Thanh niên Trung Quốc đua nhau bỏ việc, chẳng cần kế hoạch dự phòng
Công việc ít thăng tiến, đãi ngộ kém và áp lực cao, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc theo đuổi xu hướng “naked resignation” – nghỉ việc mà không có chuẩn bị trước.
Tháng 5 vừa qua, câu chuyện về cặp vợ chồng 26 tuổi ở thành phố Hàng Châu hai lần nghỉ việc đột ngột trong vòng 3 năm gây chú ý trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Mỗi lần nghỉ việc, đôi trẻ lại lên đường đi du lịch khắp cả nước trong khoảng 6 tháng.
Tổng cộng, hai vợ chồng đã đi được hơn 86.000 km và tiêu khoảng 500.000 nhân dân tệ (khoảng 72.000 USD).
Trong khi một số dân mạng thắc mắc về nguồn gốc số tiền họ đã chi tiêu trong thời gian đi du lịch, số khác lại bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của cặp vợ chồng trẻ.
Những năm gần đây, số người trẻ nghỉ việc đột ngột mà không cần kế hoạch dự phòng trước ngày càng nhiều tại Trung Quốc.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Sixth Tone về xu hướng nghỉ việc được gọi là “naked resignation” tại đất nước tỷ dân.
Cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc nghỉ việc để đi du lịch. Ảnh: Sixth Tone.
Tuổi trẻ không muốn gắn chặt bên bàn làm việc
Một cuộc khảo sát trên trang LinkedIn vào tháng 8 năm ngoái cho thấy những người Trung Quốc sinh từ năm 1995 dành trung bình 7 tháng cho công việc đầu tiên của mình.
Ngược lại, người được sinh ra vào những năm 80 làm việc trung bình 43 tháng cho công việc đầu tiên trước khi nhảy việc. Con số này ở những người sinh vào các năm từ 1990 đến 1994 là 19 tháng.
Cuộc khảo sát trên trang web tuyển dụng 51job cũng cho thấy 64% số người được hỏi đã chủ động từ chức trong lần cuối cùng họ thay đổi công việc, tăng 10% so với quý trước.
Theo đó, 3 lý do nghỉ việc phổ biến nhất được đưa ra là: công việc ít thăng tiến, không có nhiều cơ hội phát triển bản thân và không hài lòng với chế độ lương thưởng.
Thậm chí trên nhiều trang mạng, nhiều người còn tự châm biếm công việc của bản thân với những cụm từ như: “Tiền ít, việc phải làm thì nhiều, lại còn sống xa gia đình” hay “Địa vị thấp, ít quyền lực, trách nhiệm thì nhiều”.
Công việc áp lực, đãi ngộ kém là một trong những lý do khiến nhiều người trẻ Trung Quốc muốn bỏ việc. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Về lý thuyết, luật lao động Trung Quốc quy định một ngày làm 8 tiếng, 44 tiếng/tuần, thời gian làm thêm không quá 3 giờ/ngày hoặc 36 giờ/tháng. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực thi các quy định này khá lỏng lẻo và việc nhân viên phải làm thêm giờ mà không được trả lương là chuyện bình thường.
Theo Yang Heqing – nhà nghiên cứu và chuyên gia về làm việc quá sức tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh (Bắc Kinh, Trung Quốc) – hơn 30% đối tượng khảo sát của ông, chủ yếu là nhân viên văn phòng, làm việc tới 50 giờ/tuần, 10% làm việc hơn 60 giờ/tuần.
Một khảo sát của trang Zhaopin.com cũng cho thấy 80% người được hỏi nói họ không nhận được tiền lương làm thêm giờ.
Với những áp lực và sự chán chường ấy, không lạ khi ngày càng nhiều người trẻ tại đất nước tỷ dân nghĩ đến chuyện từ bỏ công việc hiện tại của mình.
Zeng Yull – một nhà văn chuyên viết về những vấn đề của người trẻ Trung Quốc – cho biết một người bạn làm trong ngành truyền thông của ông cũng đã xin từ chức đột ngột vào đầu năm nay.
Theo người này, khi làm việc trong môi trường truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, cô không bao giờ có được sự nghỉ ngơi thực sự. Dù không còn ngồi bên màn hình máy tính, cô vẫn phải chú ý cập nhật những xu hướng mới nhất trên mạng và luôn sẵn sàng để viết bài.
