Thân phận giáo viên hợp đồng đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Ngoài công việc bấp bênh, giáo viên dạy hợp đồng còn thêm nỗi lo cuộc sống thiếu trước hụt sau vì đồng lương quá eo hẹp.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Đà Lạt, tôi về quê hương Quảng Trị xin việc dạy học.
Đúng đợt tuyển giáo viên, tôi nộp hồ sơ xét tuyển ở Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị nhưng bị từ chối vì văn bằng tổng hợp, chỉ có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Quy định của tỉnh lúc đó, sinh viên tốt nghiệp ngoài sư phạm thì phải dạy hợp đồng ít nhất là hai năm mới được nộp hồ sơ để Sở xem xét.
Nhiều tuần sau đó, ba tôi xin thầy Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho tôi dạy hợp đồng một trường trung học cơ sở cách nhà hơn chục cây số.
Việc xin dạy hợp đồng cũng không khó khăn lắm, vì thầy Phó Phòng nguyên là Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở nơi tôi từng theo học.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, dạy học được khoảng hai tháng, tôi được Phòng thông báo lên nhận công lệnh điều động về một trường khác bởi có giáo viên biên chế về.
Gạt nỗi buồn, tôi đến nhận nhiệm vụ ở trường trung học cơ mới cũng cách xa nhà hàng chục cây số.
Giáo viên hợp đồng phải vất vả mưu sinh vì lương từ nghề giáo quá thấp (Ảnh:V.N)
Ngày đến trường trình diện, Hiệu trưởng nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại bởi tôi đi xe đạp từ một quãng đường dài. Hơn nữa, trường này toàn giáo viên biên chế, chỉ mỗi mình tôi là giáo viên hợp đồng nên Hiệu trưởng cũng có vẻ thương hại.
Thời tiết ở Quảng Trị khắc nghiệt, mùa hè nắng đỏ lửa với gió lào thổi rạp người, mùa đông mưa phùn gió bấc lạnh cắt da cắt thịt. Thế nhưng tôi vẫn nhẫn nại đạp xe đi dạy không trễ một phút, không vắng một buổi với tiền lương 539.400 đồng thời điểm năm 2004.
Thương tình, người chị con bà cô mua giúp tôi một chiếc xe gắn máy rẻ tiền, không hẹn ngày hoàn trả. Có phương tiên đi lại, tôi tạm yên tâm với công việc lúc này, cố gắng hoàn tốt nhiệm vụ giảng dạy.
Nhưng thú thật, rất nhiều lúc người thầy là tôi vẫn không đủ tiền đổ xăng xe, hay đi ăn cưới hỏi bạn bè, đồng nghiệp vì đồng lương quá eo hẹp thiếu trước hụt sau. Vì thương học sinh nghèo khó chăm chỉ, tôi gắng trụ lại với nghề với ước mong sẽ có ngày được vô biên chế.
Ngôi trường chúng tôi công tác có nhiều giáo viên nam cùng trang lứa và một nữ giáo viên dạy môn Âm nhạc chưa có gia đình, kể cả thầy Phó hiệu trưởng đã ngoài 40 tuổi.
Video đang HOT
Và mọi việc rắc rối cũng từ đó mà ra…
Nhóm nam giáo viên chúng tôi và cô giáo cùng trang lứa nên thường đi chơi với nhau. Thế mà thầy Hiệu phó không hài lòng nên xếp thời khóa biểu rải nguyên tuần, từ thứ hai đến thứ 7, cho dù tôi chỉ dạy đúng 19 tiết.
Tôi mặc dù không đồng tình với cách hành xử lạ lùng của thầy Hiệu phó nhưng cũng chỉ biết im lặng bởi mình chỉ là giáo viên hợp đồng.
Dạy xong một năm, đến năm học sau chưa đầy hai tháng, tôi bị Phòng cắt hợp đồng với lí do không đủ tiền chi trả lương ngoài ngân sách. Tôi đành bỏ luôn gần hai tháng lương chưa kịp nhận để tính kế sinh nhai khác.
Hết đường mưu sinh, lúc này cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tôi nói ngắn gọn với ba, mạ (mẹ) sẽ quay trở lại Đà Lạt rồi tính tiếp.
Ba tôi lặng câm không nói nhưng ánh mắt ông để lộ nỗi buồn tuyệt vọng… Còn mạ tôi tỏ rõ thái độ không hài lòng vì muốn tôi ở nhà để chờ thêm một cơ hội hợp đồng khác.
