Thằng tù
Hôm nay tòa xử nó, chị cũng đến ngồi dự, vì chị là mẹ nó, người ta gửi giấy mời. Nó là con chị, nhưng lâu rồi mẹ con có gặp nhau đâu.
Suốt buổi xét xử chị chẳng nghe được gì, đầu óc cứ lơ mơ. Chị chỉ tập trung nhìn nó, đứa con trai xinh đẹp của chị, nước mắt chị vòng quanh. Nó phạm tội dẫn dắt gái mại dâm, lại còn ẩu đả gây thương tích nghiêm trọng. Nghe tòa tuyên án, nghe người ta chửi nó đáng đời, chị khóc ngất. Ở ngoài xã hội người ta nhìn nó là thằng đầu bươu đầu bò, nhưng với chị, nó vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào, đứa con tội nghiệp. Tại chị tất!
Cái việc chị sinh nó ra cũng đúng là oan nghiệt. Số kiếp nó khốn khổ, từ lúc đẻ ra đã chẳng được ai chào đón rồi. Khi biết chị cấn thai nó, bố nó cao chạy xa bay. Chị trẻ người non dạ, luống cuống với hậu quả quá lớn mà tình yêu vụng dại đầu đời để lại. Bố mẹ chì chiết, hàng xóm xì xào, cả nhà bắt chị bỏ cái thai đi nhưng chị thương nó nên không nỡ. Hổ dữ còn không ăn thịt con, chị giết nó sao đành khi nó đã thành hình mà đang mỗi ngày mỗi lớn trong bụng chị. Khóc lóc vật vã, van xin, cuối cùng chị cũng thuyết phục được ông bà ngoại nó cho chị sinh nó ra. Ở làng chị, cái chuyện chửa hoang nghiêm trọng lắm. Các cụ ngậm đắng nuốt cay đồng ý cho chị sinh.
Thằng bé ra đời, rồi lớn dần lên là niềm vui đối với cả nhà. Chẳng ai còn nhớ chuyện cũ. Nó xinh xẻo, ngoan ngoãn, cái mồm suốt ngày véo von. Ông bà ngoại yêu nó nhất. Nó cũng thích ông bà, quấn quýt cả ngày cho chị đi làm. Chị chẳng bằng cấp nên lên xã bán hàng thuê. Cảnh nghèo rau cháo nuôi nhau mà hạnh phúc, ông bà ngoại thằng bé là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho chị.
Thế nhưng chẳng được mấy năm, ông bệnh đột ngột qua đời. Bà buồn phiền mà cũng đi theo ông một năm sau đó. Lúc ấy thằng nhóc mới năm tuổi. Chị lâm vào cảnh hụt hẫng, mất chỗ dựa tinh thần, không biết bấu víu vào đâu. Vì không còn ai trông con nên chị xin nghỉ chỗ bán hàng, tự xoay xở nhiều nghề kiếm sống, trong ấy có cả nghề bán thân. Chị buộc phải làm thế, vì cuộc sống mỗi lúc một khó khăn, chị lại cô độc trên cõi đời, không học vấn, không nghề ngỗng, và chị còn phải nuôi con. Mấy lần chị đưa khách về, thằng bé hình như đều biết. Căn nhà bé tí tẹo, mẹ “tiếp khách” bên dưới, con ở trên cái gác lửng con con…
Video đang HOT
Giờ chị tự xỉ vả mình, ngày ấy lẽ ra chị không nên làm thế. Tại chị nghĩ không thông. Thằng bé đang tuổi lớn, thời gian đó, chị đã tiêm nhiễm vào đầu nó những gì! Chị nhớ có một hôm, thằng bé rất nghiêm túc nói với mẹ rằng: “Mẹ đừng dẫn ai về nhà nữa”. Ánh mắt nó mạnh mẽ, sắc như dao. Chị đau điếng người. Chị mắng nó là không làm thế lấy gì cho nó ăn. Từ ấy nó không buồn nói chuyện với chị nữa. Chị cứ dẫn ai về thì nó bỏ đi.
Sau chị cũng bỏ “nghề”, nhưng chị cảm nhận là mình đã mất con. Nó không còn như trước. Dù chị có dẫn ai về nhà hay không thì nó vẫn cứ đi. Ngay cả những lúc đáng ra phải ngồi học ở trường thì nó cũng đi. Nó đi để không phải ăn cái gì của chị. Cô giáo báo về là nó trốn học suốt. Bạn bè nó toàn đứa xấu. Chị bất lực. Vì chị không còn tư cách dạy dỗ nó.
Cho đến hôm nay nó ra nông nỗi này, chị tin tất cả là tại chị. Nếu được làm lại, chị sẽ vẫn sinh nó ra, nhưng phải sống cuộc sống khác. Sao chị lại yếu đuối, thiếu bản lĩnh đến vậy. Chị không bằng một phần của nó, dù bây giờ, trong mắt thiên hạ, nó là một thằng tù.
Kết thúc buổi xét xử, người ta dẫn giải nó ra xe, chị cứ như người mộng du, đi theo nó mãi. Cho tới lúc nó ra đến xe thùng mới nói với chị được một câu: “Mẹ về đi”. Chị lại khóc.
Theo VNE
Người cha
1. Con Nhàn là bạn cấp 2 của tôi, nó học hành bình thường, nói cười bình thường duy chỉ có một lần nó làm tập làm văn được 10 điểm.
Cô giáo đọc bài của nó trước lớp, đứa nào đứa nấy mắt đỏ hoe, chỉ mình nó ngồi cười cười mà nước mắt cứ chạy vòng quanh.
