Thanh tra Xây dựng chuyên xử phạt… giao thông
Dù chức năng là quản lý trật tự xây dựng nhưng lực lượng Thanh tra Xây dựng (TTXD) tại các quận trung tâm TPHCM lại chủ yếu xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực… giao thông.
Công việc chủ yếu của TTXD quận, phường lại là… giữ gìn trật tự đường phố (ảnh minh họa: Tuổi trẻ)
Trong đợt thanh tra hoạt động quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè vừa qua của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị chức năng “phát hiện” ra một nghịch lý là 99% số vụ xử phạt hành chính của lực lượng TTXD cấp quận, phường tại TPHCM lại là đối với các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực… giao thông.
Đặc biệt, việc thanh tra xử phạt của lực lượng TTXD quận, phường tồn tại nhiều sai phạm như xử phạt không đúng thẩm quyền, lập biên bản thiếu chặt chẽ và chưa chính xác, nhầm lẫn giữa người lập biên bản và tổ chức lập biên bản, nhầm lẫn giữa người lập biên bản với lực lượng phối hợp, nhầm lẫn về dẫn chiếu hành vi vi phạm, áp dụng sai điều khoản khi ban hành quyết định xử phạt, tạm giữ phương tiện vi phạm nhưng không ban hành biên bản và quyết định tạm giữ…
Cụ thể, tại quận 1, Thanh tra Bộ đã kiểm tra ngẫu nhiên 204 hồ sơ vi phạm do lực lượng TTXD quận lập biên bản thì trong đó có đến 100 hồ sơ vi phạm dừng, đổ xe sai quy định 103 hồ sơ trông giữ phương tiện sai phép, không phép và chỉ có 1 hồ sơ chiếm dụng lòng lề đường, hè phố.
Trong đó lại có đến 24 hồ sơ xử phạt vi phạm trật tự giao thông đô thị do Phó chánh TTXD quận xử phạt. Theo kết luận của Thanh tra Bộ thì việc xử phạt này là không đúng thẩm quyền theo nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ. UBND quận 1 và Sở Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu chấm dứt việc lực lượng TTXD xử phạt không đúng thẩm quyền.
Theo quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi cho phép xây dựng thí điểm lực lượng TTXD cấp quận, phường tại Hà Nội và TPHCM thì TTXD cấp quận, phường có chức năng giúp Chủ tịch UBND cấp quận, phường thực hiện công tác thanh tra, các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi quyết định thành lập TTXD quận, phường, UBND các quận tại TPHCM đều ban hành quy chế hoạt động riêng cho lực lượng này. Trong đó giao thêm cho lực lượng này nhiều nhiệm vụ khác như kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trật tự lòng lề đường, nơi công cộng…
Tại TPHCM, lực lượng TTXD quận, phường hiện nay được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các đội quản lý trật tự đô thị quận – huyện và tổ quản lý trật tự đô thị phường – xã – thị trấn đã có trước đó. Chính vì vậy, hầu như các thành viên đều không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên. Hiện lực lượng TTXD cấp quận, phường tại TPHCM có khoảng 2.700 người nhưng chỉ có 1 người được bổ nhiệm thanh tra viên.
Video đang HOT
Do đó, có nhiều ý kiến cho là nên đổi tên lực lượng này vì chỉ có 1 thanh tra mà dùng tên thanh tra cho cả lực lượng hàng ngàn người là không hợp lý. Vả lại, nhiệm vụ của lực lượng này chủ yếu lại là quản lý trật tự giao thông đô thị, vệ sinh môi trường và thu lệ phí nên cái tên TTXD là chưa phù hợp.
Theo Dantri
Nơi người sống "ở cùng" người chết
Ở TP Đà Nẵng, ngay giữa quận trung tâm còn có những khu ổ chuột nhếch nhác, những tổ dân phố "vô thừa nhận".
Đó là các xóm nghĩa địa chưa được mắc điện, nước. Người dân nơi đây đi không được mà tiếp tục ở cũng khó xong.
Tổ 32, 33A, phường Thanh Khê Đông và tổ 22, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) có hàng trăm người dân đang sinh sống trong các xóm nghĩa địa. Nơi đây, nhà dân và mồ mả nằm đan xen nhau, trông khá nhếch nhác.
Cuộc sống tù mù, nhếch nhác
Trước đây, xóm nghĩa địa mọc lên trên... đất nghĩa địa. Vì thiếu đất, lại quá nghèo nên người dân bấm bụng làm liều, ra dựng nhà ngay trên phần đất nghĩa địa để sống. Cứ thế, hơn chục năm nay họ "chung sống hòa bình" với những người đã khuất.
Lối vào xóm nghĩa địa là những đường kiệt (hẻm) "bé như lỗ mũi", mùi khai, thối bốc lên nồng nặc. Xe đẩy lấy rác của nhân viên vệ sinh môi trường mỗi lần vào đây chỉ có thể kéo thẳng hoặc thụt lùi chứ không thể quay đầu được. Có những kiệt quá nhỏ thì bấy lâu nay không thể đổ rác, người dân cứ thế xả rác vứt bừa bãi. Nghe tiếng kẻng xe gom rác, người dân ở đây đu bám vào bờ rào hay đứng trong nhà ném rác ra. Nguyên do cũng chỉ vì ma trận đường quá nhỏ lại ngoằn ngoèo ngang dọc. Nếu không phải dân thổ địa ở đây thì vào xóm nghĩa địa chắc chắn sẽ lạc, mà có hỏi đường thì người dân trong phố cũng chẳng mấy ai biết để mà chỉ.
