Thanh niên tàn tật ở Nghệ An nhiệt tâm sửa chữa xe đạp cũ tặng học sinh nghèo
Dẫu cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân bị tàn tật, nhưng anh Trần Văn Thành (29 tuổi) ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương vẫn nhiệt huyết với công việc thiện nguyện, mong muốn chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng.
Vươn lên từ hoạn nạn
Có mặt tại nhà Thành ở xóm Thanh Sơn, xã Đại Đồng, khi anh đang nỗ lực sửa chữa chiếc xe đạp cũ để tặng cho con em Hội Người mù huyện Thanh Chương, chúng tôi thật sự không khỏi cảm phục trước công việc mà anh đang làm.
Thành cho biết, anh đã gắn bó với hoạt động thiện nguyện từ nhiều năm trước, nhưng sửa chữa xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo thì mới bắt đầu thực hiện từ ra Tết tới nay.
Anh Trần Văn Thành – chàng trai tàn tật đam mê thiện nguyện. Ảnh: Huy Thư
Nhìn chàng thanh niên đi cà nhắc vì một chân bị teo và đôi tay vẹo ngón làm việc một cách nỗ lực, cười nói lạc quan, ít ai biết rằng Thành đã phải cố gắng rất nhiều để vượt qua hoạn nạn.
Học xong lớp 9, Thành học sửa chữa ô tô và đi làm tại Hải Phòng. Trong quá trình làm việc, do bất cẩn, anh bị máy ép thủy lực ép gãy, tật 2 ngón tay cái (2009). Sau khi bình phục, anh lại ra Hà Nội làm bảo vệ cho một công ty xây dựng. Năm 2014, vụ “cố ý gây thương tích” của một lái xe trong công ty đã khiến anh phải đi cà nhắc suốt đời.
Đêm đó, trong ca trực vừa bảo vệ, vừa nhận hàng, anh đã bị 1 lái xe cố ý tông vào người khiến anh bị nát xương 1 chân. Những ngày nằm trên giường bệnh, anh đau khổ, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Có lúc Thành rơi vào bi quan, chán nản, đã nghĩ đến cái chết.
Sau 2 lần tai nạn, Thành bị tật cả tay lẫn chân. Ảnh: Huy Thư
“Dạo đó, em đã mua sẵn một chai thuốc trừ sâu để đầu giường. Nhiều đêm em không ngủ vì phải đấu tranh tư tưởng giữa sống và chết. Em thật sự muốn chết để vĩnh viễn khép lại cuộc sống này, nhưng nghĩ đến bố mẹ mình nuôi mình khôn lớn chưa báo hiếu được gì, nếu em chết chỉ gây thêm đau khổ cho gia đình, nên em đã từ bỏ chuyện chết, để sống để vươn lên” – Thành chia sẻ.
Từ một thanh niên bình thường, sau 2 lần gặp nạn, anh đã trở thành người tàn tật cả tay lẫn chân. Ước mơ đi làm ăn xa kiếm được nhiều tiền để về giúp gia đình của anh gián đoạn. Sau khi lành vết thương ở chân, đi lại nhúc nhắc, Thành vội hành nghề sửa chữa xe đạp tại nhà, rồi đi Hải Phòng làm nghề bán hàng rong, bán rau quả… để mưu sinh.
Công việc ở Hải Phòng giúp anh có thêm những người bạn mới, những trải nghiệm mới. Chuyến đi miền núi trao quà cho trẻ em nghèo ở Hà Giang (2017), được tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của người dân vùng cao, khiến anh gắn bó với hoạt động thiện nguyện.
Bàn chân phải bị dị tật của Thành. Ảnh: Huy Thư
Tại đất Cảng, anh đã tham gia câu lạc bộ “Khát vọng sống Hải Phòng”, nhiệt thành trong các hoạt động cộng đồng như thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình hoàn cảnh, người già cô đơn, học sinh nghèo… “Thời gian làm việc ở Hải Phòng, em cũng không kiếm được nhiều tiền gửi về để giúp gia đình, mà chủ yếu tập trung vào các chương trình thiện nguyện, đi vùng sâu, vùng xa. Nhiều khi không có tiền túi, em cũng mượn tiền của bạn bè để tham gia” – Thành cho biết.
Sửa chữa, trao tặng xe đạp cũ, lập câu lạc bộ tình thương
Với tâm nguyện “cho đi là còn mãi”, “giúp người như giúp mình”, Thành đã rất nhiệt tâm trong các hoạt động thiện nguyện ở Hải Phòng và quê hương. Ba năm qua, kể từ Tết Nguyên đán năm 2019, mỗi lần về quê ăn Tết, Thành đều kêu gọi, vận động quyên góp, tổ chức chương trình tặng quà cho người khuyết tật, một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thành đang sửa chữa xe đạp cũ tại nhà. Ảnh: Huy Thư
Mỗi chương trình được Thành chuẩn bị chu đáo, kết nối với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và trực tiếp đi tặng quà cho các hộ dân. Theo Thành “Làm vậy để góp phần động viên họ có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”.
