Thấy con hay tự giật tóc của mình, mẹ cần xử lý ngay vì rất có thể đó là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng
Trẻ nhỏ có thể hình thành nhiều thói quen mà người lớn không tài nào hiểu nổi. Trong số đó, có một thói quen nhìn qua rất đau đớn và gây căng thẳng cho phụ huynh: Bé tự giật tóc của mình.
Hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania) có thể gây ra nhiều hệ quả đối với bé yêu của bạn.
Tại sao một số trẻ có thói quen giật tóc mình?
Cố gắng giật tóc của mình là thói quen có ở rất nhiều trẻ. Trẻ làm vậy khi nhận ra hành động này thu hút sự chú ý của bạn. Theo thông tin đưa trên trang Trich Stop, giật tóc có thể là hành vi mà trẻ nhỏ thực hiện khi trẻ giận dỗi, ăn vạ, đi kèm với la hét và đạp, đá chân.
Cũng có khả năng việc giật tóc là cách để bé ứng phó với tình trạng stress hay mệt mỏi quá độ. Theo Babies.co, khi trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé dưới 1 tuổi, giật tóc của mình, đó có thể là dấu hiệu bé đang cảm thấy bứt rứt, khó chịu, buồn bực. Có vẻ như đó là phản ứng lạ trước một tình huống gây căng thẳng. Nhưng đó cũng là nỗ lực để bé có cảm giác kiểm soát hoàn cảnh quanh mình.
Tiến sĩ Jen Trachtenberg, bác sĩ nhi kiêm tác giả “Pediatrician in Your Pocket”, chia sẻ trên Romper rằng, với một số bé, giật tóc có thể “tiếp tục và trở thành cách dễ chịu để tự xoa dịu bản thân hay trở nên bình tâm hơn, nhất là khi bé quá mệt, buồn bực, đói hay thậm chí chán nản”.
Trich Stop khẳng định, với trẻ độ tuổi 1 tháng – 2 tuổi, giật tóc thường đi kèm với mút tay. Em bé đưa ngón tay cái hoặc các ngón tay khác vào miệng đồng thời dùng bàn tay kia kéo giật tóc của mình hoặc của mẹ. Bé cảm thấy làm vậy rất dễ chịu nên thường thực hiện hành vi đó trước khi đi ngủ hoặc khi căng thẳng.
Khi giật tóc là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn
Trong một số tình huống, hành động tự giật tóc của bé có thể báo hiệu bé đang bị một chứng bệnh đáng lưu tâm hơn, chứng nghiện giật tóc – trichotillomania. Trich Stop mô tả đây là “chứng bệnh mà trẻ nhỏ và thiếu niên kéo tóc từ da đầu, dứt lông mi, lông mày hay các phần khác của cơ thể, dẫn tới hậu quả là những mảng hói dễ nhận thấy”.
Giai đoạn khởi phát chứng nghiện giật tóc điển hình là khi trẻ 9-13 tuổi. Nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở những đứa trẻ nhỏ hơn nhiều.
Trong khi triệu chứng bệnh nghiện giật tóc có thể rất khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, phần cơ thể bị tác động và cách thức bệnh nhân phản ứng với biện pháp điều trị, có các dấu hiệu mà cha mẹ nhất định nên chú ý sát sao. Theo Child Mind Institute, đó có thể là “tình trạng rụng tóc nhanh chóng hay bất đối xứng; tóc rụng trên sàn và gối; 2 bàn tay luôn để ở vị trí gần đầu”.
Các dấu hiệu khác bao gồm đội mũ và những đồ khác để che đầu; thường xuyên kiểm tra bóng mình trong gương, nhất là với trẻ lớn hơn.
Làm thế nào để bé ngừng thói quen tự giật tóc của mình?
Chứng nghiện giật tóc đòi hỏi sự chú ý và chăm sóc y tế mặc dù theo lưu ý từ Child Mind Institute, việc chẩn đoán bệnh này ở trẻ nhỏ hơn là vô cùng khó khăn.
Say đây là một số cách bạn có thể thực hiện để giúp trẻ loại bỏ thói quen giật tóc càng sớm càng tốt:
1. Luôn quan sát, để mắt tới bé
Video đang HOT
BabyCenter khuyên cha mẹ cố gắng không làm gì trong một lúc và tiến hành quan sát bé trong khoảng 1-2 tuần. Con tự giật tóc mình khi buồn chán, bực bội, mè nheo, giận dữ hay khi thấy buồn ngủ? Con có xu hướng giật tóc mình khi bú sữa hay nằm trong nôi?… Hãy nhớ rằng, con bạn có thể tự ngưng thói quen giật tóc nhưng tốt hơn hết, vẫn nên tham vấn ý kiến bác sĩ.
