Thất bại trước Donald Trump, ông Rubio ngừng tranh cử tổng thống Mỹ
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marco Rubio tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ sau thất bại tại bang nhà Florida trước đối thủ Donald Trump.
Ông Marco Rubio rút khỏi cuộc đua giành vị trí ứng viên đảng Cộng hoà tranh cử tổng thống Mỹ – Ảnh: Reuters
Quyết định rút khỏi cuộc đua được ông Rubio (44 tuổi) đưa ra sau những kết quả yếu kém hồi tuần trước trong các cuộc bỏ phiếu tại các bang Michigan và Mississippi, theo Reuters ngày 15.3.
“Dù đây không phải là năm dành cho thông điệp hy vọng và lạc quan đối với tương lai đất nước, tôi vẫn hy vọng và lạc quan về nước Mỹ”, ông Rubio phát biểu tối 15.3 sau thất bại tại bang Florida trước đối thủ Donald Trump. Ông Rubio chỉ về thứ hai tại bang này với 27% số phiếu bầu so với 46% của ông Donald Trump, theo kết quả của New York Times.
Thượng nghị sĩ Rubio từng được xem là người có nhiều khả năng nhất để đánh bại tỉ phú Donald Trump và thượng nghị sĩ Ted Cruz để giành vị trí ứng viên đảng Cộng hoà. Ông Rubio đã tìm được thêm vài nhà tài trợ sau khi ông Jeb Bush rút khỏi cuộc đua, tuy nhiên ông lại mất đến vài tuần mới giành nổi một chiến thắng. Đến nay, ông Rubio mới chỉ thắng tại bang Minnesota, quận Columbia tại thủ đô Washington và Puerto Rico.
Trước kết quả thất vọng ngày 15.3, nhiều người ủng hộ đã kêu gọi ông Rubio nên rút khỏi cuộc đua vì nếu để thua ông Trump tại ngay bang nhà sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp chính trị của ông.
Sau sự ra đi của ông Rubio, đảng Cộng hoà sẽ còn lại 3 nhân vật, gồm Donald Trump, Ted Cruz và John Kasich, chạy đua cho vị trí đại diện đảng tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Rubio đã tuyên bố sẽ không tái ứng cử vào Thượng viện Mỹ, thay vào đó có nhiều tin đồn cho rằng ông sẽ chạy đua cho chức thống đốc bang Florida vào năm 2018.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Nhiều người Mỹ sợ Donald Trump làm gương xấu cho giới trẻ
Nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ lo lắng những phát ngôn gây sốc và các hành vi có phần không phù hợp mỹ quan của ứng viên tổng thống Donald Trump sẽ gây ảnh hưởng xấu tới con cái họ.
Video đang HOT
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (thứ hai từ trái sang) cho các đối thủ cùng đảng, gồm ông Marco Rubio (ngoài cùng bên trái), Ted Cruz (thứ hai từ phải vào) và John Kasich, xem kích cỡ bàn tay của mình trong phiên tranh luận hôm 3/3 tại Detroit, bang Michigan. Ảnh: Reuters
Gary Goyette và Andrea Todd, sống ở thành phố Sacramento, bang California, Mỹ, cho biết hai người hồi tuần trước cảm thấy khá khó xử khi họ cùng đứa con trai mới 10 tuổi của mình phải ngồi xem một cuộc tranh luận phát sóng trên truyền hình giữa các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa. Ở đó, một thượng nghị sĩ không ngần ngại đổ cho đối thủ là sợ đến nỗi "tự làm ướt cả quần". Dù vậy, Goyette và Todd vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng đến khi tỷ phú Donald Trump, người cũng xuất hiện trong chương trình, lớn tiếng khoe khoang về cơ quan sinh dục của mình, dường như mọi thứ đã vượt quá giới hạn.
"Chúng tôi nhìn nhau ái ngại", New York Times dẫn lời bà Todd chia sẻ cảm nghĩ khi chứng kiến cảnh đại gia truyền thông và bất động sản Trump đánh mắt sang bên rồi dõng dạc khẳng định "chẳng có vấn đề gì" với bộ phận sinh dục của ông ngay trước công chúng.
Họ cùng nhìn đứa con trai Tommy. Goyette sau đó bảo cậu bé đứng dậy và rời khỏi phòng.
Rất nhiều sự việc khó lường từng xảy ra trước đây trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa các ứng viên tổng thống Mỹ. Nhưng giới chuyên gia đánh giá, cuộc bầu cử năm nay dường như gây bất ngờ hơn cả khi nó tập hợp đủ các vấn đề, từ ngôn ngữ cộc cằn, hành vi thô lỗ cho đến những cử chỉ làm nhục người khác, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo âu.