Về quê trước Tết đến nay, Thành đã phối hợp với anh Đinh Hữu Tuệ, một người dân trong xã, tham gia hoạt động sửa chữa xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo. Có sẵn nghề cũ trong tay, là “thợ xịn”, anh có thể làm hết mọi khâu lắp ráp, sửa chữa, thay thế phụ tùng, biến những chiếc xe đạp cà tàng thành những chiếc xe chỉn chu để các em học sinh có thể đến trường.
Thời gian qua, Thành vừa kêu gọi, quyên góp kinh phí để mua phụ tùng, vừa tham gia sửa chữa xe đạp. Anh làm việc cả ở xưởng cơ khí của anh Tuệ lẫn ở nhà riêng. Thấy Thành làm việc có ý nghĩa một số nhà hảo tâm, anh em, bạn bè đã hưởng ứng, động viên.
Với nghề sửa xe sẵn có Thành đã biến những chiếc xe đạp cà tàng thành những chiếc xe đạp mà các em học sinh có thể sử dụng để đi học. Ảnh: Huy Thư
Trung tuần tháng 3 này, Thành đã hoàn thành việc sửa chữa 5 chiếc xe đạp để nhóm thiện nguyện đi trao tặng cho các em học sinh nghèo ở xã Thanh Xuân. Hiện anh đang sửa 2 chiếc xe đạp khác để trao tặng cho con em Hội Người mù huyện Thanh Chương.
Anh Đinh Hữu Tuệ cho biết: Trước khi về Tết, Thành đã gửi tiền cho tôi để tôi mua xe đạp cũ về, sửa tặng học sinh nghèo. Hôm đó, tôi đánh xe lên nhà Thành chơi, thấy hoàn cảnh gia đình em cũng khó khăn nên chỉ nhận có một phần. Nay Thành về quê tham gia sửa xe thiện nguyện, tôi thật sự cảm phục ý chí, nghị lực, tấm lòng của em”.
Thành (ngoài cùng bên phải) trong đợt trao xe đạp cũ cho học sinh nghèo. Ảnh: Huy Thư
Giúp được ai cứ giúp khi mình còn có thể
Không dừng lại ở đó, Thành còn lập Câu lạc bộ “Khát vọng sống” mong muốn tập hợp những người khuyết tật, tàn tật, có cùng cảnh ngộ ở trong huyện để giao lưu, học hỏi, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Đặc biệt là những người có cùng tâm nguyện hướng đến những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Thành đã lập group CLB “Khát vọng sống” trên facebook để kết nối thành viên và đăng bài kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. “Lập CLB này, em cũng không mong muốn gì hơn ngoài việc kết nối với mọi người, để giúp đỡ, chia sẻ được nhiều hoàn cảnh hơn nữa” – Thành cho biết.
Thành trao tiền mà anh quyên góp giúp đỡ gia đình hoàn cảnh cho Bí thư Đoàn xã Thanh Xuân (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Là người con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em, bố từng bị bệnh thần kinh, mẹ Thành – bà Nguyễn Thị Tư (62 tuổi) hiện đang mắc nhiều căn bệnh như tiểu đường, sỏi thận, đau dạ dày… đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện, mọi công việc gia đình đều do Thành lo liệu, hết làm việc nhà, lại đi bệnh viện chăm mẹ.
Tuy vậy, anh vẫn nhiệt tâm với công việc thiện nguyện của mình. Thành cho biết, anh sẽ không đi Hải Phòng bán rau quả nữa, mà ở nhà bán nước mía mưu sinh, để có thời gian đỡ đần bố mẹ và tổ chức được nhiều hơn các chương trình thiện nguyện ở quê hương.
Thành đi trao quà cho các gia đình hoàn cảnh trong huyện. Ảnh: Huy Thư
Với chàng trai tàn tật Trần Văn Thành, thiện nguyện như là một phần của cuộc sống. Anh cho rằng, nếu ngày trước chỉ ước mong được đi xa để kiếm tiền thì bây giờ chỉ mong được khỏe mạnh để làm thiện nguyện. “Em không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc, miễn rằng giúp được mọi người. Em nghĩ làm thiện nguyện bằng tâm, mình giúp được ai cứ giúp khi mình còn có thể” – Thành chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, nghĩa cử thiện tâm của anh “Thành thọt” đã được người dân địa phương ghi nhận. Ông Phan Văn Hậu – Thôn trưởng thôn Thanh Sơn, xã Đại Đồng cho biết: Anh Trần Văn Thành là người tàn tật, nhưng với tấm lòng nhân ái, anh đã vượt lên nghịch cảnh, tổ chức được các chương trình thiện nguyện có ý nghĩa, khiến bà con trong và ngoài xã cảm phục. Nếu có sự chung tay, góp sức, đồng hành của nhiều người, chắc chắn chương trình thiện nguyện của Thành sẽ lan tỏa hơn nữa.
Anh Trần Văn Thành sửa chữa xe đạp cũ tặng học sinh nghèo. Video: Huy Thư
Kè biển tại thị xã Cửa Lò bị hư hại nặng
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số bão số 7 và bão số 9, kè biển ở bãi biển Cửa Lò ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) bị sóng biển đánh hư hỏng nặng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hệ thống kè ở quảng trường Bình Minh bị sóng đánh vỡ toác.
