Thành công ngoài mong đợi của Phù Yên
Mặc dù đã di dân khỏi vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình hơn 30 năm, song nhiều xã ở huyện Phù Yên (Sơn La) vẫn còn những bản không có đất sản xuất, dù người dân làm nông nghiệp 100%. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phi nông nghiệp và đạt được thành công ngoài mong đợi.
Thay đổi tư duy sản xuất
Đến với Phù Yên hôm nay, cuộc sống ấm no hiện rõ trên những cánh đồng, nương vườn của bà con nông dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: “Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài cây lúa nước truyền thống, bà con đã đẩy mạnh sản xuất rau xanh, các loại hoa, củ, quả. Trong đó, sản phẩm tỏi cô đơn của Phù Yên đã nức tiếng trên thị trường miền Bắc. Bên cạnh đó, người dân cũng phát triển nhiều diện tích cam, quýt, bưởi, mía… cho năng suất và chất lượng cao, được thị trường đón nhận”.
Những công nhân, quản đốc phân xưởng giày da xuất khẩu ở huyện Phù Yên. Ảnh: Kiều Thiện
Trong chăn nuôi, ngoài việc phát triển quy mô đàn trâu, bò, gà, lợn với số lượng lớn, người dân cũng mạnh dạn nuôi thêm nhiều con đặc sản như lợn rừng, cá tầm, lợn đen mõm dài, nuôi hươu lấy nhung, gà Mía lai Đông Tảo…
Để giúp bà con sản xuất hiệu quả, bền vững, các ngành chức năng huyện Phù Yên đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở để hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường định hướng thông tin về thị trường; đầu tư, hỗ trợ nông dân giống, phân bón…
Video đang HOT
Anh Lường Văn Liên, dân bản Tưởng Hợp, xã Mường Cơi tâm sự: Mặc dù thuộc diện khó khăn nhưng trên địa bàn xã đã xuất hiện hàng trăm mô hình làm ăn khá giỏi, với các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ có tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật cao như: Trồng cam, quýt ngọt, nuôi chim bồ câu, nuôi cá, lợn siêu nạc… Những mô hình ấy không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập mà còn phát huy sự đóng góp của họ trong xây dựng NTM.
Ly nông không ly hương
Trò chuyện với phóng viên, anh Liên cho biết thêm: “Khi bắt tay xây dựng NTM, nhiều xã trong bản gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Huyện, xã cũng đau đầu giải quyết nhưng không biết lấy đâu ra đất, bởi nơi nào cũng chật cả rồi, cũng không thể động tới diện tích rừng…”.
“Cái khó ló cái khôn”, huyện Phù Yên đã nỗ lực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn và đến nay tại đây đã có 3 cơ sở sản xuất công nghiệp (2 cơ sở sản xuất giày da xuất khẩu, 1 cơ sở sản xuất gạch tuynel), giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động nông nghiệp.
“Chỉ tính mức lương mỗi công nhân 40 triệu đồng/năm, mỗi năm thu nhập của người dân trong huyện đã tăng thêm 80 tỷ đồng. Có đồng lương ổn định coi như bà con đã thoát nghèo bền vững” – ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Bí thư huyện ủy Phù Yên cho biết. Anh Đinh Công Xuân, bản Tân Lương 1, xã Huy Tường cho biết: “Xã này vốn rất nghèo, nay nhiều con em đã đi làm công nhân giày da và làm gạch, cuộc sống thay đổi hẳn. Cứ nhìn gia đình nào có người làm công nhân hưởng lương là biết ngay. Vì thế, bà con đều mong muốn huyện có thêm nhà máy để con em mình được làm công nhân”.
Theo Danviet
Quế Long vững thời chiến, mạnh thời bình
Thời chiến, người dân Quế Long, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) anh dũng giữ từng tấc đất của làng. Trong mưa bom bão đạn, cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn, song nhờ làn gió nông thôn mới, Quế Long đã có sự đổi thay diệu kỳ.
