Thành lập tổ hợp tín dụng cứu doanh nghiệp
Giảm lãi suất điều hành là điều kiện để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp (DN). Song trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH cho rằng, giải pháp này chưa thể kích thích được tăng trưởng trong lúc này mà cần có giải pháp khác thiết thực hơn.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, theo số liệu của NHNN, tín dụng 9 tháng tăng 6,09%, ông nhận định như thế nào về con số này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đây là mức tăng trưởng thấp so với năm ngoái, do nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Nhưng thực tế DN rất cần vốn.
Vốn đây không những là vốn đầu tư mà còn là vốn lưu động để duy trì tính thanh khoản để họ có thể trả lương cho người lao động, trả tiền thuê mặt bằng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho NH, trả thuế cho Chính phủ, trả tất cả các chi phí thường xuyên khác.
Trong vòng 1 tháng, nếu một DN mất khả năng chi trả, hoạt động của họ sẽ lung lay, người lao động cũng sẽ bắt đầu đi tìm việc làm mới, đơn vị cho thuê mặt bằng cũng sẽ có sự cảnh báo, nhà cung cấp có thể cảnh báo không giao hàng.
Trong vòng 3 tháng nếu không thanh toán được những khoản đó, DN sẽ đi vào tình trạng mất thanh khoản. Khi đó, người lao động rời khỏi DN, bên cho thuê mặt bằng tìm cách cắt hợp đồng thuê, nhà cung cấp sẽ ngưng ngay việc cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ.
Với các khoản vay NH, thanh toán nợ chậm từ 90 đến 180 ngày, DN sẽ rơi vào nợ nhóm 3. Và sau 3 tháng nếu không còn sức chịu đựng nữa, trong vòng 6 tháng, họ đi đến ngưng hoạt động và phá sản.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều DN không có khả năng vay tiền của NH mặc dù nhu cầu về tín dụng rất lớn. Bởi dưới sự chỉ đạo của NHNN, NHTM không được cho vay dưới chuẩn. Chính vì thế, tăng trưởng tín dụng rất thấp so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, mức cầu trong nền kinh tế cũng suy giảm, nên nguồn cung sản xuất cũng giảm theo trong tất cả các ngành nghề từ du lịch, khách sạn đến thương mại, nông nghiệp… Các trụ cột chính của nền kinh tế bị ảnh hưởng, từ đó tác động cộng hưởng với nhau để đưa đến tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp.
- Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, liệu điều này có kích thích được tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế?
- Giảm lãi suất điều hành có tác động tích cực là giảm chi phí vốn cho DN. Nhưng với rất nhiều DN, vấn đề lãi suất hiện tại không phải là điều họ lo lắng, mà làm thế nào để vay được vốn khi họ đang cần duy trì thanh khoản, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì thị phần.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, giảm cả lãi suất trên thị trường 1 (giảm trần lãi suất huy động từ 4,5%/năm xuống 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng), nhưng thật sự điều này không tác động mạnh đến tín dụng.
Bởi nhu cầu tín dụng lúc này lớn nhưng NH không cho vay ra được do vướng chuẩn, nên có giảm lãi suất cũng không tạo ra động lực DN đi vay. Dĩ nhiên lúc này DN nào có khả năng vay rất hoan nghênh việc giảm lãi suất. Nhưng nhìn chung, dùng chính sách tiền tệ giảm lãi suất điều hành để kích thích tăng trưởng nền kinh tế lúc này chưa thể kích thích được.
Video đang HOT
- Vậy ông có đề xuất nào để giải bài toán vốn cho DN?
- Tôi cho rằng rất khó giải bài toán này. Thật sự các NH cũng phải làm mọi cách để bảo toàn vốn vì họ đã trải qua bài học nợ xấu giai đoạn trước. Bây giờ, họ không thể cho vay dưới chuẩn để đến lúc nào đó chính họ chịu thiệt hại do hoạt động tín dụng dễ dàng.
Chính vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ phải có một giải pháp là yêu cầu các NH phải thành lập một tổ hợp tín dụng. Tất cả các NH đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3%/tổng dư nợ của mỗi NH.
Tổng dư nợ của nền kinh tế là 8,5 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3% sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các NH đã triển khai trước đó.
Đây sẽ là chính sách của Chính phủ và các NH nội lẫn ngoại hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. NHNN làm đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một NHTM đứng ra quản lý tổ hợp. Dùng tổ hợp này để cho vay các DN đang khó khăn trong dịch bệnh.
Vấn đề đặt ra là tiền đâu? Các NH hiện nay có thanh khoản rất tốt và trong nguồn vốn huy động có nguồn huy động lõi với lãi suất rất thấp là CASA (gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn).