Ngày tôi ra đi, mạ tôi khóc lặng với cái nhìn xa xăm… Bà khóc bởi thương con, không lo được cho con và có lẽ còn là nỗi sợ với cái nhìn soi mói, đàm tiêu thiếu thiện chí của xóm giềng… (học cho lắm vô rồi cũng thất nghiệp).
Lận lưng 200 ngàn đồng cùng chiếc xe gắn máy, tôi đón ô tô trở lại Đà Lạt tá túc phòng trọ thời sinh viên ăn học. Thấy tôi xuất hiện, chủ nhà trọ rất bất ngờ vì không nghĩ rằng tôi sẽ bỏ nghề dạy học… Nhưng sự tình có phải thế đâu…
Túi sạch tiền, tôi liền rủ người bạn cùng quê chưa ra trường đi làm nhà hàng để có miếng ăn trước mắt. Từ một người thầy tay chuyên cầm phấn, nay cũng với bàn tay ấy nhưng phải bưng bê dọn bàn, kể cả bị khách say xỉn quát mắng, tôi cố nuốt nước mắt vào trong.
Nhiều buổi chiều đi làm về, nhìn học sinh tan trường trong tiếng cười rộn rã, tôi lại ứa nước mắt…
Một năm sau, nhờ người bạn giới thiệu chỗ làm một trường trung học phổ thông tư thục ở Sài Gòn, tôi lập tức rời Đà Lạt xuống đó để được làm nghề yêu thích.
Gặp lại học sinh, được làm đúng với nghề, lòng tôi đã vui trở lại. Nhưng tính tôi an phận và còn bị ám ảnh bởi những ngày hợp đồng thuở trước, nên sau bảy năm làm việc ở môi trường tư, tôi vào biên chế Nhà nước.
Hàng ngày, đọc những bài viết về nỗi khổ của giáo viên hợp đồng trên mọi miền đất nước, tôi lại bồi hồi nhớ đến mình ngày xưa. Và tôi cũng thể quên đồng lương chính xác “năm-trăm-ba-mươi chín-nghìn-bốn-trăm-đồng” thuở đó.
Tôi rất đồng cảm với đồng nghiệp và cũng chỉ biết bày tỏ cảm xúc qua bài viết này.
Thân phận giáo viên hợp đồng, đúng là “Đoạn trường ai có qua cấu mới hay”!
Phan Thế Hoài
Theo giaoduc.net.vn
Ngày Tết, giáo viên chúng tôi không phải tặng quà cho lãnh đạo nhà trường
Những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở đây cũng không có khái niệm nhận quà tặng của giáo viên. Vì thực tế, có giáo viên nào đến tặng quà đâu mà lãnh đạo nhận.
Ngày mới ra trường, tôi xin vào dạy hợp đồng ở trường phổ thông ở một tỉnh phía Bắc. Lúc ấy, vì là "lính mới" mà thấy giáo viên cũ trong trường đều tặng quà cho lãnh đạo nhà trường nên bắt buộc chúng tôi phải theo.
Đồng lương của giáo viên hợp đồng chẳng đáng bao nhiêu nhưng rồi cũng phải theo nhiều giáo viên trong trường đến nhà lãnh đạo nhà trường tặng quà Tết. Không chỉ Tết Nguyên đán mà ngày 20/11 giáo viên vẫn tặng quà cho lãnh đạo nhà trường như đã là một thông lệ.
Nơi chúng tôi công tác rất hiếm chuyện giáo viên đi biếu quà Tết cho lãnh đạo nhà trường. (Ảnh minh họa: Baophapluat.vn)
"Văn hóa tặng quà Tết"mỗi nơi mỗi khác
Nhớ lại những ngày đó, chúng tôi cùng nhiều anh em trong đơn vị đến nhà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tặng quà mà thấy chạnh buồn. Đến nhà Ban giám hiệu thấy họ chẳng thiếu thứ gì vào dịp Tết.
Vậy mà, giáo viên trong trường vẫn lần lượt đến nhà lãnh đạo để tặng quà. Những hương vị ngày Tết của nhà lãnh đạo trường mình cái gì cũng có rất đầy đủ.
Từ đặc sản quê hương đến đặc sản của các địa phương khác được nhiều người đem đến biếu lãnh đạo nhà trường. Nào rượu cần, nào thịt đặc sản, bánh kẹo ngon, tranh ảnh đẹp và không quên những bao lì xì cho con hoặc cháu của lãnh đạo nhà trường.
Ngày 20/11 khi ấy, mỗi giáo viên được nhà trường phát quà mấy chục ngàn đồng. Thế nhưng, đa phần giáo viên chỉ ký tên, nhận, rồi sau đó lại phải góp thêm một ít nữa để cùng hùn với nhau vào phong bì làm quà tặng cho lãnh đạo nhà trường.
