Thầy giáo làng ‘truyền lửa’ tình yêu Hoàng Sa cho học sinh
32 năm đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Văn Vàng ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã sưu tầm nhiều tư liệu quý và truyền cho học sinh niềm tự hào lịch sử dân tộc, ý thức về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Vừa trở về từ huyện đảo Lý Sơn, thầy giáo môn Lịch sử của trường THCS Đức Chánh (huyện Mộ Đức) Nguyễn Văn Vàng cho biết rất vui vì sưu tầm được nhiều tư liệu quý về Hải đội Hoàng Sa. Hình ảnh đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa vì thế sẽ trở nên sống động trong giờ học lịch sử “Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa” của thầy.
Thầy Vàng kể, đầu năm 2007, từ chủ trương của Bộ GD&ĐT, Phòng Giáo dục huyện Mộ Đức giao cho ông và một số giáo viên soạn tài liệu môn Lịch sử cho bậc THCS về chủ quyền biển đảo. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng các giáo viên quyết định chọn bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa”.
Sau khi lập chương trình cơ bản, từ huyện Mộ Đức thầy Vàng đến Bảo tàng Tổng hợp, rồi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhờ các nhân viên ở bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương giúp đỡ. “Nghe tôi trình bày, các anh lần lượt giới thiệu Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Tập san Sử Địacùng một số tài liệu mới về biển Đông đều khẳng định rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, thầy giáo Vàng kể.
32 năm vì sự nghiệp giáo dục, lúc nào thầy giáo Vàng cũng đau đáu nghĩ cách làm cho bài giảng ngày càng sinh động. Ảnh: Trí Tín
Không chỉ sưu tầm tài liệu về chủ quyền biển đảo ở bảo tàng, thư viện, các nhà sách, thầy Vàng còn có nhiều chuyến ra đảo Lý Sơn để thu thập thêm tư liệu quý từ các tộc họ. Trong số đó có tờ lệnh quý Hoàng Sa do gia tộc họ Đặng ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn truyền đời suốt 175 năm. Tờ lệnh là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa…
Thầy cũng say sưa ghi chép tỉ mỉ những câu ca tri ân đội hùng binh Hoàng Sa, như: “Những chiến sĩ tuân lệnh triều đình bảo vệ biên phòng lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã liều thân vì tổ quốc. Sắt son một lòng ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi….”
Video đang HOT
Sau nhiều năm cất công sưu tầm, thầy Vàng hoàn thành tập tài liệu soạn giảng bằng bản chép tay, đem đánh máy, scan hình ảnh đến 63 trang giấy, trong đó có bài “Nhân dân Quảng Ngãi với đảo Hoàng Sa” được soạn công phu, kèm tư liệu và hình ảnh minh họa.
Tháng 1/2008, tại Trường THCS Đức Chánh, Phòng Giáo dục huyện tổ chức cho giáo viên dạy Sử cùng Ban Tuyên giáo Huyện ủy góp ý để thầy Vàng bổ sung, hiệu chỉnh. Đến tháng 11/2008, tài liệu bài giảng được thẩm định xong, Phòng Giáo dục Mộ Đức tổ chức cho giáo viên Sử ở 15 trường THCS của huyện nghe thầy Vàng báo cáo về chương trình lịch sử địa phương.
Cuối năm 2011, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức biên soạn tài liệu địa phương các môn Văn, Sử, Địa để giảng dạy ở các trường phổ thông. Thầy Vàng lại được chọn tham gia biên soạn để dạy cho học sinh toàn tỉnh.
Thầy Vàng đang say sưa “ truyền lửa” tình yêu biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh trường THCS Đức Chánh. Ảnh: Trí Tín
Ông Trần Hữu Tháp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, thông qua bài giảng về biển đảo, thầy Vàng đã cung cấp những cứ liệu mang giá trị lịch sử to lớn, lập luận chặt chẽ, bằng chứng sống động khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. “Bài giảng không chỉ có giá trị giáo dục tình yêu lịch sử dân tộc cho học sinh mà còn là nguồn tài liệu quý đối với quê hương Quảng Ngãi anh hùng”, ông Tháp nói.
Thầy Trịnh Minh Tường, Hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh nhìn nhận, trải qua hơn 30 năm gắn bó với trường, thầy giáo Vàng luôn tâm huyết với nghề, luôn được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Học sinh ở trường không còn chán môn Sử nữa vì những bài giảng của thầy đầy sinh động, sát với thực tế.
Còn thầy Vàng hy vọng, bài giảng không chỉ “truyền lửa” tình yêu chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh Quảng Ngãi mà sẽ trở thành bài học chung cho bậc THCS cả nước.
Theo VNE
Nhìn nhận lại môn lịch sử - Kỳ 5: Đâu chỉ có chống ngoại xâm
Theo đánh giá của các nhà sử học, chương trình sử đang dạy trong trường phổ thông hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa những cái không cần thiết, thiếu một số nội dung cơ bản, tiêu biểu.
Chỉ thấy cây mà không thấy rừng
Trong cuộc hội thảo khoa học quốc gia về dạy - học lịch sử ở trường phổ thông mới đây, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, chỉ ra rằng lịch sử chống ngoại xâm không phải là toàn bộ lịch sử dân tộc. Trái lại, sự phát triển kinh tế, những thành tựu về văn hóa, xã hội... lại chính là cơ sở tồn tại và phát triển của đất nước, là sức mạnh vật chất và tinh thần để dân tộc VN vượt qua những thử thách hiểm nghèo, làm nên những chiến công thần kỳ trong sự nghiệp chống ngoại xâm
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong một giờ học môn sử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các bộ sử phong kiến trước đây thực chất chỉ là lịch sử của vương triều và chỉ tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự lớn của triều đình. Trong thời gian gần đây, một số công trình nghiên cứu lịch sử đã cố gắng đi sâu vào lịch sử làng xã, nông nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công nhân... nhưng dường như lại thiếu tầm khái quát, mới chỉ thấy cây mà không thấy rừng.
