Thanh tra mẹ – con Coma Group: Kinh doanh bết bát, nợ thuế hơn trăm tỷ đồng
Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, khiếm khuyết của mẹ – con Tổng công ty Cơ khí Xây dựng – CTCP ( Coma Group, UPCoM: TCK) trong kinh doanh, quản lý vốn và tài sản.
Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều vi phạm, khiếm khuyết tại Coma Group (ảnh minh họa).
Bộ Tài chính mới đây đã công bố kết luận thanh tra về việc thanh tra tài chính tại Coma. Kết luận được thực hiện dựa trên việc thanh tra 8 đơn vị gồm: Công ty mẹ – Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai, Công ty TNHH MTV Xây lắp và kinh doanh vật tư thiết bị số 27, Công ty TNHH MTV Sản xuất – xuất nhập khẩu dịch vụ và phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp sông Chu, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng và lắp máy điện nước.
Loạt công ty kinh doanh thua lỗ
Kết luận thanh tra cho hay có 5/8 công ty trong diện thanh tra chưa bảo toàn và phát triển vốn (đối với công ty con do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ) hoặc có dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp (đối với công ty con là công ty cổ phần do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2017 của Tổng công ty, có 5 công ty do Công ty mẹ – Tổng công ty đầu tư vốn hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc còn lỗ lũy kế nên chưa bảo toàn và phát triển được vốn và có khả năng rủi ro về an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Cụ thể, Công ty mẹ có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 238 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 51,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng và lắp máy điện nước có vốn góp của chủ sở hữu là 11 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 49,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 12,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 14,3 tỷ đồng;
Công ty TNHH MTV Sản xuất – XNK dịch vụ và phát triển nông thôn có vốn đầu tư của chủ sở hữu là 127,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 9,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai có vốn góp của chủ sở hữu là 6,6 tỷ đồng, lỗ năm 2017 là 4,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ, theo báo cáo của Tổng công ty, là do một số công trình đang thi công, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng dẫn đến sản lượng thấp không đủ bù đắp các chi phí.
Hệ số nợ cao ngất
Đối với công tác quản lý công nợ, kết luận thanh tra cho biết dù Tổng công ty và các đơn vị đã ban hành quy chế quản lý nợ nhưng công tác đối chiếu xác nhận công nợ đến 31/12/2017 chưa đầy đủ; một số khoản nợ quá hạn khó đòi không có khả năng thu hồi; việc trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu khó đòi chưa đầy đủ.
Cụ thể, về quản lý nợ phải thu, báo cáo tài chính năm 2017 của 8 đơn vị được thanh tra cho thấy nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 là 591 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu trong hạn là 246,6 tỷ đồng (chiếm 42%), nợ phải thu quá hạn 344,4 tỷ đồng (chiếm 58%), dự phòng phải thu quá hạn đã thực hiện trích lập 18 tỷ đồng.
Video đang HOT
Theo đó, có 8/8 đơn vị được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 với số tiền 388 tỷ đồng, chiếm 66% tổng số nợ phải thu. Trong đó, nợ phải thu của khách hàng chưa đối chiếu là 215 tỷ đồng; trả trước cho người bán chưa đối chiếu là 21 tỷ đồng, phải thu nội bộ là 6,2 tỷ đồng, phải thu khác là 136,7 tỷ đồng, tạm ứng là 8,3 tỷ đồng.
Có 8/8 doanh nghiệp được thanh tra có nợ phải thu quá hạn thanh toán tại thời điểm 31/12/2017 với số tiền 344 tỷ đồng (chiếm 58% tổng nợ phải thu), trong đó các khoản nợ kéo dài trên 3 năm khó có khả năng thu hồi với số tiền lên tới 226 tỷ đồng.
Có 6/8 doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tại thời điểm 31/12/2017 với số tiền 18 tỷ đồng, chiếm 5,18% tổng số nợ phải thu.
Về quản lý nợ phải trả, báo cáo tài chính của 8 doanh nghiệp được thanh tra cho biết tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ phải trả là 1.267 tỷ đồng gồm: nợ phải trả trong hạn là 1.052 tỷ đồng (chiếm 83%), nợ phải trả quá hạn là 215 tỷ đồng (chiếm 17%), nợ phải trả chưa đối chiếu xác nhận là 427 tỷ đồng (chiếm 35%).
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của 8 doanh nghiệp được thanh tra lần lượt là: Công ty mẹ (2,95), Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai (1,22), Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 (11,25), Công ty TNHH MTV Sản xuất – XNK dịch vụ và phát triển nông thôn (56,43), Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình (2,49), Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp sông Chu (5,62), Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc (3,75), Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy điện nước (3,62).
