Thay đổi cơ cấu thị trường lao động trước 2 đợt ’sóng’ lớn
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và dịch COVID-19 đang tác động lớn và thay đổi cơ cấu thị trường lao động Việt Nam với những kỹ năng nghề mới, nâng cao hơn.
Đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lớn đến cơ cấu thị trường lao động.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: Việt Nam hướng tới một nền kinh tế số ngày càng mở rộng đòi hỏi phải đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của mọi người, kể cả nhóm yếu thế. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số.
Qua thống kê, 9 tháng đầu 2021, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hiện tương đối thấp, chỉ đạt 26,1%. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế – xã hội, trong đó doanh nghiệp và người lao động đều đang bị tác động nặng nề do đợt dịch lần thứ 4 kéo dài.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT – Chủ tịch mạng lưới Mnet, cho biết: Khảo sát từ các nhóm lao động cho thấy dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là 2 “đợt sóng” lớn tác động đến đời sống người lao động và làm thay đổi cơ cấu tuyển dụng lao động với những kỹ năng nghề khác nhau. Trong đó, nhóm người di cư, khu vực phi chính thức sẽ bị “va đập” sẽ bị tác động nặng nề, có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Khảo sát khoảng 400 doanh nghiệp để chuẩn bị cho diễn đàn đa phương MSF 2021 mới đây, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (thuộc VCCI), cho biết: Qua nghiên cứu cho thấy, có tới hơn 40% doanh nghiệp được khảo sát chưa có chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0; có 39% doanh nghiệp mới chỉ dừng ở “đang xây dựng kế hoạch” và chưa biết nên bắt đầu từ đâu để mang lại hiệu quả trước việc thay đổi nhân lực dưới áp lực ngày càng lớn của 2 đợt “sóng” từ dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, ông Lương Minh Huân cho biết, một số doanh nghiệp tự thích ứng bằng cách tự đào tạo. Thống kê qua khảo sát cho thấy, có đến 3/4 doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo, 1/5 doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài. Điều này có thể thấy thông qua báo cáo của chính Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố vừa qua cho thấy, dù Nghị quyết 68 có quy định về hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề do tác động của dịch COVID-19 nhưng đến nay mới chỉ có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình này.
Đồng quan điểm, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết: Xu hướng cách mạng mạng công nghiệp 4.0 với thay đổi về số hóa, cộng hưởng với đại dịch COVID-19 đang “tạo ra kịch bản gián đoạn kép của thị trường lao động”, kéo theo đó là thay đổi về cơ cấu thị trường lao động; yêu cầu mới về kỹ năng với người lao động.
Video đang HOT
Còn tại Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực lao động phi chính thức lớn; thâm dụng lao động cao. “Thách thức với thị trường lao động, người lao động là rất lớn nếu không có sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng bằng những chương trình, đề án phát triển nhân lực có kỹ năng trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn vô cùng lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 và phục hồi kinh tế sau đại dịch”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Để người lao động tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trương Anh Dũng, cho rằng: Cần có cơ chế phối hợp giữa các bên, từ Nhà nước đến các tổ chức hiệp hội, người sử dụng lao động trong đó Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng. Về thể chế, Bộ luật Lao động 2019 đã có chương quy định về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề trong đó quy định rõ quyền và trách nhiệm giữa các bên liên quan. Đặc biệt. luật đưa ra hình thức đào tạo tại doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cùng nhà trường phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng… Qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, ông Trương Anh Dũng cho rằng, cần tổ chức đào tạo trực tuyến với quy mô lớn các kiến thức nền tảng như kỹ năng số, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… để đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động thì tài liệu đào tạo, cơ chế phối hợp giữa các bên cần sớm ban hành.
Để thích ứng với sự biến động lớn của thị trường lao động, ông Lương Minh Huân cũng khuyến nghị, cần nhanh chóng xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng công nghiệp 4.0; Xác định những ngành chiến lược ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có kế hoạch đầu tư, đào tạo nghề gắn liền với việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, các tổ chức xã hội cũng tham gia vào quá trình đào tạo lao động, lấp những khoảng trống về đào tạo nghề cho người lao động khu vực phi chính thức, lao động tự do, lao động yếu thế, lao động di cư…; tập trung nâng cao nhận thức, kỹ năng xã hội và hành vi mà các cơ sở đào tạo chính quy, doanh nghiệp chưa đào tạo cho người lao động.
