Thay đổi chủ sở hữu, Twitter vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định về nội dung đăng tải
Giới quan sát nhận định việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD và đề cập các kế hoạch hướng đến cách tiếp cận lỏng lẻo hơn trong khâu kiểm chứng nội dung có thể sẽ dẫn đến những xung đột với các luật mới mà Liên minh châu Âu (EU) thông qua để bảo vệ người dùng trước các nguy cơ tin tức sai sự thực, phát ngôn thù hận hoặc các nội dung gây hại.
Biểu tượng Twitter trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Kỹ thuật số Pháp Cedric O cho rằng tỷ phú Musk sẽ có nhiều ý tưởng thú vị cho Twitter nhưng cần ghi nhớ Đạo luật kỹ thuật số, mà EU mới thông qua và sẽ có hiệu lực từ năm 2024, để đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ sàng lọc thông tin sai sự thực và kích động thù hận mà mọi nền tảng kỹ thuật số đều phải thực hiện bất kể chủ sở hữu là ai. Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh Twitter cần duy trì trách nhiệm và bảo vệ người dùng, kể cả khi thay đổi chủ sở hữu.
Theo đạo luật mới của EU, các công ty công nghệ phải trang bị các hệ thống giúp nhanh chóng phát hiện, gắn dấu cảnh báo hoặc gỡ bỏ những nội dung phạm pháp, yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn phải minh bạch hơn bằng cách cho phép các nhà quản lý và nghiên cứu tiếp cận dữ liệu về cách các hệ thống của họ giới thiệu nội dung cho người dùng.
Tương tự, Ấn Độ cũng tái khẳng định quan điểm các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải và phát ngôn của người dùng trên các nền tảng này sau khi Twitter xác nhận thương vụ với tỷ phú Elon Musk. Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Công nghệ và điện tử Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar khẳng định việc một nền tảng thay đổi người sở hữu không ảnh hưởng đến những quy định mà nền tảng đó phải tuân thủ.
Từ năm 2021, Ấn Độ đã ban hành luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng tải, tuân thủ luật thông tin và công nghệ của nước này, tuân thủ các yêu cầu về việc dỡ bỏ những thông tin sai phạm mà chính quyền đưa ra và phải minh bạch các cơ chế xử lý khiếu nại của người dùng.
Video đang HOT
Tương lai của Twitter sẽ thế nào dưới thời tỷ phú Elon Musk?
Đầu tuần, Twitter đã đồng ý bán cho tỷ phú Elon Musk theo thỏa thuận trị giá khoảng 44 tỷ USD. Câu hỏi bây giờ là tương lai của Twitter sẽ thế nào khi về đế chế kinh doanh của tỷ phú giàu nhất hành tinh này.
Tỷ phú Elon Musk tại một hội nghị ở Vancouver, Canada ngày 14/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Kênh CNN cho biết theo các điều khoản của thỏa thuận, các cổ đông sẽ nhận được 54,2 USD/cổ phiếu Twitter.
Trong tuyên bố ngày 25/4, ông Musk nói: "Tự do ngôn luận là nguyên tắc căn bản của nền dân chủ và Twitter là trung tâm kỹ thuật số, nơi thảo luận các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại. Twitter có tiềm năng to lớn. Tôi mong muốn được hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai phá tiềm năng đó".
Thỏa thuận trên đã được hội đồng quản trị của Twitter nhất trí thông qua, dự kiến sẽ kết thúc trong năm nay. Mới tuần trước, ông Musk tiết lộ rằng ông đã "chồng" đủ 46,5 tỷ USD tiền để mua Twitter. Đây là một bước ngoặt rõ ràng buộc hội đồng quản trị của Twitter phải xem xét nghiêm túc thỏa thuận này. Hội đồng đã họp vào ngày 24/4 để đánh giá lời đề nghị của ông Musk.
Cổ phiếu Twitter đã tăng gần 6% giá trị sau khi công bố thỏa thuận, dao động quanh mức 51,84 USD. Thỏa thuận này đang chờ các cổ đông và cơ quan quản lý chấp thuận.
Tỷ phú Musk vừa là một người dùng Twitter nổi tiếng vừa là một người có nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Ông có hơn 83 triệu người theo dõi trên nền tảng Twitter. Ông dùng nền tảng này để chia sẻ mọi thứ, từ chia sẻ meme, thảo luận về công ty của mình cho đến xúc phạm các chính trị gia, lan truyền những tuyên bố sai lệch về COVID-19 và đưa ra những nhận xét xúc phạm về cộng đồng người chuyển giới.
