Thành quả tiêm chủng mở rộng: Khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm
Việt Nam tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại trong năm 2020 và là năm thứ 20 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt.
Tiêm chủng vắcxin cho trẻ nhỏ. (Ảnh: TTXVN/Vietnamplus)
Thời gian qua, công tác tiêm chủng mở rộng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ. Dự án tiêm chủng mở rộng được Chính phủ giao là một trong những Dự án ưu tiên thuộc Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020.
Đáng lưu ý, nhờ tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã khống chế được nhiều loại bệnh truyền nhiễm như bệnh bại liệt hoang dại, bệnh sởi, rubella, bệnh bạch hầu…
Nỗ lực khống chế các bệnh truyền nhiễm
Phát biểu tại Hội thảo cập nhật thông tin truyền thông về tiêm chủng mở rộng diễn ra ngày 20/1, ở Hà Nội, Phó giáo sư Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại trong năm 2020 và là năm thứ 20 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt. Đây cũng là năm thứ 15 Việt Nam duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.
Trên phạm vi cả nước không địa phương nào ghi nhận dịch sởi, rubella. Số trường hợp mắc sởi trong 11 tháng năm 2020 (1.136 ca) giảm mạnh so với năm 2019 (14.156 ca), số mắc rubella thấp (46 ca), góp phần quan trọng khống chế hội chứng rubella bẩm sinh, căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Đáng lưu ý, trong các tháng đầu năm 2020 ghi nhận số mắc/tử vong do bạch hầu tăng (212/5 ca), trong đó ổ dịch bạch hầu xảy ra tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên và tỉnh Quảng Trị. Có 94% số mắc xảy ra ở nhóm trẻ trên 5 tuổi và người lớn, chỉ có 17% số trường hợp mắc đã tiêm 3 mũi vắcxin phòng bệnh; 4,7% chưa tiêm đủ mũi và có đến 78% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm vắcxin chống dịch bệnh bạch hầu (DTP, Td) và tiêm vét vắcxin 5 trong 1 cho hơn 4 triệu đối tượng ở tất cả các lứa tuổi thuộc 4/4 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Các huyện có ổ dịch bạch hầu được ưu tiên triển khai trước.
Video đang HOT
Tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Đến nay, đã có trên 500.000 đối tượng được tiêm 2 liều vắcxin Td. Do vậy, dịch bạch hầu cơ bản được khống chế, không ghi nhận ca mắc mới trong hơn 1 tháng vừa qua.
Chủ động trong huy động đầu tư
Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho hay trong các năm từ 2018-2021, Dự án tiêm chủng mở rộng đã nỗ lực huy động nguồn viện trợ từ Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) và đầu tư của Chính phủ để tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh cho tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Trong các năm từ 2018-2020, Dự án tiêm chủng mở rộng đã nỗ lực huy động nguồn viện trợ để trang bị hệ thống tủ lạnh chuyên dụng tiên tiến nhất để bảo quản vắcxin trên toàn quốc.
Đây là hoạt động ưu tiên của dự án trong bối cảnh các tỉnh/thành phố sẽ phải chủ động hơn nữa trong việc huy động đầu tư để chi trả cho kinh phí triển khai tiêm chủng và mua bơm kim tiêm, hộp an toàn từ nguồn địa phương từ năm 2021.
Tủ lạnh TC4000AC được ngành y tế tiếp nhận là loại tủ lạnh chuyên dụng thế hệ mới nhất có dung tích 240 lít nước được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Đây là loại tủ lạnh phòng chống đông băng tốt nhất, năng lượng tiêu thụ rất thấp, giữ nhiệt độ của tủ ở dưới 8 độ C ngay cả khi điện chỉ được cung cấp 8 giờ ngày đặc biệt phù hợp với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thời gian duy trì nhiệt độ lạnh của tủ lên đến 77 giờ ở nhiệt độ môi trường ( 43 độ C ).
Dự án tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 340 tủ TCW4000AC từ nguồn hỗ trợ của GAVI và 250 tủ mua đối ứng từ ngân sách nhà nước. Số 590 tủ này đã được vận chuyển, lắp đặt, hướng dẫn vận hành cho các tỉnh/thành phố và một số huyện.
Theo tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền, trong năm 2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đẩy mạnh các hoạt động để duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% trên phạm vi cả nước, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống nhiễm SARS-CoV-2.