Lao động Việt Nam trong thời kỳ mới: Chủ động nắm bắt cơ hội
Trong giai đoạn hiện nay, cả thế giới là một thị trường lao động rộng lớn, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại nhiều quốc gia và ngược lại.
Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lao động nước ta, bởi tỷ lệ lao động trong nước qua đào tạo hiện đạt thấp; số lượng lao động trong độ tuổi giảm dần do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh... Thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành hữu quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm hóa giải các thách thức, chủ động nắm bắt các cơ hội.
Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Trong ảnh : Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh ). Ảnh: Đỗ Tâm
Thuận lợi song hành khó khăn
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhờ kinh tế - xã hội phát triển, các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng..., nên mỗi năm, thị trường trong nước tạo ra hơn 1 triệu vị trí việc làm cho người lao động. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. "Thị trường lao động ngày càng rộng mở là cơ hội tốt để người lao động có việc làm, thu nhập, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội", Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình đánh giá.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội, lao động Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình tiếp cận với việc làm, nhất là cơ hội việc làm bền vững. Khó khăn hiện hữu là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phạm Quang Vinh cho biết: "Quý I-2021, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến 9,1 triệu lao động ở nước ta, khiến số người thất nghiệp tăng lên gần 1,1 triệu người, tăng hơn 12.000 người so với cùng kỳ năm trước".
Điểm đáng chú ý là, lực lượng lao động dồi dào vốn là thế mạnh của thị trường Việt Nam, nhưng do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh nên số lượng lao động trong độ tuổi đang giảm dần. Tính đến cuối tháng 3-2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51 triệu người, giảm 200.000 người so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 600.000 người so với năm 2019.
Về chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới đạt 26%, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo ngày càng tăng của các đơn vị, doanh nghiệp. Chính điều này đã khiến một bộ phận người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự phù hợp. Trưởng phòng Nhân sự (Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam) Nguyễn Thị Tuyết Hoa phản ánh: "Dù đưa ra chế độ hấp dẫn, song chúng tôi không dễ tuyển được người lao động vững kiến thức, thạo kỹ năng".
Thực tế cho thấy, việc người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Đặc biệt, lực lượng lao động thiếu kỹ năng có nguy cơ thua ngay trên "sân nhà", khi bị máy móc thay thế hoặc dành cơ hội việc làm tốt cho lao động đến từ các quốc gia khác.
Nếu thiếu kỹ năng, lao động Việt Nam sẽ phải dành cơ hội việc làm tốt cho lao động đến từ các quốc gia khác. Trong ảnh : Chuyên gia nước ngoài (bên trái) làm việc tại Nhà máy sản xuất điện thoại VinSmart (thành phố Hải Phòng) . Ảnh: Văn Phong
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, để xây dựng thị trường lao động đủ sức cạnh tranh, Cục đã phối hợp với các đơn vị xây dựng hai đề án. Theo đó, đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động" được thiết kế đa tầng, đa lĩnh vực, rõ thông tin, dữ liệu cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; còn đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" gồm nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng năng động, hiện đại, tăng sức cạnh tranh; tăng cường kết nối cung - cầu về lao động...
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề hằng năm được các địa phương lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề. Trong khi đó, các nhà trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, bảo đảm đa số người học chắc chắn có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thông tin, quý I-2021, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 40.000 người. Từ nay đến cuối năm, toàn thành phố phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 220.000 lượt người, tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71,5% (hiện là 70,25%)...
Về phía chủ sử dụng lao động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động đang làm việc, đồng thời phối hợp với các trường nghề đào tạo lực lượng lao động dự phòng. "Theo hướng này, chúng tôi dần có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc", Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex 1 Nguyễn Xuân Thọ thông tin.
Đối với người học, khi chủ động trang bị kiến thức nghề nghiệp, họ dễ dàng tiếp cận với cơ hội việc làm. Em Nguyễn Văn Quân, sinh viên Trường Cao đẳng nghề điện tử - điện lạnh Hà Nội chia sẻ: "Dù chưa tốt nghiệp nhưng tôi đã được một số doanh nghiệp nhận vào làm việc".
Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tin tưởng, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cả nước tiếp tục tạo ra hơn 1 triệu vị trí việc làm mới cho người lao động; số lao động được đào tạo nghề trong giai đoạn này là hơn 19 triệu lượt người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025...
Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để đón đầu tư nước ngoài Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, Việt Nam đang đứng trước 3 xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến tích cực trong dòng vốn đầu tư nước ngoài từ đó sẽ tác động không nhỏ lên thị trường lao động trong nước. Thứ nhất là...