Tháo gỡ khó khăn, di dời người dân vùng ngập lụt, sạt lở bờ sông Thạch Hãn
Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn (dự án), xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1995/QĐ-UBND ngày 24/8/2016.
Dự án đã hoàn thành và mang tính khẩn cấp nhưng đến nay phần lớn hộ dân thuộc diện di dời chưa chuyển đến ở.
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng lấn sâu vào đất sản xuất của người dân. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN
Mục tiêu của dự án là di dân khẩn cấp 60 hộ (297 khẩu) ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn. Dự án có quy mô 35,5 ha, tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng; trong đó hơn 27 tỷ đồng là nguồn vốn Trung ương, phần vốn còn lại địa phương tự cân đối. Đến tháng 6/2022, dự án thi công hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng. Mỗi hộ dân ở vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn khi di dời đến dự án được cấp 1.500m2 đất; trong đó có 300m2 đất ở. Dự án có quy mô lớn và mang tính khẩn cấp nhưng đến đầu tháng 8/2024 chỉ mới bố trí được 4 hộ dân vào ở gồm 2 hộ năm 2021 và 2 hộ năm 2023.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, dự án đã thi công hoàn thành và bàn giao toàn bộ cho địa phương quản lý sử dụng nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Các đối tượng được UBND xã Hải Lệ phê duyệt phương án di dời từ năm 2013 đến nay có nhiều biến động, nhiều đối tượng đã chết hoặc chưa được rà soát đầy đủ, một số hộ đã bị thiệt hại do thiên tai năm 2022. Phương án di dời dân cũng chưa rà soát cụ thể nguồn gốc đất đai của từng hộ tại thời điểm lập. Nhiều hộ có đất ở, nhà ở hợp pháp thì kiên quyết không di dời. Nhiều hộ đã đồng ý di dời, nhận đất nhưng nhiều năm không làm nhà. Tình trạng này đã gây khó khăn cho quá trình vận động, xét duyệt đối tượng di dời vào vùng dự án.
Ngoài ra, mức hỗ trợ di dời quá thấp, chỉ có 20 triệu đồng/hộ cũng khiến nhiều hộ dân không muốn đi. Với mức hỗ trợ này, nhiều hộ dân không thể xây dựng nhà ở trong vùng dự án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã kiểm tra thực tế vùng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ và công tác di dân tái định cư. Ông cho rằng mức hỗ trợ người dân di dời như hiện nay là chưa hợp lý, đồng thời đề nghị lãnh đạo thị xã Quảng Trị, xã Hải Lệ lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để có hướng giải quyết kịp thời. Địa phương đề xuất UBND tỉnh để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng mức hỗ trợ cho người dân để họ có điều kiện xây dựng nhà cửa tại khu vực tái định cư. Ngoài nguồn vốn ngân sách, địa phương cần tích cực kêu gọi nguồn xã hội hóa để di dời toàn bộ các hộ dân trong vùng ảnh hưởng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn đến nơi ở mới ổn định, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương đã đề nghị UBND thị xã Quảng Trị, chỉ đạo UBND xã Hải Lệ rà soát toàn diện phương án bố trí dân cư đảm bảo tính đầy đủ, có cơ sở thực tiễn chính xác về thông tin, số liệu hiện trạng hộ dân, đất đai và giải pháp bố trí dân cư phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó lưu ý rà soát từng trường hợp cụ thể hiện đang sinh sống tại vùng nguy cơ sạt lở bờ sông Thạch Hãn, đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 1995/QĐ-UBND ngày 24/8/2016; cần xác minh hiện trạng, nguồn gốc đất đai, cơ sở pháp lý và các quy định có liên quan, đề xuất phương án thu hồi và cấp đất cho từng đối tượng cụ thể. Sở Tài Nguyên và Môi trường cần phối hợp, hỗ trợ UBND thị xã Quảng Trị, hướng dẫn UBND xã Hải Lệ triển khai thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc thu hồi, cấp đất, giao đất cho các hộ di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở do thiên tai.
