Tháng 4: Giao dịch phái sinh giảm hơn 40%, vì đâu nên nỗi?
Bất chấp nỗ lực trong phiên giao dịch cuối tháng, thị trường chứng khoán phái sinh tháng 4 vẫn giảm sâu so với tháng 3.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng để bước vào kỳ nghĩ kéo dài 5 ngày, thị trường chứng khoán phái sinh đã có được một phiên giao dịch khá ấn tượng với tổng khối lượng hợp đồng được giao dịch đạt 102.677 hợp đồng.
Sở dĩ nói điều rằng kết quả giao dịch của phiên cuối cùng trong tháng là ‘khá ấn tượng’ là bởi đây là phiên thứ 2 trong tổng số 19 phiên giao dịch của tháng có khối lượng hợp đồng giao dịch đạt con số trên 100.000 hợp đồng – điều mà những tháng trước đây là hết sức bình thường.
Thị trường chứng khoán cơ sở ảm đảm đã vẽ nên một bức tranh không mấy sáng sủa trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Điều này là có thể hiểu được bởi các sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam hiện nay – hợp đồng tương lai chỉ số – được xây dựng dựa trên chỉ số VN30, vì vậy sự biến động của thị trường phái sinh gắn liền với diễn biến của VN30.
Các số liệu thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng qua chỉ đạt mức 1.400 tỷ đồng, giảm 30% so với hồi giữa tháng 3. Cá biệt, giá trị hợp đồng tương lai được giao dịch trong phiên giao ngày 19/4 chỉ ở mức gần 950 tỷ đồng, bằng 50% giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng 3/2019.
Với thị trường chứng khoán phái sinh, thống kê của HNX cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4 – phiên giao cuối cùng của tháng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ dài – tổng khối lượng hợp đồng phái sinh giao dịch của cả tháng 4 cũng chỉ đứng ở mức 1.533.859 hợp đồng với giá trị hợp đồng đạt xấp xỉ 135.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong tháng 3 tổng khối lượng hợp đồng giao dịch đạt 2.647.100 hợp đồng. Như vậy là khối lượng giao dịch trong tháng 4 đã giảm tới 42% so với tháng trước đó.
Nếu như trong tháng 3 giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tuy có giảm ở thời điểm cuối tháng nhưng khối lượng giao dịch bình quân vẫn đạt 126.052 hợp đồng/phiên. Ngoại trừ thời điểm giữa tháng và cuối tháng khi điểm chỉ số VN30 không biến động nhiều, khối lượng giao dịch của các phiên giao dịch còn lại đều trên mức 100.000 hợp đồng/phiên.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân phiên trong tháng 4 chỉ đạt mức 80.729 hợp đồng, trong đó chỉ có hai phiên có số lượng hợp đồng giao dịch đạt mức trên 100.000 hợp đồng. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 19/4 tổng số lượng hợp đồng giao dịch chỉ đứng ở mức 56.298 hợp đồng, giảm một nửa so với số lượng giao dịch trung bình phiên của tháng 3.
Video đang HOT
Những số liệu thống kê trên cho thấy, sự ảm đạm của thị trường chứng khoán cơ sở đã ảnh hưởng mạnh tới bầu không khí giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh như thế nào.
Sự bất cập của rổ chỉ số VN30
Có một điểm mà nhà đầu tư và giới chứng khoán lâu nay đã đề cập nhiều, đó là sự bất cập của cơ cấu rổ hàng hóa VN30 hiện nay. Có vài cổ phiếu trong cùng một họ, chẳng hạn như các mã cổ phiếu thuộc họ Vin, chiếm tỷ trọng không phải là nhỏ trong rổ VN30. Hiện tại 3 cổ phiếu thuộc họ này là VIC, VHM và VRE chiếm 16,13% rổ chỉ số. Từ ngày 6/5 tới, do thay đổi cách tính rổ chỉ số, tỷ trọng của họ này trong VN30 sẽ giảm xuống còn 15,22%.
Đây là một sự thay đổi không đáng kể. Thay đổi đáng kể với các cổ phiếu thuộc họ này là giảm tỷ trọng giới hạn vốn hóa từ mức 47% xuống còn 41,91% ở cả 3 mã. Do chiếm tỷ trọng lớn nên mỗi khi giá thị trường của họ cổ phiếu này biến động sẽ ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến của rổ VN30 và qua đó tác động tới thị trường chứng khoán phái sinh.
