Thành Lương sắp được ‘giải cứu’
Nếu không có thay đổi lớn nào phút chót, Thành Lương sẽ đầu quân cho đội bóng của bầu Hiển, CLB Hà Nội T&T.
Cần dưới 5 tỷ đồng để Thành Lương chia tay CLB Hà Nội. Ảnh: LH.
Hôm qua, Giám đốc điều hành CLB Hà Nội CLB Lê Xuân Thông lên tiếng về trường hợp của Thành Lương. Ông Thông tiết lộ, giữa lãnh đạo CLB Hà Nội và Hà Nội T&T đã có cuộc tiếp xúc với nhau để thỏa thuận về vấn đề đền bù hợp đồng cho Thành Lương. Quan điểm của CLB Hà Nội là không giữ Thành Lương bằng mọi giá, nên sẵn sàng hạ mức đền bù từ 5 tỷ xuống thấp hơn. Còn thấp cụ thể thế nào, theo ông Thông chỉ cần thấy hợp lý là được.
Trước đó, Thành Lương đã xin phép lãnh đạo đội bóng được ra đi và nhận được sự đồng ý ngay. “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để các cầu thủ có cơ hội tìm đội bóng mới. Họ cứ thử việc thoải mái, nhưng trước khi ký hợp đồng, cần phải báo cáo và làm rõ vấn đề đền bù với CLB”, ông Thông nói.
Video đang HOT
Thành Lương chẳng hề giấu giếm ý định đầu quân cho Hà Nội T&T, đội bóng có tham vọng và tiền vệ này cũng được ở gần vợ con. Vấn đề mấu chốt hiện tại, là Hà Nội T&T và CLB Hà Nội sẽ thống nhất mức giá như thế nào cho hợp lý. Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội khẳng định với tài năng của Thành Lương, không chỉ có ông mà rất nhiều đội bóng khác đều muốn có sự phục vụ của tiền vệ này. Tuy nhiên, việc đưa ra vài tỷ đồng để đền bù trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay, cần phải được cân nhắc kỹ.
Dường như lãnh đạo hai CLB đang chờ xem ai chịu xuống nước xung quanh chuyện đền bù hợp đồng với Thành Lương. Có thông tin, lãnh đạo CLB Hà Nội sẵn sàng hạ xuống còn 3 tỷ đồng, nhưng ông Thông phủ nhận thông tin này. “Cho đến thời điểm hiện tại, mức giá chưa được chốt lại. Tôi chỉ có thể khẳng định là CLB Hà Nội sẵn sàng hạ giá, nhưng phải hợp lý”, ông Thông cho biết.
Việc phía CLB Hà Nội tạo mọi điều kiện tốt nhất để Thành Lương ra đi cũng là điều dễ hiểu. Việc hàng tháng phải trả lương theo đúng điều khoản hợp đồng đang trở thành gánh nặng với đội bóng. Thậm chí có thông tin quỹ lương của CLB sẽ chỉ đủ dùng đến hết năm 2012. Việc có thêm vài tỷ đồng từ đền bù hợp đồng của Thành Lương và sắp tới có thể sẽ là Công Vinh, sẽ giúp lãnh đạo CLB trang trải được rất nhiều trong bối cảnh hiện tại.
Lúc này, CLB Hà Nội vẫn đang giới thiệu chuyển nhượng 5 cầu thủ cho Đồng Nai, tân binh của V-League 2013. Nhiều khả năng hai cầu thủ Phan Thanh Vân và Trần Hữu Hoàng sẽ được CLB này tiếp nhận. Như vậy, ngoài Xuân Thành đã được Thanh Hoá mượn, Công Vinh và Thành Lương cũng đều có hướng để ra đi, thì những cầu thủ khác đang gần như khó xin việc ở thời điểm hiện tại. HLV Hoa Mạnh Hưng cho biết: “Các CLB khác gần như đã đủ quân số, thậm chí còn đang tối giản nên rất khó để cầu thủ tìm được việc ngay trong mùa giải 2013″.
Theo Ngoisao
Cầu thủ Việt sau thất nghiệp là tệ nạn
Không vơ đũa cả nắm, nhưng khi cầu thủ không còn cơ hội chơi bóng, họ rất dễ bị dính vào tệ nạn xã hội.
Cầu thủ dễ dính vào tệ nạn xã hội. Ảnh: BĐP.
Trung bình mỗi một đội bóng ở V-League hay hạng nhất có khoảng 30 cầu thủ. Như vậy, với 3 CLB V-League, 6 CLB hạng nhất, sau khi trừ đi những cầu thủ may mắn tìm được đội bóng mới, có không dưới 200 cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp. Không như các nền bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ Việt Nam thường không biết làm gì sau khi giải nghệ. Chính vì thế, họ càng gặp khó khăn khi bị "đứt gánh giữa đường".