2. Đưa ra một số thay đổi về lối sống
Nếu để ý thấy con tự giật tóc vào buổi tối, bạn cần điều chỉnh thời gian ngủ nghỉ sớm hơn. Con có thể quá mệt sau một ngày dài.
3. Giữ bình tĩnh và luôn kiên định
Luôn kiên định, thể hiện rõ ràng sự phản đối của bạn đối với hành động tự giật tóc của con nhưng điều này không có nghĩa là bạn phủ nhận những gì con đang cảm thấy. Bạn cũng không nên quở trách con, không chỉ bởi con còn quá nhỏ để có hiểu chuyện gì đang diễn ra, mà còn bởi làm vậy có thể khiến trẻ chỉ muốn xả toàn bộ căng thẳng đang có.
4. Làm xao nhãng con
Sự xao nhãng là một cách tuyệt vời khác để giúp trẻ chấm dứt thói quen tự giật tóc. Khi trẻ bắt đầu làm vậy, cố gắng lái sự chú ý của bé bằng cách đưa cho con một thứ đồ chơi màu sắc, vui nhộn hay khích lệ con cùng bạn tham gia một hoạt động khác như múa hát hay chơi game.
5. Cắt tóc cho con
Một lý do khác giải thích cho hành động liên tục giật tóc của bé có thể là tóc bé khá dài. Chính vì vậy, bé dễ dùng bàn tay nhỏ của mình để kéo các sợi tóc ra. Hãy cắt tóc cho con cho tới khi tóc bé quá ngắn, không thể tự tóm lấy bằng bàn tay nho nhỏ.
6. Hỏi ý kiến bác sĩ
Nếu thói quen tự giật tóc của con bạn vẫn tiếp diễn trong khoảng thời gian nhiều hơn 2 tuần hay bé thực sự xuất hiện mảng hói trên đầu, đã đến lúc hỏi ý kiến bác sĩ. Bởi đây có thể là dấu hiệu của một chứng bệnh nghiêm trọng hơn, như chứng nghiện giật tóc chẳng hạn.
Theo Helino
Luyện ngủ cho con từ khi mới lọt lòng, ông bố MC cùng con vi vu đi du lịch và cho bé ngủ bất kỳ đâu cũng được
Được bố luyện ngủ cho từ nhỏ, nay cứ đến giờ là bé Cá lăn ra ngủ, dù đang ở trung tâm thương mại hay trên máy bay, ô tô, xe đẩy...
Mỗi đứa trẻ sẽ có một bản tính khác nhau, có trẻ dễ, có trẻ khó, có trẻ áp dụng phương pháp vài lần là được nhưng có trẻ thì luyện mãi mới thành công. Nhưng phải khẳng định một điều chắc chắn là thói quen của trẻ có thể thay đổi được dần dần nếu bố mẹ kiên nhẫn. Chuyện luyện ngủ cho con cũng vậy. Đó là quan điểm của anh Ninh Quang Trường (là MC của VTV, chăm con cực khéo với biệt danh Ba Ninh Ninh). Không những luyện ngủ cho con đúng giấc, xuyên đêm, mà ông bố này còn luyện cho con ngủ được ở khắp mọi nơi, thoải mái cùng bố mẹ vi vu trong các chuyến du lịch từ khi còn rất nhỏ.
Bé Cá nổi tiếng với "biệt tài" ngủ bất kỳ đâu, mọi lúc mọi nơi dù ồn ào náo động đến thế nào.
Luyện con tự ngủ khi vừa qua đầy tháng
Ông bố MC chia sẻ: "Trong chuyến đi du lịch Pháp sau đám cưới, tại công viên Disney Land, mình cứ bị chú ý bởi một gia đình 2 con, con lớn khoảng 4 tuổi và con nhỏ chắc gần 1 tuổi. Cả nhà chơi rất vui, em bé ngoan và cực dễ ngủ, ngủ trên xe đẩy, ngủ trên ghế băng, xung quanh ầm ỹ vẫn cứ ngủ, lúc thức thì được bố mẹ cho chơi, lúc mệt thì lăn ra ngủ để cả nhà chơi. Mình mới bắt chuyện hỏi làm sao mà con ngoan thế thì bố mẹ đó có chia sẻ là do luyện từ nhỏ, họ đã sinh một đứa rồi nên có kinh nghiệm hơn. Từ đó mình có mục tiêu là khi có con sẽ luyện cho con như vậy để cả nhà có thể đi du lịch nhàn tênh".
Anh Ninh Quang Trường cho rằng, bố mẹ cần phải xác định mục tiêu rõ ràng như thế thì mới có quyết tâm để thực hiện. Và sau khi đã có quyết tâm, việc đầu tiên của anh là luyện cho con tự ngủ. Sau lễ đầy tháng, giai đoạn luyện ngủ của bé Cá bắt đầu.