Đề bài là "biểu cảm về một người em yêu quý". Con Nhàn đã viết về cha. Chúng tôi đều không biết gì về cha nó cho đến khi được nghe những dòng thật thà ấy. Đó là một người đàn ông đen nhẻm, mặt hốc hác và lúc nào cũng cau có. Người ấy đã bỏ rơi mẹ con nó lúc nó mới lên 7. Chỉ 7 năm ngắn ngủi sống gần cha nhưng con Nhàn nhớ rất nhiều thứ, hình như đứa nào nhớ dai đều rất hay tủi thân.
Với con Nhàn, ký ức về cha là những lần ông trở về từ cơn say vật vã, chân bước đi không vững, miệng ra rả chửi mắng, là vết thâm trên người mẹ mỗi lần bị cha đánh đập, là những lần anh trai cõng nó chạy thục mạng khi bị cha đuổi. Nhưng con Nhàn còn nhớ cả nụ cười hiền từ hiếm hoi của cha khi nó khoe trang vở trắng chi chít chữ o tròn vo, nhớ những bữa cơm đạm bạc, cả nhà được ngồi ăn yên ổn khi cha nó không say rượu, nhớ tấm lưng trần mỗi trưa nắng chang chang khi cha gánh lúa hay đi nơm cá.
Nó cứ tưởng tuổi thơ mình sẽ lặng trôi như vậy cho đến một ngày cha nó chuyển đến ở với người phụ nữ khác và họ có chung một đứa con trai. Không biết nên vui hay buồn, nó cứ ngơ ngác sống trong không khí gia đình êm ấm nhưng buồn tủi của ba mẹ con. Trái tim thơ dại của nó từ thuở lên 7 đã có vài vết thương không biết tự liền sẹo.
Cung đường từ nhà đến trường ngang qua cả nhà cha, nhiều lần con Nhàn đi ngược chiều với ông, chân nó bước líu ríu, không biết gặp cha sẽ phải chào thế nào, nhưng cha nó bước qua lạnh lùng như không hề quen biết, như đã quên rằng ông còn có một đứa con gái. Nó tự nhủ người lớn thật chóng quên.
Cô giáo đọc đến đoạn cha nó phải vào tù thì trong lớp có đứa nấc lên khóc thành tiếng. Buổi trưa đấy chắc không đứa học trò cấp 2 nào quên, buổi cha nó bị đem xử án. Trường chúng tôi nằm sát Ủy ban xã, hôm ấy tòa án tỉnh về mở phiên xét xử ngay tại địa phương, người dân tụ về chật kín hội trường ủy ban để nghe người ta kết án tội phạm buôn bán ma túy trái phép. Lũ học trò cũng nhao nhao chạy sang hóng hớt, mặt tái xanh bình phẩm. Chẳng ai biết rằng con Nhàn đã nép sau góc cửa nhìn vào tấm lưng lầm lũi, vào mảnh áo sơ mi sờn vải của cha nó mà khóc đến ngất, chẳng ai biết dù là thú vật hay tội phạm nguy hiểm, họ cũng từng làm cha.
2. Em gái tôi cả tuần nay kể suốt về một đứa bạn cùng trường. Thằng bé lớn lên mà chưa từng thấy mặt cha. Mẹ nó đi lấy chồng khác khi được tin cha nó đã chết rũ trong tù vì ốm nặng. Nhà bố dượng nó cách làng tôi một con sông, hôm mẹ cưới chồng, nó xách cái ba lô cũ mèm theo mẹ bước lên phà sang sông. Nhưng được dăm bữa thì lại thấy mặt nó, nghe đâu cả bố dượng và bà nội kế hùa nhau đánh đuổi, mẹ nó làm ngơ, mặt lạnh tanh và nhục nhã như mùi tiền. Nó trở về với căn nhà nhỏ trống huơ trống hoác, đến nồi niêu, chăn màn, bàn tủ, mẹ nó cũng mang hết sang nhà chồng. Đêm, mình nó nằm co quắp trên manh chiếu cói.
Không chịu nổi cảnh côi cút, thằng nhỏ bỏ nhà đi non nửa tháng. Nhà trường nháo nhác đi tìm, cuối cùng thấy nó đang đứng thèm thuồng nhìn vào một hàng cháo khuya ven đường. Nó được đưa về ở trong nhà thầy hiệu trưởng. Kể đến đấy giọng em tôi vui lên hẳn, từ nay thằng bé lại được ăn no cơm, lại đến trường đều đặn. Tôi tự hỏi có bao giờ nó ôm chăn đi ngủ rồi thút thít khóc khi nghe thầy hiệu trưởng dỗ con mình ngủ ngoan, có bao giờ thầy nhắc ngồi vào bàn học mà nó bâng quơ nghĩ "cha mình nếu còn sống liệu có thương mình?".
Hôm nay em tôi đi học về mặt bần thần hẳn. Nó kể hóa ra thằng nhỏ còn cả anh trai, chị gái. Chị nó đến xin thầy hiệu trưởng cho nó về ở với mình. Tôi hỏi chị nó tên gì, em gái bảo tên Nhàn. Tôi hỏi chị Nhàn có nêu rõ lý do không, em nhắc lại lời Nhàn: "vì chúng cháu mất cha".
Theo VNE
Ai vì ai? Buổi tối, cả nhà cùng coi phim, vợ tôi luôn miệng cảm thán: Ôi cái thứ đàn bà con gái ở đâu mà... ngu thế, phim ảnh chứ ngoài đời làm gì có ai để "thiên hạ" ức hiếp như vậy. Thiệt là ngứa con mắt! Đó là khi ti vi có cảnh cô vợ nhún nhường phục vụ gia đình chồng, chịu...