Thành phố của những phụ nữ bị ruồng bỏ
Khoảng 6.000 phụ nữ cô độc từ khắp Ấn Độ tới một thành phố để sống và không ai có thể giải thích tại sao họ chọn nơi này.
Hai phụ nữ neo đơn tại thành phố Vrindavan, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh:123rf.com.
Thành phố Vrindavan (bang Uttar Pradesh) nằm bên bờ sông Yamuna là nơi có mối liên hệ chặt chẽ với thánh Krishna. Tại thành phố với nhiều ngôi đền cổ này, thánh Krishna luôn được mọi người nhắc tới. Theo thiên sử thi Mahabharata, Krishna chào đời ở khu rừng gần đó. Chàng thanh niên Krishna đã trêu đùa cô gái chăn dê xinh đẹp và thánh thiện Radha. Đến giờ, chuyện tình của họ vẫn được hầu hết tín đồ Hindu ghi nhớ.
Radha và Krishna, hai cái tên luôn đi liền nhau trong tâm thức của mỗi khách hành hương mỗi khi họ tới thành phố này để dạo quanh những ngôi đền và những bờ sông có bậc dẫn xuống nước.
Nhưng Vrindavan lại là một nơi tối tăm hơn và không có tình yêu. Nó được mệnh danh là “Thành phố của những góa phụ”. Theo BBC, khoảng 6.000 góa phụ đang sống ở Vrindavan, song nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng con số đó lên tới 22.000.
Nếu dành chút thời gian quan sát những người hành hương đến rồi rời khỏi những ngôi đền ở đây, bạn sẽ bắt gặp những góa phụ. Họ thường là những phụ nữ lớn tuổi, khoác bộ đồ trắng và xin ăn.
Video đang HOT
Những góa phụ ở Ấn Độ tuy không còn phải tự nhảy vào giàn hỏa thiêu xác chồng như trước nhưng cuộc sống của họ vẫn còn rất khó khăn. Nhiều góa phụ bị coi là điểm gở và nên người dân kỳ thị, xa lánh họ. Một số bị gia đình chồng đuổi vì nhà chồng không muốn phân chia tài sản thừa kế cho họ.
Không ai có thể giải thích tại sao thành phố đặc biệt này lại thu hút nhiều góa phụ từ khắp đất nước Ấn Độ đến vậy. Phần lớn trong số họ tới từ bang Bengal. Họ đã vượt hơn 1.600 km tới đây, bỏ lại bạn bè và con cháu.
Một số phụ nữ là những khách hành hương thực sự. Họ tới để cống hiến những năm còn lại của cuộc đời cho thánh Radha/Krishna. Tuy nhiên, nhiều người khác tới đây với mong muốn thoát khỏi sự kỳ thị của gia đình hoặc do bị con dâu hay con rể đuổi khỏi nhà như những thứ vô dụng.
Trong sân một ngôi đền nhỏ, một số góa phụ ngồi bắt chéo chân và kể những câu chuyện của họ.
Saif Ali Das trông già hơn nhiều so với tuổi 60. Bước đi của bà nghiêng ngả. Chồng bà là một người nghiện rượu và đã mất cách đây 12 năm sau một cú ngã.
Bà có một người con gái chết trong bệnh viện và một con trai đã bị giết trong một vụ tranh chấp đất đai. Sau cái chết của con trai, Saif hoàn toàn cô độc và bà đã tới nơi này vì mọi người nói đây là một nơi an toàn.
Sondi là một góa phụ 80 tuổi. Chồng bà mất khi bà còn trẻ. Bà phải tự nuôi bốn đứa con. Nhưng rồi chính người con dâu của bà đã đuổi bà ra khỏi nhà và nói rằng chỉ chồng cô ta mới có thể cai quản gia đình. Cô con dâu còn nói thêm rằng, bởi vì bà không có chồng nên bà sẽ phải tự chăm sóc bản thân.
Gauri Dasi rời vùng biên giới giữa Bengal với Bangladesh do những căng thẳng trong khu vực xảy ra năm 1971. Bà tới Vrindavan cùng chồng và ba người con gái. Sau đó, chồng bà bỏ rơi bốn mẹ con và những người con của bà đều kết hôn khi họ mới 10 tuổi. Dasi vẫn sống một mình ở Vrindavan trong 15 năm qua và dành trọn thời gian cho thánh Radha.
