Thanh Hóa: Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập?
Với mục tiêu tăng quyền tự chủ, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đề án “Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập tỉnh Thanh Hóa” được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa xây dựng trình UBND tỉnh chờ phê duyệt.
Thanh Hóa là tỉnh có quy mô trường học và học sinh đứng thứ 3 cả nước; năm học 2019-2020, địa phương này có 2.069 trường học các cấp, trong đó có 96 trường công lập có cấp THPT (THPT: 88 trường và 8 trường THCS&THPT).
Sở GD&ĐT Thanh Hóa xây dựng đề án “Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập tỉnh Thanh Hóa” trình chủ tịch UBND tỉnh chờ phê duyệt.
Với quy mô trường lớp lớn, ngân sách Nhà nước hiện rất khó đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục. Đến nay, mới đáp ứng chi cho con người (lương, phụ cấp, chế độ chính sách) và khoảng 10% chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Theo đề án nói trên, việc thực hiện triển khai các hoạt động giáo dục toàn diện chưa đạt hiệu quả, do thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi công tác huy động xã hội hóa chưa hiệu quả do đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.
Đặc biệt, các khoản thu trong nhà trường không thống nhất, thiếu minh bạch gây bức xúc cho phụ huynh dẫn đến đơn thư khiếu nại. Nguyên nhân là do kinh phí chi cho các hoạt động thường xuyên không đáp ứng nhu cầu…
Bởi vậy, theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cần thiết phải có giải pháp, chính sách huy động nguồn lực xã hội chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo tốt hơn.
Hơn nữa, quyền tự chủ đã được đưa vào giáo dục phổ thông nước ta gần 15 năm nay cả trên phương diện pháp lý lẫn tổ chức thực hiện. Đối với giáo dục đại học, hiện tại đã có 24 trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ.
Đối với giáo dục phổ thông, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các trường phổ thông công lập tự chủ và bước đầu hoạt động có hiệu quả.
Nhiệm vụ của đề án là đánh giá thực trạng hoạt động; xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện thí điểm tự chủ; xây dựng được mô hình, giải pháp quản lý, công tác quản trị đối với các trường thực hiện thí điểm. Thời gian triển khai thực hiện đề án bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Video đang HOT
Theo lộ trình, năm học 2020-2021, thực hiện thí điểm đối với 3 trường THPT, gồm: THPT Hàm Rồng, Đào Duy Từ (thành phố Thanh Hóa) và Trường THPT Quảng Xương I (huyện Quảng Xương).
Năm học 2022-2023, tổng kết đánh giá hoàn thiện mô hình trường công lập tự chủ, điều chỉnh một số nội dung của chính sách. Đến năm học 2025-2026, thực hiện tự chủ 16-17 trường THPT(mỗi huyện vùng đồng bằng, ven biển, thị xã, thành phố có ít nhất một trường thực hiện tự chủ).
Theo ông Trịnh Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, mục tiêu xây dựng đề án là tạo điều kiện cho các trường THPT công lập hoạt động có hiệu quả; xây dựng thương hiệu, uy tín để thu hút người học; nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động đóng góp của người học để từng bước giảm chi cho ngân sách Nhà nước; làm cơ sở nhân rộng mô hình tự chủ để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, giúp sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước để ưu tiên phát triển giáo dục và các phúc lợi xã hội ở khu vực khó khăn, góp phần xóa bỏ chênh lệch về phát triển giáo dục của các vùng miền.
Cũng theo ông Nghĩa, đề án hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, quy định tối đa mức thu học phí đối với giáo dục phổ thông công lập là 300.000 đồng/tháng/học sinh.
Nếu thực hiện tự chủ 70%-100%, mức thu sẽ vượt quá mức quy định. Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với cơ sở GD&ĐT công lập do đó Bộ GD&ĐT cũng chưa có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.
Theo Sở GD&ĐT, phụ huynh đa số muốn con em vào học những trường chất lượng cao, có điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhưng với mức đóng góp cao hơn mức quy định hiện tại cũng đặt ra nhiều khó khăn cho các gia đình.
Hiện nay, mức thu học phí theo quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 24/2/2017, bậc THPT là 155.000 đồng/tháng đối với các phường thuộc thành phố, thị xã; 65.000 đồng/tháng đối với các xã thuộc thành phố, thị xã, các xã, thị trấn các huyện miền xuôi.
Theo dự thảo đề án, 2 năm đầu sẽ thực hiện tự chủ chi nghiệp vụ (20% dự toán chi thường xuyên) với mức thu là 250.000 đồng/tháng; 2 năm tiếp theo tự chủ 20% nghiệp vụ và 50% chế độ con người (tương đương 70% dự toán chi thường xuyên) thì mức thu đối với học sinh là 875.000 đồng/tháng. Từ năm thứ 5 trở đi, thực hiện tự chủ 100%, mức thu sẽ là 1.250.000 đồng/tháng.
