Thắng lớn nhất trong thượng đỉnh Trump-Kim không phải là Mỹ và Triều Tiên
Người thắng lớn nhất trong thượng đỉnh Donald Trump- Kim Jong-un không phải là Mỹ hay Triều Tiên mà là Trung Quốc, theo nhận định của giới phân tích.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 12.6 tại Singapore. Ảnh: Reuters
Mặc dù Bắc Kinh không tham gia hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 12.6, nhưng hưởng lợi lớn nhất từ cuộc gặp này.
Giới phân tích nhận định, khi ông Donald Trump và Kim Jong-un khép lại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore bằng việc ký kết tuyên bố chung mà nhiều nhà quan sát cho là thỏa thuận mang tính biểu tượng, thì vai trò của Trung Quốc – đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên – cũng được củng cố.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, ông Donald Trump cho biết sẽ gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận về các cuộc đàm phán.
“Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời và có một nhà lãnh đạo tuyệt vời – một người bạn của tôi. Tôi tin rằng ông ấy sẽ vui vì chúng tôi đã đạt được tiến bộ này. Tôi sẽ gọi cho ông ấy sớm, có thể trước khi hạ cánh” – tờ SCMP dẫn lời ông Donald Trump nói.
Mặc dù Trung Quốc không chính thức tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt, nhưng ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng vẫn cảm nhận rõ – giới phân tích nhận định – và thỏa thuận mang tính biểu tượng đã chứng tỏ vai trò của Trung Quốc trong tiến trình này.
“Nó cho thấy mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn lớn và không thể giải quyết chỉ trong một cuộc gặp” – Cheng Xiaohe, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc – cho biết.
“Không có sự ủng hộ của Bắc Kinh, rất khó để Washington và Bình Nhưỡng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình. Trung Quốc và các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản hay Nga có thể đóng vai trò trong những nỗ lực tiếp theo” – Cheng nói.
Video đang HOT
Theo giới phân tích, những diễn tiến trong các cuộc đàm phán Mỹ – Triều Tiên phù hợp với những gì Bắc Kinh mong đợi, khi cả hai bên cam kết trong thỏa thuận ủng hộ một giải pháp hòa bình, chấm dứt 7 thập kỷ thù địch, và giảm căng thẳng hạt nhân.
“Trung Quốc không mất gì ở đây” – nhà phân tích chính trị Deng Yuwen ở Bắc Kinh cho biết. “Đây cũng là mục tiêu của Trung Quốc tìm kiếm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Và trong khi không có thời gian biểu hay biện pháp cụ thể nào để phá hủy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thì Washington vẫn sẽ cần Bắc Kinh nếu muốn gây áp lực thêm cho Bình Nhưỡng” – ông Deng Yuwen nói.
Tổng thống Donald Trump cũng bày tỏ hy vọng cả Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế của Triều Tiên – điều mà ông Kim Jong-un đang tìm kiếm.
Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố ngừng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn vì chúng “khiêu khích và đắt đỏ”. Động thái này cũng được nhiều nhà phân tích xem là một thắng lợi lớn với Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã tìm kiếm “đóng băng kép”, theo đó Mỹ và Hàn Quốc đóng băng tập trận quân sự, đổi lại Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân.
Trong một bài xã luận đăng trên báo chí Trung Quốc, ông Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ lớn hơn trong tương lai.
“Cho đến nay, các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên đang phát triển chủ yếu theo hướng Trung Quốc đang hy vọng, và sau thượng đỉnh Trump-Kim, vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn” – ông Chung nhận định.
VÂN ANH
Theo Laodong
Cuộc gặp thượng đỉnh đánh dấu những "lần đầu tiên" trong lịch sử Hàn - Triều
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai được xem là sự kiện lịch sử, đánh dấu những "lần đầu tiên" trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)
Theo giới quan sát, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử quan hệ song phương. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được tổ chức vào ngày mai 27/4 tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Panmunjom, thuộc phía lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hai hội nghị trước đây đều được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007.
Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc, ít nhất kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953). Em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, từng tới Hàn Quốc hồi tháng 2 nhân dịp Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Trước bà Kim Yo-jong, chưa có thành viên nào trong gia đình lãnh đạo Kim từng đi tới quốc gia láng giềng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ duyệt đội danh dự của quân đội Hàn Quốc trước khi bắt đầu hội đàm song phương. Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện nghi thức này tại Hàn Quốc.
Trong bối cảnh cả thế giới dường như dõi theo từng diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, các phóng viên nước ngoài sẽ được mời tham gia đoàn báo chí để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Khu Phi Quân sự liên Triều - một trong những khu vực được vũ trang dày đặc nhất thế giới.
"Lần đầu tiên trong lịch sử của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các phóng viên nước ngoài sẽ được tham dự với tư cách cá nhân", thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây, chỉ một số ít phóng viên địa phương được phép đưa tin và địa điểm tác nghiệp của họ chỉ giới hạn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tính đến nay đã có hơn 800 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều vào ngày mai. Họ có thể chọn vị trí tác nghiệp tại nơi tổ chức hội nghị hoặc tại trung tâm báo chí ở Goyang, cách biên giới Hàn - Triều khoảng 30 km về phía nam.
Theo thống kê của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tổng cộng có 2.850 phóng viên, bao gồm phóng viên của các cơ quan báo chí địa phương, đăng ký đưa tin về sự kiện ngày mai. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được báo chí quan tâm nhiều và có đông phóng viên tác nghiệp như vậy.
Phi hạt nhân hóa
Căn phòng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vào ngày 27/4 (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử thế giới và "bước chuyển giao quan trọng" tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Để cuộc gặp diễn ra hiệu quả và tập trung vào chủ đề chính, phía Hàn Quốc đã gạt vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi chương trình hội nghị.
"Hợp tác kinh tế chỉ có thể khả thi sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế", một quan chức Hàn Quốc nói với Korea Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thông qua Tuyên bố chung 15/6. Tuyên bố này chủ yếu đặt ra những nguyên tắc chung về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề nhân quyền. Sau hội nghị này, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy hoạt động của Khu phức hợp Công nghiệp Gaeseong - khu công nghiệp chung của hai nước.
Tuyên bố chung 4/10 được hai nhà lãnh đạo Roh Moo-hyn và Kim Jong-il ký tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007 cũng đi theo đường lối chung của tuyên bố ký năm 2000, trong đó hai bên nhất trí mở rộng trao đổi hợp tác về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn chưa được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán liên Triều. Trong khi đó, đây lại là vấn đề then chốt trong cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un vào ngày mai.
Nếu hội nghị thượng đỉnh năm 2007 được tổ chức vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun, hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra khi cả Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ lãnh đạo. Do vậy, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào những bước đột phá có thể đạt được trong thỏa thuận song phương Hàn - Triều.
Để đảm bảo duy trì kết quả của thỏa thuận song phương sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn văn kiện này. Ngoài ra, Hàn Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập văn phòng liên lạc lâu dài tại biên giới để giới chức hai nước có thể thường xuyên liên lạc với nhau. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cũng có thể trao đổi trực tiếp thông qua đường dây nóng được đặt tại văn phòng của họ từ ngày 20/4.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều Chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch treo cờ thống nhất ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Triều Tiên, để thể hiện mong ước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai 27/4 sẽ thành công tốt đẹp. Lá cờ bán đảo...