Một số cầu thủ đã có sự chuẩn bị rất tốt cho "sân sau" của mình. Chẳng hạn như Thành Lương mở quán café, Tấn Trường có sân cỏ nhân tạo, một số cầu thủ khác biết kinh doanh, mở nhà hàng... Tuy nhiên, đây chỉ là số ít những cầu thủ biết lo cho tương lai của mình. Hầu hết cầu thủ Việt Nam đã sống theo nếp cũ, tức là cứ ăn tiêu bạt mạng, mua sắm vô tội vạ, nên giờ rơi vào cảnh thất nghiệp, chẳng còn gì trong tay.
Chẳng nói đâu xa, như tiền đạo Quang Hải nhiều năm lên tuyển và là trụ cột ở CLB, nhưng vì thú chơi... gà nên cầu thủ này đã tốn không ít tiền của. Chính vì thế, dù nhận mức lót tay gần 10 tỷ đồng, mức lương 55 triệu đồng mỗi tháng, sau 3 tháng không lương, Quang Hải rơi vào cảnh khó khăn đến thảm hại. Mới đây, thậm chí tiền đạo này còn bán cả xe để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trưởng BTC giải Trần Duy Ly thừa nhận, đa số cầu thủ đều không được học văn hóa đầy đủ như các nền bóng đá phát triển. Cầu thủ Việt Nam đa số đi lên từ các vùng quê hay bóng đá đường phố, nên ít ai có học thức cao. Thường thì sau khi có chút tiếng tăm và thành tích quốc tế, mới tính chuyện xin đi học Đại học như trường hợp của Công Vinh mới đây.
Cũng vì không được giáo dục chưa đến nơi, đến chốn mà các cầu thủ ngay từ đầu đã không có những định hướng cho tương lai của mình. Ai cũng biết là đời cầu thủ cùng lắm chỉ có chục năm thi đấu đỉnh cao, nhưng tất cả đã không biết tận dụng để kiếm chút vốn sau khi giải nghệ. Quen ăn chơi, mua sắm hàng hiệu, đốt tiền vào những trò tiêu khiển vốn dành cho các bậc thượng lưu, nên tiền kiếm vô số nhưng cũng chẳng còn là bao sau khi giải nghệ. Buồn hơn là khi không còn đủ sức chạy trên sân, cầu thủ cũng chẳng biết làm gì kiếm sống.
Người nào đá hay, chịu khó học hỏi và có chí tiến thủ thì may ra chuyển hướng sang làm HLV đội trẻ, rồi dần dần lên lão làng. Song với đa phần còn lại, đều không có hoạch định nào cho cuộc sống của mình.
Đáng lo ngại hơn là với lối sống buông thả, sau khi giải nghệ hay thất nghiệp, cầu thủ chính là những người dễ bị dính vào tệ nạn xã hội nhất. Những thông tin kiểu cựu cầu thủ đội A bị phát hiện sử dụng ma túy, cựu cầu thủ đội B bị chém... không hiếm nhiều năm qua. Dù không nhiều những vụ việc đáng tiếc, nhưng cũng đủ để cảnh báo về các cạm bẫy xã hội luôn rình rập cầu thủ.
Trở lại câu chuyện thất nghiệp của khoảng 200 cầu thủ ở hai giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam hiện tại, đang thực sự để lại nỗi lo với VFF và VPF. Các CLB vốn không trang bị kỹ năng sống đầy đủ cho các cầu thủ, VFF cũng chưa thành lập được Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, còn bản thân các cầu thủ cũng dễ sa ngã, nên chẳng ai có thể quản lý được số cầu thủ này khi họ ra ngoài xã hội. Những cầu thủ nếu may mắn được thanh lý hợp đồng, người ít cũng phải vài chục triệu, người nhiều vài trăm, thậm chí cả tỷ đồng, rất dễ bị lôi cuốn vào các trò tệ nạn xã hội.
Sau khi hàng loạt đội bóng giải thể, người ta chỉ lo giải đấu bị vỡ, bị ảnh hưởng uy tín... chứ ít ai nghĩ tới những số phận cầu thủ sẽ đi đâu, về đầu sau khi bị đẩy ra ngoài đường. Với ngần ấy cầu thủ thất nghiệp, xã hội sẽ có thêm những gánh nặng, hoặc chí ít là những lo lắng về sự sa ngã của những cầu thủ không được giáo dục tốt khi còn chơi bóng.
Theo Ngoisao
Thành Lương và tương lai màu xám Không tìm được bến đỗ mới ở mùa giải mới sẽ là một điều rất đáng tiếc với tiền vệ Thành Lương. Thành Lương chưa có bến đỗ sau khi CLB Hà Nội giải thể. Ảnh: Kỳ Lân. Thành Lương vốn trầm tính, ít nói, nên kể từ ngày trở về sau thất bại tại AFF Cup, anh ít khi xuất hiện trên...