Thầy giáo ăn chặn tiền hỗ trợ học sinh nghèo
Thầy giáo lập danh sách khống, ký khống… để lấy tiền hỗ trợ học sinh nghèo. Đó là thực tế đang diễn ra ở huyện Ia Pa (Gia Lai).
Cấp phát một, bắt ký hai
Theo bà Lê Thị Ngợi, thôn Kxom, xã Pờ Tó, bà có 2 con là Hà Như Quy và Hà Thị Nguyên học tại Trường THCS Lương Thế Vinh. Vì thuộc diện hộ nghèo, 2 con bà nằm trong tiêu chuẩn được hỗ trợ theo Chương trình 135 với tổng số tiền là 2,5 triệu đồng/năm học.
Do hoàn cảnh khó khăn, sau Tết dương lịch bà phải cho Quy nghỉ học. Bà được nhận 1,26 triệu đồng, thế nhưng nhà trường bắt bà phải ký nhận cả hai… Tương tự, bà Trần Thị Phấn ở thôn 4 có 2 con đi học nhưng 1 người con của bà là em Đặng Thị Hà đã bỏ học từ đầu năm, bà chỉ nhận được một suất hỗ trợ nhưng phải ký cả 2 suất…
Ngoài việc “nhận một bắt ký hai”, Trường THCS Lương Thế Vinh còn lập danh sách “ma”, giả chữ ký để chiếm đoạt tiền trợ cấp của học sinh nghèo…
Theo danh sách thì toàn trường có 41 suất được trợ cấp nhưng nhà trường chỉ cấp 28 suất. 13 suất còn lại thì 4 em đã bỏ học; 9 em là “học sinh ma” do nhà trường lập khống. Để hợp thức hoá thủ tục quyết toán, trường này đã giả chữ ký để giữ lại hơn 16 triệu đồng…
Để xác minh điều này, chúng tôi tìm gặp gia đình em Trần Văn Mạnh – học sinh lớp 8B – người có tên trong danh sách nhận hỗ trợ.
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi – Mai Văn Nội (trái) đang giải trình với phụ huynh học sinh
Ông Trần Thế Hùng người được ghi là cha học sinh Mạnh cho biết: Ông không hề ký nhận tiền hỗ trợ cho học sinh nào là Trần Văn Mạnh ở lớp 8B Trường THCS Lương Thế Vinh. “Tôi chỉ nhận chế độ cho cháu Mạnh ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Ai nhận tiêu chuẩn ở lớp 8B và mạo danh chữ ký của tôi thì xin chịu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Ther – Trưởng phòng GDĐT huyện Ia Pa cho biết: Nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh, vừa qua Phòng đã thành lập đoàn thanh tra chuyên đề, tiến hành thanh tra 31 trường trên địa bàn huyện.
Kết quả đã phát hiện 5 trường có sai phạm gồm: Trường Tiểu học Kpă Kơ Lơng, Trường THCS Cù Chính Lan (xã KĐăm), Trường Tiểu học Quang Trung, Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Broăi), Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Pờ Tó) với tổng số tiền trên 160 triệu đồng. Hiện Công an huyện Ia Pa đã tiến hành thu hồi toàn bộ số tiền này để tiến hành điều tra làm rõ.
Không thể để thanh danh nhà giáo bị hoen ố
Video đang HOT
Theo Quyết định số 112/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2, thì “Con hộ nghèo đi học tại các trường mẫu giáo được hỗ trợ 70.000đồng/tháng; con hộ nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông được hỗ trợ 140.000đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học.
Trên thực tế, Trường Tiểu học Quang Trung và Trường THSC Lê Lợi chỉ thực hiện việc cấp phát không đúng quy định là cấp 1 lần, mà cấp rải để giữ học sinh…
Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi Mai Văn Nội nói: Học sinh nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thường hay bỏ học. Vì muốn tiền hỗ trợ được sử dụng có hiệu quả, nên chúng tôi chưa xin ý kiến cấp trên đã làm…
Theo ông Ksor Ther, hiện Phòng GDĐT đã làm báo cáo trình UBND huyện Ia Pa. Quan điểm của Phòng là kiên quyết xử lý những hiệu trưởng và cá nhân có liên quan đến vụ việc này.
