Thân thương ngõ hẻm Sài Gòn
Nếu những con đường mặt tiền luôn mang đến cái cảm giác nhộn nhịp, hào nhoáng thì ngược lại, cách đó chỉ chừng mươi bước chân, những con hẻm lại tĩnh lặng, bình dị, mộc mạc giữa Sài Gòn.
Ảnh: Chung Thanh Huy
Ở khu trung tâm, có lẽ do được hình thành từ lâu nên hẻm được tráng xi măng bằng phẳng, sạch sẽ với những ngôi nhà cao tầng luôn đóng kín cửa cùng hàng rào bông giấy, hoàng anh rực rỡ dưới nắng. Hẻm ở các khu vực khác với cư dân đông đúc đến từ khắp nơi với nhà cửa lô xô, chen chúc nhau.
Gác gỗ mái hiên mạnh nhà nào nhà nấy chìa ra che mát hẻm nhỏ. Hẻm ở đây có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ, có khi chỉ đủ cho một xe máy đi, cũng có khi phình rộng tạo thành một khoảng sân cho lũ trẻ chơi đùa. Không ít ngõ hẻm là vết tích của lối đi, con đường làng từ xưa nhưng vẫn còn đó cây đa, lũy tre tỏa bóng râm mát đến tận bây giờ.
Có hẻm có ngôi chùa nhỏ, ngày rằm mùng một tiếng mõ nhẹ nhàng cùng mùi nhang thơm phảng phất. Và cũng có nhà thờ trong hẻm, đến mùa Noel, cả con hẻm lung linh với những ánh đèn nhấp nháy.
Hẻm chợ thì càng dễ kiếm. Chợ trong hẻm bày bán đủ loại mặt hàng từ thực phẩm đến quần áo, giày dép cho người dân sống quanh trong hẻm với giá cả rẻ hơn ngoài chợ chút đỉnh. Trong khu Chợ Lớn có những hẻm cổ của người Hoa với dòng chữ Hán như Vĩnh An lý, Nghĩa An hạng… Lý, hạng là nơi cư trú tương tự một làng, một xóm như người Việt. Cư dân trong lý, hạng thường có cùng nguồn gốc từ một vùng nào đó ở cố hương.
Video đang HOT
Tuổi thơ tôi là những tháng ngày gắn liền với một ngõ hẻm giữa Sài Gòn. Tờ mờ sáng đã nghe tiếng bước đến nhà thờ của những người mộ đạo. Đó cũng là lúc tiếng xe lam giòn giã của bác Duy cạnh nhà chuẩn bị ra Bến xe Miền Tây đón khách. Theo sau là tiếng xe đẩy dọn hàng cơm tấm của bà Lắm và quán cà phê của cô Thảo ở đầu hẻm. Khi trời sáng tỏ mặt thì con hẻm đã vang vọng những tiếng rao trầm bổng khác nhau như bánh mì, xôi mặn, xôi bắp, cháo sườn, bánh giò, bánh chưng, bánh gai…
Ngõ hẻm đó là nơi mà ai cũng biết rõ gia đình, con cái người này người nọ, kẻ ở lâu hay người vừa đến… Bước ra đường thì sống sao cũng được nhưng về tới nhà là phải ý tứ từ lời ăn tiếng nói cho tới cách xử sự với bà con xóm giềng. Để rồi tôi mới nghiệm ra câu nói “bán bà con xa mua láng giềng gần” là có thật trong những con hẻm ở Sài Gòn.
Mà có sai đâu, chính cái không gian cứ trông như chật chội, ngột ngạt của những ngõ hẻm lại khiến người ta thêm cảm thông, sẻ chia và gần gũi nhau hơn. Không chỉ là lối đi, ngõ hẻm còn là nơi thuận tiện cho việc buôn bán ngay trong nhà, trước ngõ hoặc là không gian chung mỗi khi hữu sự của bất kể gia đình nào. Nói nào ngay, sống trong hẻm cũng khó tránh được những va chạm, hiểu lầm nhưng cái tình chòm xóm mới là quan trọng nên nhà nào tối lửa tắt đèn là cả con hẻm xúm vô tiếp giúp.
Ngõ hẻm Sài Gòn chằng chịt như những huyết mạch mang đến sức sống, sự tươi mới cho một đô thị không ngừng vươn lên và phát triển. Để rồi dù rộng hay hẹp, dài hay ngắn thì những ngõ hẻm ấy vẫn ngày đêm cưu mang, gánh vác, sẻ chia những buồn vui cùng bao con người đồng thời góp phần làm nên bản sắc văn hóa cho thành phố thân yêu này.
Theo thanhnien.vn
Những cách chế biến gạo nếp thành thuốc chữa bệnh
Gạo nếp là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ.
Gạo nếp thường được dùng nấu xôi, chè, làm bánh (bánh khảo, bánh chưng, nếp, bánh gai, bánh nướng...). Đặc biệt, gạo nếp còn có tác dụng chữa bệnh mà ít người biết đến.
Theo Đông y, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế. Có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ tả. Dùng cho các chứng tiểu đường, tự hãn, tiểu dắt, di niệu, tiêu chảy. Liều dùng hằng ngày khoảng 50 - 200g bằng cách rang, sấy, tán bột...
Rượu nếp là món ăn rất được ưa chuộng, tác dụng kiện tỳ, bổ khí, khai vị.
Gạo nếp làm thuốc
Chữa nôn mửa không ngừng: gạo nếp 20g, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng lấy nước uống.
Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng: gạo nếp 10g, mai mực 10g, cam thảo 10g, bằng sa phi 5g, mẫu lệ nung 10g, hoàng bá 10g, kê nội kim 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang
Chữa liệt dương: cám nếp 12g, hoài sơn 12g, đinh lăng 12g, ý dĩ 12g, hoàng tinh 12g, hà thủ ô 12g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, trâu cổ 8g, cao ban long 8g, sa nhân 6g. Để riêng cao ban long; các vị khác sắc lấy nước, hòa tan cao và uống trong ngày.
Món ăn - bài thuốc có gạo nếp
Rượu nếp (cơm rượu): cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt (gạo xay) rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, qua quá trình lên men ta được cơm rượu. Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị.
Nước gạo nếp rang: gạo nếp 1kg. Ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường uống. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén...
Hồ bột gạo nếp, củ mài: gạo nếp 500g, củ mài 500g. Gạo nếp ngâm nước khoảng 12 tiếng, vo rửa sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài sao qua, tán bột. Mỗi lần lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột hồ tiêu dùng nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng khi đói. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém suy nhược hoặc do bệnh tiêu chảy lâu ngày ăn kém.
Chè gạo nếp, đậu đỏ: gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, cám gạo 50g, đường vừa ăn. Nấu thành chè ăn. Chữa bệnh tê phù.
Kiêng kỵ: người bị bệnh đàm kết, phong, nhiệt nên hạn chế dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang
Theo suckhoedoisong
Món ngon Hà Nội: Bánh tôm Hồ Tây, bánh khúc gây thương nhớ Ngoài những món bún làm nên thương hiệu, món ngon Hà Nội phải kể đến những món bánh trứ danh. Bánh tôm Hồ Tây, bánh khúc hay bánh giò đều gợi niềm thương nhớ. Bánh tôm Hồ Tây Bánh tôm Hồ Tây là món ăn chứa đầy ký ức của người Hà Nội, được xếp vào top món ngon Hà Nội không thể...