Thất thế nên bị chồng coi thường
Chồng đối xử với người ngoài rộng rãi bao nhiêu thì về nhà hẹp hòi với vợ bấy nhiêu. Vợ góp ý gì là thượng cẳng tay, hạ cẳng chân ngay.
Trong khi gia đình chẳng dư giả gì thì chồng suốt ngày sa đà trong các buổi nhậu, bất kể trưa hay chiều. Anh bỏ cơm nhà thường xuyên. Việc nhà, nuôi con dại, trăm thứ trong nhà nếu hư hỏng… đều tự vợ gọi người sửa, chứ chờ chồng thì đến vài tháng.
Vợ là người thất thế khi chồng làm ra tiền và quản lý cả tài sản, vợ không hề biết đến khoản thu nhập của chồng. Mỗi tháng, anh đưa cho vợ 4 triệu để chi phí mọi thứ cũng như việc học của con. Ngược lại, chồng có thể bỏ tiền triệu cho một bữa nhậu.
Vợ nhịn hoài thành ra chai sạn. Gần đây, chồng hầu như ngày nào cũng đi kể cả chủ nhật, khi về thì vui vẻ hẳn ra, điện thoại ôm khư khư kể cả lúc ngủ. Tim vợ như tức nghẹn, muốn vỡ thành trăm mảnh. Vợ phải làm sao đây?(Cát)
Ảnh: m.rgbimg.com
Trả lời:
Đọc những gì bạn chia sẻ mà tôi thấy nghẹn đắng trong lòng. Thương cho một cuộc đời và tiếc cho một con người như bạn phải chịu đựng những điều ngang trái như vậy suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, tín hiệu vui nhất và cũng là chìa khóa quan trọng ở trường hợp này đó là bạn đã hiểu rằng “mình là người thất thế”.
Video đang HOT
Là người trong cuộc, bạn ý thức rất rõ mọi chuyện xảy ra đối với mình. Bạn hiểu được đâu là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của bạn như hiện tại. Bạn cũng biết rằng, bạn đã trở nên chai sạn trước lời nói, hành vi và con người của chồng mình nhưng bạn vẫn phải gắng gượng vì hai đứa con. Xét về mục đích, điều này là tốt nhưng xét về giá trị thì liệu rằng sự lựa chọn của bạn có thật sự tốt hay không?
Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của đứa trẻ, liệu rằng sống trong một gia đình không hạnh phúc, không có sự tôn trọng và đồng cảm giữa cha – mẹ, không được sự quan tâm, yêu thương của cha thì đứa trẻ có hạnh phúc? Khi hình ảnh của người đàn ông trong gia đình giống như chồng bạn thì đâu là hình mẫu để con bạn noi theo hay hướng tới? Ngay cả bản thân bạn cũng vậy, khi sống trong tâm trạng không thoải mái, có phải lúc nào bạn cũng kiểm soát, làm chủ được cảm xúc và hành vi của bản thân khi ứng xử với con cái? Như vậy, trong khi bạn nghĩ rằng mình mang những điều tốt đẹp cho con nhưng chưa hẳn là như vậy, đôi khi còn ngược lại.
Nếu bạn thật sự muốn thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn cho chính bạn và cho con cái, bạn cần phải mạnh mẽ, thẳng thắn và dũng cảm để đối diện với sự thật. Bạn có thể đi làm kiếm tiền để tự đảm bảo cuộc sống cho mình và lo cho con. Bạn có thể kiếm được 4 triệu đồng một tháng – bằng với số tiền mà bạn nhận được từ chồng hàng tháng? Bạn đã hiểu được sự thất thế khi mình phải sống phụ thuộc vào tài chính của chồng thì hãy thay đổi điều đó, giành lấy sự chủ động về tiền bạc.
Có thể, bạn sẽ phải đối diện với những khó khăn về việc chăm lo con cái khi mình đi làm nhưng hầu hết những người phụ nữ khác làm được thì bạn cũng hoàn toàn có thể làm được. Khi bạn đã có được tâm thế chủ động rồi thì hãy nói chuyện một cách thẳng thắn và dứt khoát với chồng để anh ấy thấy rằng bạn sẽ thay đổi cuộc sống vợ chồng bằng hành động thật sự.
Nếu anh ấy còn tình cảm với bạn thì anh ấy sẽ chấp nhận sự thay đổi của bạn. Còn nếu anh ấy không chấp nhận thì có thể hiểu rằng, anh ấy không còn sự tôn trọng và sự yêu thương của người chồng dành cho vợ mình. Lúc đó, quyết định là thuộc về bạn.
Mong bạn luôn mạnh mẽ, đủ quyết tâm để thay đổi cuộc sống của mình.
Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân
Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP HCM
Theo VNE
Thất vọng với người chồng gia trưởng
Tôi 35 tuổi, chồng 45, hai con trai nhỏ. Chồng gia trưởng nhưng rất thương con. Tôi định cứ vậy mà sống nhưng chồng ngày càng quá đáng.
Chồng tôi thương con và chiều con vô lối, bất cứ yêu cầu gì của hai đứa trẻ chồng tôi cũng đáp ứng. Hễ chúng khóc ăn vạ là chồng tôi dỗ dành mua đồ này, đồ kia cho chúng. Tôi yêu cầu bé tập làm việc nhà, học cách độc lập thì chồng nói tôi độc ác, tôi lười nên hành hạ con.
