Thanh tra Chính phủ giải thích thế nào việc để “xổng” tham nhũng lớn?
Sốt ruột về tình trạng tham nhũng “còn nghiêm trọng”, cử tri nhiều địa phương trên cả nước đã chất vấn Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra thường xuyên nhưng lại “nhường” cho các cơ quan báo chí phát hiện tham nhũng lớn.
“Việc thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện thường xuyên nhưng không phát hiện các sai phạm lớn, sau đó thì xảy ra các vụ tham nhũng lớn tại các cơ quan, đơn vị này. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cơ quan thanh tra tại các cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng nhằm củng cố niềm tin của nhân dân”, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị.
Trong văn bản trả lời, Thanh tra Chính phủ nêu con số, năm 2017, toàn ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 67,7 nghìn tỉ đồng, gần 17,6 nghìn ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43,3 nghìn tỉ đồng và gần 5000 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hơn 24,2 nghìn tỉ đồng, 12,6 nghìn ha đất… kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng…
Cũng trong năm này, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 người có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016); xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Nhiều “đại án” tham nhũng được phanh phui khi trước đó các hoạt động thanh tra, kiểm toán thường kỳ tại đơn vị vẫn cho kết quả tốt.
Dẫn ra rất nhiều con số, nhưng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận “số vụ việc tham nhũng do cơ quan thanh tra phát hiện, xử lý còn ít, chưa phản ánh đúng thực trạng”.
Lý giải nguyên nhân, Thanh tra Chính phủ dẫn 2 lý do. Một là đối tượng tham nhũng “thường là những người có chức vụ, quyền hạn có trình độ, khả năng che giấu hành vi, vi phạm” nên trong nhiều trường hợp cơ quan thanh tra khó khăn trong phát hiện, xử lý.
Video đang HOT
Hai là các hành vi phạm tội tham nhũng thường tinh vi, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nhiều trường hợp rất khó phát hiện.
“Thực tế thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra có hạn và nhiệm vụ, mục tiêu của thanh tra rất lớn nên không đủ để phát hiện, xử lý tham nhũng; năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, kiểm tra trong việc phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng không chuyên sâu được như cán bộ của cơ quan điều tra nên lúng túng khi làm rõ dấu hiệu tội phạm tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Không loại trừ khả năng một số cơ quan thanh tra còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu quyết tâm trong đấu tranh tham nhũng” – văn bản trả lời viết.
Về giải pháp trong thời gian tới, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy trình, nghiệp vụ thanh tra, phối hợp, xử lý tham nhũng; tăng cường thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Chú trọng giám sát, kiểm tra hoạt động thanh tra, phát hiện, xử lý trường hợp cán bộ, công chức thanh tra vi phạm chức trách, nhiệm vụ, bao che tham nhũng.
Bên cạnh nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ của cán bộ thanh tra; Thanh tra Chính phủ cũng sẽ kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan thanh tra khi không phát hiện được tham nhũng qua hoạt động thanh tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Kiến nghị xây dựng “ quỹ dưỡng liêm”
Để góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cử tri tỉnh TP Đà Nẵng, Long An kiến nghị ngoài chọn người có đức, có tài; quan tâm đến chính sách đãi ngộ, tăng lương, cần nghiên cứu xây dựng quỹ dưỡng liêm bằng cách trích một phần lương hàng tháng, gửi vào ngân hàng, đến khi về hưu nếu không vi phạm gì cán bộ sẽ được nhận, còn nếu vi phạm sẽ sung vào công quỹ.
Trả lời kiến nghị này, Thanh tra Chính phủ cho biết, xác định nhân tố con người là đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và trong công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.
Thanh tra Chính phủ cũng nhắc đến việc kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng bộ với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có các chính sách tiền lương hợp lý để từng bước thực hiện chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu và có thu nhập khá trong xã hội, nhưng không trả lời thẳng vào việc thành lập “quỹ dưỡng liêm”.
Ngoài vấn đề lương, Chính phủ cũng đã thực hiện 6 giải pháp khác liên quan đến vấn đề con người, công tác cán bộ như tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện phương châm cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
P.Thảo
Theo Dantri
Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2017
Thanh tra Chính phủ đang tổ chức hội nghị tập huấn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017.
(Ảnh minh hoạ)
Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở kết quả của năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai thí điểm áp dụng Bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại UBND các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 nhằm hoàn thiện bộ chỉ số, phục vụ việc xây dựng quy định đối với đánh giá công tác phòng chống tham nhũng.
Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 được Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây có tổng thang điểm 100 với 4 nội dung đánh giá.
Chỉ số đầu tiên là Quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (20 điểm), bao gồm đánh giá các nội dung: Lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng...). 3 chỉ số còn lại là Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); Phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm) và Xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm).
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, thông qua việc đánh giá sẽ tăng cường phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ và UBND cấp tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng trên cơ sở phối hợp đánh giá, chia sẻ và nhân rộng những thực tiễn tốt, hỗ trợ các hoạt động trong công tác này. Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo công tác và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác phòng chống tham nhũng.
Trước đó, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh năm 2016 chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra.
Thanh tra Chính phủ nhận định, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa.
"Khoảng cách điểm giữa các tỉnh phân tán cho thấy rằng cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh với chính sách có phân loại và một chương trình hỗ trợ thỏa đáng từ Trung ương"- báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Trên cả nước, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai trong cả nước là 0,057% tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập. Việc triển khai, thực hiện xác minh còn bị động, thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý công tác kê khai cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai, trong khi đó việc kê khai tài sản thu nhập chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê khai.
Mới đây nhất, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Trong đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.
Tổ chức này cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.
Theo Dantri
Lập 3 đường dây nóng tố cáo tặng quà Tết và tham nhũng Thanh tra Chính phủ vừa công bố 3 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận tố cáo tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định. Ngày 28.12, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết cơ quan này đã mở 3 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh...