Thận trọng khi dùng thuốc giảm đau, hạ sốt
Khi sử dụng Paracetamol để giảm đau, hạ sốt, cần dùng đúng liều chỉ định và uống thêm nhiều nước
Là thuốc hạ sốt, giảm đau không nằm trong diện phải kê đơn nên hầu như gia đình nào cũng dự phòng Paracetamol để sử dụng khi cần. Vì thuốc dễ mua, dễ dùng nên tình trạng ngộ độc Paracetamol ngày càng phổ biến…
Có thể tử vong
Bị cảm cúm, người mệt mỏi, sốt…, chị Trần Mỹ Y. (34 tuổi; ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã tự mua và uống thuốc hạ sốt (Paracetamol) ở nhà. Sau 3 ngày, xuất hiện vàng da, vàng mắt, ý thức lơ mơ…, chị Y. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị Y. bị suy gan cấp do ngộ độc Paracetamol.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Tiến Thắng, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết tình trạng chị Y. rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Bệnh viện phải cấp tốc loại bỏ các chất độc có trong máu, hồi sức tích cực để hỗ trợ chức năng gan. Quá trình lọc gan nhân tạo diễn ra trong 24 giờ liên tục. Sau 3 ngày tích cực điều trị, sức khỏe chị Y. đã ổn định hơn.
Bệnh nhân ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh Ảnh: HẢI ANH
Video đang HOT
Trước đó, Trung tâm Sản nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (27 tháng tuổi, Phú Thọ) trong tình trạng lơ mơ, sốt, khó thở, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn… Bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Người nhà bệnh nhi cho biết bé D. bị sốt, ho hò khè nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500 mg với liều lượng 4 viên/ngày, đã uống 4 ngày.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phải dốc sức cứu chữa cho bệnh nhi D. Tuy nhiên, các BS đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan.
Một trường hợp đáng chú ý gần đây tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân nam (22 tuổi; trú tại Sơn La) bị ngộ độc Paracetamol dù được điều trị tích cực suốt 1 tuần nhưng đã không qua khỏi. Trước đó, do bị sốt không rõ nguyên nhân, nam thanh niên đã tự ý mua thuốc hạ sốt về uống. Bệnh nhân đã uống 19 viên thuốc Paracetamol 500 mg trong 2 ngày nhưng không hết sốt mà xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, vàng da nên phải nhập viện. “Bệnh nhân đã dùng thuốc quá liều dẫn đến ngộ độc, cộng thêm có tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh, khiến không qua khỏi” – BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Dùng thuốc sao cho an toàn?
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Paracetamol được chuyển hóa tại gan, khi uống quá liều, nồng độ Paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, suy thận, thậm chí thấm vào não khiến bị hôn mê…
Với người có sẵn bệnh ở gan (viêm gan hay xơ gan), nguy cơ nhiễm độc cấp do Paracetamol càng cao, nhiều khi chỉ uống ở liều điều trị cũng có thể khởi phát viêm gan nhiễm độc thuốc. “Ngộ độc Paracetamol rất nhanh, chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng” – BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, thông tin thêm tại Việt Nam gần đây xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc Paracetamol ở trẻ em do phụ huynh thiếu thông tin về cách sử dụng Paracetamol, đã sử dụng “chồng chéo” thuốc mà không biết. Cùng hoạt chất Paracetamol nhưng có rất nhiều loại thuốc với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Có những người vừa cho con uống thuốc hạ sốt Efferalgan, lại uống thêm Decolgen để chữa sổ mũi trong khi loại thuốc này cũng chứa Paracetamol.
“Nếu trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên có thể dùng Paracetamol nhưng không được dùng quá 15 mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ. Đối với người lớn, khi bị sốt cao uống 1 viên 500 mg/lần, không sử dụng quá 4 viên/ngày. Trường hợp đã dùng thuốc hạ sốt vẫn tái diễn sốt liên tục, cần áp dụng thêm các biện pháp như chườm ấm, uống nhiều nước. Trong trường hợp uống thuốc mà vẫn không hạ sốt, tốt nhất phải đến ngay bệnh viện để tìm nguyên nhân gây sốt” – PGS Nguyễn Tiến Dũng tư vấn.
Trẻ có thể ngộ độc thuốc qua sữa mẹ
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào cần tham khảo ý kiến của BS. Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người có bệnh về gan, thận, người cao tuổi… phải thận trọng khi dùng Paracetamol. Với các bà mẹ đang cho con bú, phải hỏi BS trước khi dùng thuốc, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ.
Tự mua thuốc hạ sốt uống, người phụ nữ bị ngộ độc có thể tử vong bất cứ lúc nào
Người phụ nữ 34 tuổi bị cảm cúm đã phải nhập viện cấp cứu sau 3 ngày tự mua và uống thuốc hạ sốt Paracetamol.
Mới đây, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu thành công bệnh nhân ngộ độc Paracetamol nguy kịch.
Theo thông tin từ khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân Trần Mỹ Y. (34 tuổi) trú tại phường Đại Yên, TP Hạ Long bị cảm cúm, tự mua và uống thuốc hạ sốt (Paracetamol) ở nhà, sau 3 ngày xuất hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt.
Bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm, hành vi bất thường, mất định hướng, da, củng mạc mắt vàng đậm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bệnh nhân bị suy gan cấp do ngộ độc Paracetamol.
Bệnh nhân suy gan cấp do ngộ độc Paracetamol được các bác sĩ điều trị.
Đánh giá tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật lọc gan nhân tạo bằng hệ thống tái tuần hoàn hấp phụ phân tử nhằm loại bỏ các chất độc có trong máu, đồng thời phối hợp các biện pháp điều trị hồi sức tích cực.
Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân Y. tiến triển tích cực, hết vàng da, vàng mắt, sức khỏe ổn định hơn, tỉnh táo, tiếp xúc nói chuyện bình thường, ăn uống đã thấy ngon miệng và có thể tự đi lại được.
Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Thắng, Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: Thuốc có chứa Paracetamol (dược chất Acetaminophen) là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau được dùng khá phổ biến do dễ mua và dễ sử dụng. Vì vậy mà tình trạng ngộ độc Paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên.
Ngộ độc Paracetamol nhẹ thì tổn thương viêm gan, nhưng nặng có thể gây suy gan cấp, thậm chí là tử vong. Vì vậy, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào cũng nên tham khảo tư vấn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc.
Những trường hợp phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người có bệnh về gan, thận, người cao tuổi càng cần phải thận trọng hơn khi dùng Paracetamol. Bệnh nhân khi sử dụng thuốc có dấu hiệu bất thường cần đưa ngay tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Phong Linh (nguoiduatin.vn)
Dịch Covid-19 tủ thuốc nhà bạn cần có những loại thuốc nào? Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Mùa dịch Covid-19 diễn ra, tủ thuốc nhà bạn cần nên có những loại thuốc này để sử dụng khi cần thiết. TS.DS. Phạm Đức Hùng làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati của Mỹ và DS. Phạm Phương Hạnh,...