Thanh Hóa: Phó chủ tịch xã thuộc “Dự án 600″ thiệt mạng do TNGT
Trong lúc tham gia giao thông trên đường, anh Phạm Văn Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Giao An, thuộc huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), đã tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Anh Phạm Văn Điển là một trong những Phó Chủ tịch xã thuộc “ Dự án 600″ của Chính phủ.
Chiều 9.1, thông tin từ UBND huyện Lang Chánh cho biết: Anh Phạm Văn Điển (31 tuổi) – Phó Chủ tịch UBND xã Giao An, vừa tử nạn do tai nạn giao thông vào rạng sáng 8.1.
Chân dung Phó Chủ tịch UBND xã Giao An tử nạn vì tai nạn giao thông.
Được biết, anh Phạm Văn Điển là người làng Túng, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, (Thanh Hóa).
Trước đó, vào năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định “Tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo để thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27.12.2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”.
Video đang HOT
Đây là quyết định nhằm thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước.
Vào thời điểm nêu trên, anh Phạm Văn Điển được Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng, đào tạo và có quyết định đưa về làm Phó Chủ tịch UBND xã Giao An, huyện Lang Chánh.
Được biết, anh Điển chưa lập gia đình riêng, là cán bộ xã được bà con dân bản trong xã Giao An hết sức yêu mến.
Theo Danviet
"Chìa khóa" 135 giúp vùng cao thoát nghèo
Huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ (CT135). Những năm qua, các cấp Hội ND trong huyện tích cực tham gia thực hiện CT135, giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
"Chìa khóa" mở cửa
Theo chân ông Lê Thanh Tiền - Chủ tịch Hội ND xã Đồng Lương (Lang Chánh) chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn, gà, vịt của hộ anh Hà Minh Châu ở làng Cun. Chị Ngô Thị Hiền - vợ anh Châu đổ thức ăn cho đàn lợn rồi cho biết: Tổng đàn lợn của gia đình hiện có hơn 80 con, trong đó có 6 con lợn nái mẹ, còn lại là các lứa lợn thịt "gối" nhau. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị Hiền lãi vài chục triệu đồng.
"Ban đầu, gia đình tôi được vay vốn của Nhà nước, nên đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt. Với cách nuôi "gối" lứa, nên cứ vài tháng lại xuất bán lợn một lần, mỗi lần bình quân khoảng trên dưới 1 tấn. Ngoài nuôi lợn, vợ chồng tôi còn nuôi thêm gà và vịt"- chị Hiền chia sẻ.
Qua CT135, anh Lê Văn Diếp, thôn Chiềng Khặt, xã Đồng Lương được hỗ trợ lợn giống để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay gia đình anh đã có thu nhập từ 25-30 triệu đồng/năm. "CT 135 hỗ trợ lợn giống, Hội ND giúp vay vốn Ngân hàng CSXH thêm tiền đầu tư nên hiện cuộc sống của gia đình đã khấm khá hẳn lên..."- anh Diếp bày tỏ.
Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của Hội ND, chị Ngô Thị Hiền (xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) gây dựng được mô hình nuôi lợn thịt. Ảnh: Thế Lượng
Trong giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn của CT135 đã "rót" về huyện Lang Chánh hàng chục tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như: Trường học, đường giao thông, hệ thống điện, trạm y tế, hỗ trợ mua trâu bò sinh sản, mua cây, con giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... đã giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5 - 6%/năm...
Nhà nước hỗ trợ, Hội tham gia
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Thanh Tiền- Chủ tịch Hội ND xã Đồng Lương cho biết, trước đây, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn. Từ khi nhà nước triển khai CT135 và các chính sách an sinh xã hội khác như hỗ trợ xây dựng nhà ở, điện thắp sáng, trường học, nước sinh hoạt, xây dựng cầu, cống, kênh mương thủy lợi, vốn vay ưu đãi thì đời sống của nhiều hộ đã cải thiện thấy rõ.
"Nhà nước hỗ trợ cây, con giống, vốn ưu đãi thì Hội ND tham gia tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề cho bà con. Riêng về chăn nuôi, nhiều hộ đã phát triển đàn lợn lên hàng chục con/lứa, cộng với chăn nuôi gia cầm, trồng rừng mỗi năm lãi 40-50 triệu đồng/hộ. Không những thoát nghèo, không ít hộ còn vươn lên làm giàu" - ông Tiền cho hay.
Theo ông Lê Tiến Lam - Bí thư Huyện ủy Lang Chánh, từ năm 2010-2015, các CT 134, 135, 30a đã hỗ trợ gần 34 tỷ đồng cho huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Toàn huyện đã xây dựng được 38 công trình giao thông, thủy lợi; duy tu, bảo dưỡng 4 công trình; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.441 hộ nghèo; 1.900 hộ được hỗ trợ mua trâu bò sinh sản, mua cây, con giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, như hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở cho học sinh; hỗ trợ sinh viên thuộc hộ nghèo vay vốn học tập; hỗ trợ gạo cho học sinh thuộc khu vực đặc biệt khó khăn...
Theo Danviet