Tháp cổ 7 tầng huyền bí trên núi
Ngôi tháp cổ từng bảo vệ 11 người dân khỏi mũi súng của quân Pôn Pốt khát máu. Ngày nay, nhiều người thua bạc ở Campuchia quẫn chí tìm đến tháp định quyên sinh, nhưng sau đã lấy lại bình tĩnh hoặc được cứu sống.
Từ chân núi Đề Liêm, phường Bình San (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), khách phải vượt qua một nghĩa địa rêu phong, leo lên sườn dốc dựng đứng khoảng 70 m mới đến được ngôi tháp cổ gần 300 năm tuổi.
Từ xa chỉ thấy đó là một cây bồ đề đại thụ có nhiều thân rễ chằng chịt đứng sừng sững nơi lưng chừng núi. Khi đến tận nơi, khách mới nhận ra ngôi tháp nằm lọt thỏm giữa những thân rễ chằng chịt của cây bồ đề. Từ trên chót đỉnh của tháp, những dây rễ rất to tủa xuống ôm vào lòng gần như toàn bộ diện tích bên ngoài tháp. Hàng trăm năm nay, tại ngôi tháp có nhiều chuyện huyền bí khiến người ta tin rằng sư trụ trì đã trở thành thần linh trấn giữ vùng đất này.
Ông Lương Phếnh Cang, sinh năm 1941, cán bộ hưu trí ngành bưu điện, cư ngụ tại khu phố 1, phường Bình San là nhân chứng vụ thoát chết hy hữu của 11 người dân trước làn sóng diệt chủng của Pôn Pốt năm 1978. Ông kể, từ đầu tháng 3/1978, Pôn Pốt từ bên kia biên giới bắt đầu nã pháo vô tội vạ vào lãnh thổ Việt Nam. Nhiều người bị thương và chết bởi trúng đạn pháo của chúng.
Tối ngày 12/3/1978, Pôn Pốt bắn pháo dữ dội hơn những ngày trước. Sáng 13/3/1978, chúng lại ngưng bắn pháo. Chiều nhập nhoạng, một số người dân ở biên giới Xà Xía và chợ Hà Tiên hay tin quân Pôn Pốt bắt đầu tràn vào lãnh thổ, đã lục đục dọn đồ đạc chạy lánh nạn. Những người chạy không kịp đều bị Pôn Pốt tàn sát một cách dã man.
Rễ cây bồ đề phủ kín ngôi tháp. Ảnh: An ninh thế giới.
Thời điểm đó, khu vực chân núi Đề Liêm còn thưa người, tách biệt với cụm dân cư. Vì vậy, 3 gia đình của ông Trần Kim Sáu, bà Thìn và ông Niêng sống dưới chân núi Đề Liêm hoàn toàn không hay biết gì. Khi họ nghe tiếng súng AK và tiếng kêu cứu thất thanh của những người dân ở xóm ngoài bị giết thì đã muộn. Mọi lối thoát đều có bóng dáng Pôn Pốt. Không còn cách nào khác, 3 gia đình gồm 11 người, trong đó có 5 trẻ em chui đại vào lòng tháp ẩn nấp.
Đến 8h sáng, một toán quân Pôn Pốt độ chừng 16-17 tuổi, mặc quần đùi, áo thun luộm thuộm như dân làm đồng. Chúng ôm súng AK từ quốc lộ tiến lên chân núi Đề Liêm, vào từng ngôi nhà lùng sục. Không gặp ai, chúng kéo nhau lên phía tháp cổ. Đúng lúc này, một đứa trẻ (nay đã hơn 40 tuổi, vẫn còn sống tại địa phương) sợ quá bật khóc thành tiếng. Mặc dù bà mẹ đã kịp bịt mồm đứa trẻ nhưng trong rừng vắng, chỉ cần một tiếng nấc cũng đủ để thu hút sự chú ý của quân sát nhân.
Nghe tiếng đứa trẻ khóc, chúng tập trung xung quanh tháp. Lúc này những người trong tháp thất kinh hồn vía khi nhận ra do thói quen một vài người đã bỏ dép bên ngoài cửa tháp. Một tên bước đến trước cửa tháp nghiêng đầu ngó vào. Mọi người nép sát người vào nhau run bần bật. Ai cũng nhìn thấy rất rõ ánh mắt khát máu của tên sát nhân. Mọi người nhắm mắt chờ chết.