Đặc biệt phải kể đến cổ phiếu SAB của Sabeco. Kể từ 6/5 tỷ lệ lưu hành tự do của SAB được giảm từ 15% xuống còn 11%. Từ chỗ đứng thứ 12 trong chỉ số cũ SAB giờ tụt xuống thứ 17 trong chỉ số mới. Điều này phần nào có thể giúp SAB giảm ảnh hưởng trong VN30 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vấn đề chính đối với SAB không phải là thay đổi tỷ trọng trong chỉ số mà là thanh khoản. Các cổ phiếu khác có thanh khoản lớn nên để thay đổi một bước giá cần chi phí tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi SAB thanh khoản rất nhỏ, các bước giá lại không được lấp đầy, tạo điều kiện tự nhiên cho khả năng dao động rất mạnh dù chỉ khớp lệnh với một khối lượng tối thiểu.
Việc thay đổi vốn hóa của một cổ phiếu ngoài chuyện khối lượng lưu hành lớn hay nhỏ còn là mức chênh lệch giữa giá chào mua tốt nhất và chào bán tốt nhất. Theo quy định thì bước giá cổ phiếu là giống nhau trong cùng một khoảng giá nhưng thực tế phụ thuộc vào cung cầu từng thời điểm. Theo quan sát, SAB thường xuyên có chênh lệch lớn giữa hai giá nên vốn hóa cũng biến động rất mạnh.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 18/4, ở đợt khớp lệnh ATC, đột ngột có 24.500 cổ phiếu (chiếm 50% tổng khối lượng giao dịch của SAB trong cả phiên) được đưa ra bán với mức giá sát với giá sàn, kéo theo sự thay đổi mạnh của VN30, gây ra sự ngỡ ngàng đối với nhà đầu tư.
Đã có tính toán cho rằng, ở phiên giao dịch này, chỉ cần nắm giữ giá trị cổ phiếu chưa đến 6 tỷ đồng có thể khiến vốn hóa của SAB “bay” hơn 10.100 tỷ đồng, tác động mạnh đến VN-Index và chỉ số VN30, đơn vị làm chỉ số cơ sở cho hợp đồng phái sinh.
Biến động mang tính giật cục, bất thường của thị giá SAB đã làm ảnh hưởng tới túi tiền của nhà đầu tư phái sinh, gây ra sự thất vọng đối với những nhà đầu tư này. Những sự kiện như thế này cần được hạn chế tới mức tối thiểu, thậm chí loại bỏ hẳn, để tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư khiến họ có tâm lý chán nản, ngừng giao dịch hoặc rời bỏ thị trường.
Thị trường đang rất ngóng chờ sự ra đời của một bộ chỉ số mới, tốt hơn, làm cơ sở cho những sản phẩm chứng khoán phái sinh để giúp thị trường phát triển nhanh và bền vững hơn. Nếu không thì bất chấp nỗ lực của một vài công ty chứng khoán trong việc miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư hiện nay thì thị trường phái sinh cũng không thể phát triển được như kỳ vọng của Chính phủ và cơ quan quản lý thị trường.
Ngọc Quang
Theo baogiaothong.vn
ĐHĐCĐ Chứng khoán HSC: Mất dần thị phần phái sinh, cổ đông chất vấn liệu có tham gia thao túng thị trường?
Đại diện Chứng khoán HSC khẳng định không thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh vì lý do đơn giản là không thao túng được. Vị này cho biết, thao túng thì phải dùng nguồn vốn lớn, phải kết hợp nhiều thứ, không thể nói sâu nhưng Công ty không thao túng chỉ số cổ phiếu và thị trường phái sinh.
Chiều ngày 25/4/2019, Chứng khoán Tp.HCM (HSC, mã chứng khoán HCM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, chia sẻ tại Đại hội, đại diện Chứng khoán HSC kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Áp lực cạnh tranh lớn, mảng phái sinh giảm mạnh thị phần
Trong đó, đối với thị trường cơ sở, với giả định giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 6.500 tỷ đồng/ngày, Chứng khoán HSC đặt mục tiêu tổng thị phần môi giới chứng khoán Công ty sẽ tăng từ 11,4% lên 12,3%. Bao gồm, thị phần môi giới khách hàng cá nhân tăng từ 9,7% lên 10,8%, con số cho nhóm tổ chức từ 23,1% lên 25%. Được biết, kế hoạch này tương đối thách thức cho Chứng khoán HSC khi có thêm nhiều công ty chứng khoán có vốn nước ngoài tham gia.
Ngược lại ở thị trường phái sinh, Chứng khoán HSC dự kiến thị phần giảm từ 22,6% xuống còn 20% trong năm 2019, chủ yếu là do ngày càng có nhiều công ty tham gia và có một số bên theo đuổi chính sách cạnh tranh không bền vững như miễn giảm phí giao dịch.