Đồng quan điểm, PGS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho rằng trong điều kiện cả dân tộc phải tập trung vào cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập thì lịch sử chống ngoại xâm cần được đề cao. Trong bối cảnh một nước thuộc địa thì lịch sử chống chủ nghĩa thực dân cần được nhấn mạnh. "Vẫn biết rằng cuộc đấu tranh chống ngoại xâm chiếm phần lớn thời gian trong lịch sử dân tộc và dường như không khi nào người VN không phải chăm lo sự nghiệp giữ nước, nhưng đó không phải là tất cả. Coi trọng chính trị, quân sự, nhưng không thể xem nhẹ kinh tế, văn hóa, đối ngoại", PGS Hiển nói.
Thiếu hụt lịch sử văn hóa
GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định sự thiếu hụt của lịch sử văn hóa trong sách sử hiện nay. Ông dẫn chứng nhiều công trình sử học của VN từ trước đến nay thường chỉ trình bày lịch sử dân tộc theo một dòng chảy chủ đạo là từ các nền văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Mậu - Gò Mun - Đông Sơn, dẫn đến sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc đến Đại Việt, Đại Nam và VN mà không đề cập đến các dòng lịch sử Chăm Pa và Phù Nam ở phía nam. Mặc dù vẫn biết cách chép sử như vậy phần nào chịu tác động của hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt ở các thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng rõ ràng không tránh khỏi chủ quan, phiến diện; không phản ánh đúng tiến trình lịch sử đất nước, dẫn đến những quan niệm sai lệch rằng lãnh thổ phía nam là vùng đất mới được khai phá mà bỏ quên những di sản lịch sử, văn hóa hết sức quan trọng làm nên lịch sử dân tộc.
Trước thực trạng này, GS Vũ Dương Ninh, Hội Khoa học lịch sử VN, đề xuất: "Ở bậc THCS không nên ép nhiều kiến thức mang tính lý luận, khái quát hóa thành những quy luật... nội dung cơ bản của chương trình là lịch sử văn hóa VN. Ở chương trình dành cho học sinh lứa tuổi thiếu niên nên khai thác khía cạnh lịch sử từ góc độ lịch sử văn hóa, qua đó cung cấp kiến thức một cách hệ thống và in đậm nét nhận thức về quá trình phát triển và bảo vệ văn hóa dân tộc".
Còn đồng nhất lịch sử với chính trị
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, lo ngại: "Có nhiều vấn đề, nhất là về phần lịch sử hiện đại, chưa được làm sáng tỏ, thảo luận đầy đủ. Tôi nghĩ ở đây có mối quan hệ giữa sử học và chính trị. Sử học và chính trị học là 2 khoa học khác nhau dù có mối quan hệ mật thiết. Vì vậy quan niệm đồng nhất sử học với chính trị, dùng sử học chỉ để minh họa chính trị là thu hẹp chức năng của sử học, làm mất tính độc lập và vai trò sáng tạo của sử học". GS Lê cũng cho rằng, nhà sử học làm 2 trách nhiệm: ghi chép lại lịch sử một cách khách quan và trung thực đồng thời có nghĩa vụ công dân đối với đất nước.
"Nhà sử học đích thực trước hết phải khách quan nhưng trong quá trình nghiên cứu lịch sử, nhất là lúc công bố kết quả thì phải chú ý cả trách nhiệm công dân. Nghĩa là, có những sự thật nào đó, trong một bối cảnh nào đó chưa thể công bố được. Nhưng cái gì đã công bố thì phải đúng sự thật. Biết sự thật là như thế mà vẫn nói sai đi là không thể chấp nhận được đối với nhân cách nhà sử học", GS Lê khẳng định.
Hình ảnh quần chúng còn mờ nhạt
PGS Vũ Quang Hiển nhấn mạnh: "Quần chúng là người làm ra lịch sử. Trong lịch sử VN hiện đại, có những bà mẹ một lần tiễn con đi không bao giờ gặp lại; những nông dân "một nắng hai sương" sẵn lòng dốc cả những hạt gạo cuối cùng cho chiến trường... Đó là những người làm ra lịch sử. Không thể phủ nhận sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng VN, nhưng hình ảnh những người làm ra lịch sử còn mờ nhạt trong SGK".
GS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng quần chúng là chủ nhân chân chính và vĩ đại nhất của lịch sử đất nước. Đồng thời với việc chú ý vào những sự kiện chính trị lớn, sự thay đổi của vương triều, chế độ xã hội, lịch sử VN phải được trình bày là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, trong đó không thể thiếu phần đóng góp của những người dân ở những đơn vị cơ sở của xã hội. Còn GS Nguyễn Thị Côi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận thấy sách giáo khoa lịch sử VN còn quá thiếu vắng con người, nhân vật lịch sử tiêu biểu, tiến bộ và những đóng góp của họ.
Tuệ Nguyễn - Ngọc Hòa
Theo thanh niên
Nhìn nhận lại môn lịch sử: Nên công bằng với nhà Mạc Dù vấn đề nhà Mạc đã được giới sử học nước ta đặt ra và giải quyết rõ ràng nhưng vẫn không được phản ánh đầy đủ dù chỉ ít dòng trong sách giáo khoa. Hết sức sơ sài Trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử 7 xuất bản năm 2012, phần nhà Mạc được viết ở tiểu mục 1: Chiến tranh Nam...