Dám nghĩ, dám làm
Những năm gần đây, xu hướng nghỉ việc “naked resignation” cho thấy sự thay đổi thái độ nhanh chóng của người trẻ Trung Quốc đối với công việc.
Trong một cuộc phỏng vấn, cặp vợ chồng ở Hàng Châu bỏ việc để đi du lịch từng nói rằng điều họ làm chính là thứ 99% người trẻ ao ước. Thay vì kiên nhẫn đợi đến khi có đủ tiền và thời gian để tận hưởng, họ chỉ đơn giản là ngay lập tức theo đuổi điều mình muốn.
“Là những người được sinh ra trong thập niên 90, chúng tôi không hối hận về những gì mình đã làm”, người chồng nói.
Ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc nghỉ việc mà không cần kế hoạch dự phòng. Tranh: Sixth Tone.
Cũng theo nhà văn Zeng, nhóm tuổi này đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Sau khi nghỉ việc, một số sử dụng tiền tiết kiệm để tự thưởng một chuyến du lịch dài ngày. Số khác lại chẳng muốn làm gì, đơn giản là tận hưởng ở nhà đến khi tiêu hết tiền tiết kiệm rồi tìm công việc mới.
“Nói theo cách của những người đi theo con đường truyền thống thì một chu trình hoàn hảo sẽ là: học hành chăm chỉ, đỗ vào một trường đại học danh tiếng, tìm công việc ổn định, tiết kiệm tiền rồi mua nhà, tìm một người ‘phù hợp’ để kết hôn, sinh một hoặc 2 đứa con rồi tìm mọi cách có thể để hỗ trợ chúng bắt đầu lại ‘vòng tuần hoàn’ tương tự. Trong chu trình đó, ‘naked resignation’ không phải là một điều được hoan nghênh”, ông Zeng nhận định.
Cũng theo ông, một khi đã có con, có một khoản thế chấp mua nhà cần phải trả, thì dù công việc có nhàm chán, áp lực, bạn cũng không thể dễ dàng thoát ra.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận lợi ích của việc sống một cuộc đời “truyền thống”: có công việc, có nhà, có xe và một gia đình yêu thương. Với nhiều người, đó được coi là một cuộc đời thành công.
Một thế hệ nghĩ khác
Không ngạc nhiên khi một bộ phận người trẻ Trung Quốc đang nhận ra rằng họ không muốn sống một cuộc đời với giấc mơ “tầng lớp trung lưu”, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống tiêu chuẩn để đi tìm ý nghĩa cuộc sống ở một nơi khác.
“Rốt cuộc, có thực sự cần làm việc bán sống bán chết chỉ để mua một ngôi nhà quá đắt? Hay buộc bản thân phải kết hôn và có con dù việc đó chỉ đem lại nhiều áp lực và căng thẳng?”, nhà văn Zeng đặt câu hỏi.
Đặc biệt, với những người thuộc thế hệ 9X, 10X, việc nói “không” với một cuộc sống được cha mẹ sắp đặt sẵn cũng là một cách để thể hiện lập trường bản thân hay phản đối văn hóa cuồng bất động sản ở Trung Quốc.
Bằng cách không mua nhà, họ tự giải thoát bản thân khỏi chiếc bàn làm việc và sống tự do theo cách mình muốn.
“‘Naked resignation’ (từ chức đột ngột) không chỉ là về công việc, nó còn là lời từ chối một cuộc sống được lập trình sẵn”, ông Zeng nhận xét.
Theo Zing
Nam giới Trung Quốc 20 tuổi đã hói đầu vì áp lực công việc, kết hôn
Sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, ăn thiếu chất, lười vận động là nguyên nhân khiến quá nửa thanh niên Trung Quốc bị rụng tóc nhiều hơn.
Yu, một giảng viên đại học, từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ, cho biết anh bắt đầu để ý và ngăn ngừa rụng tóc từ khi còn là sinh viên năm hai.
Như nhiều người sinh sau năm 1980 tại Trung Quốc, Yu rất quen thuộc nhưng lại đặc biệt dị ứng với cụm từ "gần như hói".
Anh chàng chưa bước qua tuổi 30 nhưng mái tóc còn thưa thớt hơn người bố đã gần 60 tuổi của mình.