CASA của hệ thống NH Việt Nam chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. NH có thể lấy nguồn đó để tham dự vào tổ hợp tín dụng, từ đó có thể cho vay ra với lãi suất rất thấp, khoảng 3%/năm.
Thể thức cho vay là kỳ hạn 3 năm, trong đó năm đầu ân hạn chỉ trả lãi không trả gốc (vì tại thời điểm này dịch bệnh có lẽ vẫn tiếp tục tác động tới các DN ít nhất 1 năm nữa); gốc và lãi được trả từ năm thứ 2 trở đi.
Đương nhiên đi kèm là những tiêu chí phân loại cụ thể rõ ràng DN nào được hưởng gói đó, không thể nói chung chung như gói 300.000 tỷ đồng trước đây là giúp DN bị tác động bởi dịch bệnh thì NH sẽ không thực hiện.
Về quản lý rủi ro, vì những DN vay được gói này đa phần là DN đang yếu nên phải rà soát, những DN nào chết lâm sàng không thể nào giúp họ được, vì DN kiệt quệ rồi dù có bơm bao nhiêu tiền chăng nữa cũng không thể cứu. NHNN phải cùng các NH xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để giúp các DN còn đủ sức tồn tại, có thể phục hồi sau dịch bệnh và có thể đóng góp được cho đất nước sau dịch bệnh.
Thêm vào đó phải dùng cơ chế bảo lãnh tín dụng (BLTD) để kiểm soát rủi ro. Chính phủ đã có Nghị định 34/2018 về quỹ BLTD, nhưng trong đó chỉ mới đề cập đến quỹ BLTD địa phương. Tôi đề nghị phải có quỹ BLTD quốc gia và có vốn điều lệ lớn đổ vào.
Quỹ BLTD đó sẽ bảo lãnh cho DN vay vốn NH theo chương trình trên. Chỉ có cách đó, NH mới dám cho vay. Nếu dùng hình thức đó, Chính phủ không phải bỏ tiền mà các NH lại có thể kiểm soát được rủi ro, giúp được DN, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Còn nếu cứ lẩn quẩn các gói như đã triển khai thời gian qua với thông tin giải ngân rất hạn chế, hay đang dự kiến gói 100.000 tỷ đồng cũng giống như treo “bánh vẽ”, trong khi thực chất DN không được thụ hưởng hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông.
Doanh nghiệp sẽ phá sản nếu gói cứu trợ chưa được giải ngân trong tháng 4
Trao đổi với DĐDN, TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nếu trong tháng 4/2020 không nhận được tiền hỗ trợ, thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải phá sản.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng doanh nghiệp đang rất cần nguồn tiền trợ cấp từ Chính phủ.
- Ông đánh giá như thế nào về các gói cứu trợ mà Chính phủ Việt Nam đang tung ra trong thời gian qua?
Hiện nay, Chính phủ đã công bố 3 gói cứu trợ chính là gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng và gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 542.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP của Việt Nam. Đây được xem là mức hỗ trợ vừa phải đối với nền kinh tế, nếu so với gói cứu trợ 2.200 tỷ USD của Mỹ hiện đang tương đương với khoảng 10% GDP của Mỹ.
Hiện mới chỉ có gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng đang được giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai. Nhưng đây không phải gói của Chính phủ mà Chính phủ giao cho NHTM tham gia, nghĩa là gói 300.000 tỷ đồng được các NHTM dùng vốn của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải tiền của ngân sách.
Việc các ngân hàng phân bổ gói cứu trợ này ra sao là tùy vào các kế hoạch của họ, bởi họ không phải cơ quan hỗ trợ của Chính phủ. Do vậy, gói tín dụng này có quy mô lớn, nhưng lại rất giới hạn trên thực tế. Do đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng này, do các ngân hàng dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất... nhưng tất cả các biện pháp đó chủ yếu dành cho các khách hàng của họ, đặc biệt là những khách hàng còn có khả năng trả nợ. Còn đối với những khách hàng mới, hiện các ngân hàng cũng không thể cho vay được, do các doanh nghiệp này đang có rủi ro cao không trả được nợ.
Tôi thấy rằng, về số lượng, các gói cứu trợ của Việt Nam đã khá đủ, nhưng cần triển khai giải ngân ngày để cứu doanh nghiệp, nếu không, doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động ngay. Và hiện tại theo con số thống kê của VCCI, trong quý 1/2020, đã có 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Con số này, theo tôi, đến nay phải lớn hơn nhiều.
Điều này cho thấy thực trạng rất ảm đạm của các doanh nghiệp khi thị trường đóng cửa. Còn những doanh nghiệp đang hoạt động đều trong tình trạng chật vật, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
- Theo ông, cần có giải pháp cấp bách nào để giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đặc biệt là các DNNVV?