Cụ thể: Cách chức Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh đối với ông Nguyễn Đình Phơn, thu hồi số tiền 9 suất lập khống, cấp phát bổ sung nửa năm cho 4 em học sinh đã bỏ học ở trường này; khiển trách đối với hiệu trưởng 4 trường còn lại.
Tiếp tục cấp tiền cho học sinh chưa được nhận đủ. Riêng các trường hợp học sinh đã bỏ học vẫn có tên trong danh sách được hưởng, nếu vận động các em đi học lại sẽ tiến hành cấp đầy đủ cho các em.
Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai, ông Phạm Ngọc Thạch đã hoan nghênh sự kiên quyết này của Phòng GDĐT huyện Ia Pa.
“Số tiền tuy không lớn, nhưng không thể không xử lý nghiêm khắc. Không thể vì một số ít cá nhân mà hình ảnh người thầy bị hoen ố” – ông Thạch nói.
TAGS: tien ho tro hoc sinh ngheo, hoc sinh ngheo, tien ho tro, thay giao, phu huynh hoc sinh, tin tuc 24h
Theo Quốc Dinh (Dân Việt)
Những nẻo đường mưu sinh của học sinh nghèo
Một bàn chân 5 tuổi lang thang giữa phố thị phồn hoa; cái lưng gầy bé bỏng gùi khoai sắn trên mình; những đứa bé mót mủ cao su hối hả chạy khi có người lạ đến... Những hình ảnh này chính là cách mưu sinh hàng ngày để đỡ đần cha mẹ, tìm đến cái chữ của trẻ em trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng đầy gió.
Vừa mới đi học về, hai anh em R'châm H'la (dân tộc Bahnar) đã vội ăn cho xong bữa cơm với canh lá mì. Như thường lệ, H'la lại khoác tấm lưới trên vai, còn em trai thì tay xách giỏ cũng đi vội vàng ra suối. Lúc bấy giờ kim đồng hồ đã chỉ sang con số 12 giờ trưa.
Dưới cái nắng gay gắt của núi rừng Tây nguyên, H'la và em trai lang thang dọc con suối, đầm mình trong dòng nước đục ngầu để bắt những con cá chỉ bằng ngón tay về làm bữa ăn cho gia đình. H'la cho biết, em đang học lớp 5, còn em trai học lớp 3 tại trường tiểu học Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro, Gia Lai).
Hai anh em bắt đầu nghề này từ khi H'la còn học lớp 3, vất vả là vậy nhưng mỗi ngày các em cũng chỉ kiếm được vài lạng cá mang về. "Cái chài này ba mình phải đổi mì tương đương 300.000 đồng rồi giao cho hai anh em kiếm cá về ăn. Hôm nào may mắn bắt được nửa giỏ cá, ăn không hết, mẹ em mang ra chợ bán để mua bút vở cho hai anh em" - H'la hồn nhiên kể lại.
Trên đường từ TP. Pleiku đi huyện Ia Grai (Gia Lai), chúng tôi gặp rất nhiều trẻ em tay xách can nhựa lang thang khắp nơi. Tò mò hỏi người đi đường thì được biết chúng đi mót mủ cao su. Khi thấy chúng tôi dừng xe tiếp cận, các em sợ hãi chạy tán loạn về nhiều hướng. Phải mất một hồi lâu, chúng tôi mới bắt chuyện được với cô bé tên là H'ríu.
