Thắp đèn dầu sống cạnh… nhà máy thủy điện
“Huyện cũng rất muốn đưa điện vào cho người dân sử dụng nhưng tiền để xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện không có. Không có kinh phí nên cũng chưa biết bao giờ người dân mới có điện lưới sử dụng”.
Là xã “hi sinh” phần lớn diện tích đất phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, nhưng gần 2.500 người dân xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh không có điện, phải thắp đèn dầu sinh hoạt. Không có điện lưới, không hệ thông tin liên lạc, không hệ thống đường giao thông, người dân ở xã miền núi này sống cô lập với thế giới bên ngoài.
Hi sinh đất để làm thủy điện nhưng người dân xã Hưu Khuông phải thắp đèn dầu để sinh hoạt.
“Ốc đảo” Hữu Khuông
Từ thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương men theo con đường chạy sát triền núi đi khoảng 20km, chúng tôi đến nhà máy thủy điện Bản Vẽ ở xã Yên Na. Nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung nằm sừng sững ở lưng chừng núi. Tại bến Thượng Lưu (nằm cạnh nhà máy thủy điện Bản Vẽ) chúng tôi đi thuyền máy ngược theo dòng Nậm Nơn để đến xã Hữu Khuông. Thủy điện Bản Vẽ tích nước, nhiều cánh rừng, bản làng người dân ở trước đây đều chìm trong biển nước.
Anh Lữ Văn Luyện, trú xã Yên Na, người lái thuyền chở chúng tôi ngược dòng Nậm Nơn vào xã Hữu Khuông cho biết: “Để vào xã Hữu Khuông cách duy nhất là đi thuyền dọc theo dòng Nậm Nơn, mùa này thủy điện tích nước nên thuyền đi lại dễ dàng. Còn vào mùa khô, mùa hè, nước rút, nhiều đoạn thuyền không đi được, để đi vào những bản có dân ở, sau khi đi thuyền phải đi bộ dọc theo khe suối cả tiếng đồng hồ”.
Các em học sinh Trường THCS xã Hữu Khuông mơ ước sẽ có điện thắp sáng để học bài.
Video đang HOT
Sau 2 giờ đi thuyền, chúng tôi đến được bản Con Phen, bản nằm ở lừng chừng đồi. Con Phen là trung tâm của xã Hữu Khuông nhưng bản chỉ leo teo vài căn nhà, và một số công trình như trường học, trung tâm y tế, trụ sở UBND xã đang xây dựng dang dở. Người dân ở xã Hữu Khuông chủ yếu là người Thái, Mông, Khơ mú. Người dân ở đây sống theo kiểu tự cung tự cấp dựa vào việc làm nương rẫy, săn thú rừng, đánh bắt cá ở khu vực lòng hồ.
Chị Ốc Thị Phương, bản Con Phen, xã Hữu Khuông chia sẻ: “Đói thì lên rẫy trồng bắp, hái cây rừng hay xuống suối bắt cá về ăn. Ở đây không có đường, muốn đi ra trung tâm huyện hay đi các bản khác phải đi lại bằng thuyền, mỗi lần thuê thuyền họ lấy nhiều tiền lắm, mình không có tiền nên từ nhỏ tới giờ không đi mô cả, chỉ ở nhà thôi”.
Ông Nguyễn Trọng Hưng, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, cho biết: “Xã Hữu Khuông có 2.442 nhân khẩu, trong đó có tới 93,7% người dân thuộc hộ nghèo. Đời sống của ngươi dân rất khó khăn, tình trạng thiếu đói diễn ra thường xuyên. Hiện ở đây người dân chúng tôi đang phải sống trong tình trạng không có điện, không thông tin liên lạc, không đường giao thông. Người dân muốn đi đâu phải thuê thuyền, mỗi lần đi tốn cả mấy trăm ngàn nên hầu hết người dân quanh năm chủ yếu sống quanh quẩn trong bản”.
