‘Thầy giáo cute’ mê làm từ thiện
31 tuổi vẫn được sinh viên gọi là “cute” (dễ thương), thầy Trần Đức Trung ( Học viện Tài chính) dù bận bịu với việc dạy học, làm luận văn tiến sĩ vẫn quan tâm tới các đội tình nguyện và cùng nhóm Vì trẻ thơ, Tình nguyện trẻ đến với trẻ mồ côi, nhiễm HIV.
Sinh năm 1981, Trần Đức Trung học khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính). Ngày tốt nghiệp, anh có hai cơ hội là ở lại làm giảng viên hoặc vào làm sĩ quan tài chính trong quân đội. Nhưng anh đã chọn con đường đi vào thực tế cuộc sống, làm trong các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm và bổ sung kiến thức.
Thầy Trung được rất nhiều sinh viên yêu quý.
Ba năm trải nghiệm ở các công ty, có lúc chọn làm lao động chân tay, Trung thấm thía nỗi vất vả của người lao động và rút ra được nhiều kinh nghiệm, bù đắp những khiếm khuyết của bản thân. Trở về trường, anh tâm niệm phải là người thầy, người anh, người bạn của sinh viên.
Vừa làm công tác giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, Trung luôn cố gắng đảm bảo đủ kiến thức, tự tin ở cả chiều rộng và chiều sâu để truyền đạt cho sinh viên. Đôi khi anh tự sáng tạo những câu chuyện, cách giảng vui vẻ để tạo sự hứng khởi cho các em. Phương pháp giảng dạy cũng linh hoạt với từng lớp, từng nhóm sinh viên.
“Tôi thường bắt đầu bài giảng bằng cách nêu vấn đề, giải quyết vấn đề, gắn với thực tế. Các em có thể làm bài tập nhóm bằng cách thu thập báo cáo tài chính, lên sàn giao dịch xin báo cáo về phân tích. Tôi muốn các em có sự liên kết với nhau nhưng vẫn có sáng tạo bản thân, có gì khó khăn thì trao đổi với thầy”, Trung nói.
Với Trung, người thầy đúng nghĩa phải là một người học trò. Anh trao đổi với sinh viên: “Tôi đứng trên bục giảng không phải chỉ dạy mà còn học. Thế nên các bạn phải làm thế nào để tôi học được cái gì đó, nếu không sẽ bị phạt”. Trung dành phần lớn thời gian cho sinh viên, khi trên lớp thì giảng dạy, lắng nghe. Khi rảnh rỗi thì nói chuyện với sinh viên như những người bạn, đưa ra lời khuyên cho các em.
Quản lý một tài khoản chung cho sinh viên toàn trường trên facebook, thầy Trung còn chăm sóc trang cá nhân của mình rất kỹ. Khi thì đăng lời nhắc nhở sinh viên làm bài tập, khi thì chia sẻ kinh nghiệm học, thi, giải đáp thắc mắc hay động viên sinh viên cố gắng vượt qua khó khăn. Anh được sinh viên đặt biệt danh là “thầy Trung cute”.
Thầy Trung vui chơi cùng trẻ em ở bệnh viện Nhi Trung ương.
“Sinh viên kỳ vọng người thầy phải đúng nghĩa, vừa đảm bảo kiến thức, vừa có phương pháp giảng để truyền được sở thích, đam mê, tình yêu cuộc sống… Tôi mới đáp ứng được một phần kỳ vọng của các em và sẽ cố gắng để làm được nhiều hơn thế”, thầy Trung nói.
Với các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện trong trường Trung tham gia và ủng hộ nhiệt tình. Dịp Tết thiếu nhi, Trung thu, anh lại cùng học trò trong nhóm tình nguyện trẻ vận động quyên góp để mua quà cho các bé có hoàn cảnh khó khăn, sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội.
Video đang HOT
Mới đây, nhóm tổ chức quyên góp khăn ấm tình thương, gửi các em nhỏ ở vùng xa. Thầy Trung cùng các học trò vạch kế hoạch, chương trình, tiết kiệm một số tiền để ủng hộ và vận động thầy cô giáo trẻ trong khoa, hàng xóm cùng tham gia.
Nhiều người đến trung tâm nuôi dạy trẻ nhiễm HIV thì e ngại vì sợ lây nhiễm, thế nhưng Trung cùng học trò thoải mái vui chơi, bế, hỏi chuyện các cháu vì biết HIV không lây qua tiếp xúc thông thường. Nhóm sinh viên còn say sưa đàn, hát cho các em nghe.