"Chúng ta phải giải thích cho con em mình về Donald Trump như thế nào?" là câu hỏi khiến những người làm cha mẹ vô cùng băn khoăn vào lúc này.
Tấm gương xấu
"Thành thật mà nói, tôi cảm thấy xấu hổ khi mà đứa con 11 tuổi của tôi thậm chí còn cư xử lễ độ và lịch sự hơn những ứng viên có tiềm năng trở thành lãnh đạo tiếp theo của đất nước", Maury Peterson, người điều hành nhóm phi lợi nhuận Hành trình Làm cha mẹ, một tổ chức chuyên cung cấp hỗ trợ cho các gia đình ở thành phố Somerville, bang Massachusetts, Mỹ, nói. "Hành động chửi rủa hay đả kích một ai đó hoàn toàn trái với những điều mà con tôi được dạy ở nhà hay ở trường".
Theo Kathy Maher, một giáo viên lớp 6 tại thành phố Newton,Massachusetts, những cuộc bầu cử là cơ hội tuyệt vời để học sinh có thể tận mắt thấy nền dân chủ Mỹ hoạt động ra sao. Nhưng năm nay thì khác, Maher cho hay, cô rất lo lắng khi mà buổi học mô phỏng cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống sắp diễn ra. Liệu các em sẽ đóng vai Trump như thế nào bởi nếu bắt chước chính xác những gì ông ấy làm, một học sinh nào đó chắc chắn sẽ bị điều xuống phòng hiệu trưởng để chịu phạt.
Trường của Maher đang thực hiện một chương trình khuyến khích học sinh lên tiếng khi gặp cảnh người khác bị ngược đãi. Và vì lý do này, cô tự thấy mình phải có trách nhiệm giải quyết những rắc rối liên quan đến ông Trump.
"Tôi phải cố gắng rất nhiều để giữ quan điểm trung lập khi bàn về chính trị", Maher chia sẻ. "Nhưng thật khó để bàn luận điều gì khi mà những thứ Donald Trump nói không được chấp nhận trong các ngôi trường của chúng tôi. Ông ấy bắt nạt, mắng chửi, bỡn cợt ngoại hình và sắc tộc của người khác chỉ nhằm phục vụ cho cuộc đua của mình".
"Người ta có thể thích một số thứ mà Donald Trump đại diện nhưng có cách khác tốt hơn để nói những điều đó ra", Maher nhận xét. "Một số người ưa cái cách ông ấy dùng ngôn từ gây sốc, như một ông bác điên rồ muốn nói gì thì nói. Nhưng với tư cách một nhà giáo dục, tôi không thể ủng hộ hành động này. Nó chẳng hài hước chút nào".
Theo Maher, đối với nhiều đứa trẻ, thông điệp của Trump có khả năng tác động đến các em theo chiều hướng xấu, tiềm ẩn nguy hiểm. Một số bậc phụ huynh cho biết con em họ đang thể hiện rõ ràng nỗi lo sợ chúng hoặc bạn bè chúng sẽ bị trục xuất nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ.
Jon Michaud, một người đàn ông da trắng đến từ thị trấn Maplewood, bang New Jersey, có vợ là người Dominica. Michaud từng đăng trên mạng xã hội cuộc đối thoại giữa ông với hai cậu con trai.
"Nếu Donald Trump trở thành tổng thống, ông ấy sẽ mang nạn phân biệt chủng tộc trở lại phải không ạ", một trong hai đứa trẻ hỏi cha mình. "Điều đó có nghĩa Marcus, mẹ và con đều sẽ bị tách khỏi cha vì chúng con có màu da khác cha phải không?".
Người dẫn chương trình Cokie Roberts hôm 9/3 cũng đặt vấn đề tương tự trong một cuộc phỏng vấn với ông Trump phát trên kênh MSNBC.
"Gần đây bắt đầu xuất hiện những câu chuyện về việc vài đứa trẻ da trắng đã chỉ vào những người bạn da màu của mình và nói rằng 'bạn sẽ bị trục xuất nếu Donald Trump làm tổng thống'", Roberts cho hay. "Người ta còn kể cả chuyện về những đứa trẻ da trắng tại các sân bóng rổ giơ cao tấm biển với dòng chữ 'chúng tôi sẽ dựng tường để chặn các bạn' về phía đội có những đứa trẻ gốc Tây Ban Nha tham gia".
