Tháp Chăm của Tự
Có một chàng trai ở làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bày tỏ nguyện vọng là sẽ xây một tháp Chăm giống như tiền nhân của mình cách nay 9 thế kỷ. Anh tên là Đàng Năng Tự, năm nay 32 tuổi.
Chuyện nghe có vẻ hoang tưởng nhưng nhìn những ngọn tháp Chăm “mini” mà Tự đã vật lộn “nhào nặn” suốt 6 năm qua được anh bỏ lăn lóc khắp vườn nhà đủ để biết cái điều huyền tín ấy là có cơ sở. Ai cũng thừa nhận điều này: tháp Chăm luôn bí ẩn với chúng ta hôm nay, nó vừa thách thức nhưng cũng luôn khích lệ đức kiên nhẫn của các nhà nghiên cứu về nó. Nhìn bề ngoài, tháp Chăm có vẻ “dân dã” chứ không tráng lệ như những công trình kiến trúc cổ đại châu Âu, nhưng khi tiếp cận với từng chi tiết, nó thành ma lực khiến chúng ta không rứt ra được.
Tháp Chăm đã nung – Ảnh: Trần Đăng
Các nhà nghiên cứu về mỹ học, tôn giáo hoặc triết học có thể giải mã một phần bí ẩn của tháp Chăm thông qua các hoa văn, họa tiết, ký tự hay những linh vật được trưng bày trên tháp nhưng các kỹ sư và kiến trúc sư thì chào thua trước những bí mật của các vật liệu để làm nên ngọn tháp, dù nhìn bề ngoài, chúng cũng chỉ là những viên gạch, những tảng đá luôn hiển lộ trước mắt chúng ta một cách bình thường. Một trong những bí ẩn làm lao tâm khổ tứ các nhà nghiên cứu về tháp Chăm là họ không biết các chủ nhân của tháp đã kết nối các viên gạch bằng chất liệu gì.
Đàng Năng Tự được xem như “chân truyền” của một thứ tôn-giáo-tháp-Chăm mà những chủ nhân của nó đã mất hút vào hư vô mà chẳng để lại một chút bảo bối nào trong việc xây tháp cho con cháu hôm nay. “Với tôi, bảo bối hay kinh nghiệm là một cuộc dịch chuyển từng milimét qua mỗi lần “xây” tháp. Anh để ý kỹ mà xem, ngọn tháp tôi làm sau bao giờ cũng có những điều quyến rũ hơn ngọn tháp làm trước đó. Cũng giống như tháp Dương Long ở Bình Định quyến rũ ta hơn tháp Chiên Đàn ở Quảng Nam vậy. Sau mỗi ngọn tháp, tôi lại có thêm chút kinh nghiệm”. Tự vừa đưa tôi ra vườn vừa thuyết minh như thế. Tôi truy: “Nhưng sự cổ kính của mỗi ngọn tháp không phải là điều làm bận lòng các nhà nghiên cứu mà là ở chỗ người Chăm xưa đã dùng chất liệu gì để kết nối những viên gạch mà ta không thấy một chút vôi vữa nào bên trong? Tôi muốn anh giải mã điều đó”. Anh hẹn tôi vào cuối buổi trò chuyện này sẽ hé lộ điều tôi muốn biết. Còn bây giờ, Tự kể về hành trình anh đến với tháp Chăm như đến với một thế giới hoàn toàn khác lạ với nghề truyền thống ở làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng cả vùng Đông Nam Á từ nhiều thế kỷ trước.
Hành trình giải mã
Sinh ra trong gia đình có 11 anh em nhưng chỉ mình Đàng Năng Tự là theo nghề “vọc đất” như cách nói hóm hỉnh của anh. Học hết cấp 2, Tự nghỉ học do gia cảnh. Năm đó cha anh cũng vừa qua đời. Anh kế tục cha mình bằng việc ra sông Quao khai thác đất sét để phụ giúp mẹ anh, bà Đàng Thị Phan – một nghệ nhân nổi tiếng làm đồ gốm ở Bàu Trúc. Mỗi ngày, sau khi ra sông Quao lấy đất, Tự phải gánh gồng các lu, thạp, ché… đi bán dạo. Đi rạc cẳng mà chẳng thay đổi được phận nghèo. Anh nghĩ, muốn thay đổi được số phận, phải làm một điều gì đó “khác người” thì may ra.
Video đang HOT
Với người Chăm ở Bàu Trúc này, gần như có một luật bất thành văn là chỉ có phụ nữ mới làm gốm, đàn ông chỉ khai thác đất sét và mang sản phẩm đi tiêu thụ. Tự đã “phá lệ” ấy bằng việc tự làm các loại đồ gốm. “Mẹ tôi là người rất khéo tay. Bà được chọn sang tận Ấn Độ, mang theo 80 kg đất sét để biểu diễn nghề làm gốm Bàu Trúc cho các nhà nghiên cứu bên ấy xem. Tôi nối nghiệp mẹ, có lẽ là thừa hưởng được chút tài hoa của bà”, Tự khoe về mẹ mình bằng tất cả niềm tự hào.