Những ngày gần đây, ông Musk đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là thúc đẩy tự do ngôn luận trên nền tảng này và khai phá tiềm năng phi thường của Twitter.
Trong tuyên bố mới nhất, tỷ phú Musk cho biết ông muốn làm cho Twitter trở nên tốt hơn bao giờ hết với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, xử lý vấn đề thư rác và xác thực tất cả người dùng. Trong một tweet khác, ông bày tỏ hy vọng: "Ngay cả những người chỉ trích tôi mạnh mẽ nhất vẫn sẽ dùng Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận".
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lo lắng rằng mong muốn tự do ngôn luận của ông Musk trên Twitter có thể đồng nghĩa với việc nền tảng này phải giảm bớt nỗ lực hạn chế phát ngôn thù hận, thông tin sai lệch, quấy rối và các nội dung có hại khác.
Biểu tượng Twitter trên màn hình điện thoại và máy tính bảng tại Toulouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Một số người đặt câu hỏi liệu tỷ phú Musk có thể khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump hay không. Tài khoản của ông Trump đã bị xóa vào đầu năm ngoái vì vi phạm chính sách của Twitter về việc kích động bạo lực sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol. Động thái khôi phục tài khoản cho ông Trump có thể gây chia rẽ đáng kể cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sắp tới.
Mặc dù Twitter nhỏ hơn một số đối thủ truyền thông xã hội, nhưng mạng này có ảnh hưởng vượt trội trong thế giới trực tuyến và ngoại tuyến vì được nhiều chính trị gia, nhân vật công chúng, nhà báo sử dụng và đôi khi Twitter là kiểu mẫu cho các nền tảng khác về cách xử lý nội dung có hại.
Ông Derrick Johnson, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu NAACP, cho biết trong một tuyên bố trực tiếp gửi tới ông Musk: "Đừng cho phép Twitter trở thành nơi phát tán phát ngôn thù hận, những lời nói dối trá phá hoại nền dân chủ của chúng ta".
Trong những ngày kể từ khi tỷ phú Musk thông báo ý định muốn mua Twitter, nhiều người theo dõi Twitter thắc mắc liệu Twitter có cố gắng tìm một người mua khác hay không, đặc biệt là sau khi công ty có động thái để khiến ông Musk khó mua lại công ty hơn mà không được sự chấp thuận của họ.
Nhưng nhà phân tích cổ phiếu cao cấp của CFRA, ông Angelo Zino cho biết rằng hội đồng quản trị của Twitter xem xét nghiêm túc hơn đề nghị của tỷ phú Musk có thể là do họ nhận ra rằng khó có thể có một người mua khác, đặc biệt là sau khi giá trị tài sản của các công ty mạng xã hội giảm trong những tuần, tháng gần đây.
Hiện chưa rõ liệu ông Agrawal - người đã tiếp quản vai trò tổng giám đốc điều hành từ người sáng lập Jack Dorsey vào tháng 11/2021 - có tiếp tục giữ vị trí cao nhất sau khi Twitter về tay Elon Musk hay không. Trước đó, ông Musk cũng nói rằng ông không có tự tin vào vào việc quản lý Twitter.
Tuy nhiên, thỏa thuận nói trên có thể chấm dứt gần một thập kỷ hỗn loạn tại Twitter từ khi trở thành một công ty đại chúng. Trong thời gian đó, Twitter đã thay đổi nhiều tổng giám đốc điều hành, vất vả trong đạt tăng trưởng.
Ông Agrawal cho biết trong tuyên bố ngày 25/4: "Twitter... tác động đến toàn thế giới. Vô cùng tự hào về các đội ngũ của chúng ta và được truyền cảm hứng từ một công việc quan trọng hơn bao giờ hết".
Twitter cân nhắc đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk Tờ The Wall Street Journal cho biết công ty Twitter đang cân nhắc đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk, với cuộc thảo luận giữa hai bên diễn ra ngày 24/4. Trước đó, ông Musk cho biết đã đảm bảo nguồn tài chính cần thiết để tiến hành thương vụ trên. Biểu tượng Twitter trên màn hình điện thoại thông minh...