Thang chữa cháy không thể “chạy” theo độ cao của tòa nhà
Trước lo ngại của các đại biểu HĐND về việc các xe thang chữa cháy hiện nay quá thấp so với chiều cao của các toà nhà trong thành phố, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho rằng, không phải cứ xây nhà bao nhiêu tầng thì phải có thang chữa cháy cao bấy nhiêu tầng. Thang chữa cháy chỉ để đưa thiết bị lên chữa cháy.
Sáng 5/7, Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã họp phiên chất vấn các vấn đề quan trọng được nhiều cử tri quan tâm. Tại buổi làm việc, trả lời việc thời gian qua, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân, đe đọa an toàn tính mạng của người dân; ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết, tình hình cháy nổ trước thời điểm hợp nhất Hà Nội – Hà Tây cũng cao nhưng không cao như sau khi hợp nhất, sau đó có giảm dần. Năm 2011 thành phố xảy ra 246 vụ, năm 2012 giảm còn 197 vụ, 6 tháng đầu năm 2013 giảm 49 vụ, giảm 5 người chết.
Theo ông Sơn, hàng năm, vào đầu mùa nắng nóng, trên địa bàn thành phố hay xảy cháy. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng thúc đẩy gia tăng cháy nổ; ý thức của một bộ phận lãnh đạo, quần chúng nhân dân chưa cao trong quá trình sử dụng điện, các nguồn nhiệt, vật liệu dễ cháy nổ; một số đơn vị coi nhẹ công tác PCCC…
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố, sau khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC, đến nay, đơn vị này đã tăng cường quân số lên 1.599 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 837 chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ và thành lập 10 đội chữa cháy khu vực với hơn 100 xe phục vụ chữa cháy, cứu hộ… Sắp tới, sẽ có thêm 8 đội chữa cháy khu vực, đồng thời tăng cường bố trí lực lượng tại chỗ hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát PCCC.
Hình ảnh vụ cháy chung cư 32 tầng kinh hoàng trên phố Trung Hoà – Nhân Chính (Hà Nội) năm 2010.
Video đang HOT
Đề cập đến việc kiểm tra, rà soát việc cấp phép và hiện trạng đảm bảo an toàn PCCC của 489 cây xăng đang hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là vùng nội đô; kế hoạch xử lý các trạm không đảm bảo an toàn sau vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm ngày 03/6 vừa qua, ông Phó Giám đốc Sở PCCC cho biết, đơn vị này vẫn thường xuyên kiểm tra theo tiến độ quý, 6 tháng, 1 năm, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên ngành để kiểm tra theo đợt.
Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai được 3 đợt kiểm tra. Trước vụ cháy tại đường Trần Hưng Đạo, đã kiểm tra 52 cây xăng dầu và sau khi xảy cháy, Sở đã kiểm tra đợt 1. Qua kiểm tra, đã yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng phải ngừng kinh doanh, 52 cửa hàng phải cải tạo lại trong đó có 28 cửa hàng đã cải tạo xong, 24 cửa hàng chưa xong cải tạo. Hiện đang tiếp tục tiến hành kiểm tra đợt 2.
Trước chất vấn của các đại biểu về lộ trình xử lý những địa điểm kinh doanh xăng dầu không đảm bảo yêu cầu, phải di dời, ông Phó Giám đốc Sở cho biết, do quy chuẩn cũ và mới có sự thay đổi lớn đặc biệt là về diện tích tối thiểu và khoảng cách an toàn giữa cây xăng với nhà dân, trong khi nhiều cây xăng trên địa bàn đã được cấp phép và hoạt động từ cách đây hàng chục năm, theo những quy chuẩn cũ nên liên ngành sẽ phải bàn cách xử lý. Hướng là những đơn vị kinh doanh xăng dầu nào không thể khắc phục được các quy định an toàn về cháy nổ bằng các biện pháp công nghệ thì sẽ buộc phải di dời.
Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về công tác phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng, trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng và khả năng cứu hộ hiệu quả của lực lượng PCCC thành phố; ông Phó Giám đốc Sở cho biết, hiện thành phố có 5 xe thang cao 52m, nếu tính theo độ cao thì chỉ lên được tới tầng 15. Tuy nhiên, về nguyên tắc khi xây nhà cao tầng, cơ quan phòng cháy chữa cháy đều phải thẩm định quy chuẩn, xem xét đến các yếu tố kỹ thuật và trang thiết bị phòng cháy.
Theo ông Phó Giám đốc Sở, với nhà cao tầng bao giờ cũng phải có hệ thống cầu thang thoát nạn. Cấu tạo có bậc chịu lửa cao, cửa tự động đóng, mở và phải chống cháy. Có ánh sáng, không khí, lửa không xâm nhập được vào…. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có cầu thang được làm như vậy nhưng có trường hợp chủ đầu tư không bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên dẫn đến hư hỏng.