Với mức đóng góp cao, các trường thực hiện tự chủ sẽ gặp trở ngại trong việc thu hút học sinh. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có mô hình trường phổ thông công lập tự chủ. Khi chuyển sang cơ chế tự chủ, mô hình quản trị nhà trường phải thay đổi nhiều, trong khi đó năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ và tâm lý của giáo viên chưa thực sự sẵn sàng…
Duy Tuyên
Theo Dân Trí
Thanh Hóa: Hiệu trưởng để xảy ra lạm thu vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Theo phản ánh của giáo viên, tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, thành phố Thanh Hóa xảy ra tình trạng lạm thu, mất đoàn kết nội bộ nhưng hiệu trưởng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Thanh Hóa cho rằng, trong năm học 2017 - 2018, nhà trường đạt được nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, hiệu trưởng cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác thu, chi trong nhà trường.
Việc đánh giá, phân loại không khách quan tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 khiến giáo viên có đơn kiến nghị kéo dài.
Trước đó, như báo Dân trí đã phản ánh, năm học 2017 - 2018, tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, ngoài nghi vấn "bớt xén" suất ăn của học sinh, phụ huynh còn tố nhà trường thu nhiều khoản vô lý.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có kết luận kiểm tra, trong đó chỉ ra nhà trường chi sai mục đích nguồn thu, chi mua bàn ghế cho học sinh bán trú; ngoài chi trả công cho người dọn vệ sinh trường lớp, còn chi phí vệ sinh môi trường, vật liệu, nước uống và chi cho cán bộ giáo viên nhà trường dọn vệ sinh các ngày khai giảng, ngày lễ là không đúng.
Đồng thời, nhà trường đưa ra mức thu cao, ngoài chi bảo trì máy tính, đã chi sai mục đích trong việc mua máy tính; hợp đồng với trung tâm tổ chức dạy học kỹ năng sống và tiếng Anh trong giờ học chính khóa.
Ngoài ra, thu sai quy định tiền xã hội hóa giáo dục, chi quỹ hội cha mẹ học sinh sai mục đích; tổ chức thu tiền vận động phụ huynh học sinh học trái tuyến là sai quy định...
Trong khi đó, để chấn chỉnh vấn đề lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân, hàng năm, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đều có hướng dẫn các khoản thu chi ngoài ngân sách và chấn chỉnh tình trạng lạm thu đã được ban hành. Trong đó, yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, với hàng loạt những vi phạm trong vấn đề thu chi đã được chỉ ra tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, nhưng người đứng đầu đơn vị này vẫn không bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý người đứng đầu để xảy ra lạm thu chưa thực sự nghiêm theo quy định.
Tại biên bản kiểm tra, giải quyết phản ánh của báo chí, mạng xã hội về công tác bán trú và việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với viên chức quản lý giáo dục tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 kết luận: Bà Trần Thị Vân (Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên 2) là người đứng đầu nhưng chưa làm tốt công tác điều hành, để xảy ra sự không thống nhất trong nội bộ Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường và phản ánh của báo chí, mạng xã hội nhưng chưa tự giải quyết, xử lý để ổn định tình hình.
Hơn nữa, hiệu trưởng nhà trường còn bị cấp dưới kiến nghị về việc có dấu hiệu trù dập cá nhân khi cố tình đánh giá không khách quan, dân chủ, "vượt mặt" quy định của nhà nước.
Theo Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức quy định: Trường hợp theo phân cấp quản lý cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.
Trường để xảy ra lạm thu, mất đoàn kết nội bộ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tại Trường tiểu học Điện Biên 2, hiệu trưởng lại trực tiếp ký đánh giá, phân loại đối với cấp phó không do mình bổ nhiệm.
Việc để xảy ra lạm thu, mất đoàn kết nội bộ nhưng bản thân hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên 2 vẫn được phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ khiến giáo viên bức xúc có đơn thư kiến nghị.
Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa cho rằng, do phòng đã đánh giá, phân loại trước khi giáo viên có ý kiến.
Việc đánh giá, phân loại không khách quan khiến giáo viên có đơn kiến nghị kéo dài đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ông Tạ Hồng Lựu, hiện Phòng GD&ĐT đang làm dự thảo báo cáo UBND thành phố về những vấn đề nêu trên.
Trần Lê
Theo Dân trí
Xem xét công nhận liệt sỹ trưởng công xã thiệt mạng khi giúp dân chống lũ Trong quá trình làm nhiệm vụ gặp trời mưa to, tối 3/8, ông Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Thanh Hóa) bị đất vùi lấp ở gần trường Tiểu học xã Nhi Sơn. Chiều 5/8, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cho biết, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang...