Thấy gì từ báo cáo ngân sách dành cho công dân?
Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo ngân sách dành cho đối tượng người đọc là dân chúng trong một nỗ lực rất đáng ghi nhận của bộ này về việc công bố số liệu về ngân sách. Đáng tiếc là báo cáo này vừa thừa, vừa thiếu, và quan trọng hơn, không cho thấy được đã có những tiến bộ trong tăng thu, giảm chi ngân sách để hướng tới cân bằng ngân sách một cách lành mạnh trong dài hạn.
Ảnh có tính minh họa, ảnh: TL.
Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Xin minh họa chuyện thừa thiếu trên qua báo cáo mới nhất là “Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019″ trình Quốc hội.
Trước tiên xin nói về hình thức. Trang 3 của báo cáo nêu một số chi tiết về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019. Biểu đồ bên trái cho biết đóng góp cụ thể về giá trị từ bốn nguồn thu ngân sách (nội địa, dầu thô, xuất nhập khẩu, và viện trợ không hoàn lại) tạo nên tổng thu ngân sách nhà nước. Biểu đồ thứ hai về “tổng thu cân đối ngân sách nhà nước” cho thấy cơ cấu tổng thu này từ các nguồn khác nhau (tính theo %).
Trước hết là người dân bình thường có lẽ không hiểu “tổng thu ngân sách” khác với “tổng thu cân đối ngân sách” ra sao, vì vậy, lẽ ra Bộ Tài chính nên có chú giải thêm về hai tiêu chí này.
Tiếp theo, xin nói về nội dung. Không hiểu vì lý do gì mà trên trang web của mình, Bộ Tài chính tuy có đăng tải báo cáo dự toán cho các năm từ năm 2015 đến 2019 nhưng lại không đăng tải báo cáo thực hiện dự toán cho những năm 2015 và 2016. Ở mục “Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân” cũng không có một số liệu nào về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước qua các năm, mới là cái mà dư luận quan tâm hơn.
Chưa hết, đối với tình hình thực hiện của năm 2017, là năm duy nhất có báo cáo đầy đủ cho thực hiện cả năm, số liệu đưa ra cũng như “đánh đố” người đọc. Bảng dưới đây tập hợp một số số liệu chính từ báo cáo dự toán và báo cáo thực hiện của năm 2017.
Những số liệu cần thiết như tốc độ tăng của thực hiện dự toán hay tình hình cải cách biên chế thể hiện qua con số chi cải cách tiền lương năm 2017 lại “vô tình” thiếu vắng trong bảng trên. Hơn nữa, nếu cộng ba cấu thành chính của thực hiện tổng chi ngân sách (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, và chi trả nợ) thì được con số là 1.370, thấp hơn mức tổng chi thực hiện (1.461,8) tới 91.400 tỉ đồng (bằng 6,2% tổng chi thực hiện), và không rõ là con số này đã đi đâu. Đây chính là lý do cho việc mặc dù tổng chi ngân sách thực hiện tăng tới 5,1% so với dự toán nhưng cả ba cấu thành của tổng chi thực hiện lại chỉ tăng với mức thấp hơn nhiều, tạo cảm giác mọi thứ đều tốt đẹp, trong khi thực tế đã có một khoản chi nào đó rất quan trọng đã bị giấu đi.
Qua một số ví dụ trên có thể rút ra là nội dung thông tin về nguồn thu ngân sách không có mấy tác dụng, có đọc đến cũng chỉ biết vậy, không thể rút ra được so sánh hay liên hệ có ý nghĩa.
Video đang HOT
Không thấy chuyển biến tích cực, rõ nét
Mục tiêu xuyên suốt của ngân sách nhà nước trong các năm từ 2015 (là năm đầu tiên có báo cáo được công khai trên trang web của Bộ Tài chính) đến năm mới nhất là 2019 có những mục tiêu giống nhau, cụ thể là: huy động, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả; từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước…
Quả thật, dự toán thu chi ngân sách do
Bộ Tài chính công bố cũng đã cố gắng thể hiện những mục tiêu này, như được thể hiện qua bảng.
Theo đó, về nguồn thu, tỷ trọng thu nội địa có xu hướng tăng lên rõ rệt, đảm bảo thu ngân sách nhà nước có tính bền vững hơn. Về chi, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cũng có xu hướng tăng lên, ngược lại với chi thường xuyên, cũng nhằm đảm bảo tính bền vững về sức khỏe của ngân sách.
Tuy nhiên, như đã nói, do mới chỉ có báo cáo thực hiện thu chi ngân sách cả năm cho duy nhất năm 2017 nên ta không thể đi đến kết luận rằng những mục tiêu trên đã được hiện thực hóa trên thực tế.
