Tháo nút thắt giá đất bồi thường
Nhiều vấn đề mấu chốt trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan mật thiết tới đời sống người dân chưa nhận được sự đồng thuận. Không chỉ từ phía người dân, chính các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng rất băn khoăn, lo ngại quy định mới không tháo gỡ được những vướng mắc, tồn tại cũ.
Giá đất bồi thường còn cách khá xa giá thị trường
(Trong ảnh: Người dân làm thủ tục bồi thường đất tại quận Hà Đông, Hà Nội)
Cứng nhắc sẽ hỏng việc
Trong hệ thống chính sách đất đai, với một địa phương có tới hàng nghìn dự án phải GPMB hàng năm như Hà Nội, mối quan tâm hàng đầu của người dân chính là vấn đề giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Thay vì “giá đất sát giá thị trường” như quy định hiện hành, dự thảo đưa ra nguyên tắc “phù hợp với giá thị trường”, song vẫn khiến người dân lo ngại bởi sự mơ mồ. Đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thắc mắc: “Cứ nói mãi giá đất phù hợp giá thị trường nhưng đây là thị trường nào? Vài năm trước thị trường bất động sản sốt nóng, giá đất cao nhưng nay trầm lắng, giá đất giảm thì tính toán thế nào? Thị trường lúc mới lập quy hoạch cũng rất khác với thị trường lúc giao đất, cho thuê đất bởi giá sẽ biến động mạnh khi có tác động chính sách”.
Một số doanh nghiệp lớn khác cho rằng, nếu vẫn duy trì cứng nhắc nguyên tắc hết sức chung chung kiểu “giá đất sát giá thị trường” hay “phù hợp thị trường”, sẽ rất khó cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Khiếu kiện đất đai sẽ không thể giảm nếu vẫn có những quy định mơ hồ như vậy. Do đó, để tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB, điều quan trọng nhất là phải làm rõ khái niệm thế nào là giá đất theo thị trường chứ không thể để mãi một quy định mơ hồ, thiếu tính khả thi như vậy.
Bảng giá bồi thường cứng nhắc, không theo kịp biến động của thị trường hay nói cách khác là thường cách quá xa so với giá thị trường, dễ gây thắc mắc, khiếu nại, là bất cập lớn hiện nay. Tại Hà Nội, bảng giá đất bồi thường mỗi năm đều có điều chỉnh nhưng không thể “sát thị trường” bởi mức trần đã bị khống chế theo khung giá đất của Chính phủ, vốn được ban hành từ năm 2004! Đơn cử, dù giá đất giao dịch thực tế ở khu trung tâm có lên tới 500 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn thì giá bồi thường không thể vượt quá mốc 81 triệu đồng/m2. Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Ngọc Anh phản ánh: “Giá đất áp dụng hàng năm của các tỉnh, TP chưa sát với thực tế, rất khó cho việc tính bồi thường. Điều này dẫn đến tình trạng tiền hỗ trợ lại lớn hơn tiền bồi thường nhiều lần. Hiện nay, kinh phí bồi thường cho 1m2 đất nông nghiệp tại huyện Phú Xuyên là 135.000 đồng/m2 trong khi kinh phí hỗ trợ đến 675.000 đồng”.
Cần cơ quan định giá độc lập
Cũng do bị “khóa” bởi khung giá trần đã lạc hậu, cách thức để nâng giá bồi thường cho dân hiện nay mà các địa phương đang áp dụng là xin điều chỉnh hệ số tăng kịch khung là 20%, tức là làm cho tổng số tiền người dân nhận được tăng lên 1,2 lần. Tại Hà Nội, “chiêu” này được áp dụng thường xuyên cho rất nhiều dự án, không chỉ ở nội thành mà cả ngoại thành. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Gia Lâm cho biết, có những dự án, UBND huyện GPMB rất vất vả, lần nào cũng phải xin điều chỉnh giá đất, mỗi lần giá tăng lên khoảng 20%. Từ thực tế trên, các địa phương đề xuất việc sửa luật phải khắc phục được tồn tại hiện nay, tránh việc phải “đi đường vòng” để nâng giá bồi thường cho người dân. Một số ý kiến cho rằng, cần thành lập Trung tâm Thẩm định giá đất độc lập, để giải quyết vấn đề giá đất, đảm bảo sự khách quan, công bằng và minh bạch.
