Thanh toán không dùng tiền mặt: Lo ngại “hàng rào kĩ thuật” cản trở hoạt động doanh nghiệp
Một số quy định trong Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp vì sẽ tác động bất lợi tới hoạt động của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Tại sao chỉ được quan hệ đại lý thanh toán với 1 đơn vị?
Về nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý thanh toán quy định tại khoản 3 Điều 22 Dự thảo nêu: “Bên đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được đồng thời làm đại lý thanh toán cho bên giao đại lý khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của bên giao đại lý mà mình đang làm đại lý thanh toán. Bên đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép giao đại lý cho bên thứ ba”.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia pháp luật đưa ra băn khoăn về vấn đề này: Không rõ mục tiêu của quy định hạn chế quyền hoạt động (cùng lúc làm đại lý cho nhiều bên, giao đại lý tiếp cho bên thứ ba) bên đại lý thanh toán không phải là tổ chức tín dụng là gì? Để đối phó với nguy cơ gì? Liệu việc nhận làm đại lý cho nhiều bên mà không được sự đồng ý của bên giao đại lý trước đó dẫn tới rủi ro gì, cho ai?…
“Ban soạn thảo cần cân nhắc bỏ quy định tại khoản 3 Điều 22 nếu không làm rõ được lý do và mục tiêu của quy định này”, đại diện một doanh nghiệp đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định.
Tại sao khống chế khách hàng cá nhân?
Video đang HOT
Về nghiệp vụ giao đại lý thanh toán, khoản 5 Điều 23 Dự thảo quy định, trường hợp bên đại lý không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên giao đại lý có biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch: Hạn mức rút tiền mặt tối đa đối với khách hàng cá nhân là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; hạn mức trả tiền hoặc chuyển tiền tối đa đối với khách hàng cá nhân là 50 triệu đồng/khách hàng/ngày.
Bên giao đại lý căn cứ vào cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý để xác định hạn mức hoặc số dư trên một tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân mở tại bên giao đại lý theo phương thức trên.
Theo các chuyên gia pháp luật, quy định này cần được xem xét lại. Thứ nhất, Dự thảo chỉ quy định hạn mức rút tiền mặt đối với khách hàng là cá nhân, vậy khách hàng là tổ chức có bị khống chế hạn mức không? Nếu có thì bao nhiêu? Nếu không thì tại sao lại không khống chế đối với khách hàng là tổ chức, trong khi quy định này yêu cầu bên giao đại lý phải có biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch?
Thứ hai, quy định bên giao đại lý căn cứ vào “cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý để xác định hạn mức và số dư trên một tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân mở tại bên giao đại lý” là chưa hợp lý vì việc xác định hạn mức hoặc số dư tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, không phụ thuộc vào cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý thanh toán.
Không rõ mục tiêu quản lý
Điều 26 Dự thảo quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, điều kiện về nhân sự: yêu cầu về bằng cấp và số năm kinh nghiệm của người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc); yêu cầu bằng cấp của một số cán bộ chủ chốt (phó giám đốc, trưởng phòng hoặc tương đương, các cán bộ kỹ thuật) (điểm d khoản 2).
Còn điều kiện về kỹ thuật: có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (điểm đ khoản 2).
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn, bởi điều kiện về nhân sự không rõ về mục tiêu quản lý và dường như chưa thực sự phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư. Nếu quy định này nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp thì không cần thiết vì đây là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã hoạt động nhiều năm có hiệu quả nhưng không cần phải có người đại diện theo pháp luật và/hoặc các nhân sự chủ chốt đáp ứng điều kiện như quy định ở trên.
Còn điều kiện về kỹ thuật được đánh giá là chưa đủ rõ ràng vì không rõ như thế nào được cho là có các cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và để đảm bảo tính minh bạch, cần quy định theo hướng có thể định lượng được về điều kiện này.
Bách Nguyễn
Theo Baophapluat.vn
Ví điện tử cá nhân sẽ được giao dịch 100 triệu đồng mỗi tháng
Thông tư 23 quy định tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam )
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tư này có hiệu lực từ 7/1/2020.
Theo đó, tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở) tối đa 100 triệu đồng/tháng. Trừ trường hợp Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử.
[Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công: Tháo gỡ điểm nghẽn]
Đặc biệt, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào Ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ trước khi sử dụng ví điện tử. Khách hàng được liên kết ví với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng liên kết.
Bên cạnh đó, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải cung cấp công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Công cụ giám sát phải bảo đảm cho phép giám sát tổng số lượng Ví điện tử.
Như vậy, so với dự thảo trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ đề xuất giới hạn hạn mức giao dịch 20 triệu đồng/ngày đối với 1 cá nhân.
Thông tư mới cũng bỏ hạn mức giao dịch với ví điện tử dành cho tổ chức, trước đó hạn mức trong dự thảo tối đa không quá 100 triệu mỗi ngày và 500 triệu đồng mỗi tháng.
Trong phần giải trình trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. "Việc quy định hạn mức để phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ," cơ quan này cho biết./.
Theo Thúy Hà (Vietnam )
Mâu thuẫn trong đề xuất về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dường như đang có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) thu đổi tiền không đủ điều kiện lưu thông, với mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt, tại Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định phí rút tiền mặt...