Trung nhớ, vào một dịp hè, anh cùng nhóm tình nguyện mang quà lên Thụy An (Ba Vì) cho trẻ khuyết tật. Khi anh lên tầng 2, nơi trẻ tự kỷ học tập, có một em chừng 13-14 tuổi tô tượng, sau đó tặng thầy. “Đó là món quà tôi nhớ mãi. Tôi và học trò chủ yếu là đi trao và chỉ muốn nhận lại nụ cười các em, dù nó chỉ trong chốc lát. Rồi các em sẽ quay về với những khó khăn của cuộc sống, nhưng ít ra chúng tôi đã đem đến một niềm vui nho nhỏ cho họ”, thầy giáo trẻ trầm ngâm.
Trung tâm sự, chính những chuyến đi, những lúc thầy trò ở bên nhau cùng làm tình nguyện đã giúp cho mối quan hệ giữa thầy giáo – sinh viên thêm gắn kết. Trò quý thầy thì cũng sẽ yêu môn học hơn, thoải mái hỏi bài, tâm sự mà không hề e ngại.
Không chỉ toàn tâm toàn ý với sinh viên, với những đứa trẻ thiếu may mắn, thầy Trung còn dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho những giảng viên trẻ hơn mình. Anh chia sẻ với đàn em kinh nghiệm, công việc và cuộc sống không chỉ qua trò chuyện mà còn ở các hoạt động như thành lập một đội bóng đá giảng viên trẻ, sinh hoạt thường xuyên.
Thầy Trung còn thành lập đội bóng giảng viên trẻ để giao lưu với nhau, đá cùng sinh viên, từ đó tăng cường mối quan hệ giữa đồng nghiệp, thầy trò.
Các thầy giáo giao lưu, có khi đá bóng cùng sinh viên khiến mối quan hệ đồng nghiệp, thầy trò ngày càng gắn kết. Với Trung, cuộc sống có những điều tựa như ly cà phê đen đã cho đường, nếu chưa khuấy thì đắng, khuấy lên sẽ ngọt, và chính sinh viên đã giúp cho cuộc sống của anh ý nghĩa hơn.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dù có kiến thức nền tảng vững chắc, các em vẫn cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng về tin học, ngoại ngữ, giao tiếp. Hãy thử sức ở một chỗ làm bình thường để trau dồi, rèn luyện. Các em có thể thất bại, vấp ngã nhưng đó là bước khởi đầu để đi đến thành công”, Trung nhắn nhủ với sinh viên.
Là chủ nhiệm câu lạc bộ Tình nguyện trẻ Học viện Tài chính, Lê Khắc Công cho biết, em gặp thầy Trung trong một hội thảo khoa học. Vì trước đó nghe nói thầy rất thoải mái nên Công bắt chuyện và mời thầy tham gia vào câu lạc bộ, thầy vui vẻ nhận lời.
Công kể, trong đợt câu lạc bộ tổ chức bầu chọn cho vịnh Hạ Long, dù đang đi dạy ở xa Hà Nội, thầy Trung vẫn trở về trường hướng dẫn sinh viên cách làm, viết chương trình chi tiết. Nhiều chương trình từ thiện, không cần học trò mời thầy đã hỏi han, tham dự. “Đa số các giáo viên hiện nay là bác sĩ chỉ biết gây mê mà không biết hồi sức, nhưng thầy Trung thì khác. Thầy hóm hỉnh, vui tươi khiến chúng em yêu quý thầy và thích luôn môn học”, Công nói.
Cậu sinh viên năm cuối kể, buổi đầu tiên dạy lớp thầy đến muộn. Thầy đứng trước lớp xin lỗi sinh viên, giải thích nguyên nhân và những buổi học sau không bao giờ chậm một phút. Thầy đọc facebook, biết học trò có khúc mắc, có chuyện buồn thì hỏi han, khuyên bảo. “Thầy tâm huyết với nghề và hết lòng với các hoạt động tình nguyện, với sinh viên. Có lẽ, thầy là người đặc biệt nhất trong những năm tháng ngồi ghế giảng đường mà em sẽ không bao giờ quên”, Công tâm sự.
Theo VNE
Làm kinh doanh nuôi dự án từ thiện
Từ que kem vứt đi trở thành hộp quà lưu niệm, từ vườn rau thành dự án kinh doanh hàng tỷ đồng, các câu lạc bộ tình nguyện đang tự tìm cách gây dựng nguồn quỹ lớn để phục vụ cho nhiệm vụ chính là từ thiện.
Là câu lạc bộ có thâm niên hoạt động ở Hà Nội, Tình Nguyện Trẻ gần đây đang thử sức mình ở các dự án kinh doanh cũng chỉ đẻ có thêm nguồn làm từ thiện. Hội nhặt rác Hồ Gươm, là một trong những nhóm hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ này. Hội chuyên nhặt rác quanh Hồ Gươm vào chiều chủ nhật hằng tuần. Lượng que kem, ống hút và một vài vật dụng có thể tái chế khá nhiều, một nhóm các tình nguyện viên đã nảy ra ý tưởng làm sản phẩm gây quỹ.