Lễ hội của người Chăm tại tháp Poklongarai (Ninh Thuận) – Ảnh: Thiện Nhân
Dù là tự mình làm các loại đồ gia dụng để có thể nuôi được thân nhưng với chàng trai trẻ này, ngọn tháp Chăm Poklongarai cách làng một tầm nhìn vẫn luôn ám ảnh. Ngay từ nhỏ, trong mùa lễ hội của người Chăm, Đàng Năng Tự đã theo mẹ hành lễ nơi ngọn tháp này. Sự nhiệm mầu của tháp đã ám ảnh suốt tuổi thơ anh. Và bây giờ là lúc Tự giải mã sự nhiệm mầu ấy. Anh bắt tay vào việc “xây” tháp. Nói “xây” cho oách chứ thực chất, anh chỉ “thu nhỏ” tháp Poklongarai bằng một cái am, cao hơn một mét. Chàng trai ấy, dù không đến mùa lễ hội, vẫn lặn lội lên tháp để quan sát và ghi chép cẩn thận. “Cái khó là khắc các họa tiết trên tháp mini này y như tháp lớn. Thứ hai là màu sắc phải sao cho thật tươi. Cái này đòi hỏi sự điêu luyện trong lúc nung tháp”, Tự cho biết.
Sau hơn một tháng mày mò, ngọn tháp cũng đã xong nhưng nó… xấu quá, thế là đập bỏ, làm lại từ đầu. Đến tháp thứ ba thì được. Khi trưng ra nhà, có người đến dạm hỏi và mua những 2,5 triệu đồng. Từng ấy tiền, làm trong 15 ngày, thời giá của năm 2006, như thế là quá mãn nguyện với Đàng Năng Tự. “Nhưng cái chính không phải là làm để bán mà tôi muốn thử sức từ ngọn tháp mini này để khi có điều kiện là làm tháp lớn như tháp Poklongarai kìa”, Tự quả quyết. Nhìn những ngọn tháp đang bài trí trong vườn với những chi tiết rất tinh xảo, tôi cứ miên man suy nghĩ, hay là suốt cả mấy thế kỷ qua, các thế hệ người Chăm đã ký thác cho chàng trai này giải mã những bí ẩn của tổ tiên họ qua việc xây tháp Chăm?
Tôi trở lại với lời hứa ban đầu của Tự: “Làm tháp mini này thì chỉ có đất sét, trang trí họa tiết và nung, có lẽ nhiều người làm được, đâu có bí ẩn gì”. Tự tán thành: “Đúng, làm tháp mini như thế này thì sẽ có nhiều người làm được, nhưng để ngọn tháp biết “cựa quậy” thì người làm ra tháp phải biết phả vào nó tất cả hồn vía của mình. Nó không chỉ là sản phẩm thương mại giá 3-4 triệu đồng nữa rồi. Nó phải được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Còn bí ẩn của tháp Chăm mà các nhà nghiên cứu đang tìm lời giải ấy, tức là làm sao để kết nối giữa hai viên gạch lại mà không thấy vôi vữa, thì tôi cũng đã và đang kiếm tìm. Nhưng nói nhỏ thôi nhé, tôi đã “thấy” chúng rồi!”. Tôi tò mò: “Anh có thể tiết lộ?”. Tự cười: “Đó cũng là một bí ẩn của riêng tôi!”. Tự lúc này đã thành ngọn tháp Chăm. Anh đang “bí ẩn” với tôi. Tôi nhìn ra vườn, có cảm giác như tất cả những ngọn tháp mini của anh đang vươn mình lớn dậy, chạy dọc miền Trung, sừng sững bên trời suốt 9 thế kỷ qua.
Theo TNO
Phát lộ 'hố thiêng' tháp Chăm thế kỷ thứ X
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện khu đền có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV sau ba tháng khai quật di tích Chăm tại khu vực Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Ngày 11/12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Bảo tàng Chăm Đà Nẵng công bố kết quả khai quật khu đất rộng hơn 500 m2. Tại một gò đất cao tại tổ 3, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, ở độ sâu 2,5 m khu đền tháp Chăm được phát lộ với nền móng, kiến trúc của hệ thống tường bao, tháp thờ chính, tháp Cổng, nhà đài và đường đi...
Mặt bằng tổng thể hiện trạng và hố khai quật di tích Cấm Mít.
