Thanh toán không tiền mặt
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao nhất thế giới. Tiền mặt giữ vai trò chủ đạo trong hơn 90% giao dịch. Mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 30% tổng phương tiện thanh toán dường như khó đạt được.
Rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Minh họa
Trong bối cảnh nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm, phản ánh một sự phát triển chưa đồng bộ đến khó hiểu.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm, riêng năm 2019, tổng giá trị giao dịch đạt trên 10 tỷ USD. Cơ sở hạ tầng dịch vụ thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ, gia tăng đáng kể số lượng khách hàng, với nhiều dịch vụ hiện đại như ví điện tử, internet banking, mobile banking…
Đến cuối tháng 9-2019, cả nước lưu hành 96,4 triệu thẻ chip thanh toán điện tử thuộc 36 tổ chức phát hành. Giá trị giao dịch qua POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Thậm chí, các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị.
Tuy nhiên, có một thực tế là khách hàng hiện vẫn chưa mặn mà với phương thức thanh toán điện tử.
Trước nghịch lý trên, nhiều chuyên gia chỉ ra rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Hiện, người dân chưa thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt để họ lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử. Thậm chí, không ít người còn thấy bất tiện và bất an khi tiến hành các giao dịch điện tử.
Đơn cử, bảo hiểm xã hội – một lĩnh vực tưởng chừng dễ dàng thực hiện thanh toán, chi trả các chương trình an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Nhưng đến hết năm 2019, số người nhận qua tài khoản cá nhân mới đạt 28,47%.
Nhiều ngân hàng lý giải cho sự chậm trễ vì hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, thiếu sự liên thông giữa các ngân hàng và cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.
Video đang HOT
Rõ ràng, muốn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó, 70% dân số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Đây là bài toán khó cho cả ngân hàng và công nghệ tài chính (Fintech) trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Do đó, để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch, nếu chỉ tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân thì chưa đủ.
Tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán điện tử của Việt Nam rất lớn, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái thanh toán điện tử mới hoàn chỉnh.
Do vậy, cần có sự quyết liệt từ quản lý Nhà nước. Trước hết, Chính phủ sớm xây dựng các hành lang pháp lý về thanh toán không tiền mặt, buộc các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân thực hiện. Cùng với đó là các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty Fintech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt.
Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành: Phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; và đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.
Thanh Thảo
Theo Bienphong.com.vn
Gửi tiết kiệm online: "Mốt", nhưng có an toàn?
Tại Việt Nam, ngân hàng điện tử đang phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm được các tung ra thị trường, trong đó có sản phẩm tiết kiệm trực tuyến (online). Thay vì phải đến quầy giao dịch, khách hàng có thể thực hiện các thao tác từ mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán,... trên các thiết bị điện tử có kết nối internet mọi lúc, mọi nơi.
Giao dịch tại ngân hàng (ảnh minh họa)
Phổ biến, tiện lợi...
Dịch vụ tiết kiệm online đã được các ngân hàng triển khai từ năm 2009 nhằm phục vụ những cá nhân bận rộn. Với hình thức tiết kiệm trực tuyến này, người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản qua Internet banking, mobile banking của các ngân hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày để chuyển những khoản tiền nhàn rỗi, tích lũy từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Khách hàng có thể tất toán sổ tiết kiệm bất cứ thời gian nào khi cần tiền mặt, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Đồng thời khách hàng cũng có thể truy cập Internet banking, mobile banking để kiểm tra xem tài khoản tiết kiệm đã được ghi nhận vào hệ thống chưa, và kiểm tra số dư, tiền lãi bất cứ khi nào.
Gửi online sẽ giúp không chỉ khách hàng có nhiều tiện lợi mà còn giúp ngân hàng tiết giảm được thời gian, nhân sự trong ở phòng giao dịch. Vì vậy hầu hết các ngân hàng đều khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online để mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả hai bên.
...nhưng có an toàn?
Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều người lo ngại về tính an toàn của hình thức gửi tiết kiệm này. Chẳng hạn như gửi tiết kiệm online thì không có sổ vật lý hay chứng từ làm "bằng chứng", làm sao biết được tiền gửi đang an toàn trong sổ tiết kiệm của mình...?