Từ sau khi đầy tháng, bé Cá bước vào quá trình luyện tự ngủ. Bố cho bé ngậm ti giả, vỗ mông và chúc bé ngủ ngon, sau đó bé tự xoay xở đưa mình vào giấc ngủ.
Các nguyên tắc được gia đình áp dụng đó là phân phối lịch sinh hoạt của trẻ phù hợp và khoa học: Giờ ăn, giờ chơi, giờ ngủ, giờ vệ sinh, giờ nào việc nấy. Việc bú đúng bữa, bú đủ số lượng ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ đủ no để ngủ liền mạch, không bị thức dậy lắt nhắt. Sau khi con bú xong, sẽ được vỗ ợ hơi rồi đặt xuống giường nằm ngủ. Lúc này, anh cho con ngậm ti giả, vỗ mông 10 cái và thì thầm với con: "Bây giờ con ngủ đi nhé!", dần dần đó sẽ là một dấu hiệu để con chìm vào giấc ngủ. Đặc biệt lưu ý là đặt con xuống giường khi con buồn ngủ nhưng chưa ngủ, con sẽ tự xoay xở vào giấc khi nằm trên giường.
Ngay từ đầu, gia đình anh quán triệt tinh thần không bế ẵm, rung lắc, hát ru và để con ngủ. Bởi tìm hiểu và đọc nhiều kiến thức thì anh biết, trẻ không có nhu cầu đó, tuy nhiên do thói quen và tình cảm của người lớn khiến cho con nảy sinh thói quen như vậy. Trong những tháng đầu tiên thì con hay giật mình trong khi ngủ, lúc đó anh giữ tay con lại cho không để vung mạnh, giữ một lúc thì con sẽ lại mềm người ra và ngủ tiếp.
Bố Cá cho rằng việc luyện con tự ngủ cũng không nên quá máy móc. Có những giai đoạn như wonder week cũng nên trấn an để con vượt qua rồi sẽ luyện sau.
Tuy vậy, Ba Ninh Ninh cũng không quá máy móc trong quá trình luyện ngủ, không phải là cứ mặc kệ để con khóc rồi tự nín. Ngược lại, khi con khóc, anh sẽ kiểm tra nhanh xem có vấn đề gì không: có đói không, bỉm có bẩn không, phòng có nóng hoặc lạnh quá không, có bị con gì đốt không... Nếu không phải những vấn đề đó thì bình tĩnh đặt tay lên người trẻ, trẻ sẽ dần nín và ngủ tiếp.
Ngoài ra, trong những tuần wonderweek hay con có vấn đề sức khỏe thì anh cũng cũng lựa theo tình hình thực tế và thống nhất rằng sẽ bế ru trấn an con trong giai đoạn này. Hết tuần wonderweek hoặc hết bệnh thì tiếp tục luyện.
Để luyện cho bé ngủ xuyên đêm, Ba Ninh Ninh phối hợp chặt chẽ với bữa cuối cùng trong ngày. Trẻ bú không đủ no mà đi ngủ ngay thì sẽ thức dậy giữa đêm để bú sữa. Thế nên trước bữa cuối cần cho con một quãng thời gian chơi vừa đủ, cơ thể được vận động và cho ăn nhiều. Giai đoạn đầu con chưa ăn được nhiều để đủ no ngủ hết đêm, nhưng dần dần thời gian ngủ sẽ dài dần ra, sau đó là ngủ một mạch đến sáng.
Bé Cá được 6 tháng là đã có thể ngủ liền một mạch 8 tiếng (bắt đầu đi ngủ từ 7h30', dậy ăn thêm một bữa vào lúc 9h30' tối và ngủ xuyên đêm đến 5h30' sáng hôm sau).
Bé Cá được bố cho ra ngoài từ rất sớm và luyện cho em khả năng ngủ bất kỳ đâu.
Luyện con ngủ ở mọi lúc mọi nơi
Với bé Cá, ngoài chuyện luyện ngủ hàng ngày ra, ông bố MC còn muốn con dễ ngủ trong các chuyến đi chơi, để sau này gia đình có thể đi du lịch sớm cùng nhau. Bởi khi đi du lịch, hoàn cảnh ngủ sẽ không hề giống ở nhà, nếu con lạ giường hoặc chỉ quen ngủ một chỗ cố định thì sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, ngay từ lúc mới sinh, anh đã tập cho con ngủ ở khắp nơi trong nhà, ngoài ngủ ở cũi ra thì có thể ngủ ở giường bố mẹ, sofa, xe đẩy... Ban ngày anh thường để con ngủ trong xe đẩy, đặt xe gần vị trí của bố để vừa làm việc vừa để ý được con. Thêm vào đó, gia đình vẫn sinh hoạt bình thường khi con ngủ. Nếu buổi ngày sẽ để ánh sáng, vẫn mở tivi, bật nhạc, nói chuyện bình thường. Bởi bé cần phân biệt được ban ngày và ban đêm từ sớm. Trong giai đoạn đầu khi con hay bị giật mình, bố mẹ chỉ cần giữ hai tay con lại rồi vỗ nhẹ nhẹ là con sẽ lại tiếp tục ngủ.
