Thay cầu Chương Dương vì sốt ruột Đà Nẵng nhiều cầu đẹp?
Nói về ý tưởng thay thế cầu Chương Dương, theo ông Nguyễn Văn Nhậm, Đà Nẵng người ta xây hàng loạt cầu đẹp, nên có lẽ Bộ Giao thông vận tải cũng muốnHà Nộicó cầu đẹp.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với TP. Hà Nội nghiên cứu phương án sửa chữa, hoặc thay thế cầu Chương Dương bằng cầu mới.
Vì theo Bộ này, hiện cầu Chương Dương đang gặp một số vấn đề về chất lượng, mặc dù phần thân cầu vẫn ổn định nhưng phần kết cấu phía dưới nếu tiếp tục khai thác mà không có biện pháp tăng cường, gia cố thì sẽ không đảm bảo chất lượng.
Không thể nói thay là thay
Trả lời báo chí chiều 8/4, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) cho rằng, để đánh giá về chất lượng cây cầu thì cần thành lập Hội đồng khoa học độc lập để khao sát lại tổng thể cầu, đánh giá hiện trạng của nó, còn sử dụng được bao lâu. Phải có người chịu trách nhiệm về kết luận ấy, chứ không phải là một người nào đó hoặc một vài ông phát biểu không chưa đủ. Không phải nói thay là thay. Ngay cầu Long Biên hàng trăm năm nay vẫn làm thế, vẫn sử dụng tốt.
“Cầu Chương Dương mới sử dụng 28 năm, nếu cần phải xem lại kết cấu thép, chất lượng vật liệu xây dựng, chế độ bảo dưỡng. Cũng không loại trừ lúc làm anh không lường hết được trọng tải xe, hoặc vì làm không đúng giờ cầu không tốt lại đổ cho quá tải, lập luận đấy chưa có sức thuyết phục, phải đi vào bản chất của vấn đề”, ông Hùng nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cầu Chương Dương chưa tới mức hư hỏng để phải thay mới. Ảnh DT.
Còn về việc xây cầu mới, theo ông Hùng, có thể đấy chỉ là mong muốn của một vài người, còn muốn thay phải có cơ sở khoa học. Ông nói, “còn muốn làm đẹp hơn, hệ thống kết cấu tối ưu hơn, hay nâng cấp lên cho tương xứng với tầm cỡ của Hà Nội là chuyện khác. Trong lúc điều kiện kinh tế như thế này, rồi nào là phí cầu đường, phí bảo trì… tất cả đều tăng thu tiền của dân mà nếu không tận dụng kết cấu cũ, khi chưa có đánh giá rõ ràng thì phải rất cẩn trọng, không vội vàng, đấy là tiền của người dân đóng góp”.
Video đang HOT
Nói về sự cố năm 2010, khi nước sông Hồng cạn trơ cả trụ thép cầu Chương Dương, ông Hùng cho rằng, có lẽ lúc xây dựng người ta không lường hết nước sông tụt giảm vậy, hoặc thi công chưa tốt, cũng có thể khi khai thác đơn vị quản lý không kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên… nên xảy ra tình trạng đó.
“Còn nói đường xuống cấp là do quá tải thì nghe sao được. Các con đường, đặc biệt là đường thành phố, đường huyết mạch khi thiết kế đều có tính vượt tải hơn nhiều tải trọng khai thác, thậm chí tính cả cho xe tăng đi nữa. Lấy lý do trồi, sụt do quả tải, chẳng qua là do nền dưới yếu, nén chưa chặt. Rồi hỏng thì bảo bảo chờ lún, nếu làm đúng quy trình thì cái chờ lún đó rất nhỏ, nếu lún thì phải lún đều chứ không phải chỗ lún chỗ không. Lý lẽ đó chưa thuyết phục”, ông Hùng khẳng định.
Cuối cùng ông Hùng chốt: “Làm gì thì làm, phải trên tinh thần trách nhiệm, lời ích chung, có lòng tự trọng, không phải là lợi ích cá nhân”.
Đánh giá về địa chất khu vực cầu Chương Dương, TS. Lê Huy Y, Tổng hội Địa chất Việt Nam cho hay, Hà Nội chỉ có khu vực Sóc Sơn và Hà Đông là yếu nhất, còn các khu vực khác đều ổn định, không vấn đề gì nhiều.
“Lâu nay Hà Nội có động đất, nhưng chỉ cấp 4 – 5, và thường là chịu ảnh hưởng của đông đất ở khu vực khác, nên không nặng nề lắm. Nếu cầu làm đúng tiêu chuẩn thì không sợ ảnh hưởng, vì thường được thiết kế chịu động đất cấp 7 – 8, chi lo ngại là bị ăn bớt vật liệu hoặc làm ẩu thôi”, TS. Lê Huy Y nhận định.
“Có thể Bộ GTVT muốn xây dựng cầu mới để tương xứng với tầm vóc của Hà Nội”. Ảnh Internet.
Hoành tráng cũng tốt nhưng chưa cần thiết
Là thành viên đoàn khảo sát được Hà Nội mời thẩm định chất lượng cầu Chương Dương, ông Nguyễn Văn Nhậm, Bộ môn Cầu – Hầm (Khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, ngày 6/4 ông có ra xem cụ thể, ghi nhận ban đầu cầu vẫn chưa có vấn đề gì nghiêm trọng. Chỉ là bê tông thành cầu, lớp thảm mặt cầu có một số vị trí xuất hiện ổ gà, nứt nhỏ.
