Thành phố Trung Quốc cấp vaccine Covid-19 thử nghiệm cho dân
Thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, sẽ cung cấp vaccine Covid-19 thử nghiệm cho người dân khi Trung Quốc mở rộng chương trình vaccine khẩn cấp.
Cư dân từ 18 đến 59 tuổi ở Thiệu Hưng, những người không thuộc nhóm ưu tiên, có thể nộp đơn xin trực tuyến để được tiêm vaccine Covid-19, sở y tế thành phố cho biết trên mạng xã hội hôm 20/10. Cơ quan này không đề cập tên vaccine, thời gian bắt đầu tiêm là từ khi nào hay sẽ cung cấp bao nhiêu liều.
Người dân Thiệu Hưng cần khai báo lý do họ muốn tiêm vaccine Covid-19 và trả phí 400 tệ (60 USD) cho hai liều, phí tiêm thêm là 28 tệ/liều. Không rõ thành phố này có sàng lọc người tiêm vaccine dựa trên lý do họ khai báo không và có hỗ trợ chi phí tiêm không.
Một cậu bé đứng nhìn vaccine Covid-19 thử nghiệm của Sinovac Biotech LTD tại Hội chợ Thương mại Quốc tế ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Hàng trăm nghìn người đã sử dụng vaccine Covid-19 thử nghiệm ở Trung Quốc kể từ khi nước này áp dụng chương trình tiêm vaccine khẩn cấp hồi tháng 7 với các lao động tuyến đầu và những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tuần trước, Chiết Giang trở thành tỉnh đầu tiên của Trung Quốc tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các cư dân thuộc đối tượng không ưu tiên, dù không công bố có bao nhiêu người đã nhận vaccine.
11 loại vaccine của Trung Quốc đã bước vào thử nghiệm lâm sàng, với 4 loại đang trong thử nghiệm Giai đoạn ba, nhưng vẫn chưa có loại nào được phê chuẩn đưa ra thị trường đại chúng. Điều này làm dấy lên lo ngại trong các chuyên gia về độ an toàn.
Trung Quốc đã phê duyệt cho phép sử dụng một số loại trong trường hợp khẩn cấp và thông báo chưa thấy xuất hiện phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Bắc Kinh cũng đưa ra những dự đoán táo bạo về một đợt triển khai vaccine rộng hơn trước cuối năm nay.
Trong cuộc họp báo tháng trước, các quan chức y tế thông báo có thể sản xuất 610 triệu liều vaccine vào cuối năm, nhấn mạnh nó sẽ có giá cả phải chăng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố vaccine Trung Quốc sẽ trở thành “hàng hóa công cộng toàn cầu”.
Trung Quốc đã đăng ký một cuộc đấu thầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu để đảm bảo vaccine Covid-19 được phân phối tới các nước đang phát triển.
Siêu khu trục hạm Mỹ lần đầu phóng tên lửa
Tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt phóng thành công tên lửa phòng không SM-2 trong lần đầu tiên khai hỏa loại khí tài này.
"USS Zumwalt thực hiện thành công lần thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên với hệ thống phóng thẳng đứng Mark 57, sử dụng một quả đạn SM-2 ở thao trường hải quân tại Point Mugu hôm 13/10", hải quân Mỹ hôm 19/10 ra thông cáo cho biết.
Quả đạn SM-2 phóng ra từ tàu khu trục USS Zumwalt đã bám bắt và tiêu diệt mục tiêu mô phỏng tên lửa hành trình trong thử nghiệm. Đợt bắn thử cũng giúp đánh giá khả năng chống chịu rung động mạnh của tàu khi phóng tên lửa, cũng như hư hỏng có thể xảy ra sau khi khai hỏa.
Đợt bắn thử tên lửa SM-2 trên USS Zumwalt hôm 13/10. Video: US Navy.
"Cuộc thử nghiệm thành công đã chứng tỏ khả năng phóng tên lửa và tự vệ của tàu, cũng là bước quan trọng hướng tới những đợt thử nghiệm cao hơn với hệ thống chiến đấu trên chiến hạm hiện đại nhất của Mỹ", đại tá hải quân Matt Schroeder, giám đốc dự án tàu khu trục Zumwalt, cho hay.
USS Zumwalt là chiếc đầu tiên trong dự án siêu tàu khu trục tàng hình cùng tên, được bàn giao cho hải quân Mỹ từ năm 2016. Tuy nhiên, nó chỉ tiến hành đợt bắn đạn thật đầu tiên với hệ thống pháo Mark 46 Mod 2 (GWS) cỡ nòng 30 mm hồi tháng 5 nhằm kiểm tra độ bền khung thân. Vũ khí chính của Zumwalt là hai Hệ thống Pháo Tiên tiến (AGS) cỡ 155 mm nhưng chưa thể sử dụng vì không có đạn.
Lớp tàu Zumwalt được coi là một trong những dự án quân sự tốn kém nhất lịch sử Mỹ, nhưng lại gây thất vọng với hàng loạt lỗi thiết kế, đội giá và chậm tiến độ. Mỗi tàu có giá tới hơn 4 tỷ USD, buộc quốc hội Mỹ cắt giảm số lượng đặt mua từ 32 chiếc xuống chỉ còn ba tàu.
Tàu có lớp vỏ được thiết kế góc cạnh đặc biệt để tăng khả năng tàng hình, nhưng lại phải lắp đài vô tuyến và cột ăng ten ngoài thượng tầng để giảm chi phí chế tạo, khiến khả năng tàng hình suy giảm. Chiếc thứ hai là USS Michael Mansoor cũng gặp sự cố trong chuyến thử nghiệm đầu năm 2018, khiến Lầu Năm Góc chi ít nhất 20 triệu USD để thay động cơ.
Mỹ khoe siêu pháo tầm xa có thể tấn công Moscow Pháo tầm xa chiến lược (SLRC) của quân đội Mỹ được quảng cáo có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 1.850 km, khi di chuyển trên biển có thể "câu" tới tận Moscow. Quân đội Mỹ đang phát triển loại pháo tầm xa chiến lược (SLRC), có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 1.150 dặm (1.850km),...