Cửa tháp rộng vừa vặn thân hình một người lớn chui vào. Bình thường, đứng ở vị trí tên sát nhân, ai cũng có thể nhìn thấy rất rõ bên trong lòng tháp nhưng không hiểu do bị mờ mắt hay do mắt bị lóa nắng, tên lính Pôn Pốt cứ chĩa mũi súng và nhìn vào lòng tháp mà không bắn. Bỗng mọi người nghe tiếng một con chó sủa vang. Tên lính Pôn Pốt giật mình quay mũi súng bắn con chó một loạt đạn. Loạt đạn không trúng con chó nhưng làm mẻ một góc bia của tháp.
Video đang HOT
Tiếng súng chát chúa làm con chó hoảng hốt, co cẳng chạy vào rừng. Mọi người lại thấp thỏm sợ tên lính Pôn Pốt tiếp tục quay súng vào trong tháp. Nhưng không, hắn đã bỏ đi. Đồng bọn của hắn cũng đi theo. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ai cũng nghĩ, mình được thần linh bảo vệ.
Quân sát nhân không đi hẳn mà kéo nhau xuống chân núi, cách tháp cổ khoảng 100 mét bắt gà làm thịt, ăn uống rồi đóng chốt luôn ở đó. Mọi người đành nín thở nằm trong lòng tháp chịu đói, khát. Đến trưa hôm sau, bộ đội phản công tiêu diệt gọn nhóm Pôn Pốt dưới chân núi Đề Liêm. Bộ đội phát hiện 11 con người kiệt sức ẩn nấp trong lòng tháp. Họ nhanh chóng được chuyển ra tuyến sau cấp cứu. Hiện nay, bà Thìn và ông Niêng vẫn sống tại Hà Tiên.
Cách đây vài năm, một số người đến chặt rễ cây bồ đề. Lưỡi cưa mới ăn sâu được mấy tấc thì mắc kẹt, cưa tiếp cũng không được mà lấy ra cũng không xong. Một người trong nhóm dùng búa chém rễ cây để giải thoát lưỡi cưa. Không ngờ nhát búa đầu tiên cắm phập vào rễ cũng bị hút chặt. Ba người cùng vận lực kéo đến vã mồ hôi vẫn không lay chuyển được lưỡi búa. Nghe tin, một vị sư ở ngôi chùa gần đó đến đốt nhang, đọc kinh, khấn xin. Kết thúc lễ, vị sư kéo nhẹ một cái, lưỡi cưa lẫn lưỡi búa đều rơi ra.
Từ khi bên kia biên giới Xà Xía mọc lên cụm sòng bài, thỉnh thoảng người ta lại thấy một con bạc cháy túi đến đây tìm cái chết. Nhưng tất cả đều được cứu sống hoặc bỏ ý định tự tử. Trong đó có một phụ nữ trạc 30 tuổi, một hôm chị ta đến ngồi cạnh tháp khóc suốt một buổi rồi bỏ đi. Khi chị ta đi khuất, những người tò mò phát hiện dưới chân tháp có một tờ giấy bị vò nát. Mở tờ giấy ra, người ta mới biết đó là lá thư tuyệt mệnh của một người thua bài tên Nga.
Người viết thư có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ để những người phát hiện ra xác giúp báo cho người thân. Cách đó không xa, người ta còn phát hiện một chai thuốc diệt cỏ còn nguyên. Thì ra, Nga cư ngụ ở Rạch Giá, đi buôn cá khô ở Hà Tiên. Nghe lời bạn bè xúi, Nga qua sòng bài thử vận may. Sau 2 ngày, Nga trắng tay. Thất chí, Nga quyết tự tử. Nhưng khi ngồi dưới bóng bồ đề, Nga bình tâm trở lại nên bỏ ý định chết.
Tấm bia tháp bị mẻ một góc. Ảnh: An ninh thế giới.
Mới đây, một thanh niên tên Hà ở Tô Châu, thua bài ở casino Campuchia đã leo lên đỉnh tháp dùng áo làm thòng lọng toan treo cổ. Nhưng chiếc thòng lọng bị đứt, anh ta rơi bịch xuống đất nằm ngay đơ, mất nhịp tim, phổi ngừng thở. Dù không hy vọng sống sót nhưng người dân địa phương vẫn đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi báo cáo với chính quyền. Một tuần lễ sau, anh ta xuất viện. Hiện giờ chiếc áo “thòng lọng” của anh ta vẫn dính phất phơ trên cành cây đề.
Người ta tin rằng, vị thần linh của ngôi tháp không muốn chứng kiến bất kỳ ai chết ở nơi đây. Nhiều học giả khẳng định ngôi tháp là công trình kiến trúc cổ nhất trong số những di tích lịch sử tại Hà Tiên. Hiện tại, ngay trước cửa tháp vẫn còn một bia đá chạm khắc dòng chữ Hán: “Lâm Tế tam thập lục thế. Ấn Đàm Lão hòa thượng chi tháp”, có nghĩa là “Tháp mộ của Lão hòa thượng Ấn Đàm, dòng Lâm Tế đời thứ 36″. Cách đó vài mét, một tấm biển xi măng có khắc chữ Việt: “Lâm Tế/1662/tháp 7 tầng/Ấn Đàm/Lão hòa thượng”.