Theo ông Nhậm, kiểm tra chỉ là tiếng chuông dóng lên thế, vì cầu này vốn xây dựng khi hòa bình mới lập lại, vật tư chắp vá, nhập nhiều nơi về làm, không đồng bộ, không phải là thiết kế hoàn chỉnh, nên có thể xảy ra hư hỏng, cần kiểm tra.
“Theo tôi, chưa có gì nghiêm trọng lắm, kết cấu thì chưa có vấn đề gì gọi là chết người. Còn xuống cấp vài thứ cũng chỉ là nhỏ, mình khai thác thì nó có hư hỏng là đương nhiên thôi, nhưng chưa tới mức nguy hiểm”, ông Nhậm khẳng định.
Về ý tưởng xây cầu mới thay thế cầu Chương Dương, theo ông Nhậm, Đà Nẵng người ta xây hàng loạt cầu đẹp, nên có lẽ Bộ GTVT cũng muốn Hà Nội có cầu đẹp, có thể đặt một cầu khác tốt hơn ở đấy. “Còn theo tôi trước mắt vẫn khai thác tốt, nước ta cũng chưa có dư tiền để xây cầu khác ở đấy. Đẹp thì tốt, nhưng giờ nhiều nơi còn cần hơn, so với các cầu đang sử dụng ở Việt Nam thì chất lượng cầu Chương Dương vẫn đang tương đối yên tâm”, ông nói.
Về tuổi thọ cầu Chương Dương, ông Nhậm cho rằng, chỉ cần bảo dưỡng tốt thì còn khai thác được lâu dài, đúng với thiết kế là cầu thép vĩnh cửu, tuổi thọ khoảng 100 năm. Chỉ có điều nó rõ ràng không đẹp, chắp vá.
Nói về chuyện cầu quá tải, theo ông Nhậm, ngày xưa cầu mới quá tải, giờ đỡ nhiều vì có các cầu khác gánh bớt các loại xe tải trọng nặng như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy… Và vì bớt quá tải nên người ta nghĩ nên khám sức khỏe tổng thể cho nó, chứ giờ thì cầu không quá tải.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Hiện đang tiến hành kiểm định, phải 2, 3 tháng tới mới có kết quả, Hà Nội cũng chưa có chủ trương xây dựng cầu mới thay thế, khi nào có kết quả kiểm định mới có hướng cụ thể”.
“Đây chỉ là kiểm tra định kỳ để đánh giá chất lượng xem phải bảo trì cái gì, sửa chữa ở đâu. Không phải là xuống cấp mới phải sửa chữa lại. Giờ cầu cũng không tới mức quả tải, vì đã có thêm các cầu khác chia sẻ bớt”, ông Tân nói thêm.
Theo ông Tân, hiện mặt cầu có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng, nên có thể tới phải thay mới lớp thảm mặt cầu. Còn kết cấu thép vẫn chưa có vấn đề gì nguy hại.
Trước đó, trả lời báo chí chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay: “Cầu chỉ quá tải thôi chứ chẳng phải hỏng gì, nên yêu cầu đặt ra là phải mở rộng mặt cầu, chứ không phải chuyển tải sang cầu khác. Giờ đang phải đợi khảo sát, đã có phương án nào đưa ra đâu, phương án sơ bộ còn chưa có chứ nói gì tới phương án cụ thể để lựa chọn”.
Theo vietbao
Nghiên cứu phương án thay thế cầu Chương Dương
Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và UBND TPHà Nộingày 4/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đặt vấn đề về chất lượng và an toàn của cầu Chương Dương đang khai thác sử dụng.
Cụ thể, phần thân cầu Chương Dương vẫn ổn định nhưng phần kết cấu phía dưới của cây cầu đang có vấn đề. Nếu tới đây không được sửa chữa và có giải pháp gia cố kết cấu cầu thì không đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện.
Cầu Chương Dương có chiều dài 1.230m được xây dựng vào năm 1983.
Với tình hình này, Thứ trưởng Trường cho biết, Bộ GTVT xem xét đến 2 phương án khắc phục là sửa chữa làm mới cầu Chương Dương, hoặc xây dựng một cây cầu mới thay thế.
Về phía thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi giao cho Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT tiến hành kiểm tra tổng thể cầu Chương Dương.
Bộ GTVT và Hà Nội thống nhất sau khi có kết quả kiểm định về những vấn đề liên quan đến cây cầu này thì sẽ xem xét phương án khả thi nhất.
Cầu Chương Dương được khởi công xây dựng năm 1983. Ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, góp phần chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.
Đây là cây cầu lớn đầu tiên được Việt Nam thiết kế và thi công mà không cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Năm 2002, cầu từng được sửa chữa, gia cố lớn. Đến thời điểm hiện nay, Chương Dương là cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng đang được khai thác và sử dụng.
Theo vietbao
Bản đồ quên Hoàng Sa, Trường Sa: Đâu là sự thật? Trong phiên chất vấn của UBTVQH vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận quả quyết, rằng sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 in bản đồ nước ta có quần đảoHoàng Sa, Trường Sa. Chữ in nhỏ chứ không phải là không có chữ. Trong khi đó, Giám đốc NXB Giáo dục thừa nhận là không thể hiện, chú thích rõ...