Những đứa trẻ đi mót mủ cao su chạy toán loạn khi gặp người lạ
H'ríu cho biết, nhóm của bọn em hơn 20 bạn, đều đang học lớp 4. Ngày nào cũng vậy, cả nhóm dành một nửa thời gian để đến trường và còn lại là đi mót mủ.
Đôi chân nhỏ của các em phải lang thang hết vườn cao su này đến vườn cao su khác, mót những giọt mủ cao su bị rớt xuống đất đã vón cục hoặc vớt những giọt còn sót lại trên bát chứa mủ. Cứ đều đặn ngày nào cũng như vậy, chừng 5 ngày dồn lại, số mủ mót của mỗi em bán được chừng 15.000 đồng. Số tiền trên, các em đều đưa cho bố mẹ để mua sách vở, quần áo hoặc đong gạo.
Khi được hỏi tại sao các em lại sợ hãi bỏ trốn khi gặp chúng tôi, H'ríu líu ríu trả lời, chúng em rất sợ bảo vệ nông trường, họ không cho chúng em mót mủ đâu.
Cậu bé Ksor An với đàn bò gần 50 con
Đồng cảnh ngộ là cậu bé Ksor An (13 tuổi, học lớp 7 trường THCS xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, Gia Lai), một ngày với em cũng được chia làm 2. Một buổi đến trường và một buổi đi chăn hơn 50 con bò. Với An, công việc này đến với em như là một phản xạ không điều kiện. Lên lớp 2, em được bố giao cho 5 con bò để đi chăn sau mỗi buổi đi học về. Đến giờ này là đàn bò lớn. An tâm sự, em đi học để biết viết cái tên, để biết những con số và để viết gì mình nghĩ ra, nó hay lắm.
Tuy nhiên, sau khi rong ruổi gần chục cây số với đàn bò, kết thúc một ngày của em là bữa cơm chiều và giấc ngủ sau đó. Học bài cũ với An vào buổi tối là điều rất hiếm, dù rất muốn nhưng 2 mắt cứ ríu lại vì mệt nhọc. Em cần một giấc ngủ ngon để lấy lại sức sáng mai đến trường và tan học lại đi làm việc. Cứ thế ngày này qua ngày nọ...
Những bé gái với thân hình còm nhom oằn mình với cái gùi trên lưng
Khắp nơi trên mảnh đất Tây nguyên này, những học sinh với thân hình gầy gò, lem luốc... là hình ảnh rất dễ bắt gặp, quen thuộc nhất là những cô bé với dáng người gầy nhom, lưng còng xuống vì cái gùi khoai, sắn, lúa quá nặng cứ lầm lũi bước đi...
Dù chúng chỉ đang chập chững làm quen với những con chữ đầu tiên nhưng đôi vai còm đã phải gánh đủ chuyện vất vả cho cuộc mưu sinh thiên hình vạn trạng.
Về lại thành phố Pleiku, những hình ảnh này tưởng đã mờ nhạt, nhưng bất chợt những bước chân bé nhỏ của một bé trai đang lang thang khắp trung tâm thương mại Pleiku để bán những tấm phong bì, sổ tay... để kiếm vài đồng bạc lẻ đỡ đần cha mẹ nghèo, để nuôi ước mơ đến trường, may ra có cơ hội thoát nghèo, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn lại hiện ra trước mắt chúng tôi. Vất vả là vậy nhưng gương mặt nào cũng tròn xoe, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, cứ như đấy chính là định mệnh khiến ai trông thấy cũng không khỏi chạnh lòng.
Theo VTC
Xúc động lễ trao 120 suất học bổng cho HS nghèo học giỏi Tối qua 26/2 tại TP Huế đã diễn ra lễ trao học bổng - giải thưởng "Bạn tôi - Người vượt khó" cho 120 học sinh nghèo và các cá nhân, tập thể có bài viết độc đáo về các tấm gương HS vượt khó. Đây là chương trình trao học bổng cho học sinh (HS) giỏi, nghèo có ý thức vượt khó...