Từ các que kem vứt đi, nhóm đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo như khung ảnh, hộp bút, cối xay gió, hộp đựng trang sức, đèn trang trí. Trong đó, hai mô hình chùa Một Cột đã được tặng và bán đấu giá gần 700.000 đồng.
Các sản phẩm tái chế được bày bán ở các hội trại, chương trình tình nguyện.
Hội thường bày bán sản phẩm ở các chương trình tình nguyện, hội trại ở các trường đại học, trung học phổ thông. Vừa bán hàng, các thành viên vừa dạy các bạn trẻ cách làm sản phẩm tái chế mà mình thích, đây là hoạt động nhằm thu hút nhiều khách hàng vào xem và mua sản phẩm. Các mẫu hàng kiểu đơn giản có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, loại đắt hơn thì từ 40.000 đến 100.000 đồng.
Sản phẩm làm ra được sự ủng hộ nhiệt tình của người mua. Hương (Cổ Nhuế, Hà Nội), một thành viên của hội cho biết: "Hội luôn trong tình trạng thiếu hàng, vì sản phẩm làm thường bán hết veo. Có những sản phẩm độc đáo, khi hết hàng thì khách phải đặt làm, bọn mình sẽ giao hàng sau".
Mỗi buổi, nhóm thường bán được từ 15 đến 20 sản phẩm, thu được 400.000 đến 500.000 đồng, trừ chi phí mua màu tô và keo dán, còn lại 350.000 đồng đưa vào quỹ hội. Hội sẽ sử dụng quỹ này cho các dự án từ thiện hay đi thăm các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Huyết học.
Sau gần một năm triển khai, dự án vẫn chỉ thực hiện nội bộ, nhóm mong muốn khi có lượng sản phẩm ổn định sẽ mang đến giới thiệu ở các cửa hàng lưa niệm hay bán qua mạng. Thủy, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết: "Nhóm đang tìm kiếm đối tượng trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ ở các trung tâm để dạy cách làm, hy vọng công việc sẽ tạo ra thu nhập, cải thiện điều kiện sống của các em".
Ra đời muộn hơn một năm so với dự án tái chế, Cơm 5.000 Hà Nội của Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ chọn kinh doanh từ thiện bằng những suất cơm giá rẻ cuối tuần. Từ tháng 9 đến nay, nhóm đã bán được 700 suất đồng đến tay những người lao động nghèo ở khu vực cầu Mai Động. Hình ảnh các bạn trẻ áo vàng, mang tạp dề với những suất cơm giá rẻ dần trở nên quen thuộc với người lao động ở đây.
Sau 2 tháng thực hiện, Cơm 5.000 Hà Nội đã mang đến 700 suất cơm giá rẻ cho người lao động nghèo. Ảnh: CNN
Nguồn tài chính ban đầu do các thành viên đóng góp, bên cạnh đó nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức, không chỉ góp bằng tiền mà còn ủng hộ thực phầm, dụng cụ chế biến.
Mỗi suất cơm có giá trị thực là 18.000 đồng, vì vậy mỗi tuần dự án phải chi ra khoảng 1,5 triệu đồng để bù lại khoản chi phí còn thiếu từ việc bán hàng. Sau 8 đợt triển khai, tổng kinh phí thực hiện dự án là 14,5 triệu, trong đó số tiền nhận được từ đóng góp xã hội là 13,4 triệu đồng, khoản thiếu hụt còn lại do các thành viên ban dự án tự túc bỏ ra.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vì hoạt động chưa chuyên nghiệp, ủng hộ từ xã hội cũng chưa nhiều. song các bạn trẻ vẫn quyết tâm mở rộng mô hình Cơm 5.000 ra thêm một địa điểm nữa ở cảng Vân Đồn, bán 60 suất cơm từ tháng 11.
"Mục tiêu lâu dài của Cơm 5000 Hà Nội là mở quán, sau đó, sử dụng chính lợi nhuận này để duy trì và mở rộng quy mô các hoạt động thiện nguyện", anh Bùi Quang Long, trưởng ban dự án chia sẻ.
Một câu lạc bộ khác cũng đang nổi "đình đám" nhờ các dự án kinh doanh từ thiện là nhóm Vì Cộng Đồng. Thành lập hơn 3 năm, Vì Cộng Đồng đã gây được ấn tượng mạnh với nhiều dự án kinh doanh lớn nhỏ, từ sạp bán báo gây quỹ để phát bánh mỳ miễn phí chiều chủ nhật hàng tuần. Hiện nay, câu lạc bộ hướng đến sự phát triễn bền vững cho hình thức kinh doanh từ thiện với dự án Vườn rau VCĐ.
