‘Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về bolero’
“Chương trình như một nồi lẩu thập cẩm, họ cho tất cả tân nhạc, tiền chiến, trữ tình vào chung thành bolero, như vậy là sai hoàn toàn” – ca sĩ Tuấn Hiệp nêu quan điểm.
Tuấn Hiệp là ca sĩ bolero có tiếng ở Hà Nội đồng thời cũng là một trong không nhiều giọng ca của miền Bắc được khán giả và các nhà sản xuất nhạc xưa tại Sài Gòn ghi nhận. Liên quan đến sự bùng nổ của các chương trình bolero cũng như tranh cãi giữa ca sĩ Tùng Dương và Long Nhật, trong đó Tùng Dương cho rằng việc ca sĩ trẻ quá đắm với bolero làm âm nhạc Việt Nam kém phát triển, còn Long Nhật phản biện rằng “nói bolero khiến âm nhạc thụt lùi là ấu trĩ”, Tuấn Hiệp đã có những chia sẻ thẳng thắn với Zing.vn.
Ca sĩ Tuấn Hiệp – người đã ra mắt 8 album từ khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc. Ảnh: NVCC
Long Nhật hồ đồ khi chỉ trích Tùng Dương
- Mới đây, Long Nhật phản ứng gay gắt trên báo chí trước ý kiến “ca sĩ trẻ quá đắm đuối với bolero sẽ làm âm nhạc Việt Nam kém phát triển” của Tùng Dương, quan điểm của anh thế nào?
- Quan điểm của Tùng Dương rất văn minh trong bối cảnh hiện nay và tôi nghĩ các nghệ sĩ trẻ nên cảm ơn vì điều đó. Ca sĩ cần phải biết thế mạnh giọng hát của mình nằm ở đâu để chọn lựa dòng nhạc cho phù hợp chứ không phải cứ thấy bolero đang bùng nổ là đua nhau chạy theo như một trào lưu. Việc một ca sĩ trẻ đang hát nhạc nhẹ mà chuyển sang hát bolero không phải là chuyện đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó để thành công. Lệ Quyên, người ghi dấu ấn ở cả nhạc nhẹ và bolero là một trường hợp hãn hữu và không phải ai cũng làm được.
Cuộc tranh luận giữa Tùng Dương và Long Nhật xuất phát từ quan điểm riêng của hai người. Cả hai đều là nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người yêu thích, nhiều ca khúc bolero Tùng Dương hát rất hay, còn Long Nhật là một ca sĩ đã định hình được phong cách và có chỗ đứng vững chắc trong dòng nhạc này. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận này, tôi thấy Long Nhật hơi vội vàng và hồ đồ khi chỉ trích Tùng Dương. Tôi nghĩ, trước khi đưa ra ý kiến phản biện quan điểm của ai đó cũng nên đọc và hiểu kỹ đóng góp của họ. Tùng Dương là một ca sĩ tâm huyết và có khả năng cảm thụ nhiều dòng nhạc, phân tích kỹ sẽ thấy đóng góp của anh là rất chân thành.
- Ngoài cuộc tranh luận giữa Tùng Dương và Long Nhật, vấn đề làm mới nhạc bolero cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Anh nghĩ sao?
- Quan điểm của tôi là mới, cũ không quan trọng. Quan trọng là phải hát hay. Làm mới mà hát dở thì cũng không ai nghe và nếu chưa đủ hay thì cũng đừng tham vọng làm mới. Trong xã hội hiện nay, bolero được xem là dòng nhạc xưa cũ, do vậy đừng đặt nặng vấn đề làm mới, cứ hát đúng hồn, đúng chất của bolero đã, sau đó mới nghĩ đến những chuyện khác.
- Trải qua nhiều sóng gió, bolero vẫn có chỗ đứng trong cuộc sống, thậm chí còn đang phát triển bùng nổ và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, từ nghệ sĩ, đơn vị tổ chức tới công chúng. Anh lý giải thế nào về sức hấp dẫn mạnh mẽ của dòng nhạc này?