Theo tôi, hiện nay các doanh nghiệp nói chung và DNNVV không thể trông chờ vào ngân hàng. Bởi để vay được từ ngân hàng, cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, mà như tôi đã nói ở trên, hiện ngân hàng không thể cho vay rộng rãi được.
Theo tôi, có 3 việc mà Nhà nước cần thực hiện ngay để cứu doanh nghiệp. Thứ nhất, Bộ Tài chính có thể đưa ra một phương pháp nào đó để chuyển ngay tiền hỗ trợ đến tận tay các hộ kinh doanh, các DNNVV đang lao đao. Thu nhập của doanh nghiệp đã xuống mức rất thấp, trong khi tất cả các chi phí thuê mặt bằng, lương người lao động, thuế phí, nợ trả ngân hàng đang cần được thanh toán. Chẳng hạn như Mỹ có cách đơn giản là phát hành séc Chính phủ tới từng công người...
Thứ hai, có thể sử dụng hệ thống ngân hàng, bằng cách Chính phủ ủy thác cho ngân hàng một số tiền của Chính phủ để từ ngân hàng chuyển tới người dân qua chuyển khoản.
Thứ ba, các doanh nghiệp có thể sử dụng cơ chế của các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện các quỹ này đã có mặt tại các địa phương nhưng đáng tiếc hoạt động chưa hiệu quả. Tại Mỹ, cũng có mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng (SBA) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong gói 2.200 tỷ USD. Họ bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay các DNNVV, thì Việt Nam cũng có thể sử dụng cơ chế đó để các ngân hàng yên tâm cho vay.
Tuy nhiên, hiện nay cần tổ chức lại Quỹ bảo lãnh tín dụng của mỗi địa phương với nguồn vốn do từng địa phương quy định cho phù hợp. Bởi vì nguồn vốn của quỹ thì ít, mà xét đơn bảo lãnh khó khăn không khác gì ngân hàng, do quỹ bảo lãnh phải kinh doanh sao cho bảo toàn vốn do Chính phủ giao.
Bên cạnh những giải pháp trên, cũng có thể áp dụng các biện pháp khác như giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp trong khoảng ít nhất 1 năm. Ngoài ra, có thể dùng các quỹ tín dụng nhân dân để cho các hộ nông dân, doanh nghiệp tại địa phương được vay.
- Một trong những yếu tố quan trọng để triển khai nhanh gói cứu trợ của Chính phủ là dữ liệu doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa đăng ký kinh doanh. Vậy ông có đề xuất gì để củng cố nguồn dữ liệu này để có thể sử dụng hiệu quả thời điểm hiện tại và tương lai?
Hiện đã có những dữ liệu doanh nghiệp từ VCCI, Bộ Công thương, nhưng không đầy đủ, đây chỉ là một phần trong các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc. Trong số các DNNVV và hộ kinh doanh thì số lượng hộ kinh doanh rất lớn, trong khi đó nhiều hộ không đăng ký hoạt động. Và hiện rất nhiều hộ kinh doanh đang chênh vênh trước đại dịch, nhưng chúng ta không có dữ liệu về điều đó.
Tôi cho rằng, cần mở một chương trình đăng ký, mở các văn phòng tại thành phố lớn để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động. Và cùng với đó cần có bộ tiêu chí để sàng lọc những hộ kinh doanh, doanh nghiệp có hoạt động thực sự, từ đó cấp cho họ một số tiền tức thời để vượt qua khó khăn hiện nay.
Dĩ nhiên, sẽ có vấn đề nếu không thận trọng, sẽ tạo ra tình trạng tham nhũng, những đối tượng không nằm trong diện hỗ trợ lại nhận được tiền, và bản thân các hộ kinh doanh cũng có thể lợi dụng để khai khống các cơ sở đang kinh doanh để trục lợi nhiều hơn. Cho nên cần một bộ sàng lọc rõ ràng để trợ giúp số tiền thực sự đến tay những người có nhu cầu.
- Thưa ông, nếu không kịp thời cứu doanh nghiệp thoát khỏi đại dịch này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?
Vấn đề đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam là cứu vớt các doanh nghiệp ngay bây giờ. Bây giờ cần cứu họ thoát khỏi tình trạng phá sản. Nội trong tháng 4 này, tiền phải đến tận tay doanh nghiệp, nếu ngoài tháng 4 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Khi rất nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch khi thiếu hụt nguồn lao động sản xuất để tái tạo lại nền kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng
Đây là thiệt hại không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến nền kinh tế, nếu chúng ta không ra tay cứu doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Long
Lãi suất giảm, tín dụng đổ mạnh vào bất động sản Chịu tác động từ quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thị trường giảm nhu cầu do dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được đà tăng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý I/2020, tín dụng đối với lĩnh vực...