Khát điện cạnh nhà máy
Xã Hữu Khuông nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Để nhà máy tích nước và đi vào hoạt động, người dân xã Hữu Khuông phải di dời hẳn 5 bản (Xiềng Lầm, Nhãn Nhinh, Nhãn Mông, bản Hiển, bản Muổng), nhiều diện tích đất rừng sản xuất bị nhấn chìm khi thủy điện tích nước. Hi sinh đất để làm dự án thủy điện, sống cạnh nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung nhưng người dân nơi đây phải chấp nhận cảnh sống không điện.
Anh Lương Văn Thái, bản Con Phen, xã Hữu Khuông, buồn bã: “Gần chục năm trước họ lấy đất làm nhà máy thủy điện, dân bản ai cũng đồng ý, ai cũng nghĩ là nhà máy hoạt động sẽ có điện. Nhà máy hoàn thành người dân mừng lắm, ai ngờ chờ mãi cả mấy năm vẫn không có điện, người dân chúng tôi ở đây khổ lắm, quanh năm muốn có ánh sáng phải thắp đèn dầu. Giờ chỉ mong sao nhà nước sớm kéo điện để được sử dụng cho đỡ khổ”.
Người dân Hữu Khuông vẫn chưa có điện để dùng.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì không chỉ người dân xã Hữu Khuông phải chịu cảnh “khát điện cạnh nhà máy điện” mà người dân ở các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương) cũng chung tình trạng trên. Điều nghịch lý là để xây dựng thủy điện Bản Vẽ, người dân xã Nhôn Mai và Mai Sơn cũng bị thu hồi một phần diện tích đất ở, đất sản xuất. “Mong muốn được sử dụng điện của người dân là rất chính đáng. Thời gian tới bên công ty điện lực, các ngành chức năng cần quan tâm đến nguyện vọng thiết thực của người dân”, ông Nguyễn Trọng Hưng, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) tâm sự.
Nói về vấn đề này, một lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết: “Huyện cũng rất muốn đưa điện vào cho người dân sử dụng nhưng tiền để xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện không có, không có kinh phí nên cũng chưa biết đến bao giờ người dân mới có điện lưới sử dụng”.
18 xã chưa có điện lưới sử dụng Là tỉnh có hàng loại dự án xây dựng nhà máy thủy điện, trong đó có những nhà máy lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Bản Vẽ (320MW), Hủa Na (180MW) thế nhưng tính đến tháng 10/2013 toàn tỉnh Nghệ An có 270 thôn, bản, xóm thuộc địa bàn 58 xã chưa có điện lưới quốc gia. Trong đó có 18 xã hoàn toàn chưa có điện lưới quốc gia, gồm: huyện Kỳ Sơn có 11 xã, huyện Tương Dương có 3 xã, huyện Quế Phong có 1 xã, huyện Quỳ Châu có 3 xã. Tỷ lệ người dân được sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt khoảng 90%.
Nguyễn Duy – Ngọc Hiếu
Theo Dantri
"Ốc đảo" 14 năm không đám cưới
Nhiều năm nay, việc đi lại của gần 600 nhân khẩu tại thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn trong cảnh "lụy đò". Giao thông trắc trở, kéo theo kinh tế khó khăn, khiến thanh niên làng lớn lên đều bỏ đi làm ăn xa, 14 năm nay, làng không có một đám cưới nào.
Ốc đảo "cô đơn"
Đứng trên cầu Bến Thủy nằm trên QL1A, có thể nhìn thấy "ốc đảo" Hồng Lam cô đơn giữa sóng nước. Dù chỉ cách TP Vinh (Nghệ An) khoảng chừng nửa cây số đường chim bay, nhưng muốn vào thôn, con đường duy nhất là đi đò. Đặt chân lên ốc đảo ấy mới thấy sự vắng vẻ. Cả ốc đảo chỉ có một điểm bán hàng duy nhất nằm ngay đầu lối vào thôn, được quây bởi những tấm tranh rách và cũng chỉ bán thứ cần thiết như gạo, muối và rau củ. Người bán hàng cho biết: Làng làm nông nghiệp đấy, nhưng dân vẫn phải mua gạo ăn vì đất bị nhiễm mặn, không trồng được lúa. Ở đây chỉ trồng được đay và lạc thôi.