Các nhà khảo cổ đã lưu giữ gần 630 hiện vật là các loại gạch, đất nung, đồ gốm... để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Trong đó có nhiều loại di vật đá được đưa về lưu giữ tại các đình làng như bộ Linga - Yoni cùng bệ thờ ở đình làng Dương Lân, hai đài thờ ở đình làng Bồ Cản và Cẩm Toại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, Phòng Nghiên cứu - sưu tầm bảo quản (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), đền tháp này có niên đại từ thế kỷ thứ X đến XIV. Một số kiến trúc có bố cục trung tâm là tháp giữa, hai bên có tháp bắc và nam, phía đông có tháp cổng và nhà dài. Toàn bộ hệ thống kiến trúc đều hướng về phía đông, trong đó tháp giữa được xây dựng sớm và có quy mô lớn nhất. Nền móng tháp đều có bình đồ gần vuông, cửa chính mở về phía đông, cửa giả về phía tây, hai bên có thành bậc xây nhô ra hình vòng cung, mỗi thành bậc rộng 0,8 m.
Đặc biệt, trong lần khai quật này các nhà khảo cổ phát hiện các hố thiêng với kiến trúc mặt cắt dọc hình thang cân ngược, cao trên một mét. Thành hố xây vát taluy bằng gạch vỡ, đất laterite, đất sét trộn nhựa thực vật được xây ở trung tâm cả ba nền móng đền tháp chính. Lớp trên lòng hố được lát bằng gạch, dưới lót cát sông và rải một lớp đá cuội. Phần đáy hố được dầm chặt bởi lớp đất sét pha cát.
Sát đáy hố thiêng có 8 lỗ hình chữ nhật, chia khoảng cách đều và mỗi lỗ đặt một viên gạch hình chữ nhật, phía dưới có một hòn cuội cùng 2 mảnh nhỏ kim loại mỏng phủ lớp cát biển ở phía sát đáy. Cửa hốc hố thiêng tháp nam còn đặt 1-2 viên thạch anh màu trắng.
Việc khai quật di tích tháp Chăm ở Đà Nẵng được thực hiện liên tục trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Đông
"Các hố thiêng đều có 4 yếu tố sông (di vật cát sông), biển (cát biển), đất (gạch), núi (hòn cuội). Tuy chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng bước đầu cho thấy sự chú trọng đến lễ nghi và nghệ thuật phong thủy trong việc trấn yểm của chủ nhân", ông Chất nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc xuất hiện của vò gốm men (khả năng là vò mộ), đồ tùy táng (đồ gốm, sứ, thủy tinh, thạch anh...) cho thấy ngoài chức năng là đền tháp thờ các vị thần còn có tính chất như một ngôi tháp mộ, lưu trữ tro cốt và thờ tự tổ tiên hoặc của chính chủ nhân xây tháp. Theo kiến trúc và hiện vật thu được thì chủ nhân của đền tháp khi sống có địa vị cao nhất vùng nên khi chết đi cũng được xem như thần linh để thờ trong tháp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia cho biết thêm, phần mi cửa trước ở tháp bắc lần đầu tiên được trang trí hình ảnh chim thần Garuda. "Từ trước đến nay cửa trước thường chỉ được trang chí bằng hình ảnh các vị thần, hoặc các họa tiết hoa văn, điều này tượng trưng cho việc thờ cả á thần tại ngôi đền tháp. Sự phát hiện này góp phần bổ sung tư liệu cho những khoảng trống cần nghiên cứu về kiến trúc, văn hóa, tôn giáo người Chăm", ông Cường nói.
Cùng với các hố thiêng, nhiều hiện vật được tìm thấy đã phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về các di tích này. Ảnh: Nguyễn Đông
Di tích Cấm Mít nằm trên vùng đất bồi đắp tự nhiên của vùng hợp lưu hai sông Túy Loan và Yên, đổ vào sông Cẩm Lệ. Nơi đây từng xảy ra nhiều đợt "tàn phá di tích" như việc người dân khai thác gạch về xây đền miếu năm 1950 và chịu tàn phá nặng nề của chiến tranh những năm 1970. Hiện khu vực này là vườn hoa màu của người dân địa phương.
Trước đó ngày 28/8, đoàn khảo cổ đã công bố kết quả sau gần 2 năm khai quật tại tháp Chăm Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Kết quả cho thấy lộ rõ toàn bộ quy mô và cấu trúc chân móng của một tòa tháp Chăm khoảng 1.000 năm tuổi với hố sâu được dự đoán là hố thiêng phục vụ tín ngưỡng của người Chăm xưa
Theo VNE
Lo ngại đới đứt gãy Ngày 10.12, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo đánh giá tác động của sóng thần xung quanh khu vực Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận. Tại hội thảo, nhiều ý kiến lo ngại về độ an toàn khi...