Thanh tra Chính phủ đề xuất lập đoàn thanh tra vấn đề Thủ Thiêm
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ “về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân quận 2 liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Thanh tra Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ lập đoàn thanh tra để xem xét, giải quyết những nội dung công dân đề nghị liên quan đến 05 khu phố thuộc 03 phường ở dự án Thủ Thiêm.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình “về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân quận 2, TP.HCM liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trung tâm quận 1 sang, đã và đang dở dang vì khiếu kiện kéo dài. Ảnh: H.V
Theo ý kiến chỉ đạo, UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc khiếu nại của một số công dân theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 193/BC-TTCP ngày 20.2.2019 về phần đất tại 05 khu phố thuộc các phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, Quận 2 liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm; tổ chức đối thoại với người dân đang khiếu nại liên quan đến vụ việc trên; có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, không để khiếu nại kéo dài và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1.6.2019.
Theo báo cáo, ngày 25.1.2019 tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã tổ chức tiếp nhóm công dân của TP.HCM khiếu kiện liên quan đến việc thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm… Tại buổi tiếp có 31 công dân của quận 2 khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân tại quận 2 để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Báo cáo cũng cho biết, trước đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ kiểm tra xem xét các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và đã có báo cáo. Đồng thời, UBND TP.HCM đã tổ chức nhiều đợt tiếp xúc với các hộ dân liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, các công dân không đồng ý và thường xuyên đến nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Trụ sở các cơ quan trung ương tại Hà Nội căng biểu ngữ, sử dụng loa pin để khiếu kiện, với các nội dung:
Các thông báo của Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ được nội dung công dân khiếu nại, tố cáo như: “Không công khai quy hoạch, TP.HCM xây dựng Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm không đúng ranh quy hoạch 770ha, không thực hiện xây dựng khu tái định cư 160ha theo phê duyệt của Thủ tướng; trong quá trình làm việc, Tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ không không tổ chức đối thoại với các hộ dân, không làm rõ nội dung diện tích đất thu hồi tại 05 khu phố thuộc 03 phường…
Đề nghị Thủ tướng thành lập đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và làm rõ nội dung khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến các sai phạm trong quy hoạch và thu hồi đất khi thực hiện dự án.
Công dân có đơn tố cáo ông Lê Hoàng Quân (nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM), ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí Thư Thành uỷ ), ông Đào Anh Kiệt (nguyên giám đốc Sở TN-MT) và một số cán bộ lãnh đạo UBND TP và quận 2 có nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án.
Đề nghị giải quyết sớm quyền lợi cho 115 hộ dân ra Hà Nội khiếu kiện từ trước tới nay để ổn định cuộc sống.
Video đang HOT
Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù các công dân trên đã được Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM vận động, hỗ trợ tiền và trở về địa phương ngày 31.1.2019. Tuy nhiên, qua các buổi tiếp công dân, Thanh tra Chính phủ thấy các công dân không đồng ý, chấp thuận việc chính quyền địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân trong khi những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân chưa được xem xét, giải quyết. Các công dân sẽ tiếp tục kéo đông người đến nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Trụ sở để phản ánh.
Ông Lê Văn Lung, một cư dân Thủ Thiêm, phản ánh: “Việc kiến nghị thành lập đoàn thành tra người dân Thủ Thiêm luôn đề xuất trong các cuộc đối thoại nhưng chưa hề được đáp ứng”. Ảnh: H.V.
Do đó, “Thanh tra Chính phủ báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra để xem xét, giải quyết những nội dung công dân đề nghị liên quan đến 05 khu phố thuộc 03 phường (An Khánh, Bình An và Bình Khánh) mà người dân cho rằng nằm ngoài ranh quy hoạch đến nay chưa được các cơ quan làm rõ”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, theo như nói ở trên, sau báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã có chỉ đạo kiểm tra và đối thoại với người dân và chưa nhắc đến việc thành lập đoàn thanh tra như đề xuất của Thanh tra Chính phủ.
Theo ông Lê Văn Lung, một cư dân Thủ Thiêm, việc kiến nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành người dân Thủ Thiêm đã yêu cầu từ lâu, bất cứ cuộc đối thoại nào cũng đề nghị. “Nhưng hầu như đề xuất, kiến nghị của người dân đến nay chưa được các cấp đáp ứng. Ngay cả việc ranh giới khu 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch đến nay cũng chưa được TP.HCM công bố, không biết người dân chờ đến bao giờ?”, ông Lung cho biết.
Theo Danviet
Thanh tra TP từng xác định 4,3ha nằm ngoài ranh Khu ĐTM Thủ Thiêm
Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa qua đã xác định 4,3ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm, phần nào trả lại quyền lợi cho một bộ phận người dân.
PV Dân Việt đã gặp gỡ người dân để tìm hiểu vì sao phần đất 4,3ha này nằm ngoài lại được đưa vào ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm khiến hàng trăm hộ dân phải vướng vào vòng khiếu kiện kéo dài 10 năm?
Điều chỉnh vượt thẩm quyền
Trước khi TTCP công bố kết luận thì ngày 1.10.2008, Thanh tra TP.HCM cũng đã tiến hành thanh tra và có kết luận tại mục 4 "Theo quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phần đất khoảng 4,3ha thuộc xã An Khánh nay thuộc khu phố 1 phường Bình An không nằm trong phạm vi quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm...".
Ông Lê Văn Lung, một hộ dân có đất nằm trong 4,3ha đang chỉ ra những sai phạm khi quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: H.V
Còn theo Công bố kết luận của TTCP, Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 Khu ĐTM Thủ Thiêm ghi ngày 12.6.1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ phát triển Đô thị - UDESCO là đơn vị lập bản đồ, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng thành phố đóng dấu, cho thấy: có một số lô đất, trong đó có phần diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất quy hoạch)...