Một điều đáng lưu tâm là qua một số báo cáo đây đó của các cơ quan chức năng có thể thấy một phần rất đáng kể của thu ngân sách là có nguồn gốc từ vay nợ trong và ngoài nước. Bản thân hạng mục chi đầu tư phát triển cũng có một phần đáng kể vốn có nguồn gốc từ vay nợ(1). Nói cách khác, dù tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách có vẻ như đã tăng nhưng sự gia tăng này có được là nhờ vốn đi vay chứ không phải là vốn tích lũy nội bộ. Trong khi đó, tuy chi thường xuyên có giảm về tỷ trọng nhưng về con số tuyệt đối vẫn đang tiếp tục tăng, dù trên thực tế cần phải đạt được điều ngược lại.
Rất đáng tiếc là những điều này lại không được phản ánh trong các báo cáo dự toán (và thực hiện) ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, làm cho những mục tiêu mà bộ này đề ra trong báo cáo, như đã nêu, không có nhiều ý nghĩa. Có thể biện hộ rằng vì là báo cáo cho công dân nên cần phải “đơn giản, dễ hiểu” để lấy đó làm lý do cho sự tồn tại của những bất cập nêu trên, nhưng ngay cả những báo cáo khác mà bộ này công bố trên trang web của mình cũng không khá gì hơn.
Tóm lại, tuy Bộ Tài chính đã có cố gắng công khai số liệu về ngân sách nhà nước, đặc biệt đến người dân, nhưng do cung cách công khai cũng như một số bất cập về nội dung, nên việc công khai này hầu như ít tác dụng trong việc giúp người dân (và cả giới chuyên gia) hiểu rõ được điều gì đang thực sự xảy ra với ngân sách và tương lai ngân sách sẽ đi về đâu.
Theo thesaigontimes.vn
Sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ?
Với lãi suất USD bằng 0%, nhiều NHTM vẫn huy động được lượng tiền gửi USD rất lớn. Tuy nhiên, nguồn huy động này vẫn không đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp (DN), nên NH phải tìm đến nhiều kênh khác. Tuy nhiên, áp lực này có thể giảm xuống nếu NHNN áp dụng quy định mới về cho vay ngoại tệ trong năm 2019.
Cho vay vượt huy động
Theo số liệu báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, Vietcombank đứng đầu hệ thống về huy động tiền gửi bằng USD, tính quy đổi theo VNĐ thời điểm đó khoảng 130.507 tỷ đồng (khoảng 5,7 tỷ USD). Vietinbank và BIDV xếp sau với lượng vốn huy động lần lượt 44.396 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) và 39.160 tỷ đồng (1,7 tỷ USD).
Ở khối NHTMCP, MB huy động USD tốt nhất với 21.784 tỷ đồng (950 triệu USD). Kế tiếp là Sacombank, SHB, Techcombank và ACB đạt khoảng 10.000 tỷ đồng (435 triệu USD). Trong khi đó, Eximbank chỉ huy động được 5.435 tỷ đồng (236 triệu USD), SCB khoảng 6.836 tỷ đồng (297 triệu USD). Các NHTM còn lại huy động được 50-170 triệu USD.
Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính cũng cho thấy cho vay USD của các NHTM trong nửa đầu năm đã vượt nguồn USD huy động khá cao. Cho vay USD tại Vietinbank lên tới 109.978 tỷ đồng (4,8 tỷ USD), gấp 2,5 lần huy động, BIDV đạt 86.383 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), gấp 2,2 lần huy động. Tương tự, HDBank cho vay gấp 3,5 lần vốn huy động, LienVietPostBank và ABBank cho vay gấp 2,5 lần, Eximbank gấp 1,9 lần, VIB 1,6 lần...
MB ghi nhận cho vay 25.448 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), SHB 13.654 tỷ đồng (594 triệu USD), Techcombank 10.117 tỷ đồng (440 triệu USD), HDBank 9.604 tỷ đồng (418 triệu USD)...
Đến hết quý III, ngoại trừ Vietcombank có lượng huy động (141.136 tỷ đồng) cao hơn cho vay (97.443 tỷ đồng), đa số NH đều tiếp diễn tình trạng cho vay vượt huy động.
98% tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank là VNĐ và chỉ 2% là tiền gửi USD, nhưng vay bằng USD tăng 20,9% so với đầu năm đạt 6.190 tỷ đồng, đóng góp 5,4% vào tổng dư nợ. So với đầu năm, tiền gửi bằng USD tăng 1,06% (51.000 tỷ đồng), cho vay bằng USD tăng 1,48%, đạt 94.000 tỷ đồng, đóng góp 9,75% vào tổng dư nợ.