"Ông có tự hào về điều này không?", Roberts hỏi.
Đáp lại, tỷ phú Donald Trump nói ông không hay biết gì về các thông tin kiểu như vậy. "Tôi cho rằng đây là câu hỏi hết sức xấu xa", ông Trump nói. "Tôi không tự hào vì tôi chưa bao giờ nghe về nó, được chứ?".
Dù muốn nhưng các bậc phụ huynh và nhà giáo dục Mỹ không thể cách ly hoàn toàn trẻ em khỏi những tin tức dày đặc về Donald Trump, cây bút Sarah Lyall từ NYTimes bình luận.
"Ông ấy có mặt ở khắp nơi và sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa, các bạn nên chuẩn bị tinh thần", Carolyn Lee, giáo viên mầm non làm việc trong hệ thống nhà trẻ công lập ở Hawaii, nhận xét. Với những em còn quá nhỏ, Lee khuyên phụ huynh nên bình tĩnh và kiềm chế, không phản ứng bằng cách đưa ra những bình luận không hay về ông Trump.
Tại Los Angeles, Andy Behrman, một người cha đơn thân, cho biết hai cô con gái 8 và 10 tuổi của anh luôn miệng đổ cho ông Trump đang vi phạm một chương trình đề cao "sự nhân từ và các giá trị con người" mà trường các em đề ra.
"Chúng không thể hiểu câu chuyện về kích cỡ bàn tay và cơ quan sinh dục của ông ấy", Behrman kể. "Nhưng chúng biết một điều là ông Trump, ông Rubio và ông Cruz trong các cuộc tranh luận đều thi nhau nói, thậm chí cướp lời nhau. Chúng hiểu hành động đó là bất lịch sự và nó cản trở người khác nêu ra suy nghĩ của mình".
Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ cử tri, thượng nghị sĩ Marco Rubio đã buông lời châm chọc về cấu tạo sinh lý của Trump. "Ông ta cao hơn 1m80. Vậy tại sao tay ông ấy lại giống như tay của người chỉ cao 1m60 thế? Quý vị hẳn cũng biết dân gian nói thế nào về những người đàn ông tay nhỏ rồi", ông Rubio nói.
Để đáp trả câu ám chỉ sâu cay và có phần tục tĩu của ông Rubio, ông Trump bèn lôi vấn đề này ra trong một cuộc tranh luận trên truyền hình.
Những phụ huynh ủng hộ Trump tất nhiên không đồng tình. Họ phản bác rằng thái độ thẳng thắn và không sợ chỉ trích của ông ấy mới là điều họ coi trọng, đồng thời thắc mắc vì sao giới trẻ Mỹ lại nhạy cảm đến thế.
Jeremy Diamond, một người ủng hộ ông Trump, và con trai. Ảnh: New York Times
"Vấn đề ở đây không nằm ở việc ông ấy hành xử thô lỗ với mọi người", Jeremy Diamond, giám đốc marketing, sống ở Manhattan, hiện có một con trai 12 tuổi và một con gái 15 tuổi, nói. "Ông ấy đang cho người ta thấy niềm say mê, sự mạnh mẽ và rằng ông sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình".
Diamond cho biết thêm, ông hoàn toàn tin tưởng vào "nhận thức, hành vi cũng như các phẩm chất" của con cái mình. "Con trai tôi nói ông Trump thực chất chỉ muốn thể hiện rằng ông ấy mạnh hơn các ứng viên khác và ông không phải là người mà ai đó có thể đùa cợt".
Dù vậy, trở lại Sacramento, Goyette và Todd vẫn chưa thể giải thích đầy đủ cho cậu con trai 10 tuổi về cuộc tranh luận diễn ra tuần trước giữa các ứng viên đảng Cộng hòa.
"Cháu hỏi chúng tôi 'họ nhắc tới bàn tay là có ý gì?'", Todd kể. "Nhưng cả anh ấy và tôi đều không muốn nói về điều đó".
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tổng thống Obama: Đừng lôi Donald Trump ra mà đổ lỗi cho tôi! Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng chính đảng Cộng hòa đã dung dưỡng cho Donald Trump tiến lên, còn đem chuyện này ra mà đổ lỗi cho ông là "hoang đường". Tổng thống Obama bảo rằng đem chuyện ứng viên tổng thống Trump ra mà đổ lỗi cho ông là "hoang đường"- Ảnh: Reuters Phát biểu hôm 10.3, ông Obama nói...