‘Thần tốc truy vết tất cả ca F1, không để trở thành nguồn lây nhiễm mất dấu’
‘Nếu các ca F1 không được truy vết, quản lý tốt thì sẽ tiếp tục lây nhiễm ra cộng đồng và lúc đó sẽ mất dấu và chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa’, ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng viện dịch trễ T.Ư nói.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tạo cuộc họp chiều 3.8. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Bằng mọi cách phải truy vết tất cả ca F1
Chiều 3.8, Đoàn công tác Bộ Y tế do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, từ ngày 25.7 đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 34 ca nhiễm Covid-19, đều bắt nguồn từ Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện ngành y tế Quảng Nam cũng đã ghi nhận thêm 6 ca mới, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã xét nghiệm, khẳng định và đang chờ Bộ Y tế công bố.
Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng viện dịch trễ T.Ư (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay đã nghiên cứu 34 ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chủ yếu liên quan đến Đà Nẵng hoặc là những ca F1 của những bệnh nhân (BN) đã có rồi.
Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng viện dịch trễ T.Ư (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Theo ông Dương, chúng ta còn có một cơ hội để nhận định rằng tất cả những ca nhiễm đều có nguồn lây đó là từ Đà Nẵng về. Hai là F1 của BN nào đó nhưng chưa mất dấu. Khi còn có cơ hội thì phải kiên quyết không để vi rút chui vào cộng đồng và làm một nguồn lây nhiễm mất dấu.
“Khi vi rút chui vào làm nguồn lây nhiễm mất dấu thì cực kỳ phức tạp và chúng ta không có cơ hội nữa. Chúng ta phải tăng tốc ngăn chặn điều này nếu không sẽ phải trả cái giá cực đắt”, ông Dương nói.
Ông Dương cho rằng, không còn cách nào khác phải thần tốc bằng mọi cách càn đi càn lại, truy vết tất cả ca F1 để đưa đi cách ly. Bởi ca F1 sắp hết thời kỳ ủ bệnh thì sẽ bắt đầu “nở hoa” thành dịch bệnh. Nếu F1 này không được quản lý tốt thì nó sẽ tiếp tục lây nhiễm ra cộng đồng và lúc đó sẽ mất dấu và chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa.
Thành lập tổ dịch Covid-19 trong cộng đồng
Cũng theo ông Dương, F1 đã trực tiếp tiếp xúc với người bệnh thì được coi là BN tiềm tàng. Nếu BN tiềm tàng thì “có thể nảy bệnh bất cứ lúc nào” và có khả năng lây truyền từ 3 ngày trước khi khởi phát cho đến khi phát bệnh. Nếu để các ca F1 ở nhà sẽ lây cho 70 – 80% người trong gia đình. “Trung Quốc đã trả giá đắt cho vấn đề này rồi”, ông Dương nói.
Những người từ Bệnh viện Đà Nẵng về phải biết hiện nay đang ở đâu, trình trạng thế nào, phải truy cho ra. Thực hiện ngay tổ chức giám sát quyết liệt những trường hợp có triệu chứng giống như nhiễm Covid-19, nếu không giám sát những trường hợp này thì rất dễ “chui” vào cộng đồng.
Kiểm soát, đo thân nhiệt cho người dân về từ vùng dịch. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
“Nếu không có giám sát được những trường hợp này sẽ không có nguồn dữ liệu nào để đánh giá thực trạng hiện nay cộng đồng Quảng Nam như thế nào. Từ đó không đánh giá được thực trạng và đề ra được chiến lược thì không thể chống được dịch”, ông Dương nói.
Ông Dương thông tin thêm, biện pháp quan trọng mang tính chiến lược, rẻ tiền nhất, hiệu quả cao nhất là phải thành lập ngay tổ dịch Covid-19 cộng đồng. Tổ này là tai mắt là cánh tay nối dài của chính quyền và y tế.
“Muốn chống được dịch phải biết trong nhà người ta thế nào. Nếu trong nhà là pháo đài thì phải biết các chiến sĩ ấy ra sao, phải huấn luyện cho chiến sĩ thì mới chống được dịch vì vậy tổ này có vai trò rất quan trọng”, ông Dương khẳng định.