Mô hình đến nay đã được triển khai ở TP HCM, Hà Nội và mới đây ở Đà Nẵng. Đây là dự án chuyên trồng và cung cấp rau sạch miễn phí cho các trung tâm bảo trợ xã hội, viện dưỡng lão, bếp ăn từ thiện. Sau hơn một năm ra đời, Vườn rau VCĐ đã cung cấp hàng chục tấn rau sạch từ thiện, thu hút gần 7.000 lượt bạn trẻ, học sinh tham gia lao động và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Tại TP HCM, dự án được tài trợ bởi một ngân hàng với tổng kinh phí đầu tư là 400 triệu đồng và hai héc ta đất nhà xưởng. Đến nay, sau một năm trồng rau sạch, câu lạc bộ tiếp tục triển khai mô hình VAC. Dự kiến sau hai năm, dự án sẽ thu về 1,8 tỷ đồng, trong đó 50% dùng tài trợ trực tiếp cho các trung tâm và bếp ăn bằng sản phẩm, 50% còn lại sẽ dùng làm vốn xoay vòng tiếp tục mở rộng dự án.
Tại Hà Nội, với hơn hai héc ta đất mượn từ xưởng mộc Xuân Phúc, dự án được anh Tạ Quốc Khánh, đồng thời là trưởng ban cố vấn của câu lạc bộ tài trợ 200 triệu đồng để đầu tư về giống, nhân lực, công nghệ. Ngoài một héc ta rau sạch và trại nuôi gà 50 con, các tình nguyện viên Hà Nội còn trồng nấm và hoa để phát triển kinh tế. Anh Khánh cho biết: "Vườn đang ươm trồng 500 cây hoa ly và một số loại hoa khác để cung cấp ra thị trường dịp tết năm nay".
Ngoài trông rau, dự án Vườn rau Vì Cộng Đồng đang triển khai mô hình VAC trong thời gian tới. Ảnh: MH
Khi đã có số lượng rau ổn định, câu lạc bộ sẽ mở những cửa hàng rau sạch mang thương hiệu Vì Cộng Đồng, xa hơn nữa là mở các quán cơm từ thiện được chế biến bằng nguyên liệu từ chính vườn rau của mình. Để làm được điều này, các thành viên đang làm các thủ tục cần thiết để đăng ký thương hiệu, đồng thời cố gắng đến năm sau có được chứng nhận về rau sạch bảo đảm an toàn thực phẩm.
Từ một mô hình thực hiện trong nội bộ, dự án vườn rau Vì Cộng Đồng đang hướng đến việc đưa công nghệ, quy trình trồng rau sạch đến với người nông dân ở các vùng nông thôn để phát triển kinh tế. Người dân vừa có thêm thu nhập, vừa đưa được nguồn rau sạch lớn đưa ra ngoài thị trường, phục vụ cho người dân. Mục đích thiện nguyện được nhân rộng ra toàn cộng đồng.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi, chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Cộng Đồng cho biết: "Vừa qua, Vườn rau của chúng tôi đã nhận được sự cam kết của hơn 20 CLB thiện nguyện trên cả nước tham gia vào dự án hỗ trợ thành lập các vườn rau ở các tỉnh, thành phố trong thời gian tới. Đây là dự án lớn cần có sự giúp đỡ của những người trẻ yêu tình nguyện trên cả nước. Mỗi người một tay giúp sức cho xã hội tốt đẹp hơn".
Bà Lê Thị Bình, Tổng giám đốc công ty dược phẩm Tâm Bình, nữ doanh nhân được vinh danh bởi những cống hiến trong hoạt động thiện nguyện đánh giá cao các hoạt động vì cộng đồng của giới trẻ hiện nay. "Làm kinh doanh thu lợi nhuận đã không dễ, làm kinh doanh để từ thiện còn khó hơn. Các bạn trẻ phải giữ được cái tâm trong sáng thì mới có thể tiếp tục trên con đường mình chọn".
Bà cũng cho rằng các bạn trẻ cần phải học hỏi nhiều hơn nữa về cách thức làm kinh doanh để có những hiểu biết nhất định. Sự hỗ trợ của các chuyên gia, doanh nghiệp là điều cần thiết giúp các bạn thực hiện những dự án tốt đẹp này.
Theo VNE
Người đàn ông mang danh "trường sinh bất lão" ở Bến Tre Tiếng tăm của người đàn ông "bất lão" đã vượt qua bốn bức vách lá dừa nước rách nát và làm xao động ấp Phú Đa (thuộc huyện Vĩnh Bình, Bến Tre). Tuy nhiên, ít ai thấu hiểu nỗi đau đời đằng sau cái danh "trẻ mãi không già" ấy. Đến ấp Phú Đa hỏi người đàn không có tuổi hầu như ai...