Thời gian qua do ảnh hưởng liên tiếp của hoàn lưu bão số 7 và số 9 với mưa to kéo dài, cường độ sóng rất mạnh kết hợp với triều cường dâng cao gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của thị xã Cửa Lò. Đã có nhiều công trình, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phía đông đường Bình Minh bị hư hỏng nặng nề, nhất là hệ thống kè biển.
Do hệ thống kè biển đoạn từ K0 000 đến K4 400 (từ đảo Lan Châu đến ngã ba Cửa Hội) chưa được thi công khép kín hoàn toàn, sóng lớn kết hợp với thủy triều dâng cao đã đánh và làm hỏng hoàn toàn và cục bộ khoảng 2,5km kè biển cùng đường dạo bộ và hệ thống cây xanh tại khu vực này, xâm thực vào sâu trong đất liền, ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của nhân dân cùng hạ tầng kỹ thuật của thị xã đã được xây dựng dọc theo bờ biển Cửa Lò. Nhất là đoạn kè, từ K0 150 đến K 360 và đoạn K 450 đến K 640: Kè bằng đá hộc xây, mặt kè kết hợp đường dạo bộ và hệ thống cây xanh bị sạt lở và đổ sập hoàn toàn.
Sóng biển phá hỏng bờ kè, làm hư hại hệ thống ki-ốt dọc bờ biển, tạo "hàm ếch" rất nguy hiểm.
Đoạn từ K2 280 đến K2 682, thuộc khu vực quảng trường Bình Minh, là nơi thường xuyên tập trung đông người, bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn bộ thân kè bị sập hoàn toàn, chân kè bằng hệ thống ống buy bị sóng đánh gây chuyển vị và đổ nghiêng ra phía biển.
Đoạn từ K3 275 đến K3 435, phía nam quảng trường Bình Minh, kết cấu bằng kè bê-tông trọng lực đã bị nứt gãy, nghiêng và đổ sập hoàn toàn. Đường dạo bộ, bị sụt lún và cuốn trôi. Nhiều ki-ốt của các hộ kinh doanh ở dọc bờ biển (phía đông đường Bình Minh) đã bị xói lở nền vào sâu 2-3m và hư hỏng nghiêm trọng, có khả năng sẽ bị cuốn trôi khi có bão tiếp.
Nhiều cây xanh to cũng bị gãy đổ, bật gốc nằm ngổn ngang bên bờ biển. Hệ thống kè bị vỡ khiến lớp nền cát phía dưới bị sóng đập mạnh vào tạo thành những "hàm ếch" vào sâu bên trong vô cùng nguy hiểm...
Những người dân kinh doanh ở dọc bờ biển Cửa Lò cho biết, chưa năm nào bờ kè bãi biển Cửa Lò bị mưa bão phá hủy như năm này. Không chỉ kè hỏng, đường dạo bộ bị đứt gãy mà tất cả các cửa hàng ven biển đều bị hư hại nghiêm trọng. Mái tôn và đồ đạc đều bị gió và sóng làm móp méo, hư hỏng...
"Nếu hệ thống kè này không sớm được khắc phục thì chỉ một vài trận bão nữa, ki-ốt của chúng tôi cũng bị cuốn ra biển. Do đó, các hộ kinh doanh ở dọc bờ biển Cửa Lò mong muốn chính quyền sớm khắc phục sự cố để các hộ kinh doanh mở cửa làm ăn trở lại, vực dậy sau đại dịch Covid-19 và thiên tai", Chủ nhà hàng Hương Tha - ki-ốt 29 tại biển Cửa Lò, mong muốn.
Phá hỏng hệ thống đường dạo bộ và hệ thống cây xanh.
Những ngày qua, thị xã Cửa Lò đã huy động lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ cùng hàng trăm người dân dùng bao tải cát để gia cố, nhất là những điểm sạt lở ăn sâu vào các ki-ốt để ngăn biển xâm thực sâu vào đất liền; khôi phục lại hệ thống cây xanh bị đổ ngã. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Trưởng phòng Quản lý đô thị Cửa Lò, Hoàng Năng Hiệp cho biết, UBND thị xã đã có văn bản đề nghị tỉnh Nghệ An hỗ trợ 28 tỷ đồng, khắc phục cấp bách thiệt hại do bão lụt làm hư hỏng hệ thống kè biển này cũng như các công trình và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phía đông đường Bình Minh, hoàn thành trước mùa du lịch năm 2021.
Thái Nguyên: Trồng cây lạ leo tràn lan, ra thứ hoa đặc sản bán đắt tiền, ông nông dân này bất ngờ giàu hẳn lên Ông Hoàng Văn Thắng, xóm Đồng Đình, xã Vũ Chấn (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), một nông dân mạnh dạn đưa cây hoa thiên lý về trồng trên đồng đất quê mình để xóa nghèo. Bà Mai Kim Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Chỉ sau 3 tháng đặt hom giống, gia đình ông đã hái được...