Thanh tra Bộ Giáo dục yêu cầu xử lý 2 cán bộ thanh tra cắm chốt tại điểm thi Hà Giang
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng trường ĐH Tân Trào xem xét xử lý đối với 2 cán bộ của trường được giao nhiệm vụ thanh tra cắm chốt chấm thi THPT quốc gia tại Hà Giang vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay Thanh tra Bộ trưng tập 126 cán bộ từ các trường đại học làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi tại 63 Hội đồng thi trong cả nước.
Nhiệm vụ của cán bộ thanh tra là kiểm tra giám sát toàn bộ quá trình chấm thi khác với nhiệm vụ của thanh tra Sở GD&ĐT là phải giám sát trực tiếp cùng cán bộ công an. Theo quy định, các cán bộ thanh tra này phải làm việc liên tục trong quá trình chấm thi.
Làm nhiệm vụ thanh tra tại Hà Giang là 2 cán bộ trường ĐH Tân Trào. Khi vụ việc Hà Giang xảy ra và được chỉ đạo kiểm tra rà soát, Thanh tra Bộ đã kịp thời yêu cầu 2 cán bộ giải trình cụ thể.
Theo giải trình cho thấy, 2 cán bộ này đã có hành vi vi phạm quy định. Cụ thể: tối ngày 1/7/2018, hai cán bộ đã về trường ĐH Tân Trào (để làm nhiệm vụ của trường), đến 14h30 ngày 2/7, mới có mặt tại vị trí làm việc. Trong khi đó, dù vắng mặt thanh tra bộ cắm chốt nhưng Hà Giang vẫn tiến hành xử lý chấm bài thi trắc nghiệm.
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, việc bỏ vị trí không xin phép, báo cáo của hai cán bộ thanh tra này đã vi phạm quy định công tác thanh tra.
Chính vì vậy, Thanh tra Bộ đã yêu cầu Hiệu trưởng trường ĐH Tân Trào xem xét xử lý đối với 2 cán bộ thanh tra này theo thẩm quyền và báo cáo Thanh tra Bộ.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ, từ vụ việc Hà Giang, Thanh tra Bộ đã yêu cầu tất cả nhóm thanh tra báo cáo tình hình và kết quả nhiệm vụ để tổng hợp kịp thời xử lý nếu có vi phạm xảy ra.
Video đang HOT
Điểm thi môn Toán của thí sinh tỉnh Hà Giang
Được biết, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương do Sở GDĐT chỉ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức với phần lớn các môn thi/bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong mỗi phòng thi mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ là giải pháp tốt để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan của kết quả thi.
Tuy nhiên, tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi chỉ đạt được nếu trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi mỗi cá nhân phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi.
“Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi ở Hà Giang đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GDĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cả cho những năm tiếp theo”- lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Qua xác minh ban đầu cho thấy Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lí các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Sai phạm trong chấm thi tại Hà Giang: Lỗ hổng lớn trong chấm thi trắc nghiệm
'Thi Trắc nghiệm, nghe tuyên truyền là do máy chấm sẽ khách quan hơn, ít tiêu cực hơn nhưng những gì đã thấy ở Hà Giang cho ta thấy nếu xảy ra tiêu cực thì sự tiêu cực ghê gớm tới mức khó hình dung', ông Lê Đức Vĩnh cho hay.
Liên quan đến những sai phạm trong chấm thi THPT quốc gia tại Hà Giang gây chấn động dư luận những ngày qua, ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam bức xúc: 'Vậy là, gian lận trong thi cử là có, không phải 'học phận thi tài' như một số lãnh đạo giáo dục của Hà Giang từng nhận định khi chưa có kết quả thanh tra. Qua kết quả thanh tra mới thấy lỗ hổng trong việc chấm thi Trắc nghiệm là ghê gớm tới mức nào.
Môn Văn, môn học duy nhất còn thi theo hình thức tự luận không phát hiện ra sự man trá điều đó cho ta thấy rằng sự man trá trong khi chấm thi tự luận khó hơn chấm thi Trắc nghiệm nhiều. Chấm thi tự luận, sửa bài hay chấm ẩu nếu bị thanh tra sẽ phát hiện ra ngay, có lẽ vậy nên người chấm dù có ý định không trong sáng cũng ít người đủ gan để làm điều này.
