi thơ không hề dễ dàng.
Năm lớp 8, Trường buộc phải dừng việc học vì không thể cầm bút do hai tay co cứng. Từ đó, cuộc đời anh chỉ xoay quanh bốn bức tường. Trường luôn cảm thấy tủi phận với các bạn cùng trang lứa và khao khát có một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh để học cao hơn.
Chân dung anh Phùng Văn Trường – Ảnh: Thùy Ngân – Ngọc Linh
Khi tay không thể cầm bút, bàn chân cũng bị liệt, anh Trường kiên trì dùng miệng của mình để luyện chữ. Nhiều hôm, bút đâm thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy cả máu nhưng Trường chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.
Sau thời gian dài luyện tập, Trường học được cách dùng hàm là điểm tựa, dùng răng cửa là ngón tay, dùng cổ để đưa những nét bút lên xuống. Nhìn những nét chữ bay bổng, điêu luyện của anh, không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng.
Anh Trường dùng miệng để viết chữ – Ảnh: Thùy Ngân – Ngọc Linh
Lớp học tình cờ, thư viện miễn phí
Không chỉ tự “viết” lên cuộc đời mình, chàng trai trẻ còn trở thành người thầy truyền cảm hứng, mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em nghèo.
Ban đầu, Trường chỉ nhận dạy kèm miễn phí cho mấy đứa cháu họ để chúng bớt ham chơi. Sau này, bố mẹ tụi trẻ nhờ ngày càng nhiều, lớp học của Trường trở nên đông đúc dần.
Lớp học đặc biệt của thầy giáo Trường – Ảnh: Thùy Ngân – Ngọc Linh
Lớp học đặc biệt ấy không có bảng đen, phấn trắng như những lớp học bình thường khác. Nhưng chỉ ở đây mới có một người thầy đầy tâm huyết, đầy tình yêu thương dành cho đám học trò. Những nét chữ đẹp, điêu luyện và chính xác từng ly được viết nên từ người thầy tật nguyền chính là động lực để những đứa trẻ cố gắng.
Gần 10 năm qua, lớp học miễn phí của anh lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ đánh vần và làm các phép toán. Tiếng ríu rít của bọn trẻ sau giờ tan trường là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà anh có.
Ngoài dạy học, anh Trường còn kết hợp với dự án thư viện cộng đồng Hallo World – Tủ sách ước mơ tại ngôi nhà của mình để các em nhỏ có để đọc, mượn sách miễn phí mỗi ngày. Với hơn 3000 đầu sách từ giáo khoa, khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh mà thư viện đang có, anh hy vọng có thể gieo tình yêu sách đến với vùng quê nghèo nơi đây.
Thư viện sách miễn phí của anh Trường – Ảnh: Thùy Ngân – Ngọc Linh
Sống là cho, chết cũng là cho
Anh Trường tâm niệm, con người ta sống trên đời phải tu hạnh bố thí, không nên để phí những gì có thể cống hiến cho đời. Bởi cho đi là còn mãi mãi, cuộc sống vô thường biết đâu hôm nay còn ngồi đây nhưng ngày mai kia đã rời xa rồi.
Bởi thế, khi thấy sức khỏe giảm sút đi nhiều, không thể tự lên xuống xe lăn, dạy học đều đặn như trước nữa, Trường luôn đau đáu một ước nguyện cuối cùng là được hiến tạng cho y học, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn khác.
“Chuyện hiến tạng vốn là ước nguyện của tôi. Nếu như một người nào đó quanh năm sống trong bóng tối, nhờ có tôi mà họ nhìn được thì tôi ra đi còn một chút ý nghĩa cho đời”, anh Trường chia sẻ.
Anh Trường luôn mong mình là tấm gương sáng cho con trai – Ảnh: Thùy Ngân – Ngọc Linh
Hơn thế, anh còn mong muốn mình sẽ là người tiên phong để phong trào hiến tạng ở quê hương anh phát triển. “Thân mình là giả tạo, giống như cái áo, rách thì phải thay. Nhưng những phần nguyên vẹn còn sót lại trên chiếc áo đó còn có thể vá lại cho chiếc áo khác hoàn hảo hơn thì nên làm.”, Trường nói thêm. Đó cũng là cách mà anh muốn cảm ơn đến cuộc đời đã cho anh được sống mạnh mẽ.
Ông trời không lấy đi của ai tất cả, tuy chân tay anh yếu nhưng bù lại anh có cái đầu minh mẫn. Đến bây giờ, anh thật sự mãn nguyện vì có một người vợ lành lặn, nhân hậu, biết hy sinh và một cậu con trai 6 tuổi khôi ngô, biết nghe lời.
