Tháng củ mật sinh viên liên tiếp mất đồ
Bước vào tháng giáp Tết Âm Lịch( tháng củ mật), sinh viên lại liên tiếp “chịu trận” mất đồ. Những đồ đạc có giá trị như: laptop, điện thoại, xe đạp, xe máy, thậm chí tiền bạc, quần áo…cứ không cánh mà bay. Địa điểm để cánh “đạo chích” hoạt động là những khu xóm trọ sinh viên.
Đột kích xóm trọ
Hầu hết các vụ mất trộm đều xảy ra ở những xóm trọ sinh viên. Nhiều xóm trọ xây đã lâu, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, tường rêu ẩm mốc hoặc nhiều chỗ bị nứt, cửa bằng gỗ đã bị mối ăn mòn… Mặc dù biết an ninh không tốt nhưng nhiều bạn sinh viên vẫn quyết định thuê phòng ở đây vì giá phòng rẻ hơn những nơi khác. Nhất là đối với những bạn sinh viên trọ một mình hay những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Hình ảnh xóm trọ tồi tàn, không đảm bảo an ninh. Ảnh: Baomoi.com
Các xóm trọ thường chung nhau phòng vệ sinh nên sinh hoạt không mấy thỏa mái. Đây cũng chính là điều kiện để ” đạo chích” thực hiện mưu đồ khi các bạn sinh viên sơ ý.
Vũ Thu Trang, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền buồn bã chia sẻ : ” Mình đi tắm nên chỉ khép cửa bỏ đấy, ai ngờ khi vào phòng đã không thấy chiếc laptop đâu, kiểm tra mới biết đã mất ví, trong đó có hơn 800 ngàn và nhiều giấy tờ khác. Chỉ có chiếc điện thoại mình để dưới gối là không bị mất.”
Do thiếu cẩn trọng, không khóa cửa phòng nên Trang đã bị ” khoắng” laptop. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên dù đã cẩn thận khóa phòng song vẫn bị cánh đạo chích “dòm”.
Video đang HOT
“Biết là bây giờ trộm cắp nhiều, nhất là giáp Tết này, thế nên trước khi đi học mình đã khóa phòng cẩn thận, cất laptop trong hòm rồi dùng khóa khóa lại. Thế mà khi đi học về, thấy phòng không còn khóa nữa, cái laptop thì đã ” không cánh mà bay”. Nguyễn Hùng, sinh viên Đại học Công Nghiệp bùi ngùi kể lại.
Không chỉ tập kích riêng lẻ từng đối tượng, cánh đạo chích còn thực hiện “chiến dịch” tập kích cả xóm trọ.
Một xóm trọ ở làng Nguyên Xá, nằm sau Đại học Công Nghiệp đã bị mất 3 chiếc xe đạp, 1 xe máy Wave và 1 xe Air Blade chỉ sau một đêm. Nguyên nhân là do xóm trọ này chưa từng bị mất trộm, có tường cao bao quanh nên các bạn sinh viên chủ quan bỏ phương tiện ở ngoài mà không cho vào trong phòng.
Do tâm lý chủ quan, không đề phòng kẻ trộm đột nhập ăn cắp đồ; cư ngụ ở những phòng trọ rẻ tiền an ninh không tốt nên nhiều sinh viên chỉ biết kêu trời khi đánh mất những đồ dùng, vật phẩm có giá trị như: xe máy, điện thoại, laptop…
Phùng Xuân Đức, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự: ” Mình học ngành Sư phạm tin học nên rất cần đến máy tính. Kỳ vừa rồi bố mẹ ở quê tích cóp mãi được hơn 10 triệu để mua cho mình chiếc laptop Acer. Cuối cùng bị trộm lấy mất, bây giờ mình không biết ăn nói thế nào với bố mẹ.”
Nghi phạm
“Đang đêm nằm ngủ, thấy có tiếng động lạ nên mình thức dậy, bật điện mở cửa ra ngoài xem thế nào. Đúng lúc đấy mình soi đèn sang phòng bên cạnh, thấy có người đàn ông đang phá khóa cửa phòng. Mình hô hoán mọi người “Trộm! Trộm!”, nhưng tiếc tên trộm đã nhanh chân trèo qua tường và biến mất.” – Doãn Tuấn hồi hộp kể lại.