Tiền gửi bằng USD của Vietinbank tăng 2,5% so với đầu năm đạt 49.800 tỷ đồng, bằng 5,5% tổng vốn huy động, cho vay USD và các ngoại tệ khác giảm 1,8%, chiếm 10,7% tổng dư nợ cho vay. HDBank cho vay tăng 38,1%, đạt 10.270 tỷ đồng, trong khi huy động giảm 45,9%, đạt 2.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Thời hạn mới cho vay ngoại tệ
Năm 2018, chính sách cho vay USD đối với DN có nguồn thu ngoại tệ được gia hạn, cộng thêm lãi suất cho vay USD thấp hơn lãi suất vay VNĐ, nên vay USD vẫn được ưa chuộng.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5-6%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu vay USD khi lượng huy động USD trong dân còn thấp, đa số NH vay thêm từ NHNN và các TCTD khác. Càng gần cuối năm, xu hướng này càng gia tăng, thể hiện qua lãi suất bình quân cho vay USD có tăng ở các kỳ hạn chủ chốt. Như tại thời điểm giữa tháng 11, lãi suất cho vay USD liên NH 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,04%/năm và 0,11%/năm, lên mức 2,32%/năm và 2,73%/năm.
Tuy nhiên, sắp tới việc cho vay ngoại tệ vượt huy động sẽ giảm khi NHNN đang dự định thu hẹp nhu cầu vay USD, giảm đô la hóa nền kinh tế. Cụ thể, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về cho vay ngoại tệ, trong đó có quy định cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ được thực hiện đến hết 31-3-2019, còn cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết 30-9-2019.
Theo NHNN, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018, cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VNĐ.
Giảm rủi ro cho các bên
Hiện chính sách cho vay ngoại tệ đang tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu với lãi suất thấp. Tuy nhiên, điều này lại gây bất lợi cho chính sách ngoại hối do làm tăng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Theo quy định, các DN xuất khẩu vay ngoại tệ từ NH phải bán ngoại tệ đó cho NHTM, hoặc chỉ được nhận VNĐ trong trường hợp mua nguyên vật liệu trong nước, sản xuất trong nước để xuất khẩu. Trong khi các NH phải cân đối nguồn ngoại tệ từ huy động của người dân hoặc vay trên liên NH để đáp ứng nhu cầu DN khớp báo cáo và giảm chi phí. Nếu NH chuyển đổi VNĐ sang ngoại tệ để cho vay sẽ đẩy chi phí lên rất cao.
Ngược lại, vay ngoại tệ cũng làm tăng rủi ro cho DN. Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá giao dịch trên thị trường đã tăng 2,72% so với đầu năm, một số thời điểm NHNN phải can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá. Dự kiến tỷ giá còn diễn biến khó lường trước những tác động từ bên ngoài. Rủi ro tỷ giá hiện hữu là áp lực đối với DN vay USD lẫn nền kinh tế.
Theo quy định, đến cuối năm NHNN sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ. Nhưng theo dự thảo mới đưa ra, NHNN đã đề ra lộ trình mới. Cụ thể, cơ quan này có thể áp dụng thời điểm sẽ chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ đối với từng nhóm đối tượng. Đây là điều cần thiết để DN có sự chuẩn bị. Nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ ngay từ đầu năm 2019, các DN sẽ không được vay USD, chuyển sang vay VNĐ sẽ gây áp lực và đẩy lãi suất vay VNĐ lên cao.
Hơn nữa, thời điểm này nhu cầu vay vốn của DN nhập khẩu cũng rất cao. Ở chiều ngược lại, quy định mới sẽ giúp các NHTM giảm được áp lực huy động và cho vay ngoại tệ để tập trung mở rộng các dịch vụ phái sinh.
NHNN đã nhiều lần đóng mở cho vay ngoại tệ, nên lần này cần kiên định với mục tiêu đề ra, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, thậm chí cũng không huy động bằng ngoại tệ. Bởi chỉ huy động bằng VNĐ mới thực hiện được mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế theo yêu cầu của Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thiên Minh
Theo saigondautu.com.vn
Lãi suất ngân hàng Bảo Việt tháng 11 cao nhất là 7,8%/năm Theo ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank), trong tháng 11, lãi suất nhà băng này cao nhất là 7,8%/năm áp dụng cho tiết kiệm khách hàng cá nhân kì hạn 13 và 24 tháng. Cụ thể, đối với các kì hạn ngắn từ 7 - 21 ngày, BAOVIET Bank áp dụng mức lãi suất 1%/năm, kì hạn 1 tháng là 5,2%/năm. Các...