Về vấn đề này, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, gửi tiết kiệm trực tuyến thậm chí còn an toàn hơn cả gửi tiền tại quầy. Bởi lẽ lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng và nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được. Hơn nữa, khi thực hiện giao dịch gửi tiền online, hệ thống của ngân hàng đã xác thực người dùng nhiều lớp và gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email, token hoặc nhận diện bằng vân tay, khuôn mặt... Thông tin xác thực này không thể giả mạo được và không hề có sự can thiệp của con người, mà tự sinh từ hệ thống và được lưu vết trên hệ thống.
Các chuyên gia cũng cho rằng, người dùng dịch vụ tiền gửi oline không cần lo lắng về tính pháp lý. Bởi những thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email... được xem là những chứng từ điện tử hợp lệ và có giá trị pháp lý đối với hình thức gửi tiền trực tuyến.
Để người dùng thực sự tin tưởng, các ngân hàng đều có những giải pháp trong vấn đề bảo mật và an toàn đối với dịch vụ gửi tiết kiệm online. Khi có bất kì một biến động nào liên quan đến tài khoản gửi tiết kiệm, ngay lập tức hệ thống của các ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo về số điện thoại khách hàng đăng kí.
Chẳng hạn như giao dịch gửi tiền online tại Vietcombank, VIB, VPBank, Techcombank hiện nay, khách hàng sẽ được chứng thực bằng biên lai xác nhận giao dịch gửi tiền có kỳ hạn gửi vào hòm thư điện tử của khách hàng. Trên tài khoản, ngân hàng cũng có danh mục riêng cho các giao dịch online để khách hàng theo dõi xem tiền đã vào hệ thống hay chưa. Khi tất toán sổ tiết kiệm khách hàng cũng phải nhập mã OTP bằng tin nhắn hoặc mã sinh ra từ Smart OTP - là phương thức bảo mật an toàn cao hơn so với tin nhắn do được sinh ra duy nhất cho từng giao dịch.
Hay mới đây, SCB là ngân hàng tiên phong trong việc cho phép khách hàng gửi tiết kiệm online qua email khách hàng và tra cứu thông tin bằng cách quét mã QR trên sổ online. Ngân hàng cũng điều chỉnh giao diện màn hình eBanking, giúp khách hàng chủ động lựa chọn tính năng nhận sổ tiết kiệm online qua email bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngân hàng, để tuyệt đối an toàn khi giao dịch trực tuyến thì khách hàng cần bảo quản điện thoại di động, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ. Trường hợp thất lạc điện thoại hay bị rò rỉ thông tin..., cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp.
Mẹo gửi tiết kiệm để hưởng lãi cao nhất
Với những người thu nhập thấp, không sẵn khoản tiền lớn thì gửi góp trực tuyến là cách để tích cóp tiền khá phù hợp cho kế hoạch chi tiêu.
Đồng thời tiết kiệm online cũng đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ bởi rất phù hợp với những người không có sẵn khoản tiền tiết kiệm lớn nhưng lại có thu nhập ổn định hàng tháng. Đây là cách giúp người dùng dễ dàng tích cóp tiền hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm cho những kế hoạch chi tiêu như tiền học, tiền mua xe hay xây sửa nhà cửa...
Nắm bắt nhu cầu này, hiện nay, rất nhiều ngân hàng đã cung cấp khá đa dạng các hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến với mức lãi suất hấp dẫn, cao hơn hẳn so với gửi tiết kiệm tại quầy, phổ biến từ 0,1 - 0,3%, thậm chí có nơi lên 0,4 - 0,5%. Theo lý giải của các ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất online cao hơn do ngân hàng không phải mất chi phí vận hành ở quầy giao dịch.
Và với sự chênh lệch này, nhiều ngân hàng đã niêm yết lãi suất tiền gửi online lên tới 8%-8,7%/năm. Chẳng hạn như Eximbank niêm yết mức lãi suất là 8,5%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng; Nam Á Bank niêm yết mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8,7% cho kỳ hạn 36 tháng; VIB có mức lãi suất dao động từ 7,5% đến 8%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng tùy theo số tiền gửi hay SCB có lãi suất bậc thang theo kỳ hạn và số tiền gửi với lãi suất là 8,76%/năm.
Phương Nam
Theo Trí thức trẻ
Xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng tính bình đẳng, giúp mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển. Đồng thời, góp phần tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và doanh...