Góp ý vào dự thảo luật, vấn đề cấp “sổ đỏ” cũng nhận được nhiều ý kiến. Đặc biệt, nhiều quận, huyện mong muốn việc sửa luật phải khắc phục được việc các khu đất, nhà ở hợp pháp của người dân nhưng hiện vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”. Ông Khuất Khắc Sơn, Trưởng phòng TN-MT huyện Thạch Thất kiến nghị: “Với những thửa đất không có giấy tờ, nên chia ra các thời điểm để cấp “sổ đỏ” cho dân”. Tương tự, với gần 12.000 trường hợp căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước nhưng hồ sơ gốc đã bị thất lạc hoặc không còn cơ quan quản lý, người dân dù rất bức xúc nhưng chính quyền vẫn không thể giải quyết vì không đủ căn cứ. Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu thừa nhận, hiện nay, những khu đất, nhà ở chưa cấp được “sổ đỏ” đa phần là những địa chỉ có vấn đề hoặc liên quan đến tranh chấp, pháp luật. Ông nói: “Sở TN-MT Hà Nội đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ TN-MT nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết”.
Theo ANTD
Gỡ chỗ vướng mắc nhất
Sau gần 10 năm triển khai Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn khá nhiều bất hợp lý. Khiếu nại, tố cáo về thu hồi, bồi thường đất chính là điểm tắc nghẽn lớn nhất, khó tháo gỡ nhất. Bởi thế, ngay từ đầu năm mới 2013, Bộ Tài nguyên - Môi trường, lần đầu tiên đã tổ chức một cuộc hội thảo chuyên về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Liệu những giải pháp, hiến kế có tạo được cú đột phá?
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng căng thẳng và kéo dài này đã được phân tích, mổ xẻ quá nhiều. Đó là do tổ chức thực hiện chính sách chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết, chưa có sự tham gia của các tổ chức xã hội. Giá đất bồi thường chủ yếu thực hiện theo bảng giá cố định nên thấp hơn so với giá thị trường. Một số địa phương cho rằng, giá đất thực tế quá xa giá thị trường nên "đẻ" ra mâu thuẫn, kiện tụng. Vướng mắc tích tụ nhiều nhất là khâu chuẩn bị phương án bồi thường, hỗ trợ chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, nhất là giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Việc lập và thực hiện phương án bồi thường của một số dự án rơi vào tình trạng "tù mù", không đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trong khi đó, không ít nơi, sau khi thu hồi đất coi như được việc của mình, đẩy người dân vào sống trong các khu tái định cư theo kiểu "mang con bỏ chợ". Chất lượng công trình, chất lượng sống chẳng những không có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, mà còn tệ hơn. Không thể phủ nhận một thực tế, quỹ đất cũng chưa được đầu tư đúng mực về kinh phí và nhân lực để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất đã được phê duyệt. Đất thì chưa "sạch", Nhà nước lại thiếu tiền giao cho các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện dự án đầu tư.
Vì thế dẫn đến tình trạng thu hồi đất và giao đất, chỉ định cho chủ đầu tư thuê đất, cho phép họ ứng vốn để trả trước tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nên phát sinh khiếu kiện trong dân. Hơn thế, ở tầm vĩ mô, do chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Nhà nước thay đổi quá nhiều qua các thời kỳ, càng khiến gia tăng tình trạng so bì hơn thiệt, khiếu nại, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong cùng một dự án nhưng thu hồi đất qua nhiều thời gian. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường ở một số địa phương "nóng" nhất thừa nhận, khó nhất trong thời gian qua về chuyện thu hồi và bồi thường đất chính là sự thay đổi liên tục của các chính sách khiến cho người thực hiện "xoay như chong chóng".
Thậm chí, có những dự án "nằm vắt" qua các "đời" nghị định khác nhau, chênh lệch khá lớn nên rất lúng túng khi giải quyết. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho rằng, chính sách thay đổi nhiều nhưng trong quá trình ban hành chính sách mới lại không có tính kế thừa nên cấp cơ sở rất khó "xoay xở" khi thực hiện.
Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn sẽ "xoay chuyển" tình thế với những nội dung, quy định rất mới về thu hồi đất, bồi thường, giá đất. Điểm mới nổi bật nhất của Luật Đất đai mà dư luận đặc biệt quan tâm là, người dân sẽ được tham gia trong quá trình xây dựng, phê duyệt, giám sát việc thực hiện phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Không thể hy vọng tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, cho nên cần tập trung gỡ chỗ vướng mắc nhất.
Theo ANTD
Tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) phía Nam về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 4.10 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ có những kiến nghị lên Chính phủ nhằm...