Thanh toán không dùng tiền mặt sắp bùng nổ
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trải qua một năm đầy sôi động, đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng. Dự kiến, những con số giao dịch điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2019.
Thanh toán không dùng tiền mặt thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng. Nguồn: Internet
Thống kê cho thấy, trong hơn hai năm triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã có những tiến triển đáng kể là thanh toán số, internet tăng nhanh khoảng 30%, thanh toán qua di động tăng 80%.
Không đứng ngoài xu thế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, tỷ trọng rút tiền mặt qua ATM vẫn còn tăng, năm 2016 là 17% và năm 2017 là 22%, song giá trị và mức tiền giao dịch qua cây ATM lại giảm. Cụ thể, năm 2018 là 12%, giảm 4% so với năm 2017.
Đặc biệt, trong năm 2018, thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút được số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Số liệu thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính trên kênh internet là 178 triệu giao dịch với giá trị khoảng 11 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng là 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017.
Số lượng giao dịch tài chính trên kênh di động là 122 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch là gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 29% về số lượng và 128% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác đưa vào những công nghệ hiện đại hoạt động thanh toán trên thiết bị di động với việc áp dụng về sinh trắc học, vân tay, khuôn mặt, giọng nói, công nghệ mã hóa thẻ… an toàn tiện lợi được người dùng đón nhận tích cực, từ đó đã thúc đẩy sự gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong cả khu vực tư và công.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công không ngừng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: thuế, điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…
Video đang HOT
Hiện đã có 27 ngân hàng và 10 tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về tiền điện và 100% cơ sở y tế bắt đầu triển khai đề án nhờ thu tiền khám chữa bệnh. Hàng chục ngân hàng đạt thỏa thuận hợp tác phối hợp thu thuế hải quan trên 63 tỉnh, thành…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội tích cực tham gia với số lượng 21% tổng số người hưởng chế độ được thanh toán qua ngân hàng.
Ông Dũng đánh giá lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt đã trải qua một năm đầy sôi động. NHNN đã triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt, người dân cũng đã quen dùng các phương tiện thanh toán này. Nhận thức trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán bảo vệ thông tin cá nhân của người dân ngày càng tăng.
“Những con số tăng trưởng trên phản ánh xu thế giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam không đứng ngoài xu thế chung của thế giới”, ông Dũng nói.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp chống thất thu ngân sách nhà nước. Ví dụ, những giao dịch bất động sản (BĐS) thường có số tiền rất lớn là vài trăm triệu cho đến hàng chục tỷ đồng, nhưng người dân và doanh nghiệp kinh doanh BĐS hiện vẫn thích giao dịch bằng tiền mặt nhằm giảm bớt thuế, phí thông qua việc kê khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giao dịch thực tế.
Cần tác động từ chính sách
Cơ quan thuế cho biết, thời gian qua đã phát hiện nhiều hồ sơ khai thuế với giá chuyển nhượng thấp hơn cả giá đất trên bảng giá do UBND tỉnh, thành công bố và tiến hành truy thu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng, cho biết giao dịch BĐS qua ngân hàng sẽ thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh hơn, góp phần chống tham nhũng, minh bạch thị trường BĐS, đặc biệt sẽ hạn chế tình trạng hai giá: giá để tính thuế, phí và giá giao dịch thực tế.
Vì vậy, nhiều chuyên gia đưa ra kiến nghị cần quy định một số danh mục bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, thậm chí áp dụng chế tài mạnh, chứ nếu chỉ khuyến khích thì rất khó.
“Hầu hết các giao dịch BĐS hiện nay, Nhà nước không thu được đủ số tiền thuế theo quy định. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể kèm theo yêu cầu có chứng từ xác nhận thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng mới được chuyển tên làm giấy chứng nhận nhà đất”, một chuyên gia đề xuất.
Ông Dũng đồng tình với đề xuất này và cho biết trong năm 2019, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch BĐS.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiền mặt, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, NHNN còn triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng phương thức thanh toán hiện đại mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc…
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn
Bỏ dần mua bán bất động sản 'tiền trao cháo múc'
Nghị quyết 02 của Chính phủ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản có giá trị lớn, nhưng từ trước tới nay việc mua bán này luôn trong tình trạng "tiền trao cháo múc".
Giao dịch chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ tránh được rủi ro
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Xách cả tỉ tiền mặt đi mua đất
Là người kinh doanh bất động sản, chị Loan (Q.8, TP.HCM) cho biết mỗi năm chị thực hiện rất nhiều hợp đồng mua đi bán lại nên chỉ muốn giao dịch qua ngân hàng (NH) cho an toàn.