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) với tỷ lệ 1/5.000 lập ngày 20.11.1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan, nhưng không xác định một phần Khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi lập quy hoạch. "Như vậy, phần diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ", kết luận của TTCP ghi.
Vậy thì, vì sao Quyết định số 367 của Thủ tướng phê duyệt không có 4,3ha nằm trong ranh nhưng quy hoạch của TP.HCM thì lại đưa vào trong ranh? Hãy nhìn lại tiến trình thay đổi và điều chỉnh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm của TP.HCM.
Tại bản đồ tổng thể năm 1995 đóng dấu của KTS trưởng Lê Văn Năm, trong đó xác định 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch. Sau đó, bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) có đóng dấu của KTS trưởng xác định lõi trung tâm 770ha cũng cho thấy không bao gồm khu phố 1, phường Bình An - đây cũng là bản đồ cơ sở để làm cơ sở thu hồi đất.
Đến năm 1998, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 được lập do KTS trưởng Lê Văn Năm ký thì 4,3ha lại có trong ranh quy hoạch.
Về việc này, kết luận của TTCP cho biết: "Việc UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998, trong đó: điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 05 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5.000), nhất là việc tăng 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND thành phố".
Như vậy, việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết phù hợp.
Mặc dù quy hoạch chi tiết 1/2.000 điều chỉnh 4,3ha vào ranh quy hoạch là không đúng, vượt thẩm quyền nhưng các tiến trình thay đổi, điều chỉnh sau đó vẫn giữ nguyên 4,3ha nằm trong ranh quy hoạch.
Bản đồ tổng thể mặt bằng Khu ĐTM Thủ Thiêm năm 1995. Ảnh: H.V.
Cụ thể, tại quyết định 6565/QĐ-UBND và quyết định 6566/QĐ-UBND năm 2005 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký. Đáng nói, tại điều 2 của quyết định 6565... còn ghi "Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ". Sai sót nghiêm trọng này đến năm 2007 đã được thay thế bằng một quyết định khác.
Ngoài ra, tại Tờ trình "về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000 do ông Vũ Hùng Việt, Trưởng Ban quản lý Khu Thủ Thiêm ký ngày 3.6.2005 gửi UBND TP.HCM cũng có ghi tại mục 1 "phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/2.000 ... (thay thế Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Ai tham gia trong việc điều chỉnh 4,3ha?
Việc điều chỉnh 4,3ha vào quy hoạch chi tiết sai thẩm quyền, kéo theo việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù sau này đã khiến hàng trăm hộ dân (nằm trong 4,3ha) chịu thiệt thòi, ly tán nhà cửa. Một số hộ phải chấp nhận ra đi, và đến nay còn lại 9 hộ vẫn bám trụ khiếu kiện hơn 10 năm.
Nhiều hộ dân Thủ Thiêm vẫn còn bám trụ đòi quyền lợi. Ảnh: H.V.
Như kết luận của TTCP, thì việc điều chỉnh vượt thẩm quyền đưa 4,3ha vào ranh quy hoạch của ông Lê Văn Năm đã sai phạm, nhưng còn ai nữa?
Lục lại toàn bộ các văn bản và tiến trình điều chỉnh, thay đổi như trên thì có thể thấy sự tham gia của ông Vũ Hùng Việt (Trưởng Ban quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm), ông Nguyễn Văn Đua với các quyết định 6565 và 6566, ngoài ra còn nhiều cá nhân tham mưu như: KTS trưởng, Sở Địa chính-Nhà đất (sau này tách ra thành Sở TN-MT và Sở Xây dựng)...
Sai phạm của nhiều cá nhân, tổ chức khiến Thủ Thiêm bây giờ chỉ mọc lên toàn dự án của tư nhân, không thấy bóng dáng của các công trình như kỳ vọng. Ảnh: H.V.
Và theo kiến nghị xử lý trong kết luận của TTCP đối với UBND TP.HCM, đã xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như kết luận đã nêu, trên cơ sở đó thực hiện: kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ... để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; công khai, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong thời gian qua.
Theo một nguồn tin riêng của Dân Việt, tới đây TP.HCM sẽ tổ chức họp báo, thông tin về kế hoạch thực hiện các kết luận của TTCP về dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn chưa chính thức nhận được thông báo kết quả kiểm tra của TTCP liên quan đến việc khiếu nại của người dân về Khu ĐTM Thủ Thiêm. Vì vậy, TP.HCM chưa thể có ý kiến về các nội dung này cũng như chưa thể thông tin cụ thể về kế hoạch triển khai, giải quyết các khiếu nại của người dân Thủ Thiêm.
Trước đó, trên cơ sở Thông báo của Thành ủy TP.HCM ngày 14.7.2018, TP.HCM đã thành lập tổ công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm, do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng. Lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có UBND quận 2 thực hiện một số nội dung, rà soát hồ sơ các trường hợp khiếu nại. Đây là những cơ sở nhằm đảm bảo việc nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân, sau khi có kết luận của TTCP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Danviet
Cử tri đặt câu hỏi 'sao bà Quyết Tâm không đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội?' Trong buổi tiếp xúc ngày 22/11, cử tri quận 2 đặt câu hỏi, tại sao trong những kỳ họp Quốc hội bà Quyết Tâm không nêu vấn đề Thủ Thiêm? Chiều 22/11, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM, dẫn đầu là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 2 sau kỳ họp...