Thi trắc nghiệm, nghe tuyên truyền là do máy chấm sẽ khách quan hơn, ít tiêu cực hơn nhưng những gì đã thấy ở Hà Giang cho ta thấy nếu xảy ra tiêu cực thì sự tiêu cực ghê gớm tới mức khó hình dung.
Có 330 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm có nhiều em được nâng tới 8,75 điểm ở một môn thi. Theo thông tin ban đầu, lỗi này là do phó phòng khảo thí và kiểm định chất lương Hà Giang gây ra.
Nhưng liệu đây có phải là người duy nhất gây ra thảm họa trong công tác chấm thi của Hà Giang? Tôi không hiểu trong vài phút một người trước sự giám sát của cảnh sát và một hai người khác liệu có thể thay đổi một lúc 330 chi tiết khi chuyển từ file này sang file kia được không?
Nếu phải làm lâu hơn lẽ nào những người giám sát không phát hiện ra, còn nếu ông phó phòng khảo thí và kiểm định chất lượng có đem theo phương tiện hỗ trợ từ ngoài vào thì tại sao lực lượng an ninh lại không phát hiện ra? Đó là câu hỏi đang rất nhiều người cần sự giải đáp thỏa đáng.
Tôi cũng rất lạ là vị phó phòng này đã bị phát hiện lấy 4 hòm đựng bài thi một cách trái luật từ ngày 4 tháng 7 nhưng tại sao điều này không được báo cáo lên Bộ GD&ĐT và tới tận ngày hôm qua công luận mới được biết?'.
Ông Lê Đức Vĩnh cho biết thêm: 'Qua hiện tượng Hà Giang dư luận có quyền nghi ngờ về sai phạm trong chấm thi của một số địa phương khác chẳng hạn như Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn...Bởi lẽ, dư luận cũng phát hiện ra những bất thường trong điểm thi của những tỉnh này.
Thiết nghĩ, nếu năm nay, vị phó phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang chỉ nâng điểm cho các em chỉ tầm tầm trên dưới 22 điểm thì chắc rằng góc khuất của chấm thi Trắc nghiệm vẫn ở trong bóng tối, kỳ thi vẫn được đánh giá là thành công như mong đợi.
Nếu vậy, thì sự gian dối trong thi cử không hiểu tới lúc nào mới bị phơi bày ra trước công luận. Nói ra có thể hơi ngược nhưng những người quan tâm tới nền giáo dục nước nhà nên cảm ơn Hà Giang vì nhờ có Hà Giang chúng ta mới thấy được hết những lỗ hổng của việc chấm thi Trắc nghiệm.
Một xã hội vẫn trọng bằng cấp, một nền giáo dục vẫn coi trọng chuyện thi cử hơn chất lượng đào tạo, một hình thức tuyển sinh đại học chủ yếu dựa vào điểm thi của một kỳ thi 2 trong 1 là nguyên nhân xảy ra sự man trá trong thi cử như ở Hà Giang.
Nhân dịp này Bộ GD&ĐT nên làm một cuộc đại phẫu thuật trong thi cử bằng cách rà soát lại tất cả các bài thi bị coi là nghi vấn trong cả nước. Có làm vậy mới lấy được lòng tin trong dân, có làm vậy dân mới tin tưởng trao con em của mình để ngành giáo dục dạy cách làm người và dạy kiến thức'.
Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 17/7, ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng Phòng A83 của Bộ Công an cho hay: 'Quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của Công an cũng như của thanh tra Bộ và thanh tra Sở (ở khâu chấm thi) chưa chặt chẽ, để cho ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) xử lý tất cả bài thi của những thí sinh có liên quan và trong toàn bộ cả quá trình đó các thành viên không biết.
Đó chính là kẽ hở mà chúng tôi thấy rằng, cần phải có những củng cố và tập huấn thật kĩ càng sau này ở các kì thi. Việc để cho anh Lương có thể xử lý các bài thi trắc nghiệm gốc, đấy cũng là sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh an toàn'.
Theo tiin.vn
Những phát ngôn sốc vụ gian lận thi cử ở Hà Giang Bê bối gian lận thi cử ở Hà Giang đã gây phẫn nộ dư luận khi hàng loạt thí sinh, trong đó có cả con quan chức địa phương, có điểm thật rất thấp lại được nâng khống lên thành điểm thi vào loại cao nhất cả nước. Theo Tấn Nguyên - An Hiên (Người lao động)