Tình trạng sạt lở bờ và ngập lụt vùng ven sông Thạch Hãn đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường vào mùa mưa lũ suốt nhiều năm qua, nhất là đoạn qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị huyện Triệu Phong.
Với địa hình dốc theo hướng từ Tây sang Đông, lũ trên sông Thạch Hãn thường lên rất nhanh mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Biến đổi khí hậu và khai thác cát trái phép được cho là nguyên nhân chính khiến bờ của các con sông ở Quảng Trị sạt lở ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9 – 11 hàng năm. Bờ sông Thạch Hãn sạt lở gần như thẳng đứng, hàng năm sạt lở từ 5 – 10m lấn sâu vào đất sản xuất và đất ở, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hơn 5.000 hộ dân sinh sống dọc bờ sông này.
Ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống và đất sản xuất của người dân, sạt lở còn gây thiệt hại về người. Giữa tháng 10/2022, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, làm một người chết, sập 3 ngôi nhà. Tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng xem xét, hỗ trợ 750 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để đầu tư hoàn thiện tuyến kè bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong chiều dài 14,5 km nhằm ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân…
Hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ sập nhà do sạt lở bờ sông Thạch Hãn
Ngày 17/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, hỗ trợ và động viên các gia đình nạn nhân có nhà bị sập do sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị vào đêm 16/10.
Chia sẻ với mất mát của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ trước mắt cho gia đình có người bị tử vong 10 triệu đồng/người và hộ có người bị thương 5 triệu đồng/người; đồng thời chỉ đạo chính quyền thị xã Quảng Trị tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân bị thiệt hại. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền địa phương cắt cử lực lượng canh gác 24/24 giờ tại khu vực sạt lở, cắm chỉ giới để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra do mưa lũ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Trước mắt tuyệt đối nghiêm cấm người dân ở khu vực nguy hiểm, phải đưa người dân lên ở khu vực tập trung. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, vệ sinh môi trường cũng như tuyên truyền luật phòng chống thiên tai và phổ biến dự báo diễn biến tình hình phức tạp của thời tiết. Mặt khác, tỉnh tiếp tục lên kế hoạch di dời người dân đến nơi ở mới an toàn để hạn chế thiệt hại về người trong thời gian tới. Hiện nay, mức hỗ trợ di dời người dân đến nơi tái định cư mới tại các khu vực sạt lở vẫn còn thấp chỉ 20 triệu đồng/hộ vì thế khiến nhiều người còn chần chừ, chưa quyết liệt di dời. UBND tỉnh Quảng Trị sẽ kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan bộ, ngành Trung ương tăng mức hỗ trợ để động viên người dân sớm di chuyển đến nơi ở mới an toàn, đảm bảo cuộc sống, an tâm sản xuất. UBND tỉnh Quảng Trị cũng sẽ kêu gọi, huy động thêm các nguồn lực để di dời các hộ dân (với khoảng 100 triệu đồng/hộ) nằm trong khu vực nguy cơ tiếp tục sạt lở tại thôn Như Lệ sớm đến khu vực tái định cư an toàn ngay trong năm nay.
Trước đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 16/10, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn thôn Như Lệ, xã Hải Lệ đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, khiến 3 nhà dân và 2 quán kinh doanh bị sập. Đặc biệt, vụ sạt lở khiến ông Võ L. (45 tuổi, trú thôn Như Lệ), bị vùi lấp dưới lớp đất đá và bê tông do ngôi nhà bị sập. Đến 6 giờ 5 phút ngày 17/10, lực lượng chức năng mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài. Ngoài ra, sự cố này cũng khiến 1 người khác bị thương.
Mực nước trên hệ thống sông Đồng Nai đang ở mức cao Tối 21-7, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, mực nước trên hệ thống sông Đồng Nai đang ở mức cao. Cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn huyện: Tân Phú, Định Quán và các địa bàn lân cận. Cảnh báo...