- Bolero là hồn Việt và rất gần gũi với người Việt. Bolero không hề khó nghe, khó hiểu như một số dòng nhạc khác. Đối tượng công chúng của bolero là tất cả, đặc biệt tầng lớp bình dân, lao động. Bolero là tiếng nói tình cảm, yêu thương cũng như góc nhìn về cuộc sống và con người, do vậy ai cũng có thể nghe được bolero mà không có cảm giác xa lạ hay trừu tượng.
Trong bối cảnh âm nhạc hỗn độn như hiện nay, người ta lại càng có xu hướng tìm đến bolero như tìm về những giá trị xưa cũ, đậm chất kỷ niệm. Bolero vừa giống người kể chuyện cho khán giả, vừa giống người lắng nghe những tâm sự, hoài niệm, ký ức. Do vậy, khán giả vẫn yêu thích, say mê và tìm đến bolero mặc dù hoàn cảnh lịch sử và thời đại đã thay đổi rất nhiều.
Video đang HOT
“Tất cả thành viên trong ban giám khảo của Thần tượng Bolero đều là những người có tên tuổi và hiểu biết sâu sắc về dòng nhạc này nên tôi không biết chương trình vô tình hay cố ý hiểu sai, làm sai” – Tuấn Hiệp đặt câu hỏi. Ảnh: LVPH
“Thần tượng Bolero” hiểu sai về bolero
- Nhiều chương trình thực tế ra đời gắn mác bolero, trong đó “Thần tượng bolero” gặp phải nhiều ý phản đối vì nội dung không thực sự đúng với nhan đề. Anh nghĩ gì trước vấn đề này?
- Với hiểu biết của bản thân về bolero, tôi thấy chương trình Thần tượng Bolero đang hiểu sai và làm sai về dòng nhạc này. Chương trình như một nồi lẩu thập cẩm, họ cho tất cả tân nhạc, tiền chiến, trữ tình vào chung thành bolero, như vậy là sai hoàn toàn. Những bài hát như Anh còn nợ em, Diễm xưa hay nhiều sáng tác khác của Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn không phải là bolero. Bolero là thể loại tiết tấu âm nhạc du nhập từ Tây Ban Nha, ở Việt Nam thời kỳ đó hay lấy rumba bolero để cho các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc với nội dung diễm tình, uỷ mị, buồn sầu.
Mặc dù định nghĩa về bolero vẫn chưa rõ ràng nhưng việc quy tất cả dòng nhạc khác vào bolero lại càng khiến nó trở nên mơ hồ, khó hiểu. Việc đặt tên chương trình như vậy sẽ khiến khán giả hiểu sai về bolero, theo tôi, tên chương trình nên đổi thành “Thần tượng Bolero và các bản tình ca cùng thời”. Nếu vẫn tiếp tục giữ tên là Thần tượng Bolero với nội dung âm nhạc như vậy thì rất nhiều người sẽ nghĩ rằng nhạc Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Nguyễn Ánh 9 cũng là bolero không chừng.
- Có ý kiến cho rằng “Thần tượng Bolero” hiểu sai vì chưa có định nghĩa chính xác về dòng nhạc bolero ở Việt Nam, quan điểm của anh thế nào?
- Tôi thấy thành viên ban giám khảo của chương trình đều là những nghệ sĩ tên tuổi và có hiểu biết sâu sắc về dòng nhạc bolero. Do vậy, tôi không biết chương trình vô tình hay cố ý hiểu sai. Trước đây, đã có cuộc tranh luận về thuật ngữ “nhạc sến”, một cách gọi khác của bolero. Nhưng đó là tranh cãi về thuật ngữ, còn ở đây, chương trình đã hiểu sai hoàn toàn về bolero khi đưa những ca khúc không hề đánh bằng tiết tấu bolero vào cuộc thi.
Để không xảy ra những trường hợp đánh đồng tương tự, tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra một định nghĩa chính xác về bolero của Việt Nam, sau đó là một công trình nghiên cứu về dòng nhạc này. Có như vậy thì nghệ sĩ và công chúng mới không tiếp tục nhận thức sai về bolero.
