Thanh tra chỉ rõ nhiều sai phạm tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn
Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH Một thành viên trong quá trình quản lý công nợ tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn; chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về thuế và nộp ngân sách, dẫn đến bị ngành thuế phạt chậm nộp và cưỡng chế nhiều lần; chưa đảm bảo chặt chẽ trong công tác phòng ngừa tham nhũng, gây lãng phí đất đai, tài sản nhà nước…
Ngày 23/4, Thanh tra TPHCM có thông báo kết luận thanh tra (KLTT) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV (TCT). Thời kỳ thanh tra là năm 2017, 2018.
Theo KLTT, trong 2 năm 2017, 2018, doanh thu của TCT không đạt kế hoạch UBND TPHCM giao. Cụ thể: Năm 2017, doanh thu trong hoạt động kinh doanh của TCT là hơn 545 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm và chỉ đạt 23,33% so với thực hiện của năm 2016. Tương tự, năm 2018, doanh thu hoạt động kinh doanh của TCT là hơn 555 tỷ đồng, đạt 72,46% so với kế hoạch năm.
Trong khi đó, chi phí thực hiện trong 2 năm 2017, 2018 đều vượt lần lượt là 1,41,34% và 158,42% so với kế hoạch được UBND TPHCM giao. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra TPHCM còn thu hồi 54,19 tỷ đồng là số tiền lợi nhuận còn lại chưa nộp ngân sách năm 2018 sau khi trích lập các quỹ theo quy định.
Về quản lý công nợ, KLTT chỉ ra tại thời điểm thanh tra, TCT còn hơn 1.473 tỷ đồng nợ phải thu nhưng chưa thu hồi được, trong đó có khoản nợ phải thu là cổ tức, lợi nhuận được chia với số tiền hơn 304 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn. Ngoài ra, TCT còn sử dụng tiền từ Qũy phúc lợi để chi…ủng hộ, tài trợ cho các đơn vị khác làm từ thiện trong năm 2017, 2018 không đúng quy định và chưa thực hiện công khai sử dụng quỹ đến toàn thể cán bộ, người lao động.
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn
Đáng chú ý, theo KLTT, TCT chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về thuế và nộp ngân sách nhà nước, dẫn đến bị Cục thuế TPHCM phạt chậm nộp tiền thuế và lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ trong hai năm 2017, 2018 đã bị ngành thuế ban hành 6 quyết định cưỡng chế thuế nộp ngân sách nhà nước.
Trong khi kinh doanh bết bát, TCT rất mau mắn trong việc chi tiền hộ cho đối tác kinh doanh, chi hộ trả tiền thuê đất cho các đơn vị khác. Cụ thể: TCT đã sử dụng tiền (100% vốn nhà nước) để chi nộp tiền thuê đất, thuế đất của công ty cổ phần Hùng Vương trên 4,8 tỷ đồng, cho công ty cổ phần Địa ốc 7 trên 469 triệu đồng và đặc biệt là chi trả các chi phí thực hiện dự án chung cư Nguyễn Kim – Khu B thay cho đối tác kinh doanh là công ty cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT. KLTT cho rằng việc làm này có lợi cho đối tác, mang tính rủi ro cao, có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước và chưa phù hợp với Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dẫn dẫn đến việc làm thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước.
Video đang HOT
Trụ sở Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH Một thành viên
Ngoài ra, khi công ty Ngân Hiệp đã thực hiện góp vốn hơn 398 tỷ đồng và góp bằng tiền thu từ chia tiền bán sàn thương mại khu B chung cư Nguyễn Kim hơn 32 tỷ đồng, TCT và kiểm soát viên chưa kịp thời kiểm tra, xử lý, chưa báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu để kịp thời chỉ đạo, xử lý… là chưa đảm bảo chặt chẽ trong công tác phòng ngừa tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Đối với hoạt động đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác: năm 2017, 2018, TCT đã đầu tư tài chính tại 32 đơn vị với tổng giá trị góp vốn là 2.250,4 tỷ đồng, nhưng chỉ có 18/32 đơn vị có lợi nhuận, cổ tức được chia, còn lại 14/32 doanh nghiệp không chia lợi nhuận, cổ tức được chia.