Như vậy, có 5/8 doanh nghiệp có hệ số nợ cao (trên 3), mất cân đối về khả năng thanh toán các khoản nợ. Riêng với Công ty mẹ, dù hệ số nợ chưa vượt 3 lần nhưng nhiều khoản nợ phải thu hiện nay đã quá hạn, trong đó một số khoản khó thu hồi, có khả năng mất vốn, dẫn đến mất cân đối và mất khả năng trả nợ, khả năng nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác.
Đầu tư tài chính vẫn chưa hiệu quả
Về quản lý và sử dụng tài sản cố định, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tổng công ty cho thấy nguyên giá tài sản cố định tại thời điểm 31/12/2017 là 212,8 tỷ đồng.
Theo đánh giá của đoàn thanh tra, Tổng công ty đã mở sổ sách theo dõi tài sản cố định, thực hiện kiểm kê, xác định tài sản cố định theo hướng dẫn tại Thông tư 45/2013/TT-BTC nhưng một số doanh nghiệp thành viên chưa thực hiện đúng quy định.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy điện nước trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định 461 triệu đồng, gồm: trích chi phí khấu hao máy đo quang tăng không đúng 4,1 triệu đồng; trích khấu hao đối với các tài sản hỏng, không dùng hoặc đã khấu hao hết giá trị trong năm 2017 là 457 triệu đồng.
Hay như Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 đã hạch toán thiếu chi phí khấu hao tài sản cố định 709 triệu đồng.
Về đầu tư tài chính dài hạn, tổng số tiền đầu tư của Tổng công ty tại thời điểm 31/12/2017 là 153 tỷ đồng. Theo đó, Tổng công ty đã đầu tư vào 16 doanh nghiệp, gồm 7 công ty con, 2 công ty liên kết và 7 khoản đầu tư dài hạn khác tại 7 công ty. Tổng mức đầu tư tài chính của Tổng công ty bằng 64,29% vốn điều lệ.
Kết quả đầu tư tài chính của Tổng công ty không được tốt. Cụ thể, có 3/7 công ty con Tổng công ty đầu tư kinh doanh thua lỗ với tổng số lỗ là 6,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế 22 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH MTV Sản xuất – Xuất nhập khẩu và dịch vụ phát triển nông thôn lỗ lũy kế đến năm 2017 là 9,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 lỗ lũy kế đến năm 2017 là 14,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai lỗ ròng 4,8 tỷ đồng trong năm 2017.
Có 4/7 công ty con của Tổng công ty sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2017 với số tiền 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước có lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2017 lên tới 49,6 tỷ đồng.
Hạch toán sai, nợ thuế trăm tỷ
Theo kết luận thanh tra, tổng doanh thu và thu nhập khác của Tổng công ty năm 2017 là 457 tỷ đồng, trong đó doanh thu thuần là 447 tỷ đồng, doanh thu tài chính là 2,7 tỷ đồng, thu nhập khác là 7,2 tỷ đồng.
Tổng doanh thu và thu nhập khác của 8 doanh nghiệp được thanh tra là 532 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng là 521 tỷ đồng, doanh thu tài chính là 3,9 tỷ đồng, thu nhập khác là 7,2 tỷ đồng.
Qua thanh tra, phát hiện có 2/8 doanh nghiệp hạch toán thiếu doanh thu với số tiền 1,8 tỷ đồng, gồm: Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc (hạch toán thiếu doanh thu công trình chế tạo kết cấu thép cầu máy khoan số tiền 1,7 tỷ đồng), Công ty mẹ (hạch toán thiếu doanh thu tài chính đối với khoản cổ tức năm 2016 tại COMA 9 với số tiền 162 triệu đồng).
Đối với hạch toán chi phí, kết quả thanh tra cho thấy có 4/8 doanh nghiệp hạch toán tăng không đúng chi phí với số tiền 2,2 tỷ đồng gồm: Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai (848 triệu đồng), Công ty Cổ phần Cơ khí Xây lắp Thái Bình (106 triệu đồng), Công ty Cổ phần Xây lắp sông Chu (224 tỷ đồng), Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước (1 tỷ đồng).
Có 2/8 doanh nghiệp hạch toán thiếu chi phí với số tiền 2 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 (709 triệu đồng), Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc (1,3 tỷ đồng).
Ngoài ra, Công ty mẹ còn thanh toán cho Coma 7 quá quy định về tạm ứng thanh toán số tiền 3 tỷ đồng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường lên tượng đài Thánh Gióng.
