Thành công nhờ biết gần dân
Sau gần 2 năm làm cảnh sát khu vực, Thượng úy Đỗ Quang Thắng “bén duyên” với nghiệp hình sự tính tới nay đã được hơn 5 năm. Tổ trưởng tổ Cảnh sát hình sự Công an phường Trương Định chia sẻ: “Tất cả những thành tích mà tôi có được đều nhờ có hậu phương vững chắc là gia đình và đồng đội”.
Gắn bó với nhân dân giúp Thượng úy Đỗ Quang Thắng thu thập được nhiều thông tin quan trọng
6 năm là chiến sỹ thi đua
Thăm căn hộ chưa đầy 30m2 của Thượng úy Đỗ Quang Thắng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bức tường treo đầy bằng khen. 6 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được công nhận là Công dân tiêu biểu của thành phố…
Năm 2000, chiến sỹ trẻ Đỗ Quang Thắng nhận nhiệm vụ tại Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên). Đến 2005, Thắng chính thức về nhận công tác tại Công an phường Trương Định và gắn bó cho đến nay. Đỗ Quang Thắng chia sẻ: “Trước khi trở thành “lính hình sự”, tôi đã có hơn 1 năm làm cảnh sát khu vực. Với nhiệm vụ phải thường xuyên tiếp xúc với người dân, người lớn tuổi nên phong cách làm việc rồi lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động cho đến hình thức bề ngoài cũng phải thay đổi, chỉn chu hơn. Tôi luôn xác định, mục tiêu của mình là phục vụ nhân dân nên phải làm sao để nhân dân tin tưởng mình. Nhờ đó mà tôi đã thu thập được rất nhiều thông tin quan trọng. Cho đến bây giờ làm cảnh sát hình sự thì bài học gần dân vẫn giúp tôi rất nhiều trong công việc”.
Video đang HOT
“Rất khó để so sánh giữa công việc trước kia và hiện nay nhưng có thể nói làm cảnh sát hình sự vất vả hơn nhiều về thời gian. Giờ giấc gần như thay đổi toàn bộ, hơn nữa là do đặc thù công việc, tội phạm mà mình phải đấu tranh không riêng một mảng, từ việc nhỏ đến việc lớn như việc cãi nhau, mâu thuẫn anh em, đất đai, giải phóng mặt bằng cho đến trọng án và đương nhiên cảnh sát hình sự phải có mặt” – tổ trưởng Tổ Cảnh sát hình sự Đỗ Quang Thắng nói.
Thắng tâm sự: “Làm lính hình sự thì thời gian ở nhà rất ít, khi chưa lấy vợ thì gần như 24/24h ăn ngủ ở cơ quan, mặc dù có nhà nhưng cả tuần chỉ ghé về quét dọn được vài lần. Chuyện lỡ hẹn với người yêu rồi sau này là vợ khó có thể kể hết. Từ ngày lấy vợ đến nay mới hơn 5 năm nhưng có đến 3 lần lỡ hẹn vào dịp sinh nhật vợ.
Nói về những thành tích đạt được trong suốt thời gian công tác, Thượng úy Đỗ Quang Thắng chia sẻ: “Thành tích mà tôi đã đạt được tất cả là nhờ có những hậu phương vững chắc. Sự quan tâm, động viên của lãnh đạo, đồng chí, đồng đội như một nguồn động lực để tôi hoàn thành nhiệm vụ. Còn ở gia đình là sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ của vợ, con và người thân. Nhờ đó mà tôi luôn có được quyết tâm mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ”.