Dự án sẽ tiếp tục rà soát các địa phương nguy cơ cao, đặc biệt tại các địa phương chưa được triển khai chiến dịch trong các năm 2018-2020 để tổ chức tiêm chủng bổ sung vắcxin MR (phòng bệnh sởi-rubella) cho trẻ em ở các vùng nguy cơ cao nhằm đạt độ bao phủ tiêm chủng ở mức cao, chủ động không để dịch xảy ra. Dự kiến, có khoảng 1 triệu trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung vắcxin MR trong năm 2021.
Tiến sỹ Huyền cũng nhấn mạnh thêm trong năm nay dự án sẽ tiếp tục tiếp nhận 174 tủ lạnh TCW4000AC từ nguồn hỗ trợ của GAVI và huy động tiếp từ các tổ chức quốc tế để cấp cho các huyện, thay thế dần tủ cũ. Dự kiến, trên 90% số huyện của cả nước được trang bị hệ thống tủ lạnh mới, đảm bảo đủ năng lực và chất lượng bảo quản vắcxin trong tiêm chủng mở rộng./.
'Sợ chỗ đông người' do dịch COVID-19, dân ngại đi tiêm vắc xin
Lo ngại lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại những nơi tập trung đông người, nhiều người trì hoãn tiêm chủng dẫn đến nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Dịch COVID-19 khiến nhiều người không dám đến nơi đông người
Đây là chia sẻ của các chuyên gia y tế tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí, liên quan đến chủ đề "Tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh COVID-19" do Hội Bác sĩ Gia đình TPHCM tổ chức ngày 16/12.
Theo số liệu cập nhật đến đầu tháng 12/2020 của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), trên toàn thế giới đã có hơn 70 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 1,5 triệu ca tử vong và số liệu này vẫn đang tiếp tục tăng. Việt Nam đã ghi nhận trên 1.400 ca bệnh và 35 trường hợp tử vong.
PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu (bìa phải) và BS Trương Hữu Khanh (bìa trái) chia sẻ thông tin với báo chí
Báo cáo mới nhất từ Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy, có tối thiểu 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi ở 68 quốc gia đang có nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi và bại liệt do các chương trình tiêm chủng đang bị gián đoạn vì COVID-19.
Nếu không được tiêm chủng, tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn so với lịch khuyến cáo, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Điều này đe dọa đến thành tựu của toàn nhân loại trong nhiều năm nỗ lực chống lại các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin
Nguyên nhân của việc trì hoãn tiêm chủng hiện nay phần lớn xuất phát từ việc người dân lo ngại bị lây nhiễm COVID-19 tại những nơi tập trung đông người, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng vắc-xin do COVID-19 đang là vấn đề y tế đáng báo động. Sự gián đoạn này có thể làm gia tăng số người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, và có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát thành các làn sóng dịch bệnh trong cộng đồng, tạo nên gánh nặng kép bên cạnh COVID-19.
"Tiêm ngừa vắc-xin được chứng minh là phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.
Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với nỗ lực y tế dự phòng của toàn xã hội.
Việt Nam trong nhiều năm qua đã triển khai tốt và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp từ chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước - PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu chia sẻ.
Theo BS Khanh, thà tiêm vắc-xin trễ còn hơn không.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ lịch tiêm vắc-xin để tiêm đủ mũi, đủ liều và đúng lịch trình.
Đặc biệt, cần lưu ý các mốc tiêm chủng quan trọng cho các đối tượng đặc biệt nhạy cảm như trẻ em bao gồm: 12 tháng đầu đời là giai đoạn quan trọng khi trẻ được tiêm hầu hết các mũi vắc-xin cơ bản cần thiết; Năm tuổi thứ 2 đến trước 4 tuổi là giai đoạn hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch; Tuổi tiền học đường là giai đoạn quan trọng tiếp theo củng cố miễn dịch nhằm bảo vệ cho trẻ trước khi bước vào môi trường mới.
Bên cạnh đó, người lớn và người già vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe từ các bệnh lây nhiễm nếu không được tiêm phòng các bệnh cần thiết như cúm mùa, thủy đậu, bệnh do phế cầu... theo sự hướng dẫn từ các chuyên gia y tế. Một số bệnh như cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các hệ lụy không ngờ đến như đau tim và đột quỵ.
Mùa lạnh về, bệnh truyền nhiễm gia tăng Thời điểm mùa đông xuân được dự báo là điều kiện thuận lợi cho Covid-19 bùng phát và nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng có nguy cơ gia tăng Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, có một tỉ lệ cao người nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%-50%), gây khó khăn...