Núi Đề Liêm còn có tên gọi khác là núi Phù Dung. Trong “Gia Định thành thông chí” xác nhận, núi Đề Liêm còn tên gọi khác là Bát Giác Sơn. Có lẽ do ngôi tháp có hình bát giác nên người xưa đặt tên núi theo. Bên cạnh tháp có một ngôi chùa dòng Lâm Tế do Hòa thượng Ấn Đàm trụ trì, gọi là chùa Phù Dung. Tuy nhiên, tên chính của chùa là Tiêu Sơn Tự.
Các sử liệu có ghi, từ khoảng năm 1820 (là năm sách “Gia Định thành thông chí” ra đời) trở về sau, trấn Hà Tiên đã trải qua 3 cuộc tao loạn lớn do quân Xiêm xâm lược, gồm: năm 1833 (Minh Mạng thứ 14); tháng 2/1842 (Thiệu Trị năm thứ 2); năm 1845 (Thiệu Trị năm thứ 5). Ngôi chùa Phù Dung bị quân Xiêm phá sập vào khoảng năm 1833-1834, tức lần tao loạn đầu tiên.
Năm 1969, người ta phát hiện ra di tích này. Khi đào sâu xuống nền đất khoảng 3 tấc, người ta bắt gặp rất nhiều vật dụng còn nguyên vẹn, như: cái lư hương bằng đồng, nhiều lọ sành sứ, một cái chum còn nguyên số gạo đã ẩm nát… Sự cố chùa bị sập với các loại gia dụng còn nguyên, cho thấy chiến tranh đã ập đến bất ngờ.
Cách ngôi tháp 40 mét về ở hướng tây nam bây giờ vẫn còn hiện hữu một giếng xưa gọi là giếng chùa Tiêu. Trong sách “Monogaphie de la povince de Ha Tiên” của Hội Nghiên cứu Đông Dương ấn hành năm 1901 khẳng định ngôi chùa này đúng là Tiêu Sơn Tự – 1 trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên lúc bấy giờ và đã được Mạc Thiên Tứ ca ngợi trong bài thất ngôn bát cú “Tiêu Tự hiểu chung”.
Khi những cư dân đầu tiên tìm đến khai khẩn vùng đất này đã thấy ngôi mộ tháp 7 tầng sừng sững với ngọn cây bồ đề trên đỉnh tháp. Mưa làm xói mòn, đất đá trên đỉnh núi trôi xuống lấp dần 2 tầng dưới nên người ta chỉ thấy có 7 tầng trên. Người ta gọi luôn đó là tháp 7 tầng. Xung quanh ngôi mộ tháp, hiện nay vẫn còn những trụ đá móng nền – dấu tích của một ngôi chùa bị tàn phá.
Thời gian dần trôi, cây bồ đề ngày càng lớn. Rễ cây dần phủ kín ngôi tháp cổ theo từng bậc trông rất đẹp mắt. Bên trong lòng tháp trống rỗng. Người ta cho rằng, dưới tầng một vẫn còn ngọc vị của vị sư trụ trì. Tất cả những cứ liệu lịch sử đều khẳng định giá trị ngôi tháp cổ ấy.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao ngày nắng đêm mưa ngôi tháp cổ đã tròm trèm 300 tuổi. Tháp không chỉ là một phần của lịch sử khai khẩn phương Nam mà còn là một di tích đánh dấu sự tồn sinh mãnh liệt của ông cha. Nhưng hiện các cơ quan chức năng địa phương phó mặc ngôi tháp cho thiên nhiên mà không có biện pháp bảo quản.
Theo VNE
Nhộn nhịp... buôn lậu cửa khẩu Hà Tiên
Những ngày đầu tháng 10, tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), con buôn hoạt động nhộn nhịp. Hai mặt hàng chủ lực được tuồn từ Campuchia vào Việt Nam là thuốc lá.
Xe gắn máy vô tư chở hàng lậu ở cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Muốn sống phải... nhường đường
Đang "bò" trên con đường lởm chởm đá xanh bác tài xe ôm bỗng tấp xe vào lề, bảo: "Nhường đường cho xe của mấy ông buôn lậu. Chạy lạng quạng, mấy ổng tông chết". Bác tài vừa dứt lời, từ hướng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tiếng gầm rú của những chiếc xe máy được "đôn dên, xoáy lòng" chạy với tốc độ kinh hồn lao về phía trước.