Cuộc đời gắn liền với xe lăn, việc di chuyển của anh Trường vô cùng khó khăn. Chính vì thế, anh mong muốn có thể kết nối được với các trung tâm hiến tạng sớm nhất để hoàn thành ước nguyện của mình.
Thùy Ngân – Ngọc Linh
Theo vietnamnet
Từ thầy giáo Nguyễn Nhật Ánh đến nhà văn tuổi học trò
Bạn đọc biết một Nguyễn Nhật Ánh nhà văn nhưng trước khi cầm bút anh là người cầm phấn, thầy giáo Ánh.
Đọc Mây trắng bay qua bục giảng mới biết thêm một nhà báo, thầy giáo Nguyễn Nhật Ánh.
Gắn liền những tác phẩm viết cho tuổi học trò, trong đó có Bàn có năm chỗ ngồi cũng từ những năm tháng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trực tiếp dạy học.
Dù quãng thời gian đi dạy của ông khá ngắn ngủi, chỉ hai năm nhưng hai năm ấy có quá nhiều điều để nhớ. Chính ký ức trong khoảng thời gian dạy học tại Trường Bình Tây ở quận 6 (1984-1986) mà tác phẩm Bàn có năm chỗ ngồi của ông ra đời.
Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo thì Nguyễn Nhật Ánh là một thầy giáo.
Trong Ký ức làm thầy nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã kể về sự ra đời của tác phẩm Bàn có năm chỗ ngồi: "Tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng do thời thế đưa đẩy, tôi chỉ dạy học được có hai năm. Nhưng đó là hai năm có quá nhiều điều để nhớ và một trong những tác phẩm tái hiện một cách sinh động, đầy đủ những tháng ngày dạy học của tôi là truyện dài Bàn có năm chỗ ngồi.
Tác phẩm này được NXB Kim Đồng ấn hành năm 1987 nhưng tôi viết nó vào năm 1985, lúc tôi còn là một thầy giáo... Những gương mặt học trò sạm đen vì nắng gió đó bây giờ đã trưởng thành, đã làm cha làm mẹ nhưng hình ảnh các em đã in sâu vào ký ức tôi và đã đi vào trong từng trang sách như những kỷ niệm đẹp đẽ".
Ngoài thầy giáo Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta nghe tâm sự về nghề giáo của 26 người trong 26 câu chuyện mới biết họ cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình.
GS-TS Huỳnh Như Phương: "Nghề dạy học là một nghề khiêm tốn", vì kiến thức mình truyền dạy cho học trò không phải của một mình mình mà nó là sự tổng hợp tri kiến của nhân loại, của những người đi trước mình. Và sự thận trọng khi truyền đạt kiến thức cho học trò là hết sức cần thiết, người giảng viên phải gạn lọc kỹ càng, đâu là điều đúng, đâu là điều cần nói.
Với nhà giáo, nhà văn Nhật Chiêu, những năm tháng miệt mài trên giảng đường là hành trình tìm tòi không ngưng nghỉ với khao khát mang lại nhiều bộ môn mới và cần thiết cho sinh viên cũng như nền học thuật nước nhà. Và được giới thiệu những tác phẩm văn học mới đến với độc giả Việt Nam là niềm vui của thầy Nhật Chiêu.
Mây trắng bay qua bục giảng (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM) là một trong bảy cuốn sách được Công ty CP Văn hóa Huyền Đức giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2019) và là món quà rất ý nghĩa để học trò mua tặng thầy cô.
Mây trắng bay qua bục giảng là tập hợp 27 câu chuyện đến từ 27 người thầy giáo, cô giáo, đồng thời họ cũng là những tác giả viết văn, làm thơ. 27 câu chuyện, hay nói đúng hơn là 27 sự trải lòng của những người giáo viên cũng như tâm huyết của họ đối với nghề.
Mây trắng bay qua bục giảng như là lời bộc bạch thân tình của mỗi thầy cô đồng thời cũng một lần trao cơ hội cho những ai đã từng là học trò, thấu hiểu và cảm thông hơn đối với những thầy cô của mình.
N.TÝ
Theo PLO
Đình chỉ công tác thầy giáo sờ đùi, vuốt tóc học sinh lớp 7 trong giờ Tin học ở Sài Gòn Sau khi xác minh vụ việc, thầy giáo Đ. đã bị tạm đình chỉ công tác vì có hành vi sàm sỡ một học sinh lớp 7 trong giờ Tin học. Ngày 17/11, đại diện Nhà thiếu nhi TP HCM cho biết, đã tạm thời đình chỉ công tác đối với thầy giáo được cho là có những hành vi sàm sỡ với...