Giải pháp thoát nạn nhà cao tầng hoàn toàn phụ thuộc vào cầu thang bộ chứ không phải là thang của lực lượng PCCC. Thang của lực lượng PCCC chỉ dùng để đưa thiết bị lên chữa cháy và chỉ giải cứu người trong trường hợp đặc biệt. Chứ không phải xây nhà cao bao nhiêu tầng thì phải có thang bấy nhiêu tầng. Ngay như TPHCM, mua thang 72 tầng nhưng chỉ di chuyển được trong quận 1 vì rất cồng kềnh và nặng, di chuyển khó khăn, dễ gây tai nạn”, ông Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định.
Theo VNE
Cây xăng không an toàn sẽ phải di dời
Liên quan tới vấn đề cháy nổ, phòng cháy chữa cháy đối với cây xăng, nhà cao tầng, nhất là sau những vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây, các ĐB HĐND TP Hà Nội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn làm "nóng" Hội trường...
Những cây xăng nằm sát khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Về việc kiểm tra, rà soát việc cấp phép và hiện trạng đảm bảo an toàn PCCC của 489 cây xăng đang hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là vùng nội đô và kế hoạch xử lý các trạm không đảm bảo an toàn sau vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm ngày 3-6 vừa qua, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC cho biết: "Sở vẫn thường xuyên kiểm tra. Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai được 3 đợt kiểm tra. Trước vụ cháy tại đường Trần Hưng Đạo, đã kiểm tra 52 cây xăng dầu và sau khi xảy cháy, Sở đã kiểm tra đợt 1. Qua kiểm tra, đã yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng phải ngừng kinh doanh, 52 cửa hàng phải cải tạo trong đó có 28 cửa hàng đã cải tạo xong. Hiện Sở đang tiếp tục tiến hành kiểm tra đợt 2, đến hết tháng này mới kết thúc và sẽ có nhận xét, đánh giá với từng cửa hàng".
Chất vấn trực tiếp, ĐB Vũ Cao Minh (Thanh Xuân) đề nghị cho biết lộ trình xử lý những địa điểm kinh doanh xăng dầu không đảm bảo yêu cầu. Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC cho biết, do quy chuẩn cũ và mới có sự thay đổi lớn, đặc biệt là về diện tích tối thiểu và khoảng cách an toàn giữa cây xăng với nhà dân. Trong khi đó, nhiều cây xăng trên địa bàn đã được cấp phép và hoạt động từ cách đây hàng chục năm, theo những quy chuẩn cũ nên liên ngành sẽ phải bàn cách xử lý. Hướng xử lý là những đơn vị kinh doanh xăng dầu nào không thể khắc phục được các quy định an toàn về cháy nổ bằng các biện pháp công nghệ thì sẽ buộc phải di dời.
Liên quan tới công tác phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng, các ĐB HĐND TP quan tâm đến năng lực PCCC và trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng. ĐB Nguyễn Nguyên Quân (Thanh Oai) chất vấn: "Cử tri và nhân dân lo lắng khả năng chữa cháy tại các khu chung cư cao tầng, khu tái định cư. Với những tòa nhà cao tầng mà thiết bị không đáp ứng được thì sẽ có biện pháp nào đề xử lý?".
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết: "TP có 5 xe thang cao 52m, nếu tính theo độ cao thì chỉ lên được tới tầng 15. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi thiết kế xây dựng, các nhà cao tầng đều phải đảm bảo và được cơ quan chức năng thẩm định các yếu tố về kỹ thuật và trang thiết bị PCCC. Thang chữa cháy chủ yếu nhằm đưa lực lượng chữa cháy và trang thiết bị lên cao nhanh và ứng cứu những người không có khả năng thoát nạn bằng thang bộ. Chúng ta không thể xây nhà bao nhiêu tầng thì phải có thang đáp ứng được chiều cao đó. Bản thân các công trình phải đảm bảo yêu cầu cho thoát nạn".
Về việc sử dụng máy bay trong chữa cháy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong trường hợp xảy cháy ở các nhà cao tầng, khói và nhiệt bốc lên rất mạnh, trực thăng khi đi vào sẽ gặp nguy hiểm, có thể rơi máy bay. Do đó, không nên sử dụng trực thăng chữa cháy mà chỉ dùng vào cứu hộ, cứu nạn.
Kết luận phần trả lời chất vấn của đại diện Sở Cảnh sát PC&CC, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh những cố gắng của Sở Cảnh sát PC&CC. Sở mới thành lập trong điều kiện nhiều khó khăn nhưng đã có cố gắng cao nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong thời gian vừa qua, Sở đã có những đóng góp rất trách nhiệm vào việc thực hiện nhiệm vụ chung của TP xung quanh những vấn đề theo chức năng nhiệm vụ của Sở ".
Theo ANTD
Hà Nội khẩn trương mua áo chống cháy Lãnh đạo Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy khẩn trương mua sắm áo chống cháy và bổ sung ngay hóa chất bọt chữa cháy; đề xuất Thành phố về chế độ bồi dưỡng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia khắc phục sự cố... Hàng loạt động thái tích cực đã được Lãnh đạo...