Zing.vn trích dịch bài viết trên China Daily và South China Morning Postvề câu chuyện giới trẻ, chủ yếu là nam giới Trung Quốc ngày nay rụng nhiều tóc hơn, hói đầu sớm hơn các thế hệ trước vì những áp lực cuộc sống và chế độ sinh hoạt không lành mạnh.
Làm việc đến hói cả đầu
Một khảo sát công bố vào cuối tháng 5 cho thấy nhiều người Trung Quốc bị hói đầu từ khi còn rất trẻ. Những người ở độ tuổi 20 đang phải chật vật vì tình trạng tóc rụng, tóc thưa nghiêm trọng hơn các thế hệ trước.
Hơn 250 triệu thanh niên, chủ yếu là nam giới, phàn nàn về tình trạng rụng tóc của mình. Thế hệ sinh sau những năm 1980, chiếm hơn 70% dân số, nói họ lo lắng mình sẽ mất hết tóc trước năm 30 tuổi.
Giống như nhiều thanh niên Trung Quốc băn khoăn về mái tóc mỏng, Yu nói rằng căng thẳng trong công việc và áp lực khi bị cha mẹ thúc ép chuyện kết hôn khiến vấn đề của anh thêm nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, ngoài áp lực từ công việc cuộc sống, đàn ông Trung Quốc đang rụng tóc nhiều hơn vì giờ giấc, chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh. Ảnh: Sunday Times.
Theo Jia Lijun, bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thâm Quyến, việc rụng tóc mỗi ngày là chuyện bình thường. Thông thường, một người có thể rụng từ 50-100 sợi tóc.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố như căng thẳng, lười vận động, thức khuya, chế độ ăn thiếu chất... trong cuộc sống hiện đại có thể khiến những người trẻ tuổi đang rụng tóc nhiều hơn bình thường.
Căng thẳng trong công việc là nguyên nhân chính của chứng rụng tóc ở người trẻ vừa ra trường, đi làm. Hói đầu dường như ngày càng trẻ hóa.
Trong một cuộc khảo sát tại 643 trường đại học của China Youth Daily, hơn một nửa số sinh viên cho biết họ bị rụng tóc. Hơn 60% đã thực hiện các biện pháp để cải thiện tình trạng tóc mỏng, bao gồm cấy tóc, đội tóc giả, sử dụng thuốc và các sản phẩm chăm sóc tóc.
Dịch vụ chăm sóc tóc, da đầu phất lên
Tan Wenyong, bác sĩ của Bệnh viện Thâm Quyến thuộc Đại học Y khoa phía Nam, cho rằng giới trẻ Trung Quốc ngày càng ý thức được tình trạng chung và đang đầu tư chăm sóc hơn cho mái tóc của mình.
Từ một lĩnh vực ít được quan tâm, chăm sóc tóc và da đầu giờ đây đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ nhân dân tệ.
Nam giới Trung Quốc chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chăm sóc tóc, da đầu trước nguy cơ bị hói ở tuổi 20. Ảnh: IC.
Dữ liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy ngành công nghiệp chăm sóc tóc của nước này sẽ tăng trưởng 260% mỗi năm trong thập niên tiếp theo.
Chi tiêu của người dân thành thị cho các sản phẩm chăm sóc tóc và điều trị rụng tóc sẽ tăng 30% trong những năm tới.
Taobao, trang web mua sắm trực tuyến lớn tại Trung Quốc, cho biết các sản phẩm trị rụng tóc luôn nằm trong danh sách 40 mặt hàng bán chạy nhất những năm gần đây. Người tiêu dùng dưới 30 tuổi chiếm hơn 40% doanh số.
Đầu tháng 2, Yu đã chi gần 100.000 nhân dân tệ (khoảng 345 triệu đồng) để cấy tóc.
"Dù mất gần hết tiền tiết kiệm cho cuộc phẫu thuật, tôi vẫn thấy nó đáng giá. Tôi cảm thấy hài lòng, tự tin hơn với mái tóc hiện tại", Yu nói.
Theo Zing
Độ ta không độ nàng: Phía sau câu nói gây ám ảnh mạng xã hội mấy ngày qua 'Độ ta không độ nàng' là một từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, lời Việt của ca khúc cũng như trào lưu này đang gây ra nhiều tranh cãi. Chỉ sau vài ngày xuất hiện tại Việt Nam, bài hát 'Độ ta không độ nàng'cover đã nhanh chóng lọt vào top 6 trending của Youtube và...