Bà nhận được vài đồng xu cho những bài hát cầu nguyện trong những ngôi đền. Người phụ nữ cô độc này trở thành một trong hàng triệu người dân Ấn Độ từ bỏ thế giới bên ngoài một cách miễn cưỡng để theo con đường tâm linh. Tuy nhiên, trường hợp của bà là miễn cưỡng.
Đây là một thực trạng hiếm thấy trong xã hội Ấn Độ. Có thể chính phủ Ấn Độ không muốn các nước khác biết thực trạng ấy dù họ đã nỗ lực giải quyết vấn đề.
Nhà chức trách đã xây dựng bốn khu dân cư tách biệt cho những góa phụ. Tuy nhiên, nhiều người phải trả tiền để ở. Một số cho biết những người dân địa phương đối xử với họ khá thô bạo.
Maitri, một tổ chức phi chính phủ ở Delhi, cung cấp thực phẩm và chỗ ở cho hầu hết góa phụ. Chính phủ và khách hành hương có thể giúp họ không bị đói khát nhưng không có khả năng dập tắt sự bất công và những hủ tục lâu đời ở Bengal. Đối với một số người dân ở đây, ngay cả việc nhìn một góa phụ cũng bị coi là điều cực kỳ xui xẻo.
Theo VNE
36 người chết vì giẫm đạp ở Ấn Độ
Một vụ giẫm đạp xảy ra ở ga tàu hỏa tại miền bắc Ấn Độ hôm nay khiến ít nhất 36 người chết và hàng chục người bị thương.
Một người đàn ông than khóc người vợ của ông, một trong những người tử vong vì vụ giẫm đạp ở ga tàu hỏa tại thành phố Allahabad, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ hôm 10/2. Ảnh: AP.
Thảm họa diễn ra khi các tín đồ Hindu đổ về ga tàu lớn nhất tại thành phố Allahabad, bang Uttar Pradesh để tham dự lễ hội Kumbh Mela, một sự kiện kéo dài hai tháng . Cảnh sát tìm thấy 36 thi thể và 30 người bị thương sau vụ giẫm đạp. 27 người chết là phụ nữ, AP đưa tin.
Trong lễ hội Kumbh Mela, các tín đồ Hindu đổ về thành phố Allahabad - nơi sông Hằng và sông Yamuna gặp một dòng sông thứ ba - để gột rửa mọi tội lỗi bằng nước sông Hằng. Theo ước tính của nhà chức trách, số người tham gia lễ hội năm nay có thể lên tới 100 triệu. Riêng trong ngày 10/2, khoảng 30 triệu người đã tới thành phố Allahabad để rửa sạch tội lỗi.
Giới chức địa phương cung cấp thông tin trái ngược nhau về diễn biến của thảm họa. Một quan chức ngành đường sắt kể rằng cảnh sát đã dùng dùi cui để kiểm soát đám đông khiến hành khách hoảng loạn. Nhưng một quan chức bang nói tay vịn trên cầu dành cho người đi bộ ở nhà ga sập nên nhiều người trượt xuống cầu thang và họ giẫm đạp lên nhau.
"Do rất nhiều người trong đám đông và mức độ hoảng loạn rất cao nên lực lượng cứu hộ mất khá nhiều thời gian để đưa các thi thể ra khỏi hiện trường", ông R. M. Srivastava, người đứng đầu lực lượng an ninh tại bang Uttar Pradesh, nói.
Giẫm đạp là hiện tượng khá phổ biến trong những lễ hội tôn giáo lớn ở Ấn Độ. Vào năm 2008, do hoảng loạn, một đám đông giẫm đạp lên nhau khiến nhiều người rơi xuống một vực gần đền Naina Devi trên dãy núi Himalaya. 145 người thiệt mạng bởi sự kiện này.
Để ngăn ngừa nguy cơ giẫm đạp, chính quyền bang Uttar Pradesh huy động vài nghìn cảnh sát và tình nguyện viên để kiểm soát các đám đông trong lễ hội Kumbh Mela. Họ dàn hàng trên bờ sông Hằng khi các tín đồ lao xuống nước để tắm.
Theo VNE
Thành phố của những góa phụ Vrindavan, thành phố ở miền Trung Ấn Độ có tới 15.000 góa phụ sinh sống. 4.000 đền thờ nơi đây biến Vrindavan trở thành nơi trú ngụ yên bình giúp những người phụ nữ không may thoát khỏi sự kỳ thị, ghẻ lạnh của những người xung quanh. Thành phố Vrindavan - Thành phố của những ngôi đền cổ và những góa phụ...