Ông bố đảm cũng cố gắng thay đổi nhiều môi trường khác nhau để giúp con sớm thích nghi. Anh thường xuyên đưa con ra ngoài chơi cho con quen dần từ nhỏ. "Em Cá nhà mình được cho ra phố đi bộ chơi từ hồi chưa đầy tháng. Chỉ cần chuẩn bị kĩ một chút là có thể yên tâm đi chơi rồi. Lúc con ngủ thì cho con nằm xe, nếu con quấy khóc thì có thể vừa đi vừa bế. Lớn hơn một chút thì bố Cá hay cho con đi cùng trong các buổi cafe với bạn bè, con ngồi xe đẩy hoặc bố mẹ bế trên ghế cùng. Chỉ lưu ý không chọn quán cafe có hút thuốc lá là được. Để con dễ ngủ trong các chuyến đi du lịch thì điều quan trọng là bố mẹ cần tôn trọng nhịp sinh hoạt của con, đến giờ ngủ của con thì cho con ngủ chứ không bắt con thức cùng", anh chia sẻ.
Đương nhiên là sẽ có bé dễ, có bé khó, nhưng chỉ cần bố mẹ kiên trì, nhất quán thì nhất định sẽ luyện ngủ được cho con.
Anh dần dần luyện cho con ngủ trên xe đẩy, địu, ngủ trên ô tô, tàu điện, máy bay..., cứ để con ngủ trong lúc di chuyển khi đã đến giờ ngủ của con. Thậm chí anh cũng luyện cho con ngủ trong trung tâm thương mại - nơi thường có nhiều tiếng ồn, âm nhạc, quảng cáo, đèn sáng, người qua lại và nhiều mùi khác nhau. Bởi con cũng cần được làm quen từ nhỏ với sự thay đổi đó. "Mình thường cho con vào xe đẩy rồi tranh thủ đi mua sắm, nếu con ngủ rồi thì thử ra chỗ đông người hơn, ồn ào hơn để tăng độ khó. Dần dần con có thể ngủ được trong mọi hoàn cảnh.
Có một điều mà bố Cá chia sẻ đều bị mọi người cười, nhưng mình vẫn làm thường xuyên, đó là nói chuyện trước với con, mặc dù con rất bé. Ví dụ khi mình định đưa bé đi chơi hơi lâu một tí, hay sẽ có một chuyến đi xa thì đều nói trước cho bé chuẩn bị tinh thần. Mình cứ nói như con là một lớn vậy: 'Bây giờ bố con mình sẽ đi chơi nhé, chuyến đi này sẽ hơi dài, sẽ trùng vào giờ ngủ của con, thế nên con cứ yên tâm ngủ nhé, bố đã chuẩn bị xe đẩy rồi', ông bố MC tâm sự thêm.
Nhờ được bố rèn luyện từ khi còn nhỏ như vậy mà hiện giờ 2 tuổi, bé Cá có thể theo bố mẹ đi du lịch và lăn ra ngủ ở bất kỳ đâu khi đến giờ ngủ. Đó hẳn là giấc mơ của nhiều ông bố bà mẹ có con nhỏ. Ông bố đảm chia sẻ đến các bố mẹ khác: "Sẽ thật may mắn cho bố mẹ nào có con dễ tính, dễ ăn dễ ngủ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, sự kiên nhẫn của bố mẹ lại có tác dụng không ngờ. Luyện ngủ cho con cũng cần rất nhiều thời gian và công sức, nhưng nếu làm được thì cả gia đình thoải mái đi chơi mà không sợ con bị mệt hay khó thích nghi".
Theo Helino
Con gãi đầu liên tục nhưng cha mẹ vô tâm bỏ qua, đưa vào viện mới sững sờ khi biết lý do Cặp vợ chồng này đã nhiều lần bỏ qua hành động gãi đầu lạ lùng của con, đến khi bắt đầu đưa vào viện mới sững sờ vì bác sĩ nói con bị bệnh này. Gần đây tại Trung Quốc, cha mẹ của một em bé tên An An phát hiện ra rằng con mình thường gãi và giật mạnh phần đầu. Cặp...