Giọng ca “Linh hồn tượng đá” cho biết muốn hát hay bolero cần phải có sự chiêm nghiệm, đắng cay, thậm chí cả bầm dập và thất bại. Ảnh: NVCC
Muốn hát hay bolero cần phải có sự chiêm nghiệm
- Nhiều ca sĩ theo đuổi bolero nhưng không phải ai cũng gây được ấn tượng. Vậy, theo anh, để hát được bolero, các giọng ca trẻ cần phải hoàn thiện những yêu cầu nào?
- Nhiều ca sĩ trẻ sau khi loay hoay với những dòng nhạc khác không thành mới quyết định chọn bolero vì nghĩ rằng bolero dễ thành danh, dễ kiếm tiến, dễ có đất sống. Nhưng thực tế không phải vậy, theo đuổi bolero không hề đơn giản, ngoài năng khiếu còn cần phải có sự may mắn mới được công chúng nhớ đến.
Ca sĩ muốn hát hay bolero cần phải có sự chiêm nghiêm, đắng cay, thậm chí bầm dập, thất bại, chia ly trong cuộc sống. Đặc trưng của bolero là buồn thương, do vậy hát bolero phải ra được chất đó. Ngoài ra, hát bolero cũng cần phải hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Không hiểu hoàn cảnh ra đời của bài hát, chất tự sự trong tác phẩm thì khó có thể hát đúng thông điệp của tác giả. Say mê là một chuyện nhưng phải đọc, phải học không ngừng thì mới hát ra chất bolero được.
- Anh là một trong những ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc, tại sao trong những yêu cầu đối với một giọng ca trẻ hát nhạc bolero lại không có yếu tố kỹ thuật?
- Nhạc bolero không quá đặt nặng vấn đề kỹ thuật thanh nhạc. Nhiều giọng ca nổi tiếng của bolero không hề được đào tạo bài bản về âm nhạc tại trường lớp nhưng họ vẫn nổi tiếng, ghi dấu ấn và sống trong lòng công chúng. Hát dòng nhạc này, trước hết phải có tình, tình cảm là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác. Biết áp dụng thanh nhạc vào bolero cũng rất tốt nhưng cần áp dụng một cách tự nhiên, không có chủ đích.
Tất nhiên, ca sĩ muốn hát hay bolero cũng cần phải có tem giọng dành cho dòng nhạc này. Bolero của Việt Nam xuất phát từ miền Nam, sau đó mới được khán giả cả nước yêu quý. Cách luyến láy của bolero ảnh hưởng rất nhiều của dân ca, đờn ca tài tử Nam Bộ, do vậy hát bolero cần phải có luyến láy, nhả chữ của giọng miền Nam. Ngay cả những giọng ca miền Bắc như tôi, khi hát bolero cũng phải học hỏi điều này mới được đông đảo khán giả đón nhận.
Theo Zing
Hot boy 18 tuổi khiến Quang Linh thích thú khi hát bolero
"Em như tờ giấy trắng, về với đội Quang Linh, anh sẽ từ từ vẽ lên", nam huấn luyện viên nhấn mạnh.
Hot boy 18 tuổi Hồ Ngọc Vàng đến từ Huế khoe giọng hát ngọt ngào với ca khúc Tiễn người đi. Chia sẻ tình hình sức khỏe không tốt nên ảnh hưởng đến tiết mục, tuy nhiên huấn luyện viên Quang Linh cho biết thể hiện của Ngọc Vàng rất hay, không hề lộ nhược điểm rằng thí sinh bị bệnh.
Quyết tâm mang Ngọc Vàng về với đội của mình, nam ca sĩ Chim sáo ngày xưa còn nhấn mạnh: "Em hát hay theo kiểu trong sáng, ngây thơ chưa vấn vương sự đời, đúng với một cậu học trò 18 tuổi. Em như tờ giấy trắng, về với đội Quang Linh, anh sẽ từ từ vẽ lên". Cuối cùng, trước sự dụ dỗ khéo léo này, hot boy xứ Huế đành từ chối Cẩm Ly và Quang Dũng để về với huấn luyện viên cùng quê.
Trong khoảnh khắc giành giật, khán giả được dịp bật cười thích thú trước màn tung hứng duyên dáng của các huấn luyện viên. Khi Quang Linh hào hứng trước thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi, lập tức Cẩm Ly cho rằng Ngọc Vàng nên về đội giọng ca Chim sáo ngày xưa vì anh là giám khảo lớn tuổi nhất trên ghế nóng.
