Những người “truyền lửa’ giấu mặt của EURO 2012
– Họ là những BLV bóng đá “bí ẩn”, tiếng nói của họ quen thuộc với cả triệu thính giả nhưng gương mặt họ thế nào, họ đang sống, đang cháy hết mình cùng EURO ra sao thì rất ít người biết đến.
Trắng đêm cùng những BLV bóng đá phát thanh
Nguyên nhân tôi thực hiện bài ký sự này, bắt đầu từ câu hỏi của bác Hùng, một ông viên chức già về hưu máu mê bóng đá sống ngay đầu ngõ nhà tôi. “Tối nào đội mấy ông già hưu trí của bác cũng ngồi quây quần bên cái radio nghe bóng đá EURO, bọn bác không giống với mấy anh thanh niên trẻ, quen nghe đài rồi. Tối nào chả hết mình với EURO qua sóng phát thanh, mà chả biết mặt mũi mấy cái anh BLV nhà đài ra làm sao?”. Ấp ủ thực hiện một bài ký sự mùa EURO, lại cho ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, tôi quyết định vác balo máy ảnh, 11h đêm thẳng tiến đến 39 Bà Triệu khi biết Phòng thể thao của Đài tiếng nói Việt Nam có thực hiện tường thuật trực tiếp EURO.
Phóng viên VOV trực làm bản tin EURO
Trước đó, khi tôi bày tỏ ý định thực hiện một bài viết phản ánh về công việc của những Bình luận viên bóng đá tại Đài tiếng nói Việt Nam, anh Nguyễn Việt Anh, người phụ trách thể thao ở đây đã rất cởi mở: “Cứ lên đây thức trắng một đêm cùng bọn mình là sẽ hiểu ngay ấy mà.” Những phóng viên làm mảng thể thao trong nước ở khu vực phía Bắc, rất nhiều người biết đến anh Việt Anh, một con người thoải mái, thân thiện và luôn đầy trách nhiệm với công việc.
11h30, đón tôi ở Cổng đài tiếng nói Việt Nam là anh bạn Bùi Tiến Cường, một phóng viên thể thao trẻ, đầy nhiệt huyết của VOV. Sau những thủ tục ra vào thì tôi được đưa lên tầng 7, nơi làm việc của Phòng thể thao. Một tủ lạnh đầy…mì tôm, đấy là ấn tượng đầu tiên của tôi về nơi này. Không hẳn là phóng viên thể thao “nghèo” đến nỗi chỉ có mì tôm mà ăn trong suốt mùa EURO nhưng cũng như ở cơ quan tôi, phóng viên “trực chiến” làm bóng đá trắng đêm thì cứ mì tôm, bánh mì, những thứ đồ ăn đơn giản, nhanh gọn mà chống đói rất tốt mà sử dụng. Đôi khi công việc của một người làm thể thao bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian mà ăn uống cầu kì.
Hai BLV Việt Anh và Thành Lương đang tường thuật, bình luận trận đấu
Video đang HOT
12h00 đêm, những tiếng gõ máy tính vang lên trong không gian vắng lặng. Hai anh bạn đồng nghiệp của tôi là Tiến Cường và Ngọc Duy phụ trách làm bản tin đêm nay cắm cúi làm việc. Một bản tin phát thanh cần phải ngắn gọn, nhiều thông tin và phải được cập nhật nhanh nên những phóng viên ở đây khá là áp lực. Tuy vậy, hai anh bạn trẻ vẫn tươi cười: “Bọn mình quen rồi”.
Mùa EURO năm nay, sau khi có bản quyền, VOV tiến hành trực tiếp hầu như toàn bộ các trận đấu. Có 3 bình luận viên thực hiện tường thuật, bình luận trực tiếp các trận đấu là Nguyễn Việt Anh, Lê Thành Lương và Thành Nam. Một ê-kíp bình luận, tường thuật trận đấu của VOV gồm 2 bình luận viên. Từ những năm trước, VOV đã tiến hành tường thuật trực tiếp các trận đấu của các giải đấu bóng đá lớn trên thế giới như World Cup, với một BLV kì cựu được rất nhiều người biết đến là BLV Đình Khải. Với EURO năm nay, ê-kíp BLV của VOV gồm những người nhiều kinh nghiệm như BLV Việt Anh rồi một BLV mới toanh, lần đầu tiên lên sóng là Thành Nam.
Những người kể câu chuyện bóng đá
1h00, BLV Thành Lương chia sẻ: “Để tiến hành tường thuật một trận đấu của EURO, chúng tôi phải thu thập rất nhiều thông tin, bao gồm thông tin về đội hình, thành tích của mỗi đội, lịch sử những lần đối đầu, rồi những thông tin bên lề để cung cấp đến thính giả nghe đài. Đặc trưng của phát thanh là thính giả không nhìn thấy những diễn biến trên sân nên chúng tôi phải “kể” lại, phải “tả” lại từng tình huống, từng hành động của cầu thủ, rồi phải làm sao “kể” lại được trận đấu thành một chỉnh thể, nắm bắt được cái hồn của trận đấu, dùng ngôn ngữ phù hợp với phát thanh để truyền “lửa” trên sân đến thính giả. Cũng chính vì thế, một BLV của phát thanh khi tường thuật, bình luận trận đấu phải nói nhiều gấp 3-4 lần một BLV truyền hình nên khá là mệt”. Đã từng có chuyện, sau khi tường thuật xong một trận đấu, BLV Việt Anh bị khản tiếng, mất giọng một lúc khá lâu, đi ra khỏi ca-bin bình luận mà không thể trả lời được khi anh em đồng nghiệp chào hỏi, như thế đủ thấy công việc của BLV phát thanh vất vả đến thế nào.
Chân dung của những người “chỉ thấy tiếng chứ không thấy hình” – những BLV bóng đá “bí ẩn” nhất Việt Nam
1h45, hai bình luận viên Việt Anh và Thành Lương bước vào tường thuật trận đấu. Qủa là rất khó để miêu tả một cách rõ ràng công việc của một bình luận viên bóng đá phát thanh. Hai người thay phiên nhau tường thuật trận đấu, mắt dán vào màn hình TV, miệng nói và khi người này nói thì người kia lại nhìn vào một xấp tài liệu lớn trên bàn để cập nhật thông tin, tay ghi ghi chép chép thông số trận đấu.
Hai bình luận viên thì trôi theo trận đấu, “phiêu” theo cảm xúc, còn những người làm kĩ thuật đứng bên cạnh thì có thể gọi là “nín thở” theo dõi, đứng âm thầm để vận hành các thiết bị kĩ thuật âm thanh đảm bảo cho việc truyền tín hiệu.
3h00 sáng, trong khi hai BLV Việt Anh và Thành Lương tường thuật trận đấu, những người khác đã kịp có bản tin diễn biến bên lề trận đấu để đưa lên. 3h30 sáng, hai BLV rời phòng thu, họ trao đổi với nhau về những gì đã qua, rút kinh nghiệm cho những trận đấu sau. Tường thuật hai người nên có rất nhiều những câu chuyện vui vui, như việc anh Việt Anh cứ đến phiên mình là rất nhiều lần được hô “Vào, vào rồi” sau mỗi bàn thắng. Còn anh Thành Lương thì ở những trận đấu đã qua của EURO đã lập kỉ lục về việc tường thuật các tình huống bóng đã vào lưới nhưng bàn thắng không được công nhận.
Hết trận đấu, đã gần 4h sáng, tiếp tục làm việc để chuẩn bị cho trận đấu ngày hôm sau.
Khi tôi bấm máy để ghi lại một kiểu ảnh tập thể của ê-kíp làm thể thao của VOV, những phóng viên ở đây nói vui: “Bọn mình là những người giấu mặt. Có ai đó còn thắc mắc vui là hay là những người làm phát thanh toàn người xấu trai, chỉ được cái giọng nói hay. Nhầm đấy nhé, đội của bọn mình ở đây toàn thanh niên đẹp trai phong độ cả đấy.”
Anh Việt Anh cho tôi xem những tin nhắn của những thính giả nhiệt thành. Họ là những người lái xe đường dài, những công nhân làm ca, những người lính nơi biên cương xa xôi và vì điều kiện, họ chỉ có thể cập nhật thông tin, theo dõi bóng đá, dõi theo trái bóng EURO qua đài phát thanh. Và còn rất nhiều những cuộc điện thoại, những lời động viên chia sẻ của những người khiếm thị gửi đến với đầy những sự biết ơn. Những tình cảm của thính giả chính là động lực cho những người làm báo phát thanh tiếp tục hăng say với công việc đầy vất vả của mình.
3h45, BLV Việt Anh lại ngồi vào bàn, tiếp tục làm việc. Anh bảo mình lại phải tìm kiếm, cập nhật thông tin cho trận đấu sau hay xem có một thông tin nào đó mới không để làm bản tin. EURO vẫn đang sôi động, rực lửa, và những phóng viên thể thao của VOV vẫn đang âm thầm làm việc. Nhờ có họ mà EURO đến được với tất cả những người hâm mộ bóng đá ở những hoàn cảnh đặc biệt nhất, những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc.
Ngày 21-6, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày mà những người làm báo được tôn vinh, được nhận rất nhiều những tình cảm, những lời chúc tốt đẹp. Trong số những người làm báo trên khắp mọi miền Đất nước, có những BLV bóng đá phát thanh – những người làm báo, làm phóng viên rất đặc biệt, những người truyền lửa “giấu mặt” của EURO 2012.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đặng Phương Nam và cái duyên với nghề bình luận viên
Trong giới cầu thủ, hiếm người theo được nghề bình luận viên như cựu tiền đạo Thể Công.
Đặng Phương Nam và vợ. Ảnh: Mai Hương.
Ở nước ngoài, cầu thủ sau khi giải nghệ rất nhiều người trở thành những bình luận viên nổi tiếng. Lợi thế của cầu thủ khi làm bình luận viên chính là họ có một nền tảng chuyên môn vững chắc, khả năng quan sát nhanh và dĩ nhiên, có đủ thể lực để có thể bình luận cùng một lúc nhiều trận đấu. Tuy nhiên ở Việt Nam, rất hiếm cầu thủ trở thành bình luận viên. Chuyên môn có thừa nhưng đa số các cầu thủ lại không có khả năng diễn đạt trước ống kính. Cứ nhìn cảnh Quả bóng vàng Thành Lương lần thứ hai nhận danh hiệu cao quý nhưng chỉ nói lí nhí trong miệng là đủ thấy, để làm được một bình luận viên không phải dễ với bất cứ cầu thủ nào.
Trong giới bình luận viên, Phương Nam là cái tên không còn mới mẻ bởi dù sao, cựu tiền đạo Thể Công cũng có thâm niên khoảng 3-4 năm nay. Giọng nói không ấm như Quang Huy, ngôn ngữ không tếu như Long Vũ nhưng Phương Nam cũng có những nét rất riêng không lẫn vào đâu được.
Cái nghiệp bình luận viên đến với Phương Nam cũng rất tình cờ. "Hồi còn làm cầu thủ, bình luận viên Quang Huy hay phỏng vấn, thấy tôi trả lời lưu loát nên mời về cộng tác. Đầu tiên là AFF Cup, sau đó đến giải ngoại hạng Anh, V-League", Phương Nam tâm sự.
Tình cờ đến với nghề bình luận viên nhưng Phương Nam đã có những thần tượng từ rất lâu. Anh đã rất yêu quý và phục các bậc tiền bối đi trước. Từ hồi bé đã thích những bình luận viên kỳ cựu như bác Hoài Sơn, Đình Khải, sau này là Quang Tùng, Quang Huy, Long Vũ.
Hồi mới vào nghề, với "vốn liếng" chuyên môn có được sau nhiều năm chinh chiến, Phương Nam bắt đầu làm quen với nghề viết báo. Anh cộng tác cho một số tờ thể thao, ngòi bút lên hẳn. Khi đó, Nam từng tâm sự, không ngờ mình lại yêu thích cái công việc hoàn toàn xa lạ với giới cầu thủ như này đến thế. Có bố là ông Đặng Gia Mẫn cũng từng một thời là tiền vệ nổi tiếng của các đội Công nhân Nghĩa Bình và Công nghiệp Hà Nam Ninh. Ông Mẫn sau khi giải nghệ cũng là giáo viên. Phương Nam học được ở ông rất nhiều về nghiệp vụ sư phạm, yếu tố quan trọng giúp Nam dễ dàng "dấn thân" vào nghiệp bình luận viên.
Phương Nam kể: "Tất nhiên với công việc không phải sở trường của mình nên lần đầu tiên lên sóng bị run lắm. Tuy nhiên khi đã làm việc cùng những người chuyên nghiệp, mình bị cuốn theo câu chuyện, chỉ tập trung và việc phân tích tình huống, nên dần thấy tự tin hơn".
Cùng với Phương Nam, một đồng đội cũ của anh là Như Thuần cũng mới vào nghề. Phương Nam cho rằng, một bình luận viên bóng đá sẽ có lợi thế rất nhiều khi từng là cầu thủ. Ngoài chuyên môn tốt, nếu khả năng diễn đạt cũng tốt, một cầu thủ hoàn toàn có thể làm một bình luận viên. Tất nhiên không phải ai cũng nói tốt, nói hay như bây giờ. Phương Nam kể, thời gian đầu anh bị người xem chê nhiều lắm bởi không có nhiều kinh nghiệm trong công việc hoàn toàn mới này. Tuy nhiên rất may, đa số động viên thôi chứ không quá khắt khe. "Bởi vì có lẽ mình cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi trong giới cầu thủ lại theo được nghiệp bình luận viên. Người xem có lẽ cũng không quá khắt khe bởi họ cũng đã dành những tình cảm khi mình còn từng chơi bóng", Phương Nam kể lại hồi đầu mới theo nghiệp mới.
"Trước đây quan niệm của nhiều người thường cho rằng cầu thủ chỉ biết băm bổ đá bóng, thậm chí là đầu óc ngu si, tứ chi phát triển. Tôi đã quyết tâm theo nghề bình luận viên để mọi người thay đổi tư duy đấy. Cầu thủ có thể làm mọi thứ nếu có đam mê và chịu khó học hỏi...", Phương Nam chia sẻ.
Trong lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, Đặng Phương Nam không nổi như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian khoác áo đội tuyển Việt Nam cũng như Thể Công, Phương Nam luôn đặt những dấu mốc quan trọng của mình trên sân cỏ. Giờ thì ngoài đời, Phương Nam đang theo đuổi những mơ ước lớn, mà không phải cầu thủ nào cũng có thể làm được.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Szczesny và Wilshere "bay đêm" Chỉ vài tiếng sau khi Arsenal để thua Fulham 1-2, nhiều người phát hiện Szczesny (và một cầu thủ giấu mặt) mò tới một hộp đêm để giải khuây. Szczesny và Wilshere? Thậm chí, cánh săn ảnh còn chộp được vài hình ảnh của Szczesny và một cầu thủ giấu mặt của Arsenal trong một hộp đêm ở Mahiki. Sau gần 3 giờ,...