Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp
Quý I/2022, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã vượt kế hoạch nhưng về tăng trưởng toàn ngành dù đạt mức tăng tích cực 2,45% nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (3,1%).
Điều này, đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa của từng vùng miền để tăng trưởng quý II có thể đạt từ 2,9 – 3%.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh minh họa: Ngọc Thiện – Lê Nghĩa/Báo Tin Tức
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Những tháng đầu năm, thời tiết rét đậm rét hại kéo dài tại các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh trên vật nuôi vẫn xảy ra, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư nông nghiệp tăng. Nhưng giá sản phẩm nông, lâm, thủy sản lại bấp bênh, đặc biệt đối với những sản phẩm vào vụ thu hoạch như: thanh long, mít, xoài, thịt lợn, tôm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, tình hình xung đột chính trị giữa các nước trên thế giới đã khiến giá nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cụ thể: ngô hạt tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái; khô dầu đậu tương tăng 13,4%; DDGS (bã ngô) tăng 14,3%; bột cá tăng trên 14%… Theo đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp thành phẩm cho lợn thịt tăng 22,5%; cho gà lông trắng tăng 28,8%; cho gà lông màu tăng 24,2%.
Trong tình hình đó, các lĩnh vực đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai và biến động thị trường. Các địa phương chuẩn bị giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để xuống giống, chăm sóc và thu hoạch lúa, hoa màu trong khung thời vụ tốt nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn.
Tính đến trung tuần tháng 3/2022, vụ lúa Đông Xuân, cả nước đã thu hoạch được 864,6 nghìn ha, năng suất trên diện tích thu hoạch đạt 71,2 tạ/ha. Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hoàn thành thu hoạch lúa Mùa với sản lượng tăng khá và đạt 881,2 nghìn tấn, tăng 32,4% (tương đương 215,8 nghìn tấn).
Sản lượng nhiều cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi bò, lợn và gia cầm giữ nhịp tăng trưởng, sản lượng thịt hơi các loại đều tăng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ tăng mạnh.
Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản tiếp tục được điều chỉnh sản xuất theo đúng định hướng là giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Tổng sản lượng ước đạt 1.863,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng khai thác đã giảm 1,2%, còn nuôi trồng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thủy sản, ngành tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm để tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại. Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Hay việc ứng dụng công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần thức ăn có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Trang trại chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Video đang HOT
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trên trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, Cục sẽ theo dõi sát diện tích lúa tại khu vực nhiều khả năng bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn để có các giải pháp chỉ đạo sớm, tích trữ nước ngọt nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng lúa. Ngành sẽ cùng các địa phương theo dõi, chỉ đạo sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng để có chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng này phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, việc rải vụ trái cây tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thành công mang hiệu quả kinh tế đối với 5 loại cây như: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, giúp tăng hiệu quả từ 1,5 – 2 lần so sản xuất chính vụ.
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, Cục Chăn nuôi cho biết, đơn vị tiếp tục hỗ trợ phát triển, hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt là triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.
Cục tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…
Để phát triển thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới. Qua đó tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước. Đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.
Các đơn vị chức năng tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.
Riêng với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông sản sang thị trường này quan trọng là việc thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách “Zero COVID” với tất cả các nước nhập khẩu, nên các cơ quan quản lý khuyến cáo các doanh nghiệp kiểm soát hàng hóa từ khâu đóng gói, vận chuyển… để đảm bảo trong kiểm soát dịch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, đối với thị trường truyền thống thì cần tận dụng tối đa; tập trung phát huy các thị trường ngách; thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Khi dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất nhiều quốc gia thì cần đẩy nhanh xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… Việc phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa duy trì ổn định
Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định so với tuần trước.
Nông dân huyện An Phú (An Giang) thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Tại An Giang, giá các loại lúa vẫn duy trì ổn định so với tuần trước như: lúa tươi IR 50404 ở mức từ 5.600-5.800 đồng/kg; OM 5451 từ 5.600-5.800 đồng/kg; lúa Nhật 8.000-8.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 từ 5.900-6.000 đồng/kg. Bên cạnh đó cũng có một số loại có biến động tăng/giảm nhẹ như: OM 18 là 6.000-6.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.800-6.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Lúa nếp có sự biến động giá tùy địa phương. Lúa nếp tươi An Giang ở mức từ 5.600-5.850 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nhưng nếp Long An tươi từ 5.400-5.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.
Đến nay, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành thu hoạch lúa Mùa 2021-2022 với diện tích đạt 170,6 nghìn ha, tăng 13,6%; năng suất đạt 49,4 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha. Sản lượng lúa tăng khá, đạt 881,2 nghìn tấn, tăng 32,4%, tương đương tăng 215,8 nghìn tấn.
Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuống giống 236,4 nghìn ha lúa vụ Hè Thu, tăng 29 % so với cùng kỳ năm ngoái; tập trung tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Riêng về lúa gạo, đề án sẽ xây dựng vùng nguyên liệu ở Tứ Giác Long Xuyên 50.000 ha, đồng thời xây dựng Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; Trung tâm logistic lúa-tôm hữu cơ tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2022 ước đạt 500 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1,48 triệu tấn và 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2022 đạt 482 USD/tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 với 53,3% thị phần. Thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Tiểu vương quốc ẢRập Thống Nhất gấp 2,8 lần.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2022 đạt 482 USD/tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: TTXVN
Trong tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 400-415 USD/tấn trong phiên 31/3, giảm so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng thu hoạch từ vụ Đông-Xuân, thêm vào đó chất lượng vụ mùa này đã bị ảnh hưởng do mưa kéo dài khi thu hoạch.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 72.000 tấn gạo dự kiến sẽ được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần đầu tiên của tháng 4/2022, trong đó, hầu hết số gạo này sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không đổi trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tăng và đồng rupee tăng giá, trong khi lượng dự trữ tăng đã ảnh hưởng đến giá gạo tại Việt Nam.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 367-370 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, cho biết vì chính phủ đã kéo dài thời gian trợ cấp phân phối ngũ cốc thêm sáu tháng, nguồn cung ứng trong nước sẽ tăng và giá cả sẽ tiếp tục chịu sức ép.
Giá gạo Thái 5% tấm giảm xuống mức từ 408-410 USD/tấn trong tuần này, so với mức 408-412 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho biết nhu cầu gạo Thái Lan ở nước ngoài đã bị giảm do không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.
Tuy nhiên, một nhà kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết giá vẫn cao do nhu cầu trong nước đối với gạo tấm dùng làm thức ăn chăn nuôi do vấn đề logistics.
Tình hình nguồn cung vẫn không đổi dù có thêm sản lượng từ vụ thu hoạch mới trong tuần này.
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước đã tăng trong tuần này, mặc dù mùa vụ và dự trữ tốt, trong bối cảnh lạm phát trong tháng 2/2022 đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 1/4, giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều giảm, dẫn đầu là đậu tương.
Thu hoạch lúa mỳ tại một trang trại ở Dixon, Illinois (Mỹ). Ảnh: wsj.com
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 giảm 13,75 xu Mỹ (1,84%) xuống 7,35 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 21,5 xu Mỹ (2,14%) xuống 9,845 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 5/2022 giảm 35,5 xu Mỹ (2,19%) xuống 15,8275 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô Mỹ đang chịu sức ép khi giá ngô của Argentina đang rẻ hơn gần 1 USD, điều này đã thúc đẩy các nhà mua thức ăn chăn nuôi trên thế giới chuyển sang Argentina.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago đã cắt giảm ước tính xuất khẩu ngô giai đoạn 2021-2022 của Mỹ xuống 50 triệu bushel và sẽ có sự điều chỉnh tương tự trong tháng 4/2022 nếu hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ không cải thiện. Ngày 1/4, khoảng 130.000 tấn ngô đã được bán cho một người mua giấu tên.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực Tây Canada và khu vực đồng bằng Mỹ sẽ có ít mưa trong hai tuần tới. Thời tiết ấm lên trong 11-15 ngày tới phù hợp để bắt đầu gieo trồng ngô.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch 1/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp tục tăng. Giá cà phê giao kỳ hạn tháng 5/2022 tăng thêm 13 USD, lên 2.165 USD/tấn và giá cà phê giao tháng 7/2022 tăng thêm 12 USD, lên 2.152 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cũng tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá cà phê giao tháng 5/2022 tăng thêm 4,55 xu Mỹ, lên 226,40 xu Mỹ/lb và giá cà phê giao tháng 7/2022 cũng tăng thêm 4,55 xu Mỹ, lên 226,45 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm từ 200 - 300 đồng, lên dao dộng trong khung 41.100 - 41.600 đồng/kg.
Giá cà phê giao kỳ hạn tiếp tục hưởng lợi khi giá vàng và giá dầu thô tiếp tục sụt giảm. Đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ "giải phóng" kho dự trữ dầu với định lượng 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nhằm kìm chế lạm phát. Trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC , cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2022 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Những thông tin này đã góp phần xoa dịu thị trường dầu. Dòng vốn đầu cơ tiếp tục dịch chuyển về lại các sàn hàng hóa; trong đó có cà phê.
Nuôi tôm trong ruộng lúa, bán lúa trúng giá, bán tôm cũng đắt hàng, nông dân Bạc Liêu lãi nhiều hơn Những năm trước, nông dân vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh Bạc Liêu thường phải chịu cảnh "trúng mùa, rớt giá", hoặc "được giá, mất mùa". Nhưng năm nay, niềm vui như nhân đôi khi người nông dân vừa trúng mùa vừa được giá. Tại hầu hết các vùng sản xuất tôm - lúa, năng suất thu hoạch trung bình đạt...