Bất cẩn để xe ở ngoài khi vắng người. Ảnh: VTC
Đối tương thực hiện hành vi ăn trộm ở xóm trọ sinh viên rất đa dạng. Thường là những nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, một số thành phần nghiện ngập, cần tiền hút chích. Số khác là những kẻ ăn trộm vặt… Để bắt được quả tang hành vi ăn trộm không phải là việc đơn giản bởi chúng thường nhằm những lúc xóm trọ vắng vẻ hoặc lúc nửa đêm để hoạt động.
Tuy nhiên, thành phần ăn trộm đồ đạc của các sinh viên không phải lúc nào cũng do bọn côn đồ này thực hiện. Thật đáng tiếc là nhiều khi chính các bạn sinh viên lại ăn trộm đồ của nhau.
Kí túc xá Đại học Giao Thông là nơi đã từng xẩy ra rất nhiều vụ ăn trộm mà thủ phạm được xác định, không ai khác chính là các bạn sinh viên.
Bạn Nguyễn Thị Thủy đã từng bị người bạn cùng phòng của mình ăn trộm 2 chiếc điện thoại mang đi bán, rồi dùng số tiền đó để mua quà sinh nhật tặng bạn trai. Khi việc vỡ lở, hai bạn đã không thể tiếp tục làm bạn với nhau.
Thủy cho biết : ” Mình để hai chiếc điện thoại trong vỏ gối, mình đi giặt quần áo vào thì không thấy nữa, trước đấy chỉ có mình H ở phòng. Tối về mình đã cố tình hỏi khéo H về 2 chiếc điện thoại, cuối cùng H đã nhận tội, H ôm mình khóc và kể lể về hoàn cảnh của bản thân. Tuy vậy mình quyết định không chơi với H nữa vì H đã có hành vi này nhiều lần trước đó với các bạn khác.
Một số sinh viên có sở thích ” sắm đồ” trong khi điều kiện không cho phép. Nhiều người trong số đó đã chọn cách ăn trộm đồ của bạn cùng phòng rồi mang đi cắm, bán…Chính bởi vậy, những sinh viên này bị các bạn coi thường vì hành vi thiếu đạo đức này.
“Chiến dịch” bảo vệ đồ
Chứng kiến cảnh bạn mình liên tiếp mất đồ, nhiều sinh viên đã thực hiện chiến dịch bảo vệ đồ đạc của mình.
Hầu hết các bạn sinh viên khi bị mất đồ thì chuyển phòng đến những khu trọ có an ninh tốt hơn. Nhiều bạn mách nhau đến ở trọ với nhà dân, mặc dù không được thoải mái lắm nhưng an toàn.
Ngoài ra, khi đi học hoặc có việc phải đi ra ngoài, các bạn thường gửi những đồ có giá trị, dễ bị ăn trộm sang phòng bên cạnh hoặc gửi bạn bè, những người thân cận, có thể tin tưởng được.
Để an toàn, nhiều bạn đã kì công luôn mang theo những thứ có giá trị bên mình. Hoàng Lâm, sinh viên Học viện Ngoại Giao chia sẻ: “Mình luôn mang laptop trong balo, cả máy ảnh và máy nghe nhạc, như thế là an toàn nhất để kiểm soát đồ đạc của mình, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Theo VietNamNet
Cảnh giác tội phạm dịp gần tết
Chỉ còn gần 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012. Khoảng thời gian áp tết mà chúng ta vẫn quen gọi là tháng "củ mật" này, bọn tội phạm thường lợi dụng để hoạt động.
Công an Hà Nội khám nghiệm hiện trường một vụ trộm trong tháng "củ mật"
Tội phạm nơi công cộng
Buổi chiều đầu tiên của năm mới, chúng tôi có mặt ở bến xe phía Nam. Tại khu vực đường Giải Phóng, một phụ nữ tay xách chiếc túi vải, đang ngồi khóc bên vệ đường. Hỏi thăm, chúng tôi được biết chị vừa từ bến xe Gia Lâm về đây và bị một số đối tượng lừa đảo dưới hình thức cờ bạc bịp
"đỏ - đen", chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng. Đó là toàn bộ vốn liếng của chị làm ăn ở Hà Nội từ đầu năm đến giờ, chuẩn bị về nhà với chồng con thì mất sạch. Người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Ngát (43 tuổi), quê ở tỉnh Hà Nam.
Thượng tá Trương Thọ Toàn, Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết: "Bọn tội phạm thường lợi dụng ngày áp tết đông người mua sắm hàng hóa, trà trộn vào đám đông khách hàng để móc túi trộm cắp tiền, điện thoại di động. Tháng "củ mật", nhiều đối tượng hoạt động trộm cắp ở khu vực công cộng, đặc biệt là tại những trung tâm thương mại. Nguyên nhân một phần là do lượng khách hàng đông và tại những nơi mua sắm thường lộn xộn, dẫn đến sơ hở để kẻ gian lợi dụng".
Tăng cường phòng ngừa
Ngoài những hoạt động trộm cắp, lừa đảo ở địa bàn công cộng như bến tàu, bến xe, các trung tâm thương mại và những khu vực vui chơi giải trí, bọn tội phạm còn nhằm vào sơ hở của người dân để trộm cắp xe máy, đột nhập tư gia để "cuỗm" đi nhiều tài sản có giá trị. Thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội phân tích: "Dịp cuối năm thường vào những ngày đông giá rét, hầu hết mọi gia đình đều đóng chặt cửa để xua đi cái lạnh. Tuy nhiên, kẻ gian thường lợi dụng thời điểm mọi người dân ngủ say, dùng kìm cộng lực, xà cầy, đèn khò để phá khóa cửa chính, cậy cửa tum lẻn vào bên trong ăn trộm". Mới đây, trên địa bàn một số quận nội thành đã xảy ra những vụ trộm đột nhập nhà dân qua tum, rồi phá két sắt trộm cắp.
Trước những diễn biến phức tạp về hoạt động của tội phạm nhằm vào tháng "củ mật", Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và các phòng nghiệp vụ chức năng khác triển khai Kế hoạch 142/KH-CAHN (ngày 20-10-2011) về việc tổ chức các tổ công tác phòng, chống tội phạm trộm cắp, vi phạm pháp luật tại các địa bàn công cộng và trên các tuyến xe buýt, xe khách. Theo đánh giá ban đầu của Phòng CSHS, sau hơn 2 tháng thực hiện kế hoạch này, các đơn vị phối hợp đã bắt giữ trên 50 vụ với hàng chục đối tượng trộm cắp tại các tuyến, địa bàn công cộng. Phòng CSHS đã tập trung quét vét hàng chục đối tượng hoạt động "cò mồi" tại các bến tàu, nhà ga, bến xe và ở những địa điểm vui chơi giải trí, sân bay, bệnh viện, góp phần ngăn chặn hoạt động tội phạm tại các khu vực công cộng.
Tuy nhiên, để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động tội phạm trong tháng "củ mật", Phòng CSHS khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, giữ gìn và tự bảo quản tài sản của mình khi tham gia giao thông trên các tuyến, phương tiện vận tải hành khách công cộng, hoặc ở các trung tâm thương mại, nơi vui chơi giải trí, bệnh viện... Ban đêm, các hộ dân và cơ quan, công sở cần chú ý đóng cửa cẩn thận và nên lắp đặt hệ thống bảo vệ chống trộm như camera, còi báo động, để kịp thời phát hiện hoạt động tội phạm. Khi mọi người, mọi nhà và mọi tầng lớp trong xã hội đều nâng cao ý thức cảnh giác, ắt sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ đẩy lùi hoạt động của tội phạm.
Theo ANTD
Cuối năm sinh viên nhậu... thả cửa Ngày nay nhiều khi một sinh viên được "vị nể" trong khu trọ không phải bởi bảng điểm chói lòa hay thành tích hoạt động phong trào mà bởi "tửu lượng" đong bằng lít. Nhậu kiểu sinh viên 11h đêm, dãy quán nhậu ốc nóng, mực nướng, chân gà vỉa hè đầu đường Lê Đức Thọ dẫn vào sân vận động quốc gia...