Thanh tra TP từng xác định 4,3ha nằm ngoài ranh Khu ĐTM Thủ Thiêm
Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa qua đã xác định 4,3ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm, phần nào trả lại quyền lợi cho một bộ phận người dân.
PV Dân Việt đã gặp gỡ người dân để tìm hiểu vì sao phần đất 4,3ha này nằm ngoài lại được đưa vào ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm khiến hàng trăm hộ dân phải vướng vào vòng khiếu kiện kéo dài 10 năm?
Điều chỉnh vượt thẩm quyền
Trước khi TTCP công bố kết luận thì ngày 1.10.2008, Thanh tra TP.HCM cũng đã tiến hành thanh tra và có kết luận tại mục 4 “Theo quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phần đất khoảng 4,3ha thuộc xã An Khánh nay thuộc khu phố 1 phường Bình An không nằm trong phạm vi quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm…”.
Ông Lê Văn Lung, một hộ dân có đất nằm trong 4,3ha đang chỉ ra những sai phạm khi quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: H.V
Còn theo Công bố kết luận của TTCP, Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 Khu ĐTM Thủ Thiêm ghi ngày 12.6.1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ phát triển Đô thị – UDESCO là đơn vị lập bản đồ, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng thành phố đóng dấu, cho thấy: có một số lô đất, trong đó có phần diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất quy hoạch)…
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) với tỷ lệ 1/5.000 lập ngày 20.11.1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan, nhưng không xác định một phần Khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi lập quy hoạch. “Như vậy, phần diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ”, kết luận của TTCP ghi.
Vậy thì, vì sao Quyết định số 367 của Thủ tướng phê duyệt không có 4,3ha nằm trong ranh nhưng quy hoạch của TP.HCM thì lại đưa vào trong ranh? Hãy nhìn lại tiến trình thay đổi và điều chỉnh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm của TP.HCM.
Tại bản đồ tổng thể năm 1995 đóng dấu của KTS trưởng Lê Văn Năm, trong đó xác định 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch. Sau đó, bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) có đóng dấu của KTS trưởng xác định lõi trung tâm 770ha cũng cho thấy không bao gồm khu phố 1, phường Bình An – đây cũng là bản đồ cơ sở để làm cơ sở thu hồi đất.
Đến năm 1998, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 được lập do KTS trưởng Lê Văn Năm ký thì 4,3ha lại có trong ranh quy hoạch.
Về việc này, kết luận của TTCP cho biết: “Việc UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998, trong đó: điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 05 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5.000), nhất là việc tăng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND thành phố”.
Như vậy, việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết phù hợp.
Mặc dù quy hoạch chi tiết 1/2.000 điều chỉnh 4,3ha vào ranh quy hoạch là không đúng, vượt thẩm quyền nhưng các tiến trình thay đổi, điều chỉnh sau đó vẫn giữ nguyên 4,3ha nằm trong ranh quy hoạch.
Video đang HOT
Bản đồ tổng thể mặt bằng Khu ĐTM Thủ Thiêm năm 1995. Ảnh: H.V.
Cụ thể, tại quyết định 6565/QĐ-UBND và quyết định 6566/QĐ-UBND năm 2005 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký. Đáng nói, tại điều 2 của quyết định 6565… còn ghi “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Sai sót nghiêm trọng này đến năm 2007 đã được thay thế bằng một quyết định khác.
Ngoài ra, tại Tờ trình “về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000 do ông Vũ Hùng Việt, Trưởng Ban quản lý Khu Thủ Thiêm ký ngày 3.6.2005 gửi UBND TP.HCM cũng có ghi tại mục 1 “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/2.000 … (thay thế Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Ai tham gia trong việc điều chỉnh 4,3ha?
Việc điều chỉnh 4,3ha vào quy hoạch chi tiết sai thẩm quyền, kéo theo việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù sau này đã khiến hàng trăm hộ dân (nằm trong 4,3ha) chịu thiệt thòi, ly tán nhà cửa. Một số hộ phải chấp nhận ra đi, và đến nay còn lại 9 hộ vẫn bám trụ khiếu kiện hơn 10 năm.
Nhiều hộ dân Thủ Thiêm vẫn còn bám trụ đòi quyền lợi. Ảnh: H.V.
Như kết luận của TTCP, thì việc điều chỉnh vượt thẩm quyền đưa 4,3ha vào ranh quy hoạch của ông Lê Văn Năm đã sai phạm, nhưng còn ai nữa?
Lục lại toàn bộ các văn bản và tiến trình điều chỉnh, thay đổi như trên thì có thể thấy sự tham gia của ông Vũ Hùng Việt (Trưởng Ban quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm), ông Nguyễn Văn Đua với các quyết định 6565 và 6566, ngoài ra còn nhiều cá nhân tham mưu như: KTS trưởng, Sở Địa chính-Nhà đất (sau này tách ra thành Sở TN-MT và Sở Xây dựng)…
Sai phạm của nhiều cá nhân, tổ chức khiến Thủ Thiêm bây giờ chỉ mọc lên toàn dự án của tư nhân, không thấy bóng dáng của các công trình như kỳ vọng. Ảnh: H.V.
Và theo kiến nghị xử lý trong kết luận của TTCP đối với UBND TP.HCM, đã xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như kết luận đã nêu, trên cơ sở đó thực hiện: kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ… để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; công khai, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong thời gian qua.
Theo một nguồn tin riêng của Dân Việt, tới đây TP.HCM sẽ tổ chức họp báo, thông tin về kế hoạch thực hiện các kết luận của TTCP về dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn chưa chính thức nhận được thông báo kết quả kiểm tra của TTCP liên quan đến việc khiếu nại của người dân về Khu ĐTM Thủ Thiêm. Vì vậy, TP.HCM chưa thể có ý kiến về các nội dung này cũng như chưa thể thông tin cụ thể về kế hoạch triển khai, giải quyết các khiếu nại của người dân Thủ Thiêm.
Trước đó, trên cơ sở Thông báo của Thành ủy TP.HCM ngày 14.7.2018, TP.HCM đã thành lập tổ công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm, do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng. Lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có UBND quận 2 thực hiện một số nội dung, rà soát hồ sơ các trường hợp khiếu nại. Đây là những cơ sở nhằm đảm bảo việc nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân, sau khi có kết luận của TTCP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Danviet
Hà Nội quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị
Hà Nội đang khẩn trương xây dựng "Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn", tổ chức hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... hoàn thiện nội dung đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018.
Sự cần thiết xây dựng chính quyền đô thị
Tại hội thảo "Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị" mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của chính quyền ở cả 3 cấp tại Thủ đô hiện nay và sự cần thiết phải xây dựng chính quyền đô thị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền tại các cấp của Thủ đô còn một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực.
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Ngoài ra, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền đô thị các cấp tại Thủ đô còn nhiều yếu kém. Những lĩnh vực như phát triển nhà ở, xây dựng công trình dịch vụ đô thị, quản lý trật tự đô thị, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường... luôn là những vấn đề "nóng" của thành phố...
Hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có thể nói nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất hợp lý về nhiệm vụ, quyền hạn; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị. Đặc biệt, tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị đã đồng ý để Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với vai trò rất quan trọng của Thủ đô trong sự phát triển đất nước, cùng ảnh hưởng mô hình chính quyền điện tử và cuộc cách mạng 4.0, đã và đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quản lý, đòi hỏi phải quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội cho phù hợp, bà Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều nhất trí cho rằng, đây là thời điểm hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam cũng như để Hà Nội thiết kế, thí điểm triển khai chính quyền đô thị cấp quận nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các quận, thị xã theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" được các đại biểu chỉ ra gồm: Cơ sở pháp lý đầy đủ; kết luận 22 của Bộ Chính trị là căn cứ quan trọng; thực tiễn thời gian qua chúng ta đã và đang triển khai tổ chức lại bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Tìm mô hình phù hợp
Trong khuôn khổ xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... về các nội dung: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị; thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội; thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội...
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên đề "Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội" có ý nghĩa quan trọng để Ban chỉ đạo hoàn thiện đề án.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án và thành phố chỉ thí điểm mô hình này ở cấp quận theo Kết luận 22 của Bộ Chính trị.
Đóng góp ý kiến cho đề án, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi thiết kế mô hình chính quyền đô thị cần phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý của thế hệ mới. Cụ thể, phải gắn với xã hội số, đô thị thông minh, đồng thời gắn với kinh tế thị trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Đặc biệt, với chính quyền đô thị, có 2 vấn đề cần quan tâm là dân cư và tính thống nhất của hạ tầng kỹ thuật.
Tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp lưu ý, khi xây dựng và thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần làm rõ và đề cao vai trò của nhân dân trong mô hình chính quyền đô thị đó, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền đô thị ra sao?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia góp ý, đã thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cần có tư duy thay đổi mạnh mẽ, nhất là phải có dự báo về xu hướng thay đổi trong nhiều năm tới để tránh tình trạng vừa thí điểm xong lại phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn...
Đa số các đại biểu đóng góp ý kiến cho đề án đều nhất trí quan điểm chung là thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhưng phải trong khung của Hiến pháp, phù hợp với thể chế chính trị và đặc điểm Thủ đô, như vậy mới có hiệu lực, hiệu quả. Nhiều đại biểu cũng đề nghị, do là thí điểm nên có thể thành công hoặc không nhưng bắt buộc phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.
Nhất trí với ý kiến một số đại biểu, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần thiết phải có lộ trình thực hiện.
Về mô hình cụ thể, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án.
Trong đó, phương án 1 và phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường), riêng cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Thủ trưởng hành chính hoặc thiết chế ủy ban.
Còn phương án 3 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), một cơ quan hành chính đại diện (phường), cơ quan hành chính Nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, 3 phương án được thiết kế mới là những gợi mở ban đầu, thực tiễn còn rất nhiều việc cần đánh giá, nhất là đánh giá tác động của từng phương án khi thực hiện thí điểm. Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu góp ý các đại biểu phục vụ việc hoàn thiện nội dung các chuyên đề và Đề án thí điểm chính quyền đô thị trong thời gian tới.
Xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh đang được thành phố Hà Nội xây dựng lộ trình và quyết tâm thực hiện. Đây cũng là mong mỏi của đông đảo người dân Thủ đô để hướng tới một môi trường sống lý tưởng. Để xây dựng một thành phố thông minh đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của xã hội cần nhiều điều kiện, trong đó không thể thiếu sự ủng hộ và tích cực tham gia của mọi công dân.
Theo Tuyết Mai (TTXVN)
Xúc cảm trái chiều từ buổi làm việc "lịch sử" cùng bà con Thủ Thiêm Buổi tiếp xúc cử tri chiều 9.5 của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM với cư dân Thủ Thiêm, quận 2 có lẽ là buổi tiếp xúc kỷ lục khi kéo dài đến gần 7 giờ đồng hồ với đầy đủ các cung bậc cảm xúc... Ở đó, lần đầu tiên tôi được thấy ai đăng ký phát biểu đều được nói,...