Thanh tra TPHCM đã thanh tra điển hình 6 dự án gồm: (1) Dự án căn hộ Felisa Riverside tại địa chi số 99 Bến Bình Đông, phường 11, quận 8 do Công ty CP Địa ốc Chợ Lớn làm chủ đầu tư, có diện tích 2.697,2 m2; (2) dự án tại địa chỉ số 557 Bến Bình Đông, phường 13, quận 8 do Công ty CP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư, có diện tích 1495,9 m2; (3) dự án Trung tâm thương mại Bình Đăng tại Quốc lộ 50, phường 6, quận 8, có diện tích 4606,5m2 do Công ty CP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư và các dự án Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV làm chủ đầu tư gồm (4) dự án đầu tư xây dựng khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, quận 3; (5) dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư An Hội, phường 14 và (6) dự án Chung cư – Nguyễn Kim B, quận 10, diện tích 6.218m2.
KLTT chỉ ra hầu hết đều chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm tiến độ thi công. Có một số dự án từ khi phê duyệt dự án đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được đưa vào khai thác sử dụng, ảnh hưởng đến nguồn vốn doanh nghiệp, gây lãng phí tài sản nhà nước, lãng phí đất đai và có những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ định thầu không đúng quy định, không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tự thực hiện các gói thầu dự án không đảm bảo năng lực thực hiện…
Dự án chung cư Nguyễn Kim – Khu B (ảnh: AnPhong)
Từ đó, Thanh tra TPHCM kiến nghị và được chủ tịch UBND TPHCM chấp thuận giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện thành phố quản lý liên quan đến các sai phạm, thiếu sót theo KLTT. Ngoài ra, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu UBND TPHCM kiện toàn nhân sự lãnh đạo TCT.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đồng thời chỉ đạo giao Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc TCT nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước theo đúng quy định; tăng cường việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tạo thuận lợi cho việc giám sát tập thể và của cán bộ, viên chức, người lao động nhằm nâng hiệu quả công tác, phòng ngừa tham nhũng theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Huy Thịnh
Chưa có đủ cơ sở kết luận làm trái, gây thất thoát trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
Đó là một trong những nội dung tại Kết luận thanh tra số 07/KL-TTR của Thanh tra Bộ Tư pháp do Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ký ban hành ngày 8-4-2020 liên quan đến dự án khu dân cư Cầu Đò và Mỹ Phước 4 tại Bến Cát, Bình Dương.
Phối cảnh DA Cầu Đò
Qua 8 lần đấu giá mới thành công
Theo Kết luận Thanh tra (KLTT) số 07 về việc chấp hành các quy định pháp luật với Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) và Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (VPCC Mỹ Phước) trong việc bán đấu giá Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (DA Mỹ Phước 4) và Dự án Khu dân cư Cầu Đò (DA Cầu Đò) từng do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú làm chủ đầu tư (Công ty Thiên Phú), ngày 28-10-2003, Công ty Thiên Phú ký hai hợp đồng tín dụng với Chi nhánh Agribank Chợ Lớn vay 78 tỷ đồng và 2.000 lượng vàng SJC.
Ngày 15-3-2011, Thiên Phú đã thế chấp hai DA Mỹ Phước 4 và Cầu Đò cho Agribank Chợ Lớn để đảm bảo hai khoản vay trên. Do không có tiền trả nợ, phát sinh nợ xấu nên Công ty Thiên Phú đồng ý để Agribank Chợ Lớn bán đấu giá hai dự án để trả nợ. Đến ngày 31-8-2012, tổng dư nợ của Thiên Phú là 294 tỷ đồng.
Với DA Mỹ Phước 4, sau khi được định giá là 208 tỷ đồng, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, ghi rõ: "Công ty Thiên Phú tự nguyện bàn giao, bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp là QSDĐ, tài sản công trình khác gắn liền với dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp GCN QSDĐ và hồ sơ pháp lý để Agribank Chợ Lớn tổ chức bán đấu giá thu hồi nợ. Giá khởi điểm là 208 tỷ đồng". Công ty Nam Sài Gòn được chọn để tiến hành bán đấu giá tài sản.
Ngày 19-6-2014, bán đấu giá lần thứ nhất, không ai đăng ký.
Lần thứ hai, ngày 15-9-2014, Công ty Nam Sài Gòn căn cứ theo yêu cầu của Agribank Chợ Lớn chia Mỹ Phước 4 thành 3 khu: A, B1, B2 để dễ tìm kiếm khách hàng. Tổng giá trị bán đấu giá Mỹ Phước 4 lần hai là 187 tỷ đồng nhưng vẫn không có khách hàng đăng ký tham gia.
Lần thứ ba, ngày 22-10-2014, kết quả vẫn không có khách hàng.
Lần thứ tư, ngày 14-11-2014, chỉ tiến hành đấu giá từng khu B1, B2 (khu A được bán đấu giá chung với Cầu Đò). Giá khởi điểm hai khu là hơn 84 tỷ đồng, nhưng vẫn không có khách hàng.
Lần thứ năm và thứ sáu, kết quả vẫn không có người tham gia.
Lần thứ bảy, ngày 27-7-2015, giảm giá khởi điểm trên 6%, từ hơn 84 tỷ đồng còn 79 tỷ đồng, bán chung thành 1 lô, không tách rời. Vẫn không có ai mua.
Đến lần thứ tám, giá khởi điểm là 77 tỷ đồng, nhưng chỉ có một khách hàng là Công ty Thuận Lợi. Ngày 9-10-2015, buổi đấu giá được tiến hành. Kết quả, Công ty Thuận Lợi mua được tài sản đấu giá với số tiền 77 tỷ đồng.
Với DA Cầu Đò, được định giá là 162 tỷ đồng, cũng phải qua hai lần đấu giá và cũng chỉ có Công ty Thuận Lợi tham gia. Ngày 5-12-2014, Công ty Thuận Lợi trúng đấu giá bằng giá khởi điểm là 232 tỷ đồng (làm tròn).
Sau trúng đấu giá, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thuận Lợi thỏa thuận thanh toán tiền trúng đấu giá chia thành nhiều đợt với lý do phát sinh pháp lý, phải chuyển đổi mục đích và quy hoạch chi tiết 1/500, số tiền thanh toán lớn. Nếu Công ty Thuận Lợi không thanh toán đúng hạn thì chịu thêm lãi suất 1,5 lần của lãi suất 7,06%/năm. Công ty Thuận Lợi đã thanh toán đủ tiền và được các bên bàn giao tài sản, dự án; được UBND tỉnh Bình Dương thay đổi chủ đầu tư, phê duyệt các vấn đề pháp lý để thực hiện dự án.
Hiện nay, DA Mỹ Phước 4 đã được cấp sổ đứng tên Công ty Thuận Lợi; DA Cầu Đò Công ty Thuận Lợi đã hoàn tất hạ tầng xây dựng các công trình tiện ích trong dự án để phục vụ cho khu dân cư. Các hợp đồng nguyên tắc đã được ký cho các khách hàng đầu tư vào 2 dự án này.
Không làm trái, không gây thất thoát tài sản nhà nước
Trong quá trình Công ty Thuận Lợi đang triển khai DA thì Công ty Thiên Phú bất ngờ có đơn tố cáo liên quan đến việc bán đấu giá tài sản đối với 2 DA Mỹ Phước 4 và Cầu Đò. Cụ thể: Có dấu hiệu thông đồng, dìm giá; Có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát trong việc sử dụng, quản lý tài sản nhà nước; Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vi phạm pháp luật; Công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá trái quy định.
Theo KLTT, việc thực hiện đấu giá còn có một số thiếu sót, tuy nhiên nội dung tố cáo Công ty Nam Sài Gòn "thông đồng, dìm giá trong việc không niêm yết, thông báo công khai", hồ sơ tài liệu chưa đủ cơ sở kết luận tố cáo. Nội dung ông Nguyễn Việt Hưng vừa là Trưởng phòng Pháp chế, Phó phòng Hành chính nhân sự tại Agribank Chợ Lớn, vừa là cổ đông sáng lập Nam Sài Gòn: Hồ sơ tài liệu không thể hiện ông Hưng tham gia vào quá trình đấu giá nói trên, nên có chăng ông Hưng chỉ vi phạm quy chế của Agribank, không liên quan quá trình bán đấu giá. Nội dung tố cáo "có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước", Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định: "không có cơ sở để kết luận".
Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra với các Chi nhánh của Agribank trong xử lý, thu hồi nợ, tránh khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan. Sở Tư pháp Bình Dương kiểm điểm trách nhiệm của VPCC Mỹ Phước. Công ty Nam Sài Gòn, tổ chức rút kinh nghiệm.
Như vậy sau nhiều năm chờ đợi, chủ đầu tư mới là Công ty Thuận Lợi mới bắt đầu hy vọng được tiếp tục triển khai thực hiện 2 DA mặc dù doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền rất lớn để đấu giá cùng chi phí đầu tư hạ tầng cho dự án.
H.ANH
Diễn biến mới vụ chuyển nhượng khu đất 43 ha đất công Bình Dương Công an chấp nhận cho nhóm luật sư thuộc Đoàn LS TPHCM, bào chữa cho cả 3 bị can trong vụ án. Chiều ngày 14/4, thượng tá Bùi Phạm Hải, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ký 6 thông báo, chấp nhận cho các luật sư tham gia bảo vệ 3 bị can trong vụ án "Vi phạm...