Người dân nơi đây vẫn trong cảnh muốn sang sông phải "lụy đò"
Cụ Nguyễn Văn Nuôi (90 tuổi), một lão niên trong làng kể, trước đây Hồng Lam cũng tấp nập người qua lại làm ăn, buôn bán do "ốc đảo" này là nơi thuyền bè có thể cập bến từ mọi hướng. Nhưng rồi, giao thông đường bộ phát triển, các hoạt động buôn bán bằng thuyền nhỏ bị "thất sủng", thôn bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Trận lũ lịch sử năm 1988 khiến đất trồng nhiễm mặn, người dân không sống nổi bằng nghề trồng cấy, phải bỏ đi tứ xứ kiếm ăn. "Ngay đến gia đình tôi có 7 người con, thì 5 đứa đã rời quê hương vào Nam lập nghiệp, ít khi trở lại quê nhà", cụ Nuôi buồn rầu.
"Chúng tôi mong có một cây cầu để giúp người dân Hồng Lam đi lại thuận lợi hơn, và đó cũng là hướng thoát nghèo cho thôn. Trước mắt, khi chưa có cầu, mong cơ quan chức năng cấp thêm cho thôn Hồng Lam những con đò đảm bảo kỹ thuật, để người dân được an toàn mỗi khi qua sông". Ông Nguyễn Thế Lục Trưởng thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
"Thanh niên trai trẻ thôn Hồng Lam cứ lớn lên là tìm cách thoát ly. Vì vậy mà đã 14 năm qua, làng chưa hề có đám cưới, còn đám ma thì năm nào cũng có", cụ Nuôi than phiền.
Mơ ước một cây cầu
Ông Nguyễn Thế Lục, trưởng thôn Hồng Lam cho hay, hiện nay toàn thôn có 210 hộ với 585 nhân khẩu, chủ yếu là các hộ thuộc diện nghèo. Bao năm qua, người dân thôn Hồng Lam chỉ biết trồng cói và lạc để sinh sống. Nhưng hiện nay, nghề trồng cói đã không còn, cây lạc làm ra thì không bán được, nếu có bán được thì cũng rất rẻ bởi các thương lái ngại phải qua đò để thu mua. Đây cũng là một nguyên nhân nữa khiến cuộc sống người dân ốc đảo chồng chất khó khăn.
Mỗi lượt đi về qua sông, người dân thôn Hồng Lam tốn 5.000 đồng/người, nếu có phương tiện và hàng hóa thì mất 10.000 đồng/lượt. Tuy nhiên vào mùa này, đò chỉ hoạt động từ 6h sáng đến chiều tối. Nếu lỡ một chuyến đò thì người buôn bán lỡ buổi chợ, công nhân nghỉ làm, học sinh tới trường chậm. Người Hồng Lam sợ nhất có người đau ốm, đặc biệt vào ban đêm, bởi thôn không có bác sỹ, mà người dân không thể vào đất liền trong đêm.
Anh Trần Thế Huynh, người có thâm niên hơn 10 năm lái đò đưa bà con thôn Hồng Lam qua sông cho biết: "Tuy nghề lái đò hàng chục năm nay nuôi sống gia đình tôi, nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn có một cây cầu để người dân và chính tôi đi lại đỡ vất vả, để bà con giao lưu trao đổi hàng hóa, có như thế Hồng Lam mới có cơ hội thoát nghèo".
Theo Vũ Ngọc (Giaothongvantai.com.vn)
Bóng hồng trong đời lính hình sự Họ là những người lính thường xuyên phải đối mặt với tội phạm trong những chuyên án sinh tử. Khô khan, lạnh lùng là những điều người ta dễ hình dung khi nghĩ đến các anh, đặc biệt là những người lính hình sự. Tuy nhiên, khi đứng trước tình yêu... Nên duyên từ đánh án Trong lực lượng Công an tỉnh Sơn...