Phòng giao dịch Eximbank tạm đóng cửa vì Covid-19, mặt tiền bỗng thành… quán nước
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, việc xét nghiệm bây giờ cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, công suất xét nghiệm của tỉnh Quảng Nam còn thấp, chưa đạt nhu cầu xét nghiệm trong cộng đồng.
“Giai đoạn này chúng ta chỉ đi tìm ca dương tính, chưa đến giai đoạn tìm kháng thể, nên không cần phải dùng test nhanh. Đề nghị nguồn lực của tỉnh Quảng Nam tập trung vào nguồn lực xét nghiệm”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc Bệnh viện Bắc Quảng Nam tiếp nhận BN về từ Đà Nẵng thì đây cũng là gánh nặng lớn cho bệnh viện. Tuy nhiên, việc chia lửa cho Đà Nẵng hiện nay là cần thiết và có thể sắp tới sẽ phải tiếp nhận thêm để giảm bớt cho Đà Nẵng trong giai đoạn này.
Thứ trưởng Y tế xin phép Thủ tướng ở lại Đà Nẵng hết dịch Covid-19 mới về!
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã xin phép Thủ tướng Chính phủ được ở lại TP Đà Nẵng đến khi dịch chấm dứt mới về.
Ngày 2/8, phát biểu tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh thành về phòng chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 24/7, các đội phản ứng nhanh thuộc bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã có mặt tại Đà Nẵng.
Sau khi đến Đà Nẵng, ông Sơn cùng các đồng nghiệp thường xuyên đến các khu cách ly ở khu dân cư để hướng dẫn quy trình cách ly và tập huấn cho các nhân viên đặc biệt là lực lượng sinh viên của Trường Đại học kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng về các phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, tham gia các đội hướng dẫn cách ly trong khu dân cư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Về công tác điều trị, ông Sơn cho hay các tổ công tác đã hỗ trợ TP Đà Nẵng giảm tải bệnh nhân Covid-19, thân nhân bệnh nhân, các trường hợp nhân viên y bị nhiễm ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng.
"Đến nay cả số lượng người trong hai bệnh viện này đã giảm xuống rất nhiều, đặc biệt Bệnh viện C đã tương đối sạch. Trong thời gian tới các trường hợp ở 2 bệnh viện này sẽ được xét nghiệm lại lần thứ 2 và có thể công bố bệnh viện mở cửa đón bệnh nhân trở lại", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Theo ông Sơn, bộ phận thường trực đã phối hợp với Đà Nẵng quyết liệt triển khai 2 nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đến nay tại hai địa điểm này đã hoàn tất được 2 khu chăm sóc đặc biệt để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cùng với đó khu chạy thận nhân tạo đã được hoàn thành với có 10 máy, có thể nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo dương tính với Covid-19.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Thứ trưởng Sơn đã đề nghị cần phải đẩy nhanh công tác xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhân mới trong cộng đồng. Bởi theo ông Sơn, bên cạnh cách ly tốt thì đến thời gian này việc truy vết, cách ly là vấn đề cần thiết, nhưng chưa cần thiết bằng vấn đề xét nghiệm.
"Xét nghiệm thì vấn đề cần thiết nhất là trang thiết bị và sinh phẩm. Trong thời gian vừa qua việc mua sắm sinh phẩm cũng như trang thiết bị ở một số địa phương như báo cáo là rất khó khăn. Thực tế, không phải khó khăn là không có hàng, mà khó khăn về cơ chế mua sắm. Anh em rất sợ về giá cả cho nên xin Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các địa phương thông qua đấu thầu hoặc quy định mức giá trần để cho các địa phương mua", ông Sơn đề nghị.
Cụ thể, đối với sinh phẩm, ông Sơn kiến nghị cần có chính sách khuyến khích cho các đơn vị trong nước tự cường hơn nữa việc sản xuất các bộ kit xét nghiệm để phục vụ cho công tác xét nghiệm phòng chống Covid-19.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng, kết thúc phần báo cáo với Thủ tướng, ông Sơn nói: "Về tâm lý anh em ở trong này rất ổn định, làm việc rất hăng say. Em xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt thì mới về!".
Thêm hai bệnh nhân COVID-19 qua đời Trưa 2/8, Bộ Y tế công bố thêm 2 trường hợp bệnh nhân tử vong do COVID-19, có 1 người Quảng Nam, 1 người Đà Nẵng. Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng thông tin về hai bệnh nhân chết vì COVID-19...