Tuy nhiên đa số những người giao dịch với chị đều dùng tiền mặt, chỉ một số ít chuyển qua NH. "Có nhiều trường hợp tôi làm môi giới, người mua ra NH rút tiền xong đem lại phòng công chứng. Công chứng xong đưa tiền cho người bán rồi người bán lại đem tiền đó chuyển vào tài khoản NH. Bởi tâm lý chung của người dân là tiền trao cháo múc, hợp đồng ra công chứng và trao tiền ngay tại đó.
Nhưng đặc thù của bất động sản (BĐS) là tiền lớn nên việc ôm tiền tỉ đi đi lại lại như vậy rất rủi ro. Vì vậy muốn giao dịch không dùng tiền mặt thì phải bắt buộc, thậm chí chế tài mạnh chứ khuyến khích thì rất khó. Có thể kèm theo yêu cầu có chứng từ xác nhận thanh toán chuyển khoản qua NH mới được chuyển tên làm giấy chứng nhận nhà đất", chị Loan đề xuất.
Một lý do nữa dẫn đến việc nhiều người "thích" giao dịch tiền mặt là để giảm bớt thuế, phí thông qua việc kê khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giao dịch thực tế. Thời gian qua, cơ quan thuế phát hiện nhiều hồ sơ khai thuế với giá chuyển nhượng thấp hơn cả giá trên bảng giá do UBND tỉnh thành công bố.
Kết quả khảo sát của Cục Thuế TP.HCM trong năm 2018 cho thấy, giá thực tế giao dịch trên thị trường bình quân cao hơn gấp 4 - 6 lần so với bảng giá do UBND TP.HCM ban hành. Đối với những trường hợp kê khai giá chuyển nhượng phù hợp với giá thị trường cũng đã cao hơn trên 3 lần so với bảng giá. Chính vì vậy mà trong năm 2018, Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM có bảng giá đất dành riêng cho việc tính thuế, phí về nhà đất để tránh thất thu ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng mỗi năm.
Triệt tiêu tình trạng "2 giá"
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng giống như chuyện đội nón bảo hiểm nếu nhà nước có ý chí bắt buộc thì người dân, doanh nghiệp phải làm theo. Điều này giúp kiểm soát được rửa tiền, chống tham nhũng, ngoài ra còn tránh thất thu thuế trong những trường hợp khai giá trị thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để trốn thuế.
"Ở các nước gần như đã làm được. VN khó khăn vì người dân có thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi mua một tài sản lớn, tôi vẫn muốn giao dịch, chuyển khoản qua NH để nếu xảy ra sự cố, tranh chấp sẽ có bằng chứng, an toàn hơn", ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, khi chính sách này thông qua sẽ có nhiều tiền mặt chuyển qua NH từ giao dịch BĐS và người dân sẽ mất phí, NH được hưởng lợi rất lớn.
Do vậy phải tính toán lại mức phí làm sao cho phù hợp. Ngoài ra, ở đô thị việc thanh toán qua NH thì đơn giản nhưng ở vùng nông thôn là bất tiện vì NH chưa "phủ sóng" hết. Do đó phải chia ra khu vực hoặc có tiến độ chứ không thể áp dụng chung cả nước.
TS Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV, cho biết thực tế, trong hơn 2 năm triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã có những tiến triển là thanh toán số, internet tăng nhanh khoảng 30%, thanh toán qua di động tăng 80%. Giao dịch BĐS qua NH sẽ thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh hơn, góp phần chống tham nhũng, minh bạch thị trường BĐS, đặc biệt sẽ hạn chế tình trạng 2 giá (giá để tính thuế, phí và giá giao dịch thực tế).
Ở các nước gần như đã làm được.
VN khó khăn vì người dân có thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi mua một tài sản lớn, tôi vẫn muốn giao dịch, chuyển khoản qua NH để nếu xảy ra sự cố, tranh chấp sẽ có bằng chứng, an toàn hơn
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Theo Thanhnien.vn
Thị trường tiền mật mã ảm đạm cuối năm Thị trường tiền mật mã tiếp tục lao dốc, với khối lượng giao dịch ảm đạm trong bối cảnh các nhà đầu tư đã nghỉ lễ sớm. Đáng lưu ý, trong khi hình thức gọi vốn ICO suy thoái do quá nhiều vụ lừa đảo, thì một xu hướng mới có thể sẽ thay thế trong năm 2019. Sắc đỏ tràn ngập ngày...