Nhiều người dân luống cuống tấp xe vào lề, nhường đường cho bầy xe chở hàng lậu. Bầy xe hơn chục chiếc phóng vút qua, phóng viên đưa máy ảnh lên bấm chế độ chụp liên lục.
Bác tài xe ôm tên Th cho biết, những tay nài chở hàng lậu bịt mặt kín mít là để tránh bụi chứ không phải tránh mặt cơ quan chức năng, vì việc chuyển hàng lậu ở đây là công khai, con nít cũng biết. "Cách đồn biên phòng chừng 300m có con đường nhựa, con buôn chở hàng lậu đều đi ngang đây. Do Quốc lộ 80 nối cửa khẩu Hà Tiên với thị xã Hà Tiên đang thi công, đường rất xấu nên dân đai hàng toàn đi ban ngày" - ông Th nói.
Ngồi ở quán nước gần Đồn Biên phòng Hà Tiên, phóng viên chứng kiến cảnh các đoàn xe chở hàng lậu cứ lao vun vút trên đường. Tiếng xe máy ầm ầm giữa trưa chẳng làm ai bận tâm ngoài những người đi đường chủ động tấp vào lề để tránh tai nạn. Mỗi đoàn xe chừng chục chiếc, chất đầy thuốc lá (khoảng 1.200 gói mỗi xe). Chừng 15 phút lại có đoàn xe khác. Ngoài thuốc lá được đóng bao (mỗi bao 600 gói), dân buôn còn chở đường cát Thái Lan, bao nguyên chữ Thái, mỗi xe chở từ 3 - 5 bao (loại 50kg).
Buôn lậu công khai
Hai mặt hàng chủ lực được vận chuyển từ Campuchia vào Hà Tiên là thuốc lá ngoại và đường cát Thái Lan. Vào dịp cận tết âm lịch, rượu ngoại cũng là mặt hàng được con buôn ưa chuộng. Đầu mùa lũ, khi các cánh đồng bên kia biên giới ngập nước, hàng lậu được con buôn dọc biên giới Tây Nam đưa lên ghe trọng tải 70 - 80 tấn rồi tập kết ven biên giới.
Gần cửa khẩu Hà Tiên, các điểm trung chuyển được con buôn đổ bộ hàng lậu rồi chuyển vào Kiên Giang bằng đường bộ. Kể từ ngày 1.9.2011, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ từ 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên có thể bị phạt tới 100 triệu đồng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, nhiều nhà xe không dại gì cho con buôn "gửi hàng" lên xe ô tô của họ.
Đây là lý do khiến các "nài xe máy" hoạt động mạnh trở lại. Để lách luật và tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng vận chuyển thuê thường mang theo người số lượng dưới 1.500 bao thuốc.
Tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức tiêu hủy 127.122 gói thuốc lá nhập lậu. Số thuốc này được nhập từ biên giới Campuchia vào tỉnh Kiên Giang bị các cơ quan chức năng bắt giữ từ tháng 6.2012 đến nay.
Chiều 9/10, phóng viên NTNN đến Đồn Biên phòng Hà Tiên để tìm hiểu thông tin về tình hình buôn lậu. Sau khi trình thẻ nhà báo, phóng viên được một cán bộ đeo quân hàm thiếu tá (không đeo bảng tên) xưng tên Trí, hiện đang là Đồn phó tiếp.
Thiếu tá Trí cho biết, do phóng viên không liên hệ trước với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (đóng ở TP.Rạch Giá, cách Đồn Biên phòng Hà Tiên khoảng 100km) nên ông không thể cung cấp bất kỳ thông tin gì. Khi phóng viên mở hình ảnh con buôn công khai hoạt động ngay gần đồn biên phòng và muốn cung cấp để đồn làm tư liệu, thiếu tá Trí từ chối tiếp nhận hình ảnh và cho biết, báo chí cứ đăng tải theo kết quả điều tra của phóng viên.
"Trước đây ở khu vực này, các anh không được phép chụp hình, quay phim. Nhưng từ ngày lên cửa khẩu quốc tế, ai cũng có thể chụp hình, quay phim thoải mái" - thiếu tá Trí nói.
Theo xahoi
Những chàng trai tính toán từng xu Cuối tuần, Đại (21 tuổi, quê Hà Nam, đang học tại Hà Nội) gõ cửa từng phòng, thu lượm quần áo, tất bẩn của mấy người đàn ông chưa vợ trong xóm trọ rồi khệ nệ bê chậu quần áo đầy ắp về phòng giặt. Với mỗi bộ quần, cậu được trả công vài nghìn đồng. Đại đang là sinh viên năm cuối...