Tôi nói chuyện rất nhiều với chồng về điều này, nhưng chồng luôn coi thường tôi và chửi là không thương con. Một hôm tôi bức xúc quá nói ly dị đi, chồng đang nằm trên giường nhảy bổ lên bóp cổ tôi và nói "Mày cút đi khỏi cái nhà này" và chửi tôi thậm tệ.
Tôi không biết nếu tiếp tục sống với người bố như thế con tôi sẽ lớn lên ra sao. Tôi có công việc làm ổn định và đủ sức để nuôi hai con. Mong cho tôi một lời khuyên. (Minh)
Ảnh: media.zenfs.com
Trả lời
Gia trưởng là hiện tượng xã hội do lịch sử thời phong kiến để lại. Gia trưởng không phải xấu mà do sự quy định của xã hội thời bấy giờ. Trong điều kiện nhất định, lối sống gia trưởng đã góp phần giữ trật tự xã hội và gia đình, nhất là thời phong kiến. Ngày nay, xã hội đã dân chủ nhưng hiện tượng gia trưởng vẫn còn ở một số người, vì vậy học cách sống chung với người gia trưởng là cách tốt nhất để giữ hạnh phúc gia đình. Quan niệm này không phải mọi người đều đồng tình nhưng nếu ta chưa đủ trình độ để cải hóa gia trưởng thì cái lỗi này thuộc về ai?
"Bạn 35 tuổi, có hai con trai nhỏ, chồng hơn bạn 10 tuổi". Đứng ở góc độ tuổi tác có lẽ anh ấy đã chững chạc, có cách nhìn riêng và dễ bảo thủ. Bạn có cái may ở người chồng là "rất thương con". Bạn đã không biết cách khai thác điểm này để tác động anh ấy thay đổi là một lãng phí lớn về tiềm năng. Chính sự lãng phí này đã đẩy bạn đến đối đầu với chồng bạn đến độ "định cứ vậy mà sống". Nếu cứ vậy mà sống thì trình độ giáo dục của mình và sự khôn ngoan nữa để làm gì?
Sự đối đầu đã đẩy bạn vào bế tắc, nhưng sự bế tắc đấy bạn đâu có giấu đi được, nó luôn tồn tại và bộc phát bất cứ lúc nào nên "càng ngày chồng tôi càng quá đáng". Riêng việc bạn dùng cho chồng mình hai từ "quá đáng" cho thấy bạn cũng có tính gia trưởng. Chính hai người đều gia trưởng nên không ai chịu ai đã đẩy bạn đến "quá sức chịu đựng".
Khi quá sức chịu đựng, người ta xuất hiện tâm lý bất thường. Tâm lý đó lại được bộc lộ ra, làm cho người kia cũng không chịu nổi và đẩy họ (người kia) vào trạng thái bế tắc vì tính gia trưởng của mình không được chấp thuận nên phản ứng bằng cách "làm gì chồng cũng cằn nhằn, chê bai". Sự cằn nhằn chê bai này chỉ nhằm để chứng tỏ mình trước một đối phương luôn coi thường họ.
Từ quan niệm vợ luôn "chống đối" đã dẫn anh ấy đến đối lập với bạn cả trong chuyện dạy con. Thay vì bạn nói nhẹ nhàng với anh ấy thì bạn lại "dạy bảo" anh ấy nên sự tự ái đến cao độ. Khi sự tự ái đến cao độ mà được nén lại thì chỉ cần một hiện tượng cũng nổ tung ra thành chuyện. Cái gì đến đã đến, "một hôm tôi bức xúc quá, tôi nói ly dị, chồng tôi đang nằm trên gường nhảy bổ lên bóp cổ tôi và nói "mày cút khỏi cái nhà này". Đây là vấn đề mà chồng bạn đã chịu đựng bạn "hết nổi" nên nhân tiện cơ hội này anh ta nói ra cho thỏa mãn. So với một số người đàn ông khác thì chồng bạn còn chưa đến nỗi tệ như chuyện đánh vợ, mới bóp cổ để dọa thôi.
Bạn hãy nghe lời chồng và tế nhị đề xuất yêu cầu của mình thì mới giải quyết được vấn đề. Người gia trưởng khi nói ra muốn là mệnh lệnh. Sống với người gia trưởng thì phải đón nhận mệnh lệnh một cách vui vẻ sau đó muốn nói gì thì tính tiếp. Nếu phản đối ngay khi người gia trưởng nói sẽ bị họ xem là coi thường họ mà ra lắm điều phức tạp. Bạn hãy yêu thương con bạn theo sự chỉ dẫn của anh ấy rồi từ từ đưa phương pháp dạy con lao động như bạn muốn và luôn tin tưởng chồng bạn đúng chỉ có chút gia trưởng và chiều con thôi.
Chúc sự khéo léo.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM
Theo VNE
Chồng vu oan vợ ngoại tình Anh thường xuyên vào Facebook của tôi để xem tôi chat với ai, khi không thấy tôi chat với cậu bạn ấy thì cho rằng tôi đã cố tình xóa Ngày còn yêu nhau, anh nói anh không thích tôi ăn mặc hở, không thích tôi có nhiều bạn. Tôi chẳng nghĩ gì bởi tưởng anh quá yêu tôi nên anh mới lo...