Chia sẻ sâu hơn về sự sụt giảm này, ông Johan Nyvene - Tổng Giám đốc Công ty - cho biết sự ra đời của thị trường phái sinh với sản phẩm hợp đồng tương lai trong năm 2018 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường cũng như Chứng khoán HSC. Trong đó, Chứng khoán HSC khi triển khai mảng này đã vấp phải áp lực từ các đối thủ cạnh tranh, đơn cử số lượng công ty chứng khoán tăng từ 4 lên 14 đơn vị. Kéo theo đó, nhiều công ty tung chiến lược giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch đã đẩy cuộc cạnh tranh trở nên không lành mạnh. Kết quả, Chứng khoán HSC đã sụt giảm thị phần phái sinh từ mức gần 26% (quý 3/2018) về chỉ còn hơn 18% trong quý cuối năm 2018.
Tựu trung, Chứng khoán HSC đặt mục tiêu năm 2019 với 1.666 tỷ đồng doanh thu và 681 tỷ đồng lãi sau thuế, tương đương so với thực hiện năm ngoái.
Chứng khoán HSC có thao túng thị trường?
Tại đại hội, cổ đông đặt nghi vấn liên quan đến việc thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh, thậm chí chất vấn ban lãnh đạo liệu Chứng khoán HSC có tham gia thao túng thị trường?
Trả lời điều nay, đại diện Công ty khẳng định không thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh vì lý do đơn giản là không thao túng được. Vị này cho biết, thao túng thì phải dùng nguồn vốn lớn, phải kết hợp nhiều thứ, không thể nói sâu nhưng Công ty không thao túng chỉ số cổ phiếu và thị trường phái sinh.
Về phần mình, với vai trò ngân hàng đầu tư, nhà tạo lập thị trường, Công ty chia sẻ hoạt động này năm qua tương đối thành công, giúp nâng quy mô quỹ ETF lên khoảng 5.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cũng tạo lập thị trường cho trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có đảm bảo đồng thời kết hợp phòng ngừa rủi ro cho những tài sản này. Chứng khoán HSC dự báo, tương lai có thể một ETF nào đó niêm yết nước ngoài thì Công ty sẽ ưu tiên việc tạo lập này.
Đặt mục tiêu cho 5 năm, Chứng khoán HSC kỳ vọng đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương mức tăng trưởng trung bình vào khoảng 20%/năm.
Đại diện Chứng khoán HSC khẳng định sẽ chưa nâng hạng trong 1 năm tới
Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay, liên quan đến việc nâng hạng thị trường, ông Johan Nyvene chia sẻ: "Tin đồn nâng hạng là có, nhưng cá nhân tôi đánh giá là cái sở hữu nước ngoài là rào cản, nếu không giải quyết được vấn đề này thì là một thách thức lớn". Theo ông, các công ty chứng khoán cũng đã nghiên cứu giải pháp để một hình thức nào đó giải quyết được rào cản này, tuy nhiên công tác nâng hạng hiện tại rất khó có khả năng xảy ra.
Bổ sung, ông Trịnh Hoài Giang cho biết: "Tôi có nghiên cứu điều kiện để được nâng hạng, trong đó vấn đề sở hữu nước ngoài là vấn đề lớn, hiện chưa có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này. Thứ hai là tính pháp lý của doanh nghiệp sau khi mở room". Như vậy, việc nâng hạng theo ông Giang là rất khó, cần có một trung tâm thanh toán hiệu quả hơn thông qua việc sửa đổi Chứng khoán.
Riêng Chứng khoán HSC, Công ty cũng đã có chuẩn bị cho việc nâng hạng này, trong đó tập trung nghiên cứu trong điều kiện nào Việt Nam được nâng hạng. Chứng khoán HSC hiện có lợi thế thị phần nước ngoài lớn nên phải chuẩn bị tiếp nhận luồng đầu tư nước ngoài thế nào. Đồng ý Công ty sẽ có lợi từ nâng hạng thị trường, tuy nhiên ban lãnh đạo Chứng khoán HSC nhấn mạnh "chuyện đó sẽ không xảy ra trong một năm sắp tới".
Tri Túc
Theo Trí thức trẻ
Big_Trends: Cơ hội mua xuất hiện nhiều hơn Thay vì sợ hãi vì lo ngại thị trường có thể điều chỉnh tiếp hoặc còn có diễn biến khó khăn, thì tốt hơn là hãy tìm ra những mã đi ngược thị trường hoặc những mã đang có dấu hiệu tích lũy tốt khi thị trường điều chỉnh. TTCK điều chỉnh đi xuống với thanh khoản sụt giảm mạnh trên cả 2...