Những lãnh đạo nhà trường của chúng tôi ngày ấy cũng nhận quà một cách thản nhiên như đó là chuyện phải làm của giáo viên.
Lúc ấy, những lý thuyết sách vở của một sinh viên vừa rời giảng đường đại học bỗng tan biến hết trong tôi bởi những bài học từ cuộc sống hàng ngày đã dạy cho tôi những điều thực tế hơn những trang sách của nhà trường.
Sau này, khi vào Nam dạy học thì chúng tôi lại thấy một hình ảnh hoàn toàn ngược lại trong ngày Tết. Đa phần giáo viên trong trường không đến nhà lãnh đạo của mình trong dịp lễ, tết.
Tết Nguyên đán cũng không có chuyện giáo viên đi tặng quà cho lãnh đạo nhà trường. Tình trạng giáo viên đến nhà các thành viên Ban giám hiệu để tặng quà rất hiếm xảy ra.
Hiệu trưởng và giáo viên trong trường thường bình đẳng với nhau trong mọi công việc và khái niệm tặng quà cho lãnh đạo gần như không tồn tại trong đầu của giáo viên nhiều trường học ở các tỉnh phía Nam vào những khi Tết đến, Xuân về.
Hàng chục năm đi dạy, trường chúng tôi cũng có một số lần thay đổi Ban giám hiệu nhưng đa phần giáo viên chưa biết nhà hiệu trưởng nằm ở đâu- dù cho vị hiệu trưởng hiện tại đã làm gần hết 2 nhiệm kỳ tại trường.
Và, có lẽ những hiệu trưởng, hiệu phó ở đây cũng không có khái niệm nhận quà tặng của giáo viên. Vì thực tế, có giáo viên nào đến tặng quà đâu mà lãnh đạo nhận. Chính vì giáo viên không tặng quà, lãnh đạo nhà trường không nhận quà nên môi trường giáo dục bình đẳng, không bị vẩn đục.
Đừng làm cho bức tranh giáo dục thêm xấu xí
Thực tế, việc quý nhau và tặng nhau một món quà nhỏ trong các dịp Tết của người Việt mình đã có từ xưa. Nhưng, trong môi trường giáo dục mà ở đâu có chuyện đa phần giáo viên đến tặng quà cho Ban giám hiệu nhà trường lại là chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm.
Trường nào mà các thành viên Ban giám hiệu nhà trường mà được cấp dưới tặng quà nhiều trong dịp lễ, tết là môi trường làm việc rất phức tạp. Bởi, ở đó sẽ có nhiều người nịnh bợ, tâng bốc lẫn nhau, đố kỵ nhau nhiều.
Càng ít tặng quà cho lãnh đạo nhà trường thì môi trường làm việc càng dễ dàng và có sự tôn trọng lẫn nhau, không lệ thuộc vào nhau và đương nhiên là chuyện đúng hay sai trong quá trình công tác sẽ rạch ròi hơn, dễ xử lý hơn.
Gần Tết Nguyên đán, chúng ta lại thấy một số Sở Giáo dục ra văn bản cấm cấp dưới đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo ngành mà thấy chạnh buồn. Tại sao phải cấm và cấm như vậy có triệt để được không? Lãnh đạo ra văn bản cấm có nhận quà của cấp dưới mình không?
Cấp dưới có tặng quà lãnh đạo không? Cấp dưới không tặng quà thì có bị sao không? Rất khó có những câu trả lời chính xác. Người Việt mình trọng nghĩa tình nên khi đi tặng quà cho một ai đó thì người ta thường tìm lý do để tặng và đương nhiên lãnh đạo cũng không bao giờ khước từ.
Môi trường giáo dục cần trong sạch, sáng trong mới có thể đào tạo ra những con người liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt. Vì thế, muốn môi trường giáo dục lành mạnh thì phải bắt đầu từ những lãnh đạo của ngành từ hiệu trưởng trở lên.
Đừng để "văn hóa tặng quà" tồn tại một cách hiển nhiên làm khổ cho giáo viên và làm vẩn đục môi trường giáo dục bởi mỗi khi Tết đến chúng ta lại nghe đến chuyện tặng quà cho lãnh đạo của trường, của ngành mà không thể không buồn.
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net.vn
Tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng tại Kiên Giang: Nguồn động lực để nhà giáo cống hiến Trước tình trạng thiếu hàng ngàn giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng nhiều năm chưa được tuyển dụng, mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang có công văn tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên. Cô trò điểm trường Bãi Chà Và, xã Dương Hòa (huyện Kiên Lương, Kiên Giang). Ảnh: Q. Ngữ. Theo...