Nghĩa địa án ngữ nhà dân
Giữa trưa nắng, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (36 tuổi) và con gái đang vật lộn với cái máy bơm cũ rích trở chứng. Gia đình chị đã đến xóm này được bốn năm, chấp nhận sinh sống trong điều kiện không có điện, nước. "Bọn tui ở đây nước thì phải đi xin từng can, điện thì đi câu nhờ nhà người ta. Sống lại phải thấp thỏm, khổ lắm. Nhưng không ở đây thì biết đi đâu bây giờ" - chị Hạnh than thở.
Ngoài việc ở nhà giữ con phụ chồng đi làm thuê, chị Hạnh còn phải lo lắng chuyện nước ăn uống hằng ngày cho gia đình. Mỗi ngày chị phải đi xách 20 lít nước sạch về dùng. Điện thì câu chung với 5-7 hộ dân cùng một đường dây nên đèn đỏ liu riu, quạt chẳng chịu quay. Nóng quá, con gái chị nổi sảy đầy người như gai ốc.
Anh Nguyễn Vũ Đạt ở tổ 22, người "cắm dùi" ở đây đã 14 năm, nói tỉ lệ mồ mả trong xóm còn nhiều hơn cả dân. Hằng ngày gia đình vẫn phải dùng nước giếng được đào ngay trên phần đất có hàng trăm ngôi mộ vì nước sạch vẫn chưa có. "Biết là giếng này nằm trên đất nghĩa địa nhưng không có nước sạch đành phải dùng. Chính quyền vẫn chưa bắt nước đến được cho dân lao động nghèo như nhà tui" - anh Đạt xót xa.
Một xóm nghĩa địa ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Ông Hồ Văn Minh, tổ trưởng tổ 33A, cho hay: "Hầu hết người dân ở đây đều là dân lao động nghèo. Hơn 70 hộ dân ở đây một thời gian dài không có điện, nước. Bây giờ điện, nước cũng chỉ mới cấp được cho một số nhà có hộ khẩu và tạm trú".
Người dân ở xóm nghĩa địa cho biết mỗi tháng câu điện dù trong nhà chẳng dùng gì nhiều nhưng cũng phải mất 300.000 đồng. "Có nhà câu nhờ điện còn bị gia chủ bắt chia đôi số tiền điện hằng tháng. Nhưng không câu điện nhờ người ta thì lấy gì xài, chẳng lẽ phải dùng đèn dầu leo lét" - một người dân ở xóm nghĩa địa than.
Tương lai chẳng biết ra sao
Với những cư dân xóm nghĩa địa, tương lai của họ rất mù mịt. Cuộc sống vật lộn với tiền bạc sinh hoạt hằng ngày đã khiến họ còng lưng nên chuyện học hành của con cái hầu như họ chẳng còn hơi sức để mà quan tâm, chú trọng đến nữa. Như vợ chồng anh Đạt, chồng làm thợ hồ ngày được ngày mất, vợ thì đi lượm ve chai. Bởi vậy nên vợ chồng anh Đạt nói mình không dám chắc sẽ lo cho con đi học đến đâu.
Gia đình anh Nguyễn Vũ Đạt phải dùng nước giếng ngay nghĩa địa để sinh hoạt nhiều năm nay, còn điện thì phải đi câu nhờ
Không chỉ khốn khó chuyện điện, nước hằng ngày, người dân xóm nghĩa địa còn lo lắng không biết nhà mình có bị cưỡng chế hay không. Khi chúng tôi đến đây, người dân quanh xóm nháo nhác, ánh mắt lo sợ. Hỏi ra mới biết vì họ tưởng chúng tôi là cán bộ chính quyền đến điều tra để cưỡng chế nhà cửa.
Ông Ngô Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, cho hay: "Đó là những hộ dân trước đây lấn chiếm đất nghĩa trang. Hiện tại không có giấy tờ đất nhưng vì lịch sử để lại nên chính quyền rất khó giải quyết các hộ dân này. Còn về vấn đề cấp điện, nước thì họ phải liên hệ với bên điện, nước để được giải quyết chứ phường không giải quyết. Khi cần phường chỉ xác nhận cho họ thôi".
Xe rác vào "xóm nghĩa địa", người dân đu bám vào bờ rào để đổ rác vì đường quá chật hẹp. Ảnh: LÊ PHI
Ông Thanh cho biết thêm, do vấn đề lịch sử để lại nên muốn cưỡng chế hay dỡ bỏ nhà dân ở khu vực xóm nghĩa địa là rất khó. Mặt khác, khu vực này là dân lao động nghèo. "Bây giờ phường sẽ không để phát sinh xây dựng trái phép nhà mới, nếu phát hiện thì sẽ cho phá bỏ ngay" - ông Thanh nói.
Tương tự, bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, nói: "Khu vực xóm nghĩa địa người dân sinh sống không hộ khẩu, không tạm trú từ lâu rồi. Mới đây, quận có chỉ đạo cấp điện, nước cho những hộ dân xóm nghĩa địa này. Hiện tại, những hộ dân này phải sống trong cảnh khó khăn mà trước đây họ liều ra cắm chòi, dựng nhà ở. Cũng có tình trạng người dân sống quanh nghĩa địa bao đời nay, khi con cái tách hộ lại ra đất nghĩa địa dựng nhà. Hầu hết họ sống không có giấy tờ đất nhưng muốn cưỡng chế họ rất khó vì có quá nhiều hộ và họ cũng đã xây nhà từ lâu rồi".
Ông Lê Quang Lâm, Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực Thanh Khê, cho hay: "Chỉ cần địa phương xác nhận, người dân phải lên liên hệ là điện lực cấp ngay. Chúng tôi không thể cấp điện cho những người không được địa phương xác nhận vì sợ đến khi tính tiền lại không biết tìm họ ở đâu".
Theo Dantri