Lăn lộn với nghề
Chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết” đấu tranh không khoan nhượng với bất kỳ đối tượng phạm tội nào bằng một câu chuyện mà đến giờ vẫn để lại nhiều ấn tượng, Thượng úy Đỗ Quang Thắng kể: “Đã từng tham gia rất nhiều vụ án, nguy hiểm gặp phải cũng không ít nhưng tôi nhớ nhất là vụ án mà tôi trực tiếp xác minh thông tin. Đó là vụ bắt một đối tượng buôn bán ma túy bị HIV giai đoạn cuối tại khu vực Đuôi Cá. Đối tượng này bị cụt chân, đi bằng nạng và giấu heroin ở phần ống quần bên chân bị cụt rồi buộc lại. Thời điểm bắt giữ trong người đối tượng có khá nhiều heroin, khoảng 600 – 700 tép. Do biết mình không còn sống được bao lâu nên đối tượng cực kỳ ngoan cố và lên giọng: “Các ông không bắt được tôi đâu, tôi sắp chết rồi”. Chỉ cần đối tượng chống đối là anh em bắt giữ có thể gặp nguy hiểm. Tôi quyết tâm, động viên và phân tích cho đối tượng một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng thay vì trấn áp. Cuối cùng, đối tượng cũng tự nguyện tháo ống quần chứa 11 cục heroin giao cho công an”.
“Hoàn cảnh của đối tượng rất đáng thương nhưng dù sao vẫn phải bắt giữ. Qua đó là để những đối tượng buôn bán ma túy khác nhìn vào và thấy rằng lực lượng công an không bỏ qua cho bất cứ đối tượng nào. Đồng thời để người dân chứng kiến vụ việc thêm tin tưởng vào lực lượng công an, trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể xử lý và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng úy Đỗ Quang Thắng nói.
Theo ANTD
Niềm hạnh phúc giản đơn
Làm cái nghề này, cứ khi người ta ngủ thì mình phải thức, lại đi biền biệt, vợ con chẳng mấy khi được nhờ - Thượng úy Chu Văn Thanh, Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Thanh Xuân "khái quát" về nghề nghiệp như thế khi chúng tôi hẹn gặp.
Thượng úy Chu Văn Thanh hỏi cung đối tượng trong một vụ buôn bán chất ma túy
Khi đưa tôi ra quán cà phê hàn huyên để tránh phiền hà cho công việc của đồng đội, câu đầu tiên Thanh đã "rào giậu": "Anh muốn hỏi gì cũng được, nhưng chụp ảnh là tuyệt đối không được đâu nhé. Mình là lính trinh sát, vì đặc thù công việc đôi lúc phải hoạt động bí mật, thế nên anh hết sức thông cảm!".
Thanh còn trẻ, sinh năm 1980, nhưng nếu nghe những thành tích đạt được trong suốt gần chục năm gắn với nghiệp điều tra và ma túy thì không mấy ai ngờ chàng thượng úy này lại là nỗi lo sợ của bọn tội phạm. Chẳng thế mà chỉ riêng trong năm 2012, Thanh tham gia tới 6-7 chuyên án, bắt hơn chục đối tượng, thu mấy chục bánh heroin và các chất gây nghiện khác. Mà vụ nào cũng "đình đám" cả. Thấy tôi cứ hỏi liên tiếp về những chiến công ấy, Thanh cười cười và lảng đi: "Công sức của anh em cả, phần mình chỉ đóng góp chút xíu sức lực, nào có đáng gì, anh hỏi chuyện khác đi".
Nhưng với lính ma túy, chuyện nào thì cuối cùng cũng quay về với heroin và tội phạm. "Vụ án nào cũng vậy, sau khi đưa được những đối tượng vi phạm pháp luật ra trước vành móng ngựa, mình lại tiếp tục xoay như chong chóng với những chuyên án mới. Sau những lời chúc mừng chiến công, trong thâm tâm mỗi người lính đều đọng lại nỗi buồn. Bởi ngoài đồng đội, không phải ai cũng hiểu được nỗi vất vả của lính trinh sát" - Thanh bùi ngùi kể. "Anh em trong đơn vị, ai cũng đi đêm về hôm, lương ba cọc ba đồng, thời gian dành cho gia đình quá ít, tính chất công việc lại hiểm nguy vì phải thường xuyên đối mặt với những đối tượng sẵn sàng chống trả khi cùng đường. Nếu không có một "hậu phương" vững chắc và tinh thần máu lửa, chắc chẳng mấy ai trụ được với nghề.
Ở trong đội, anh em đi công tác xa phá án phải về xin tiền vợ là chuyện bình thường. Rồi không phải đi chuyến nào cũng trở về lành lặn. Bọn tội phạm thừa biết, án ma túy bao giờ cũng rất nặng, cao thì tử hình, nhẹ thì chung thân, chúng sẵn sàng tấn công lại nếu bị truy bắt. Thế nên mỗi lần nghe thấy chồng nói phải đi công tác mấy ngày, vợ mình lo lắm. Tâm lý phụ nữ, ai cũng sợ - nói dại miệng - nhỡ chồng bị thằng nghiện nó đâm kim tiêm vào người hay bắt phạm nhỡ "bị làm sao" thì... mất nhờ. Vậy nên, phần lớn là tụi mình đều giấu cả. Vợ con không phải lo cho mình, thế cũng đủ hạnh phúc rồi".
Lính ma túy như Thanh chỉ nghĩ về hạnh phúc giản đơn như vậy. Có lẽ cái suy nghĩ ấy ngấm vào máu nên nó cũng thể hiện ra ngay trong công việc. Còn nhớ mới hồi tháng 7 - 2012, Thanh phá một vụ án buôn bán ma túy, bắt đối tượng Đoàn Quỳnh Nga (SN 1981), trú tại 160 ngõ Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai. Nga vốn là đối tượng nghiện ma túy nặng nhưng phải nuôi đứa con mới hơn 1 tuổi, chồng thì cũng đang thụ án. Lúc chuẩn bị bắt, bản thân Thanh cũng suy nghĩ mãi: "Người ta cũng là phụ nữ như vợ mình, đều đang nuôi con nhỏ, bắt sao đành? Nhưng không bắt thì cô ta sẽ còn gieo rắc cái chết trắng cho nhiều người khác". Lúc anh cùng đồng đội ập vào bắt quả tang Nga đang giao heroin tại 1 nhà nghỉ trên đường Giải Phóng, cô ta ôm con khóc như mưa. Sau này, cũng chính Thanh đề xuất cho cô ta được tại ngoại để nuôi con. Ai dè, chỉ đợi có vậy, Nga bế con biến mất. Báo hại Thanh suốt 2 tháng sau đó phải cất công truy lùng. Cuối cùng, anh cũng tìm ra được nơi "nữ quái" này ẩn náu tại một khu trọ tồi tàn tận trong Đồng Nai.
Ngày dẫn giải đối tượng về Hà Nội, Thanh nói với Nga: "Chúng tôi đã nhân đạo với chị, nhưng những gì chị đáp lại khiến tôi thất vọng". Nga chỉ cúi đầu im lặng. Cũng sau đó, Thanh mời gia đình Nga lên nhận đứa bé, nhưng oái oăm là, cả bên nội lẫn bên ngoại đều từ chối. Thế là báo hại hơn chục ngày sau đó, các anh phải để Nga ở tạm phòng làm việc và cũng chính anh lại phải hằng ngày dậy từ 6h sáng mang sữa, cháo, bỉm... vào nuôi con cho can phạm. Thanh cười: Mình phải bỏ tiền túi ra chứ cơ quan đào đâu ra kinh phí nuôi trẻ. Cũng may là vợ mình không biết. Nếu không thì thể nào cũng nghe cằn nhằn: vợ thì nuôi con mình, còn mình đi nuôi con người".
Đấy, chuyện đời chuyện nghề của một anh lính ma túy loanh quanh chỉ có thế. Gian khổ, hiểm nguy lúc nào cũng thường trực, nhưng cấm thấy ai nhụt chí bao giờ. Và, ẩn đằng sau tinh thần thép vẫn là những trái tim nhân hậu.
Theo ANTD
Đội CSGT số 5: Xây dựng đơn vị có "tầm" văn hóa Đi sâu và bám sát công việc của những chiến sỹ Cảnh sát giao thông Đội số 5 mới thấy họ vất vả biết chừng nào. Tôi chỉ đứng với mấy đồng chí cảnh sát giao thông ở đây khoảng một giờ đã thấy chóng mặt. Khi tiết trời mát mẻ thì còn đỡ, chứ vào mùa hè với cái nắng 40 độ...