Mảnh ghép tứ 2 của team Quang Linh là Phương Anh đến từ Buôn Mê Thuộc. Qua ca khúc Tình người ngoại đạo, cô nhận được cả 4 lượt chọn vì lột tả được tình cảm của bài hát, những đoạn cuối tưởng chừng như hụt hơi nhưng cô xử lý uyển chuyển. Về phần Quang Dũng, anh thú nhận bị "đốn tim" bởi hình ảnh đẹp của thí sinh khi vừa hát vừa quỳ.
Team Cẩm Ly thu về được 3 thí sinh, đầu tiên là nhân viên ngân hàng Đặng Thành Thiện với Mùa thu không trở lại. Quang Linh đánh giá phần thể hiện dừng ở mức nghe được, cần có thêm xử lý tinh tế và bỏ nhỏ. Đan Trường ví đây là tiết mục của ca sĩ chứ không phải thí sinh, tuy nhiên có chỗ bị rung. Được cả 4 huấn luyện viên bấm chọn, sau khi suy nghĩ thí sinh chọn về đội chị Tư. Trước đó, cô nhận xét Thành Thiện hát chưa mượt mà.
Thí sinh Tạ Đình Nguyên chinh phục khán giả và huấn luyện viên với Chuyện tình không dĩ vãng. Cẩm Ly khen giọng hát của anh ngọt ngào và rất "đã". Quang Linh cho biết mình rất yên tâm và thoải mái khi nghe Đình Nguyên Hát chứ không phải lo lắng như thí sinh khác. Quang Dũng góp ý thí sinh nên tiết chế hơn.
Gương mặt cuối cùng của team nữ huấn luyện viên là Trương Thị Hảo đến từ Huế. Thể hiện ca khúc Duyên phận, thí sinh có cách hát rõ ràng, tuy nhiên cô lộ nhiều nhược điểm khi bị tâm lý tác động. Ca sĩ Cẩm Ly bấm chọn Trương Hảo ở phút cuối vì đặt niềm tin cô gái trẻ có thể làm được tốt hơn.
Bảo Toàn hát Cây đàn bỏ quên. Quang Linh khen anh hát cảm xúc, tuy nhiên còn nhược điểm ở chỗ phát âm. Quang Dũng đánh giá anh có hơi và có giọng, những nhược điểm nhỏ sẽ dễ khắc phục do đó anh rất vui khi mang được giọng ca này về đội.
Quý Sỹ gợi nhắc nhiều đến hình ảnh huấn luyện viên Quang Dũng khi khoe chất giọng trầm ấm, tình cảm qua Nỗi lòng người đi. Nam ca sĩ là người duy nhất bấm chọn và lập tức nhận ra người quen khi họ từng có dịp gặp nhau trong 1 chương trình cách đây 5 năm. Anh nhận xét thí sinh hát tốt và chững chạc hơn.
Mảnh ghép cuối của team Quang Dũng là cô gái dân tộc Cao Lan - Nịnh Thị Hằng. Cô gây bất ngờ khi chinh phục ca khúc Nỗi buồn hoa phượng.
Thí sinh Nguyễn Viết Hà khoác lên lớp áo mới cho ca khúc Hoa cài mái tóc. Bản phối sôi động, tươi tắn cùng lối trình diễn đậm chất nghệ sĩ của anh khiến cả 4 huấn luyện viên phải rời khỏi ghế để nhún nhảy. Cuối cùng, Đan Trường là người có được mảnh ghép thú vị này.
Theo Zing
Cẩm Ly, Đan Trường rời ghế nóng, nhún nhảy theo thí sinh Lần đầu trong vòng Tinh hoa, bộ tứ quyền lực Thần tượng Bolero phải rời khỏi ghế để nhún nhảy theo tiết mục của thí sinh có cá tính "hơi điên". Tập 4 vòng Tinh Hoa của chương trình Thần tượng Bolero được phát sóng tối 3/3 mang đến cho người xem cảm hứng hoàn toàn mới lạ và thú vị. Nếu như...