Đầu tư mạnh hạ tầng nông thôn
Những ngày này, về Quế Long chúng tôi được tận mắt ngắm những con đường được trải bê tông phẳng lỳ, chạy tuốt từ nhà ra cánh đồng. Người nông dân không còn phải lo cảnh đường sá lầy lội, sản xuất mất mùa như trước đây nữa.
Nhiều công trình trường học, trạm y tế ở xã Quế Long được đầu tư xây dựng mới khang trang. Ảnh: Đ.N
Ông Đỗ Đình Hùng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, để có được bộ mặt như ngày hôm nay, giai đoạn 2011-2015, địa phương đã đầu tư trên 55 tỷ đồng cho hạ tầng. "Là xã nghèo nên việc quan tâm đầu tư hạ tầng luôn được chính quyền xã và người dân quan tâm. Nhờ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của cấp trên, xã đã bê tông hóa gần 29km đường giao thông các loại, đạt tỷ lệ gần 78%. Trong đó, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 6/6km, đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn được cứng hóa, bê tông hóa 22,74km, đạt tỷ lệ 84,22%..." - ông Hùng chia sẻ.
"Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, Quế Long đã hỗ trợ cho người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất và chăn nuôi hiệu quả. Hiện nay, ngoài làm lúa, trồng keo, trên địa bàn xã có hàng chục mô hình kinh tế gia trại, trang trại chăn nuôi gà tre, heo, chăn nuôi bò lai Sind cho thu nhập cao". Ông Hồ Anh Trung
Cảm nhận được sự đổi thay của làng quê nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bà Nguyễn Thị Tài - Trưởng thôn Trung Thượng cho hay, lúc trước, hầu hết đường sá của thôn là đường đất, vào mùa mưa nhân dân đi lại rất cực khổ, việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.
Từ năm 2011 đến nay, địa phương phát động thực hiện chương trình xây dựng NTM và được người dân tham gia rất nhiệt tình. Nhiều hộ sẵn sàng hiến đất, tham gia ngày công để làm đường. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tuyến đường trong thôn đã được trải bê tông phẳng lỳ, nhà cửa hai bên đường cũng được bà con đầu tư sửa sang, xây mới sạch đẹp, khang trang...
Quyết tâm về đích trong năm nay
Trò chuyện với phóng viên, ông Hồ Anh Trung - Chủ tịch UBND xã Quế Long cho biết, trước đây Quế Long là xã nghèo nhất nhì huyện Quế Sơn, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quế Long đã có những thay đổi ngoạn mục.
"Thành quả lớn nhất Quế Long gặt hái được trong xây dựng NTM chính là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM. Đặc biệt, những năm gần đây đời sống của nhân dân đã được nâng lên đáng kể, từ chỗ thu nhập hơn 13,5 triệu đồng người/năm, nay đã đạt gần 26,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31% (không kể 122 hộ chính sách)..." - ông Trung phấn khởi nói.
Được biết, từ năm 2011 đến nay Quế Long đã đầu tư xây dựng 18 công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM. Qua điều tra đánh giá, Quế Long đã hoàn thành 17/18 tiêu chí NTM (trong đó, do xã nằm gần chợ Đông Phú nên không cần đầu tư chợ). Xã chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là hệ thống chính trị, hiện đang chờ kết quả đánh giá của huyện. Nếu đạt được tiêu chí trên, Quế Long sẽ cơ bản đạt chuẩn NTM trong năm 2016.
Theo Danviet
Huyện Lạc Sơn: Thành công từ sự đồng thuận Tính đến hết tháng 6.2016, huyện Lạc Sơn đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là: Vũ Lâm, Liên Vũ, Nhân Nghĩa, 6 xã đạt 12-15 tiêu chí, 13 xã đạt 8-11 tiêu chí và 6 xã đạt 6-7 tiêu chí. Không chỉ tạo nên diện mạo mới cho nông thôn, chương trình còn là dấu ấn của sự đồng...