Đối với hạch toán lợi nhuận, có 6/8 doanh nghiệp hạch toán thiếu lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 với số tiền 2,7 tỷ đồng; có 1/8 doanh nghiệp hạch toán tăng không đúng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp do hạch toán thiếu chi phí số tiền 709 triệu đồng.
Về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, có 6/8 doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra chưa nộp các khoản nợ thuế lên tới 149 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty mẹ chậm nộp 107,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai chậm nộp 544 triệu đồng, Công ty TNHH MTV xây lắp và kinh doanh vật tư thiết bị số 27 chậm nộp 852 triệu đồng, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp sông Chu chậm nộp 1,9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc chậm nộp 8,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước chậm nộp 29 tỷ đồng.
Có 4/8 công ty kê khai không đúng, dẫn đến thiếu thuế phải nộp 602 triệu đồng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách 31 triệu đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp sông Chu kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 44 triệu đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc kê khai thiếu thuế phải nộp cho ngân sách 241 triệu đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng và lắp máy điện nước kê khai thiếu thuế phải nộp cho ngân sách 284 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kết luận kiểm tra cũng chỉ ra Công ty mẹ chưa nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 12,5 tỷ đồng…
Thụy Khanh
Theo vietnamfinance.vn
Tên tuổi 'huyền thoại thời bao cấp' ngập trong thua lỗ
Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra tài chính tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma). Coma từng được biết tới là tổng công ty hàng đầu trong sản xuất thiết bị cơ khí xây dựng, thi công xây lắp các công trình công nghiệp và cũng là chủ sở hữu của thương hiệu khóa Minh Khai lừng lẫy một thời.
Kết luận thanh tài chính cho thấy, Coma và 8 công ty con đang sở hữu khối tài sản trên 1.200 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2015, Bộ Xây dựng đã ký quyết định 716 phê duyệt giá trị thực của Coma để cổ phần hóa là 1.689 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp 239,7 tỷ đồng.
Qua thanh tra tại Tổng công ty Coma và 8 công ty con, Thanh tra bộ Tài chính phát hiện có 5/8 công ty con không bảo toàn được vốn nhà nước, có dấu hiệu mất an toàn tài chính doanh nghiệp. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tổng công ty Coma ghi nhận công ty mẹ, và 5 công ty con trực thuộc kinh doanh thua lỗ, có lỗ lũy kế lớn, không bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Dù cổ phần hóa cả chục năm nay, khóa Minh Khai vẫn lẹt đẹt.
Trong đó, công ty mẹ Coma lỗ luỹ kế 51,5 tỷ đồng; các công ty con - Coma 27 lỗ 14,3 tỷ đồng, công ty CP cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước lỗ 49,6 tỷ đồng, công ty Decoimex lỗ 9,6 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty CP khóa Minh Khai - "huyền thoại" và là niềm tự hào của thời bao cấp - cũng lỗ 4,8 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Tổng công ty Coma được xác định tại thời điểm cuối năm 2017 là khoảng 1.267 tỷ đồng, gồm nợ phải trả trong hạn 1.052 tỷ đồng, nợ phải trả quá hạn khoảng 214 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ phải trả chưa đối chiếu của Coma khoảng 437,3 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty Coma là 2,95 lần, công ty Decoinmex 56,4 lần, Coma 27 là 11,25 lần, Coma 17 là 5,62 lần,...
Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng: Riêng Công ty mẹ -Tổng công ty Coma mặc dù có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chưa vượt quá 3 lần, nhưng nhiều khoản nợ phải thu hiện nay đã quá hạn, có một số khoản khó thu hồi, có khả năng mất vốn nhà nước, dẫn đến mất cân đối và mất khả năng trả nợ, khả năng nộp thuế, và các khoản nộp ngân sách khác.
Dù mắc nợ nhiều, nhưng COMA cũng đang bị chây ì hàng trăm tỷ đồng tiền đối tác nợ "gia đình" COMA, khó thu hồi. 8/8 DN được thanh tra có nợ phải thu quá hạn thanh toán tại thời điểm hết 2017 là 344 tỷ đồng. Trong đó nợ kéo dài trên 3 năm khó có khả năng thu hồi lên đến hơn 226 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo tổng công ty Coma xác định rõ trách nhiệm, và xử lý đúng quy định pháp luật đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.
Lương Bằng
Theo vietnamnet.vn
Giải pháp lấy nhà tái định cư làm nhà ở xã hội Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên lấy quỹ nhà này làm nhà ở xã hội, bán hoặc cho dân chưa có nhà thuê. Liên quan đến dự án tái định cư Vĩnh Lộc B, mới đây UBND H.Bình Chánh, TP.HCM đã có văn bản đề xuất với UBND TP.HCM cho chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội...