Thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền lập văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
Hỏi: Chúng tôi có doanh nghiệp ở Nhật Bản, hiện muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam thì cần phải thực hiện thủ tục gì? Thời gian được cấp phép trong bao lâu?
Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU – CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến sau:
Để có thể được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, doanh nghiệp anh/chị trước tiên cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 4; Điều 6 Nghị định 72/2006/NĐ-CP, ngày 25 tháng 7 năm 2006 Quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định 72/2006/NĐ-CP) gồm: Là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp; đã hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân; không thuộc các trường hợp không được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (thương nhân nước ngoài chỉ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam; thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép trong thời gian 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam; Có bằng chứng cho thấy việc thành lập Văn phòng đại diện gây phương hại đến quốc phòng an ninh, trật tư, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường, nộp hồ sơ không hợp lệ và không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; các trường hợp khác theo quy định pháp luật).
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2006/NĐ-CP; Khoản 3 Mục I, Khoản 1 Mục II Thông tư 11/2006/TT-BTM, ngày 28 tháng 9 năm 2006 Hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/2006/NĐ-CP (Thông tư 11/2006/TT-BTM); Khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định 120/2011/NĐ-CP, ngày 16 tháng 12 năm 2011 Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại (Nghị định 120/2011/NĐ-CP) gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu MĐ-1 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 11/2006/TT-BTM;
2. Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải có ít nhất là 01 năm;
3. Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất. Các tài liệu khác có giá trị tương đương bao gồm: văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất do cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài cấp hoặc các văn bản khác được tổ chức độc lập, có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.
4. Bản sao Điều lệ hoạt động của thương nhân đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế.
Các giấy tờ trên phải dịch ra Tiếng Việt, được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bản dịch, bản sao phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Số bộ hồ sơ cần phải nộp là 01 bộ.
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 72/2006/NĐ-CP, thủ tục xin phép thành lập Văn phòng đại diện được thực hiện như sau:
1. Thương nhân nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đến Sở Công Thương tại địa phương nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở. Hồ sơ có thể được gửi trực tiếp; qua đường bưu điện, công văn hành chính; mạng điện tử.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương hoàn thành việc thẩm định và cấp cho thương nhân nước ngoài Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Công thương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan Thuế; Cơ quan Thống kê, Cơ quan công an cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Công thương phải thông báo bằng văn bản để thương nhân nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
3. Trong trường hợp hết thời hạn nêu trên mà không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thì Sở Công thương phải thông báo bằng văn bản cho thương nhân nước ngoài về lý do không cấp giấy phép.
Sau khi được cấp Giấy phép thành lập, Văn phòng đại diện phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Mục IV Thông tư 11/2006/TT-BTM. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
Như vậy, doanh nghiệp anh/chị có thể căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp và áp dụng các quy định pháp luật mà chúng tôi viện dẫn ở trên để thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Video đang HOT
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm (Quy định tại Điều 19 Nghị định số 43/2010/NĐCP):
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân.
3. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.
4. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Lưu ý: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I1 Thông tư số 01/2013/TTBKHĐT.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân - Ảnh minh họa
Nộp và hoàn thiện hồ sơ (Quy định tại Điều 25 Nghị số 43/2010/NĐCP và Phụ lục "Biểu mức thu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp" tại Thông tư số 176/2013/TTBKHĐT)
Cách thức thực hiện:
Doanh nghiệp thực hiện theo một trong các cách sau:
Đăng ký trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
Đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (Xem Tài liệu hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử).
Trình tự thực hiện (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp)
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tới cơ quan đăng ký doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ theo quy định tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Doanh nghiệp nộp lệ phí Đăng ký doanh nghiệp là 200.000 đồng.
Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định, tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh có thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ.
Nhận kết quả (Quy định tại điều 25 Nghị định số 43/2010/NĐCP, và Điều 31 Thông tư số 01/2013/TTBKHĐT)
Đối với hồ sơ chưa hợp lệ cần bổ sung, doanh nghiệp thực hiện theo các bước như sau:
Doanh nghiệp nhận Thông báo bổ sung hồ sơ.
Doanh nghiệp điều chỉnh lại hồ sơ theo nội dung hướng dẫn trong thông báo bổ sung và nộp lại hồ sơ theo quy trình nộp và hoàn thiện hồ sơ trên.
Đối với hồ sơ hợp lệ, được chấp thuận:
Nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng bản giấy tại phòng Đăng ký kinh doanh: Tới ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp nộp hồ đăng ký kinh doanh qua mạng sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh: đến ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp mang một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Với trường hợp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh, nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.
Sau khi đăng ký kinh doanh (Quy định tại Điều 9, Điều 28 Luật Doanh nghiệp)
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:
1. Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế tỉnh/thành phố (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn thủ tục mua, cấp hóa đơn thủ tục kê khai nộp thuế,...).
2. Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện thủ tục khắc dấu cần liên hệ với cơ quan liên quan và cơ quan công an để thực hiện thủ tục khắc dấu, đăng ký mẫu dấu theo quy định tại Nghị định số 58/2001/NĐCP.
3. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp liên hệ cơ quan quản lý chuyên ngành để được hướng dẫn.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐCP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp:
Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp gửi thông báo yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh hiệu đính cho phù hợp. Việc tự ý thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Treo biển tại trụ sở của doanh nghiệp.
Khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi kịp thời và chính xác trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.
Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.
Đăng kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan thống kê trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kết toán năm.
Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu của doanh nghiệp tại trụ sở chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp.
Luật Gia: VŨ NGỌC BẰNG
Theo_Đời Sống Pháp Luật
'Quên' cấp thẻ BHYT cho dân: Phó Giám đốc BHXH thừa nhận chậm Cầm chiếc thẻ bảo hiểm Y tế được nhà nước cấp trên tay, người dân nghèo khu vực 135 chưa được trọn vẹn niềm vui thì thời hạn ghi trên thẻ đã gần hết. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Tấm "bùa hộ mệnh" đến chậm Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ tháng 01/2015, trong...